ĐIỀU TUYỆT VỜI CỦA CHÚNG TA

Thứ Sáu, ngày 25/10/2024 | 17:43

Nền tảng tư tưởng có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính chất sống còn của Đảng. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đảng viên cũng phải ra sức bảo vệ như bảo vệ con ngươi trong mắt mình. Việc khẳng định những thành quả cách mạng của Đảng chính là lời khẳng định đanh thép về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

1. Đặt vấn đề:

VIỆT NAM – một đất nước nhỏ bé hình chữ S duyên dáng nằm uốn lượn dọc bờ biển Đông – một đất nước được thế giới biết đến với những kỳ tích, chiến công lịch sử vẻ vang, lẫy lừng cả năm châu bốn bể - đất nước gắn liền với hình ảnh người anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh. Với diện tích xếp hạng thứ 66 trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam đã có gì mà là chúng ta tự hào đến vậy?

2. Những chiến công lịch sử vĩ đại

Vào khoảng thế kỷ VII trước công nguyên (2879 TCN) nhà nước Văn Lang ra đời, đến thế kỷ III (TCN), An Dương Vương lập nên nước Âu Lạc. Kể từ đó nước ta lần lượt trải qua các cuộc chiến đấu oanh liệt chống ngoại xâm, từ Trung Quốc, Mông Cổ, Pháp, Nhật, Mỹ… Cột mốc lịch sử không một người Việt Nam nào quên được, đó là ngày 2/9/1945, trước hàng triệu đồng bào, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã mở đầu cho kỷ nguyên hoà bình, độc lập của dân tộc Việt Nam.

Những chiến công oanh liệt, xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam được tạo ra chính bởi những con người có vóc dáng nhỏ bé, gầy gò, của một dân tộc đã từng có hơn 2 triệu người chết vì đói từ chính sách nhổ lúa trồng đay của Phát xít Nhật; bởi tinh thần bất khuất, ý chí tự cường, lòng tự tôn dân tộc của nhân dân Việt Nam; đặc biệt là sự ra đời của Đảng cách mạng chân chính – Đảng Cộng sản Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Đảng ta ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3. Thành tựu gần 40 năm đổi mới

Bước ra khỏi chiến tranh, nước ta hướng đến hành trình mới. Từ năm 1986 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, công cuộc đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và uy tín quốc tế như ngày nay”[1]. Cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín ấy không chỉ thể hiện qua các bảng báo cáo, qua những lời nói suông, mà đã được khẳng định ở từng thành tựu trên tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trên phương diện kinh tế - xã hội: Việt Nam từ một nước nghèo đói, lạc hậu, ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh nhưng đến nay mức tăng trưởng bình quân đã gần 7%/năm; là nước trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đồng thời, được đánh giá là “ngôi sao sáng của Châu Á” và được xếp vào top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.

Trên phương diện chính trị: đứng trước những biến động, bất ổn khó lường của tình hình thế giới và khu vực như hiện nay, nước ta vẫn đảm bảo hòa bình ổn định để phát triển. Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) đã công bố Chỉ số Hòa bình Toàn cầu năm 2023 (chỉ số đánh giá các quốc gia yên bình của thế giới với các tiêu chí dựa trên 3 lĩnh vực: Xung đột trong nước và quốc tế đang diễn ra; An toàn và an ninh xã hội; Quân sự hóa), trong bảng đánh giá này, Việt Nam được xếp hạng 41/163 quốc gia và vùng lãnh thổ. Không những vậy, trong Bảng xếp hạng về Chỉ số trật tự và luật pháp toàn cầu do Gallup công bố vào cuối năm 2023, ở khu vực Châu Á, Việt Nam được xếp hạng nhất và xếp thứ 7 thế giới về mức độ an toàn. Để được quốc tế công nhận là nước ổn định về chính trị, Đảng và Nhà nước ta luôn đề ra các mục tiêu cụ thể để bảo vệ độc lập dân tộc; chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc. Trên cơ sở đó, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa vẫn được đặt lên hàng đầu và có vị trí vô cùng quan trọng.

Trên phương diện ngoại giao: Từ một nước chịu sự bao vây, cấm vận, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước; mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Là chủ tịch luân phiên lần thứ hại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020; là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021; là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025; Ủy ban liên chính phủ bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2023 - 2027…. Từng bước, Việt Nam đã và đang khẳng định “là bạn là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”[2].

