Kiến nghị của cử tri Hậu Giang được hai Bộ trả lời

27/09/2024 | 05:58 GMT+7

/uploads/Audio/News/2024/09/30/073550Kiến nghị của cử tri Hậu Giang được hai Bộ trả lời.mp3

Cử tri Hậu Giang vừa có các kiến nghị đến bộ, ngành chức năng về việc hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế có đủ điều kiện sử dụng các mạng 4G, 5G khi tạm dừng phát sóng mạng 2G; cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được hưởng chế độ thai sản; xem xét, quy định tăng số lần khám thai của lao động nữ lên 9 lần trong thai kỳ...

Quá trình tắt sóng 2G, Bộ TTTT, Sở TTTT triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ thuê bao thuộc diện.

Cử tri kiến nghị

Ngày 27-9-2022, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có công văn về việc định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G. Theo đó, các nhà mạng tạm dừng phát sóng mạng 2G trên cả nước, nhưng thực tế hiện nay các đối tượng yếu thế như: Người già, trẻ em, khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội… gặp khó khăn do không có điều kiện tiếp cận các mạng 4G hoặc 5G vì phải trang bị điện thoại smart phone có tính năng cao mới có thể sử dụng các mạng mới 4G, 5G. Đề nghị Bộ TTTT có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế có đủ điều kiện sử dụng các mạng 4G, 5G khi tạm dừng phát sóng mạng 2G.

Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời

Hiện nay, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 03 ngày 30/4/2024 và Thông tư số 04 ngày 10/5/2024 về quy hoạch các Băng tần 1800MHz và Băng tần 900MHz, trong đó quy định về lộ trình dừng công nghệ 2G.

Để thúc đẩy quá trình tắt sóng 2G, Bộ TTTT, Sở TTTT và các doanh nghiệp di động triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ thuê bao, trong đó có các hộ nghèo, hộ cận nghèo chuyển đổi sang sử dụng điện thoại công nghệ từ 4G trở lên, cụ thể như:

- Truyền thông tới người sử dụng để tạo sự đồng thuận của người sử dụng và tích cực chủ động chuyển đổi sang sử dụng điện thoại công nghệ cao hơn.

- Khuyến khích địa phương huy động các nguồn lực xã hội, nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ chuyển đổi smart phone, ưu tiên cho hộ nghèo, cận nghèo.

Ngoài ra, việc hỗ trợ thuê bao 2G Only bao gồm thuê bao thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách chuyển đổi sẽ dựa vào nguồn lực chính từ doanh nghiệp. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp cũng đang chủ động triển khai các giải pháp dừng công nghệ 2G trong đó có các giải pháp hỗ trợ người sử dụng chuyển đổi:

- Trợ giá máy điện thoại smart phone cho các thuê bao đang sử dụng máy 2G. Đồng thời, xây dựng các gói cước chuyển đổi (như thiết kế gói cước dành cho đối tượng chuyển đổi, ưu đãi 3-6 tháng data cho khách hàng chuyển đổi lên 4G; tăng lưu lượng data cho các khách hàng mua điện thoại tại cửa hàng hợp tác bán lẻ).

- Giải pháp đổi SIM 4G cho khách hàng (VNPT, Mobifone).

- Giải pháp mở rộng vùng phủ sóng di động: Các doanh nghiệp sẽ triển khai mở rộng vùng phủ sóng 4G đảm bảo tương đương vùng phủ 2G khi dừng công nghệ 2G.

Cử tri kiến nghị

Theo quy định của Luật BHXH hiện hành, chỉ có người lao động tham gia BHXH bắt buộc mới được hưởng chế độ thai sản. Đề nghị xem xét bổ sung chính sách trong việc sửa đổi Luật BHXH lần này, để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được hưởng chế độ thai sản. Đồng thời, đề nghị xem xét, quy định tăng số lần khám thai của lao động nữ lên 9 lần trong thai kỳ (theo quy định hiện tại là 5 lần) để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi.

Đề nghị quan tâm xem xét đánh giá tác động của việc quy định áp dụng chế độ nghỉ khám thai, định kỳ thai nghén, nghỉ thực hiện tránh thai cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện tương tự như BHXH bắt buộc để phù hợp với nguyên tắc của BHXH cũng như đạt mục tiêu thu hút người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Tại Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con là mức trợ cấp quá thấp, chưa thực sự phù hợp với việc bảo đảm nhu cầu của phụ nữ và trẻ em. Các quy định của chế độ trợ cấp thai sản mới chỉ chú trọng vào lợi ích vật chất mà người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng, chưa chú trọng đến những quyền lợi như được nghỉ việc để đi khám thai, nghỉ việc khi thực hiện biện pháp tránh thai, nghỉ dưỡng sức... Việc quy định chỉ cho 5 lần khám thai được hưởng chế độ BHXH như dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) hiện nay là chưa phù hợp với thực tế.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời

- Về kiến nghị bổ sung chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện và mức trợ cấp thai sản:

Ngày 29-6-2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật BHXH số 41, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Luật BHXH năm 2024 đã bổ sung chế độ thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện do ngân sách nhà nước bảo đảm, người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm so với hiện hành. Như vậy, kiến nghị của cử tri đã được quy định trong Luật BHXH năm 2024.

Bên cạnh đó, Luật BHXH năm 2024 cũng giao Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Khác với BHXH bắt buộc, chế độ thai sản đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện hoàn toàn do ngân sách nhà nước bảo đảm. Như vậy, khi điều kiện kinh tế - xã hội phát triển và khả năng của ngân sách nhà nước cho phép, Chính phủ sẽ xem xét, điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thai sản nhằm đảm bảo tốt hơn quyền thụ hưởng của người lao động.

- Về kiến nghị tăng số lần nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai của lao động nữ.

Theo tài liệu “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản” ban hành kèm theo Quyết định số 4128 ngày 29/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế, mỗi phụ nữ mang thai phải được quản lý thai và khám thai ít nhất 4 lần trong thai kỳ. Pháp luật về BHXH không quy định về thời gian, số lần đi khám thai của người lao động mà chỉ quy định số lần, thời gian lao động nữ nghỉ việc khi đi khám thai được hưởng chế độ thai sản do Quỹ BHXH chi trả.

Luật BHXH năm 2024 kế thừa quy định về số lần lao động nữ nghỉ việc khi đi khám thai được giải quyết hưởng chế độ thai sản và đã điều chỉnh tăng thời gian tối đa hưởng chế độ thai sản của mỗi lần lao động nữ nghỉ việc đi khám thai là 2 ngày để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của lao động nữ mang thai.

K.L

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>