Đòi hỏi về việc sớm sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế

13/09/2024 | 05:18 GMT+7

Trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024).

Tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện tại xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tháng 3-2024.

Tại Phiên họp thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, nhiều ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết kịp thời xây dựng và ban hành dự luật; đồng thời nhấn mạnh, cần đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng các chính sách được đề xuất. Trong đó, nghiên cứu, làm rõ hơn một số nội dung trọng tâm về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; về bảo hiểm y tế bổ sung; phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế;...

Trong lần sửa đổi này, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung những vấn đề mang tính cấp bách tập trung vào 4 chính sách:

- Điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan;

- Điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn;

- Điều chỉnh các quy định về BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh BHYT;

- Và phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.

Nhiều ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết kịp thời xây dựng và ban hành dự luật.

Theo các đại biểu, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước về công tác BHYT. Đồng thời, sau 15 năm thực hiện Luật, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật BHYT đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, bất cập cần sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định hiện hành.

Theo đại biểu, nội dung các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật cơ bản đã phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp.

Thống nhất với đề xuất điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan, đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh để bảo đảm đồng bộ về đối tượng tham gia BHYT bắt buộc với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong Luật Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đối với một số đối tượng dự kiến bổ sung vào nhóm tham gia theo hộ gia đình, như: người sinh sống, làm việc, người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các tổ chức, cơ sở từ thiện, tôn giáo mà không thuộc các đối tượng đã được quy định trong Luật... thì chưa làm rõ được lý do bổ sung, chưa đánh giá tác động đầy đủ, nhất là điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế bảo đảm để người lao động tham gia BHYT bắt buộc được chuyển sang tham gia BHYT tự nguyện trong trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội để tiếp tục duy trì quyền lợi BHYT của người lao động.

Đối với nội dung điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn, đề nghị nghiên cứu quy định về nguyên tắc vấn đề mở rộng quyền lợi BHYT trong lĩnh vực y tế dự phòng, sử dụng một số sản phẩm dinh dưỡng điều trị đặc thù trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết; về BHYT bổ sung đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ thêm; trường hợp cần thiết đề nghị quy định thực hiện thí điểm;...

Theo đại biểu, việc mở rộng một số chính sách trong dự án Luật là phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền của người tham gia BHYT, tuy nhiên cần lưu ý, khi mở rộng cần làm rõ lộ trình tính đúng tính đủ giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh.

Đại biểu nhấn mạnh, hiện nay vấn đề này quy định chưa đủ, mặc dù trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định rõ Chính phủ có trách nhiệm ban hành lộ trình tính đúng tính đủ giá dịch vụ và trong Nghị quyết của Quốc hội cũng đề cập tới vấn đề này,...

Đại biểu còn đề nghị, cần xác định rõ lộ trình tăng mức đóng BHYT, luật hiện hành quy định mức đóng là 6% nhưng chưa thực hiện trên thực tế. Đồng thời, liên quan đến quỹ BHYT, yêu cầu tiếp tục rà soát kỹ các nội dung về sử dụng quỹ BHYT, thực hiện đánh giá tác động kỹ lưỡng để đề xuất giải pháp phù hợp, khắc phục tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong tổng kết thi hành Luật BHYT thời gian qua.

Cơ bản tán thành với 4 nhóm chính sách đề xuất sửa đổi, đại biểu nhấn mạnh, cần kịp thời rà soát, sửa đổi đặc biệt là những quy định không còn phù hợp nhằm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Mặc dù vậy quá trình xây dựng dự án Luật cần có đánh giá tác động toàn diện, kỹ lưỡng để đưa ra quy định phù hợp, mang tính khả thi cao. Trong đó, đối với quy định về BHYT bổ sung do đây là vấn đề lớn, cần nghiên cứu, làm rõ nội dung này; có đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng; đồng thời, lưu ý cách thức thống kê tham gia BHYT toàn dân đảm bảo chính xác, khách quan;...

Nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, đại biểu đề nghị, các nhóm chính sách đề xuất trong xây dựng dự án luật cần phải bao trùm đầy đủ, toàn diện và giải quyết được một cách căn cơ, triệt để các vấn đề vướng mắc đã được chỉ ra.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT là dự án luật quan trọng, cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các luật mới được Quốc hội ban hành như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật BHYT. Để đảm bảo trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 8 (10-2024) tới đây, Chính phủ thể hiện rõ quyết tâm đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án luật và cam kết thực hiện trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>