Mặt khác, Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của toàn cầu và được nâng tầm về vị trí, uy tín quốc tế, nhất là trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, nước ta được nhiều nước trên thế giới đánh giá cao. Điển hình như trên trang mạng zen.yandex.ru của Nga (zen.yandex.ru là trang tìm kiếm lớn thứ 4 thế giới) đã có bài viết là “Việt Nam - hình mẫu về cách thức kiềm chế đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong điều kiện hạn chế”[3] – ca ngợi về công tác phòng chống bệnh Covid-19 của Việt Nam. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong một thập kỷ qua, Việt Nam tăng hơn 30 bậc về chỉ số nhận thức tham nhũng, theo xếp hạng của Tổ chức Minh bạch thế giới. “Điều này cho thấy Đảng và Chính phủ phòng chống tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt và theo một cách có hệ thống”[4]. Qua các hoạt động quyết liệt đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng và Nhà nước đã để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, đồng thời, thể hiện quyết tâm về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Và, không thể quên được, vào ngày 07/9/2024, cơn bão lịch sử Yagi đã đổ bộ vào Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề với hàng trăm người chết, hàng ngàn người bị thương, thiệt hại về vật chất không thể nào kể xiết. Trước hoàn cảnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm quyết liệt chỉ đạo yêu cầu cả hệ thống chính trị dành ưu tiên cao nhất cho việc khắc phục hậu quả do cơn bão Yagi gây ra. Cả hệ thống chính trị, cả dân tộc cùng chung tay, hoà mình để chia sẻ, động viên, làm điểm tựa vững chải để tái thiết lại sự tàn phá của cơn bão số 3. Nhờ sự sáng suốt của Đảng, nhân dân Việt Nam đã đồng lòng, đoàn kết, kiên cường chống lại “kẻ thù thiên tai”, thế giới lại một lần nữa nghiêng mình nể phục trước tinh thần Việt Nam: “Đây là lý do họ chưa bao giờ thua bất kỳ trận chiến nào. Tinh thần đoàn kết của người Việt Nam không thể diễn tả thành lời”; “Bão Yagi có thể mang đến nhiều thử thách, nhưng hôm nay chúng ta chứng kiến bản chất thực sự của văn hoá Việt: Đoàn kết và kiên cường[5]. Đây chắc chắn là thành quả từ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khó có thể phủ nhận các thành tựu của đất nước ta sau gần 40 năm đổi mới, điều đó càng khẳng định rõ sự đúng đắn, sáng suốt trong đường lối cách mạng của Đảng. Thành quả đó chính là sự tổng hợp sức mạnh đại đoàn kết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; là sự ghi nhận, là chiến công của những nỗ lực, sự cống hiến, sức sáng tạo của tất cả các giai tầng trong xã hội. Khẳng định sâu sắc sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[6].

Khó có thể khiêm tốn khi nói rằng, ở thế kỷ XXI, khi nhắc đến Việt Nam, thế giới sẽ nhớ đến hình ảnh của một đất nước xinh đẹp, hoà bình; với một dân tộc yêu chuộng sự chính nghĩa, nhân văn. Một đất nước dù chưa thật sự giàu có nhưng theo công bố của Liên Hiệp quốc về Chỉ số hạnh phúc, Việt Nam tăng 11 bậc (từ vị trí thứ 65 năm 2023) đã lên vị trí 54 (năm 2024) với tổng điểm trung bình là 6,043. Là công dân Việt Nam, người con của Việt Nam, chúng ta không thể không tự hào, hãnh diện trước những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được trong tiến trình đổi mới.

4. Thách thức từ những chiêu trò chống phá Đảng

Trước những thành quả lớn lao của cách mạng, vị thế, uy tín của Đảng ngày càng được khẳng định. Ấy vậy mà, song song với tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong mỗi giai đoạn của đất nước, Đảng ta luôn phải đương đầu đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng.

