Bài toán thương mại nông thôn: Bao giờ có lời giải ?

23/05/2024 | 07:41 GMT+7

Bài 2: Tiểu thương “kêu trời” vì hạ tầng xuống cấp

Được xây dựng cách đây nhiều năm, trong khi kinh phí nâng cấp, sửa chữa còn hạn chế nên nhiều chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng xuống cấp, hư hỏng. Điều này, ảnh hưởng lớn đến việc trao đổi, mua bán của các tiểu thương và người dân.

Một góc đường vào chợ Vĩnh Viễn bị xuống cấp, ứ đọng nước.

Là kênh phân phối đã tồn tại lâu đời và gắn bó với đời sống nhân dân nên phần lớn người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua sắm hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm tại các chợ truyền thống vì sự tiện lợi và có nhiều lựa chọn phù hợp với mức thu nhập. Tuy nhiên, hiện nay nhiều chợ trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp, hạ tầng trong chợ lộn xộn, nhếch nhác, làm xấu đi hình ảnh văn minh thương mại.

Từ nhiều năm qua, chợ Vĩnh Viễn, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, thu hút đông đảo tiểu thương trong và ngoài thị trấn. Lượng người mua hàng tại chợ luôn đông đúc. Tại nhiều thời điểm, nhất là lúc sáng sớm, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại khu vực trước chợ thường xuyên xảy ra. Chợ Vĩnh Viễn được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1993. Chợ hiện có 145 lô sạp và 80 ki-ốt. Trong đó, số lô quầy tiểu thương đấu giá trúng đang kinh doanh cố định là 75 lô.

Sau thời gian dài đưa vào sử dụng, công trình kiến trúc của chợ đã xuống cấp, không an toàn trong quá trình mua bán, kinh doanh của tiểu thương, đặc biệt là vào mùa mưa bão. “Con đường dẫn vào chợ đang xuống cấp trầm trọng. Vào mùa mưa, chỗ này thường đọng nhiều vũng nước lớn, xe lưu thông qua lại vừa khó, vừa dơ, nhất là ở khu chợ bán cá, thủy sản. Ngoài ra, ở chợ có cống thoát nước nhưng đường kính nhỏ nên thường bị nghẹt, hàng loạt rác thải ứ đọng tại khu vực này gây ô nhiễm trầm trọng đặc biệt là vào những ngày mưa lớn. Bên cạnh đó, ngập úng kéo dài khiến cho việc buôn bán của bà con ở đây trở nên ế ẩm”, bà L.T.L, tiểu thương tại chợ Vĩnh Viễn, trăn trở.

Cùng chung tâm trạng, chị N.T.T, cũng là tiểu thương của chợ, cho biết thêm: “Nếu tình hình này kéo dài thì chúng tôi cũng không biết xử lý như thế nào. Mong rằng các cấp chính quyền địa phương vào cuộc giải quyết triệt để tình trạng trên để chúng tôi yên tâm buôn bán, mưu sinh qua ngày”.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Tổ trưởng Tổ quản lý chợ Vĩnh Viễn, cho biết: “Chợ Vĩnh Viễn được hình thành từ năm 1993, từ đó đến nay, chợ cũng được sửa chữa nâng cấp vài lần. Mới đây nhất, vào cuối năm 2023, chợ được cải tạo thêm một số hạng mục như: nâng cấp bờ kè, nhà lồng chợ; nâng cao khoảng 45% lối đi vào chợ… Tuy nhiên, với những giải pháp như vậy vẫn chưa cải thiện được tình trạng xuống cấp của chợ”.

Huyện Long Mỹ hiện có 7 chợ nông thôn đang hoạt động. Tuy nhiên, hạ tầng các chợ này đều đã xuống cấp. Mặc dù địa phương đã thực hiện các giải pháp để chuyển đổi mô hình quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ nhưng đến nay việc triển khai vẫn đang gặp không ít khó khăn, bất cập. 

Theo ông Trịnh Quốc Quí, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Long Mỹ, hệ thống chợ trên địa bàn huyện đa số được đầu tư kiên cố và bán kiên cố, nhưng do thời gian đưa vào sử dụng khá lâu nên một số hạng mục xuống cấp trầm trọng gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; một số công trình xây dựng trong chợ không còn phù hợp với quy mô hoạt động của chợ, cần nâng cấp, cải tạo mở rộng để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Mặc dù hàng năm đơn vị đã trích một phần kinh phí để sửa chữa, duy tu các hạng mục, tuy nhiên vì các chợ được xây dựng từ lâu nên hiện chợ trung tâm huyện cũng như các chợ khác tình trạng hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng khá nhiều. Trong khi nguồn kinh phí duy tu thường xuyên của đơn vị hạn chế nên không đủ để sửa chữa.

Còn tại Nhà lồng C, chợ Long Mỹ (thị xã Long Mỹ), thời gian trước, nhiều tiểu thương tại chợ và cả người mua đều quan ngại trước tình trạng từng tấm la phông bị rỉ sét, một số đã rơi rớt, còn một số dính lại treo lủng lẳng. Theo các tiểu thương, do xây dựng đã lâu lại không được tu sửa thường xuyên nên nhà lồng C đã hư hỏng nghiêm trọng. Vào mùa mưa bão, cả người bán lẫn người đi chợ đều luôn phải nơm nớp lo sợ. Nhiều lúc giông, gió, mảnh la phông bất ngờ rơi xuống, rất nguy hiểm. Nhưng người dân không có sự lựa chọn nào khác vì kế sinh nhai.

Bà N.X.L, tiểu thương chợ Long Mỹ, kể lại: “Tôi vào đây buôn bán từ lúc mới thành lập nhà lồng. Qua thời gian dài đưa vào hoạt động, nhà lồng C bị xuống cấp trầm trọng, trời mưa thì dột, la phông bằng tôn có khả năng rơi bất cứ lúc nào. Vì vậy, mỗi sạp buôn bán đều làm mái che bằng cao su”.

Hạ tầng xuống cấp, thiếu sự đầu tư, nâng cấp tại không ít chợ dân sinh ở các địa phương trên địa bàn tỉnh không chỉ ảnh hưởng đến việc buôn bán của tiểu thương, mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, mất an toàn và không đảm bảo cảnh quan, vệ sinh môi trường. Hiện nay, việc sửa chữa, nâng cấp các chợ đã hư hỏng đang đặt ra rất bức thiết, cần được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quan tâm giải quyết nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho việc mua bán, lưu thông hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương…

Bài, ảnh: Y.L

Bài 3: Cần lắm những giải pháp để phát triển chợ nông thôn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>