Bước tiến công nghiệp nông thôn

01/05/2024 | 13:17 GMT+7

Hậu Giang có 11 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) cấp Quốc gia. Những sản phẩm này đã tạo dấu ấn riêng, đó là khai thác được lợi thế về vùng nguyên liệu, đặc trưng riêng của tỉnh, nhất là tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Sản phẩm xoài sấy dẻo của Công ty TNHH Ba Sương - Long Mỹ là 1 trong 34 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh năm 2023.

Doanh nghiệp khẳng định “chỗ đứng”

Sản phẩm CNNT giữ vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu ngành hàng, thúc đẩy công nghiệp, thương mại, dịch vụ khu vực nông thôn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất, hộ gia đình đầu tư máy móc, kỹ thuật, hiện đại hóa quy trình sản xuất để đưa ra thị trường những sản phẩm CNNT chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và hướng tới thị trường xuất khẩu.

Anh Trần Minh Nìm, Công ty TNHH Niềm My (ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ), thông tin: Thời gian qua, công ty nhận được sự hỗ trợ từ chính sách khuyến công của tỉnh là máy hạ thủy phần, diệt men mật ong trị giá 275 triệu đồng, từ đó giúp sản lượng mật tăng gấp 10 lần so với lúc trước, tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn. Nhờ đó, người dân có thể tận dụng đất trống để trồng tràm, vừa bán được tràm vừa thu hoạch mật ong, góp phần tăng thu nhập. Vào đợt bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh, công ty được công nhận 2 sản phẩm là Mật ong Hương tràm 500L và 500g. Khi được bình chọn, sản phẩm tung ra thị trường được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn, từ đó góp phần phát triển cho công ty.

Bằng nỗ lực của các doanh nghiệp và nhờ các cơ chế, chính sách khuyến khích của tỉnh, các sản phẩm CNNT của tỉnh ngày càng phát triển và được đánh giá cao. Năm 2019, nhờ chính sách khuyến công của tỉnh, HTX Kỳ Như, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư 1 máy sấy năng lượng mặt trời khoảng 500 triệu đồng. Nhờ được hỗ trợ kịp thời, HTX tiết kiệm được chi phí cũng như chất lượng tăng lên đáng kể.

Chị Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, chia sẻ: Trước khi có máy sấy, HTX rất vất vả trong quá trình phơi khô cá, làm thủ công cần 5-8 người đem cá phơi nắng, với số lượng khoảng 500kg, khi trời mưa cần khoảng 10 người gom hàng lại, nếu làm không kịp hàng bị ướt dẫn đến chất lượng kém đi. Nhờ có máy sấy năng lượng mặt trời, chất lượng sản phẩm đồng đều, không còn phải lệ thuộc mưa, nắng thất thường; giảm được 50% giá thành chi phí sản phẩm. Người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm, từ đó giúp cơ sở tiêu thụ sản phẩm tăng lên, cho nên cơ sở ổn định được sản xuất.

“HTX thường xuyên tham dự các hội chợ, triển lãm hàng nông sản tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Người tiêu dùng đón nhận và tin tưởng thương hiệu HTX Kỳ Như ngày càng tăng lên trên khắp cả nước, sản phẩm đã có mặt trên nhiều tỉnh, thành như: Hậu Giang, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ… HTX đang phát triển mở rộng sản xuất, xây dựng nhà xưởng mới từ nguồn vốn của tỉnh. Nhà xưởng được khởi công từ đầu năm 2023 và dự kiến cuối năm 2024 hoàn thành sẽ đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người tiêu dùng khắp cả nước và đang nhắm đến xuất khẩu ra nước ngoài”, chị Nguyễn Kim Thùy chia sẻ thêm.

Bằng sự hỗ trợ từ tỉnh và nỗ lực của cơ sở, những lần mang sản phẩm tham gia các kỳ bình chọn sản phẩm CNNTTB các cấp, HTX Kỳ Như có 3 sản phẩm được công nhận cấp tỉnh, 3 sản phẩm CNNTTB cấp khu vực và 1 sản phẩm được công nhận cấp quốc gia, giúp khẳng định “chỗ đứng” của cá thát lát Hậu Giang trên thị trường cả nước.