Với các thế lực thù địch, phản động, chúng vẫn luôn kiên trì, ngoan cố, dùng mọi thủ đoạn ráo riết thực hiện mọi âm mưu "diễn biến hòa bình", tận dụng mọi cơ hội, mọi sơ hở của Đảng và Nhà nước ta để tập trung chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam với nhiều mánh khoé, hành động tinh vi thâm độc với mục đích chủ yếu là nhằm hạ thấp uy tín, vai trò của Đảng trước Nhân dân, mục tiêu lớn nhất của chúng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Không chỉ chống phá Đảng và Nhà nước, bọn chúng còn không ngại tấn công, phủ định, xuyên tạc học thuyết Mác - Lênin, đưa ra các luận điệu cổ vũ cho bạo lực, chiến tranh; phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh qua nhiều cách thức, phương pháp. Phổ biến nhất là chúng sử dụng, lợi dụng mạng lưới internet và truyền thông xã hội để chống phá; kích động những phần tử, các đối tượng dễ hoài nghi, dao động nhằm thực hiện các hoạt động chống phá trực tiếp và gián tiếp vào Đảng và Nhà nước ta. Nguy hiểm hơn, chúng lợi dụng chính sách tôn giáo, tín ngưỡng để kích động các phần tử có nhận thức lệch lạc để thực hiện các hoạt động mang tính chất bạo động như “Nhà nước Đề Ga độc lập”, “Nhà nước Mông”… gần đây nhất là vụ nổ súng ở Đăk Lăk, đặc biệt là lợi dụng những ưu thế của mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Bọn chúng còn vô cùng ngang ngược, cố chấp khi đưa ra những yêu cầu đòi Nhà nước ta phải bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 2013, đòi đa nguyên, đa đảng; phá bỏ nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; vu cáo Đảng chiếm quyền của dân, vi phạm dân chủ, nhân quyền, “độc đoán, đảng trị”; đối lập Đảng với Nhà nước và đối lập Đảng, Nhà nước với Nhân dân... Đây vẫn là nguy cơ và cũng là thách thức lớn đối với Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

Ngoài các thế lực phản động, thù địch, Đảng ta còn đối mặt với một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Qua nhiều sự việc, sự kiện, có thể khẳng định rằng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của cán bộ, đảng viên có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, sức mạnh của Đảng. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khoá XII, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nghiêm khắc cảnh báo: “Từ sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống sẽ dẫn đến diễn biến, tự diễn biến, tự chuyển hóa, đây chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm, không lường trước được, rất có thể dẫn tới tiếp tay, hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Đảng, của dân tộc”. Như vậy, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường, cụ thể như dễ bị kể xấu lợi dụng, kích động để chống phá Đảng, hay có những hành vi gây hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc. Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên đã gây ra những vụ tham nhũng cực kỳ nghiêm trọng như vụ Việt Á, vụ Vạn Thịnh Phát, vụ liên quan đến Cục Đăng kiểm … tất cả đều xuất từ “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

Nhìn chung, ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội, các thế lực phản động đều tìm mọi thủ đoạn để chống phá Đảng ta. Mặc dù vậy, bằng bản lĩnh, sức mạnh, niềm tin của nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đủ tỉnh táo, sáng suốt, tinh anh nhận diện kẻ thù và xác định chiến thuật phù hợp để đối phó với từng đối tượng. Trong mọi hoàn cảnh, điều kiện, Đảng vẫn luôn hướng đến lợi ích của toàn dân, vẫn giữ vững bản chất là Đảng của dân, là “Đảng ta” qua 94 năm hình thành và phát triển.

Trên thực tế, không thể phủ nhận rằng, trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội theo định hướng của Đảng thì đất nước chúng ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ, chúng ta vẫn còn không ít thù trong giặc ngoài; và trong công tác lãnh chỉ đạo của Đảng vẫn có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, sự quyết tâm để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, quyết tâm xây dựng một đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” luôn được thể hiện rõ và nhất quán qua từng Cương lĩnh, Nghị quyết, Chỉ thị… của Đảng. Từ Đại hội lần thứ nhất đến Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã chứng minh rằng, Đảng không phải chỉ biết nói suông mà luôn dám nhìn thẳng vào sự thật, dám nhận sai, sửa sai; là Đảng luôn động viên, khuyến khích, bảo vệ đảng viên “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”. Chính vì thế, từ đầu nhiệm kỳ (2020 – 2025) đến nay, đã có hơn 1.400 tổ chức đảng, hơn 66.000 đảng viên bị kỷ luật, riêng trong năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, hơn 24.160 đảng viên. Sự nghiêm minh trong lãnh đạo của Đảng càng khẳng định, suốt quá trình trưởng thành, Đảng đã luôn ghi nhớ lời dặn dò của Bác, trong Di chúc, Bác viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền... Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[7].

Rất đỗi tự hào rằng, không có đất nước nào trên thế giới chỉ có một chính đảng được nhân dân đồng lòng ủng hộ như ở nước Việt Nam của chúng ta. Bởi lẽ, chính từ đường lối nhân văn, sáng suốt, từ mục đích bảo vệ lợi ích toàn dân, Đảng Cộng sản Việt Nam chính là điều tuyệt vời của nhân dân Việt Nam, do đó, luôn được nhân dân Việt Nam tin yêu, bảo vệ.

