Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng

03/10/2024 | 18:15 GMT+7

/uploads/Audio/News/2024/10/04/075222Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng.mp3

Tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án vừa chủ trì Hội nghị “Góp ý kiến Đề án Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước”.

Quang cảnh hội nghị.

Ba phần quan trọng của dự thảo Đề án

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, thực hiện nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao, Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước trong năm 2024. Đảng đoàn Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước”.

Đến đầu tháng 10, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã chỉ đạo Tổ biên tập tiến hành xây dựng Hồ sơ dự thảo Đề án và Chỉ thị trên cơ sở báo cáo của các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy; 63 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, kết quả công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước trong một số lĩnh vực, báo cáo tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW…

Dự thảo Đề án có phần mở đầu và 3 phần: Một số vấn đề vấn đề chung về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước; Thực trạng sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước; Một số giải pháp, kiến nghị nâng cao hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước.

Trong khi đó, dự thảo Chỉ thị gồm các nội dung chính về kết quả đạt được của công tác thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước; những hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế trong công tác này; các giải pháp nhằm tăng cường công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước và các biện pháp tổ chức thực hiện.

Nâng cao hơn nữa nhận thức về phòng, chống tham nhũng

Tại hội nghị, đại biểu tập trung cho ý kiến về các quy định của Đảng đối với công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật; vai trò, nội dung, hình thức, phương pháp lãnh đạo của Đảng đối với công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước.

Đại biểu cũng phân tích làm rõ các khái niệm, đặc điểm, tiêu chí đánh giá, những yếu tố tác động quá trình thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật...

Các ý kiến đều đánh giá cao quá trình chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng cũng như cơ bản đồng tình với nội dung của dự thảo Đề án, dự thảo Chỉ thị. Việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước đã được Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các ban cán sự đảng các bộ, ngành, các cấp ủy ở địa phương chú trọng tập trung quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan nâng cao trách nhiệm trong việc nghiên cứu, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng để thể chế hóa thành pháp luật của Nhà nước; tuân thủ nghiêm quy trình xây dựng pháp luật trong việc soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, thảo luận cho ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện và thông qua các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng…

Đại biểu cũng đề nghị, giữa dự thảo Đề án và dự thảo Chỉ thị cần có sự kết nối, việc chuyển tải từ sản phẩm của Đề án thành Chỉ thị phải thể hiện một cách cô đọng, khái quát. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thể chế hóa tập trung vào: Đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo hướng đồng bộ, toàn diện; Quán triệt nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận và đánh giá cao ý kiến tham luận, góp ý tại Hội nghị.

Để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, cần bám sát yêu cầu, nội dung, phạm vi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã giao đồng thời, trong cách thức thể hiện phải có sự thống nhất, gắn bó chặt chẽ giữa nội dung Đề án và Chỉ thị.

Theo đó, cần coi Đề án là thuyết minh của Chỉ thị và Chỉ thị phải thể hiện rõ được “hồn cốt”, tinh thần cơ bản nhất của Đề án. Đồng thời, lưu ý phân tích, bổ sung về mối quan hệ giữa thể chế pháp luật nói chung và thể chế hóa thành pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Nghiên cứu làm rõ về trách nhiệm của các chủ thể trong thể chế hóa; mức độ và các trường hợp thể chế hóa; cấp độ thực hiện thể chế hóa; các cơ quan kiến nghị xây dựng đường lối để từ đó thể chế hóa thành pháp luật; làm rõ công tác phối hợp giữa các chủ thể trong thể chế hóa và kiểm soát quyền lực trong thể chế hóa;...

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>