Ông Hồ Ngọc Thái, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, cho rằng: Nhằm giúp các cơ sở, doanh nghiệp định vị được tiềm năng của mình, thời gian qua, chúng tôi đã hỗ trợ cho các cơ sở có sản phẩm đạt giải sản phẩm CNNTTB các cấp tham gia 46 kỳ hội chợ, 21 hội nghị kết nối cung cầu, 7 đoàn giao thương, 2 kỳ diễn đàn, 2 cuộc triển lãm và 1 hội thảo phát triển thương hiệu, nhãn hiệu. Thông qua đó, hỗ trợ được nhiều cơ sở tìm kiếm được thị trường, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, giúp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn ký kết nhiều hợp đồng tiêu thụ hàng hóa. Điển hình như HTX Kỳ Như đã ký kết được 7 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 7 đơn vị với tổng lượng sản phẩm tiêu thụ được hơn 16 tấn/tháng. Đặc biệt, sản phẩm Trà mãng cầu của các cơ sở đã có được thị trường tiêu thụ rộng khắp trên cả nước và được người tiêu dùng trong nước tin tưởng, giới thiệu tiêu thụ tại các nước như: Hàn Quốc, Singapore và Mỹ, giúp cho lượng sản phẩm tiêu thụ tăng từ 2 đến 3 tấn/năm.

Thành quả của sự cố gắng 

Nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, những năm qua, tỉnh tổ chức nhiều kỳ bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh. Đồng thời, có nhiều cơ chế khuyến khích, vận động, hỗ trợ để các doanh nghiệp tham gia bình chọn là sản phẩm CNNTTB cấp khu vực, quốc gia.

Ông Võ Tứ Phương, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, cho biết: “Trong giai đoạn 2021-2023, thành phố phối hợp với Sở Công thương tỉnh hỗ trợ vốn theo Đề án khuyến công địa phương và quốc gia cho 5 cơ sở và 4 doanh nghiệp đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, với tổng kinh phí khoảng 1,79 tỉ đồng. Kết quả, toàn thành phố có 34 sản phẩm CNNTTB, trong đó có 5 sản phẩm cấp khu vực và 3 sản phẩm cấp Quốc gia”.

Hoạt động bình chọn sản phẩm CNNTTB tỉnh Hậu Giang đến nay đã tổ chức được 5 kỳ, từ năm 2015 đến năm 2023. Kết quả đã phát hiện và tôn vinh được 106 lượt sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng để hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất CNNT của tỉnh.

Gần đây nhất, Hậu Giang có 3 sản phẩm được Bộ Công thương trao Giấy chứng nhận là sản phẩm CNNTTB cấp Quốc gia năm 2023 trong tổng số 173 sản phẩm được công nhận của cả nước. Đó là sản phẩm gạo Đài Thơm 8 của Công ty TNHH Liên Hưng; chả cá thát lát tẩm gia vị của Công ty TNHH Tân Hậu Giang và bún tươi của Cơ sở sản xuất thực phẩm Huỳnh Đức. Như vậy, tính đến nay, toàn tỉnh có 11 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm CNNTTB cấp Quốc gia. Các sản phẩm được bình chọn phải đạt được những yêu cầu nhất định đối với các tiêu chí lớn đó là đáp ứng thị trường và khả năng phát triển sản xuất; tiêu chí về kinh tế - kỹ thuật - xã hội và môi trường; tiêu chí về tính văn hóa, tính thẩm mỹ.

Trong giai đoạn 2015-2023, tỉnh đã tổ chức 5 kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Hướng đến mục tiêu tương lai

Theo thời gian, các sản phẩm CNNT Hậu Giang ngày càng đa dạng, phát triển và có được vị thế nhất định trên thị trường. Vì vậy, để sản phẩm CNNT tiếp tục khẳng định được vị thế vững chắc, bên cạnh nâng cao chất lượng hàng hóa, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn cần chủ động trong việc sắp xếp, tổ chức lại sản xuất một cách khoa học để giảm chi phí đầu vào nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

“Hướng tới, ngành công thương sẽ nghiên cứu và có những chính sách ưu đãi thiết thực hơn về đầu tư cơ sở hạ tầng tại các cụm công nghiệp đã được quy hoạch, tạo thuận lợi cho các cơ sở, doanh nghiệp thuê đất đầu tư các cơ sở chế biến tại các cụm công nghiệp. Bám sát cơ sở, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các cơ sở CNNT trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần triển khai đề án đảm bảo tiến độ về thời gian và chất lượng. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động khuyến công, tập trung các đề án khuyến công có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, hỗ trợ các ngành nghề có thế mạnh của địa phương”, ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, thông tin.

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhận định: Các sản phẩm CNNTTB là niềm tự hào của mỗi địa phương, góp phần nâng tầm cho sản phẩm CNNT của tỉnh. Việc các doanh nghiệp có sản phẩm tham gia bình chọn và được công nhận sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh, khu vực và Quốc gia còn góp phần khuyến khích, tạo động lực để các cơ sở sản xuất, HTX trên địa bàn tỉnh tích cực đầu tư đổi mới phương thức sản xuất, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tạo ra ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, góp phần khai thác nguồn nguyên liệu, thúc đẩy công nghiệp địa phương phát triển và tạo ra nhiều việc làm cho người dân, tạo đà cho kinh tế nông thôn phát triển…

Bài, ảnh: Y.LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>