5. Làm gì để bảo vệ “điều tuyệt vời” của chúng ta?

Là người con của đất nước Việt Nam, là người đảng viên của Đảng, thiết nghĩ rằng, trước những khó khăn, trở ngại có nguy cơ làm tổn hại đến uy tín, danh dự của Đảng, với lòng tự tôn dân tộc, với tinh thần cách mạng triệt để - để xứng đáng với lời thề trước Đảng, chúng tôi quyết tâm sẽ thực hiện những nhiệm vụ cụ thể sau:

Thứ nhất, phải nghiên cứu thật kỹ, nắm thật vững về Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh – đây là hai bộ phận cốt yếu của nền tảng tư tưởng Đảng. Bản thân mỗi đảng viên phải hiểu rõ được tại sao phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tại sao Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là nền tảng tư tưởng Đảng. Khi nhận thức được các vấn đề trên, chúng ta sẽ biết rõ được trách nhiệm của bản thân phải làm gì để bảo vệ “điều tuyệt vời” ấy.

Thứ hai, luôn giương cao lòng tự tôn dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.

Dân tộc Việt Nam với hơn 4000 năm lịch sử đã chiến thắng 1.418 cuộc chiến tranh trước những kẻ thù nguy hiểm, bạo tàn. Những chiến công hiển hách đó đều xuất phát từ lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt của nhân dân ta. Chính lòng tự tôn đã hình thành nên bản lĩnh, tình yêu đối với quê hương đất nước, hun đúc nên truyền thống yêu nước chân chính của dân tộc Việt Nam. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam phải luôn đoàn kết, yêu thương nhau như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[8]; bên cạnh đó, phải gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam, trong xu hướng quốc tế hoá hiện nay, chúng ta hòa nhập nhưng không hòa tan, bởi vì văn hoá vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển bền vững của Việt Nam. Khi chúng ta chung tay tham gia xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, chính là chúng ta đã tham gia bảo vệ Đảng – bảo vệ điều tuyệt vời của chúng ta.

 Thứ ba, rèn luyện phẩm chất, bản lĩnh của người cách mạng nhằm bảo vệ Đảng, tạo dựng lòng tin của nhân dân.

Để tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thì việc nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên là vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp thiết, có ý nghĩa sống còn đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay. Do đó, đòi hỏi mỗi đảng viên phải quan tâm rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, có như vậy mới không dễ bị kẻ thù lợi dụng, kích động.

Thực tế đã chứng minh, chỉ khi đội ngũ cán bộ đảng viên giữ vững được phẩm chất đạo đức cách mạng thì niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được vững chắc và ngược lại. Vì thế, yêu cầu cấp thiết hiện nay là rèn luyện phẩm chất người đảng viên là việc làm thường xuyên liên tục. Đồng thời có chính sách khen thưởng, biểu dương kịp thời những đảng viên ưu tú, điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, phải có những biện pháp chế tài nghiêm minh để xử lý các hành vi sai phạm, tạo tính răn đe đối với những cá nhân làm suy đồi phẩm chất cách mạng của người đảng viên, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.

Thứ tư, cán bộ, đảng viên phải tự nâng tầm để đáp ứng với yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thích ứng với cuộc Cách mạng khoa học công nghệ 4.0, xu hướng toàn cầu hoá.

Theo Báo Điện tử Đại biểu Quốc hội nhận định: “Việt Nam hiện có khoảng 9.000 giáo sư và phó giáo sư, 24.000 tiến sĩ và hơn 100.000 thạc sĩ, nhưng số lượng công bố quốc tế còn khá hạn chế, chỉ số ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam cũng thấp hơn so với một số nước trong khu vực, như Thái Lan, Malaysia, Singapore”[9]. Điều đó cho thấy rằng, tuy nước ta coi trọng giáo dục đào tạo, nhưng về khoa học ứng dụng chúng ta vẫn chưa được đánh giá cao. Do đó, với tốc độ phát triển của thế giới hiện nay, cán bộ, đảng viên không chỉ cần có chuyên môn, nghiệp vụ mà bên cạnh đó cần phải tự nâng chất, nâng tầm bản thân để thích ứng với thời kỳ hội nhập. Ngoài yêu cầu về kiến thức chuyên môn, mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động tự học tập để trở thành những chuyên gia trong ngành, lĩnh vực do mình phụ trách. Có như vậy chúng ta mới thật sự tự lực, tự cường, giảm sự phụ thuộc, tác động từ nguồn lực bên ngoài để thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đi nhắc lại: “Học, học nữa, học mãi”, nếu không học tập và rèn luyện lâu ngày sẽ bị tụt hậu và đào thải. Cán bộ, đảng viên nào có biểu hiện lười học, lười suy nghĩ, không thường xuyên cập nhập, tiếp nhận những thông tin, tri thức mới đây cũng là biểu hiện sự suy thoái tụt hậu. Cần phải có tính tự giác - tự mình ý thức về trách nhiệm, tự mình làm những công việc cần làm và phải làm để đem lại hiệu quả cao nhất. 

 Thứ năm, kiên quyết, kiên trì đấu tranh với cái xấu, cái sai, chống bệnh thành tích, giáo điều.

Đây cũng chính là chủ trương nhất quán của Đảng, mỗi đảng viên phải “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”, có như vậy mới thực sự làm tốt công tác tự phê bình và phê bình, mới dũng cảm đấu tranh với cái xấu, cái sai, giáo điều, chuộng thành tích.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Bác đã khẳng định: “Đảng ta là một tổ chức rất tiến bộ, đã có những thành tích rất vẻ vang… Trong Đảng ta, gồm có những người có tài, có đức. Phần đông những người hăng hái nhất, thông minh nhất, yêu nước nhất, kiên quyết, dũng cảm nhất đều ở trong Đảng ta”[10]... Chính vì thế, cán bộ, đảng viên phải là những con người luôn đi đầu trên mọi trận tuyến, trong thời chiến cũng như trong thời bình, xứng đáng với vai trò vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Để làm được điều này, trước hết lãnh đạo cấp cao, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải làm gương, thể hiện tinh thần và thái độ đúng, sẵn sàng đấu tranh, sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thử thách. Đồng thời, Đảng và Nhà nước cần xây dựng cơ chế khuyến khích việc phát hiện và tố giác hành vi, biểu hiện lệch lạc, sai trái bằng việc mở rộng cơ hội tiếp cận thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; làm tốt công tác tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến tố giác, tố cáo hành vi sai trái của cán bộ, đảng viên và bảo vệ những người dám lên tiếng, dũng cảm tố cáo hành vi đó, góp phần phát huy tính tích cực, chủ động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tố cáo và đấu tranh với hành vi sai trái, tiêu cực.

 Thứ sáu, biết khơi dậy khát vọng của từng cá nhân, tổ chức để xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Quan điểm “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” lần đầu tiên được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Điều đó thể hiện rõ sự phát triển trong tư duy, nhận thức của Đảng về tận dụng sức mạnh nội sinh của dân tộc và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới; quyết tâm dồn hết sức lực, trí tuệ, sức sáng tạo để đạt được mục tiêu làm cho nhân dân ấm no, tự do, hạnh phúc.

Vì thế, việc đầu tiên cần làm là phải hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với tất cả các thành phần kinh tế; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Song song đó, phải phát huy triệt để vai trò của các ngành, lĩnh vực trong xã hội. Tập trung các nguồn lực, vận dụng linh hoạt các phương pháp, tích cực đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, để các ngành, lĩnh vực quan trọng này phải thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

6. Kết luận

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: “sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”[11]. Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã tiến bước mạnh mẽ và vững chắc trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Qua các thành tựu của đất nước, một lần nữa chúng ta có thể khẳng định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam chính là “điều tuyệt vời” của nhân dân Việt Nam. Để “điều tuyệt vời” ấy luôn toả sáng rạng rỡ, từng cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ ràng về vai trò, trách nhiệm của mình đối với Đảng, “tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được, và cũng không quá bi quan, dao động trước những khó khăn, thách thức; mà trái lại, cần phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt”[12] để vượt qua các chông gai, trở ngại. Từ đó, góp phần bồi đắp niềm tự hào, tự tin cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân vững bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng – luôn hãnh diện bởi “điều tuyệt vời” của chúng ta./.

 

Ths.PHAN NGỌC YẾN

Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II, H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, H. tr.66

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr453.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr302.

 

 

[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIISđd, t. I, tr. 25

[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIISđd, t. I, tr. 161 – 162

[3] https://baophapluat.vn/co-mot-viet-nam-nhu-the-post343347.html

[4] https://baochinhphu.vn/quoc-te-danh-gia-cao-no-luc-phong-chong-tham-nhung-cua-viet-nam-102220613183027018.htmf

[5] https://vufo.org.vn/Su-doan-ket-cua-nguoi-Viet-trong-con-bao-Yagi-gay-an-tuong-voi-ban-be-quoc-te-25-109092.html?lang=vn

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 103 - 105

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2002, tập 12, tr. 510.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.453

[9] https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/ca-he-thong-giao-duc-dai-hoc-viet-nam-moi-co-khoang-200-bang-doc-quyen-sang-che-i351391/#:~:text=c%C3%A1c%20qu%E1%BB%91c%20gia.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr.302

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, H. tr.66

[12] Bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Xem thêm

VAI TRÒ THAM CHÍNH CỦA PHỤ NỮ, TIẾP CẬN TỪ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH – THỰC TIỄN TỈNH HẬU GIANG

17:38 25/10/2024

Bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ của Việt Nam, mà của cả các nước trên thế giới, là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội, một quốc gia.

📷 PHÁT HUY TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

08:34 10/10/2024

Trên cơ sở kế thừa và phát triển các quan điểm về dân chủ của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản của các cơ quan Nhà nước trong chế độ ta, nó đã được thể hiện trong tổ chức Nhà nước của ta” trong (Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.12, tr.379). Theo Người, quyền dân chủ được thể hiện trên mọi lĩnh vực của

TRÁCH NHIỆM TIẾP DÂN CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CẤP UỶ

23:26 09/10/2024

Thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh,

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO TRONG NHÀ TRƯỜNG

23:23 09/10/2024

Trường THCS Thuận Hưng tọa lạc tại cửa ngỏ của con đường Tỉnh lộ xuôi về huyện Long Mỹ tỉnh Hậu Giang. Chi bộ nhà trường thuộc Đảng ủy xã Thuận Hưng.

Tâm sự của đôi Bạn đời kháng chiến

23:20 09/10/2024

Tôi sinh ra và lớn lên khi chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hoàn toàn thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà.

HỌC VÀ LÀM THEO PHONG CÁCH “NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM”CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH Ở TRƯỜNG TIỂU HỌC VĨNH THUẬN ĐÔNG 1

23:18 09/10/2024

Hồ Chí Minh vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc ta. Con người, cuộc đời, sự nghiệp của Người luôn là tấm gương sáng cho chúng ta học tập và noi theo.

SỰ NGHIỆP “TRỒNG NGƯỜI” TRƯỜNG THCS CHIÊM THÀNH TẤN, HUYỆN LONG MỸ

23:12 09/10/2024

Giáo dục và đào tạo luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, được coi là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.

BÀI DỰ THI GIẢI BÚA LIỀM VÀNG

23:05 09/10/2024

Đảng ta là một tổ chức chặt chẽ, được xây dựng và trưởng thành từ đội ngũ đảng viên.

BÀI VIẾT THAM GIA DỰ THI GIẢI BÚA LIỀM VÀNG

23:01 09/10/2024

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc lấy gương người tốt việc tốt để tuyên truyền, giáo dục cho đông đảo quần chúng nhân dân, với nguyện vọng thế hệ sau sẽ tiếp bước thế hệ trước để phát huy tốt nhất ý chí, tinh thần trách nhiệm,

PHÁT HUY NGUỒN GỐC SỨC MẠNH CỦA ĐẢNG TRONG TẬP THỂ

22:58 09/10/2024

Trên cơ sở kế thừa và phát triển các quan điểm về dân chủ của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

📷 Bé T. bị bạo hành đã xuất viện, sức khỏe ổn

20:23 25/10/2024

(HGO) – Bé T., bị mẹ bạo hành sau thời gian điều trị đã xuất viện. Người nhà bé T., thông tin, hiện bé đã ổn định về tinh thần, sức khỏe; trong thời gian nằm điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi được y, bác sĩ tận tình chăm sóc.

📷 Giải quyết vướng mắc các dự án khu công nghiệp, khu tái định cư

19:27 25/10/2024

(HGO) - Chiều ngày 25-10, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa chủ trì cuộc họp giải quyết vướng mắc về công tác bồi thường,

📷 Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh vào tuần sau

17:34 25/10/2024

(HGO) - Thường trực HĐND tỉnh sẽ tổ chức Kỳ họp thứ 22 (kỳ họp chuyên đề), nhiệm kỳ 2021-2026.

📷 Góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

17:23 25/10/2024

Tại Phòng Diên Hồng, Quốc hội vừa đã tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).