Nghề làm nước mắm cá đồng: Nhiều triển vọng

30/05/2024 | 09:19 GMT+7

Với mong muốn nâng cao đời sống kinh tế của gia đình và nhiều hộ dân trong và ngoài địa phương. Hiện Cơ sở sản xuất nước mắm cá đồng Thảo Nguyên, ở ấp 3, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, không ngừng phát triển sản phẩm nước mắm cá đồng của cơ sở để cung ứng cho thị trường và hy vọng sớm tạo thương hiệu riêng cho quê hương. 

Bà Hận kiểm tra chất lượng nước mắm được ủ tại cơ sở.

Miền Tây nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng là vùng đất có nhiều sông rạch mang nguồn nước ngọt lành và gắn với nhiều sản vật trù phú. Trong đó, con cá đồng là nguồn thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người dân vùng sông nước, mà còn mang đến nguồn huê lợi dồi dào từ những sản phẩm được chế biến từ con cá đồng. Nguồn cá đồng hiện nay dù không còn quá dồi dào như xưa, nhưng vẫn đủ để mang lại đời sống kinh tế bền vững cho những người biết tận dụng lợi thế từ món quà ưu đãi của thiên nhiên.

Bà Lê Thị Trường Hận, Chủ cơ sở sản xuất nước mắm cá đồng Thảo Nguyên, cho biết: Nhằm gìn giữ và phát huy nét đẹp tinh túy truyền thống của nền ẩm thực dân tộc, đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào từ con cá đồng (cá lóc, cá sặc rằn, cá rô…) của quê hương nên cơ sở quyết định làm sản phẩm nước mắm cá đồng và được thị trường tin tưởng sử dụng từ năm 2014.

Ngày nay, mặc dù nhiều người tiêu dùng cho rằng, nước mắm công nghiệp chiếm ưu thế lớn nhờ mức giá rẻ và bảo quản dễ dàng, lâu hơn. Nhưng trên thực tế, hiện vẫn có không ít người tiêu dùng vẫn sẵn sàng bỏ ra một mức chi phí cạnh tranh để sở hữu những gì chất lượng nhất, tốt nhất cho sức khỏe. Đó chính là nước mắm đồng truyền thống không chỉ được sản xuất từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, tốt cho sức khỏe, mà còn khơi gợi những giá trị tinh thần cho con người miền Tây vốn luôn yêu và muốn giữ gìn những hương vị truyền thống ngày xưa.

Theo chia sẻ của bà Hận, hiện cơ sở làm nước mắm đồng theo phương pháp do người xưa truyền lại, với 2 nguyên liệu chính là muối và cá. Cá làm nước mắm được chọn lựa từ các loại cá đồng tươi sống và được sơ chế thật sạch. Cá được ủ muối, phơi nắng cho đủ ngày rồi đem đi nấu. Nấu xong, cá được mang đi lọc bã để tích lọc ra những giọt nước mắm trong màu vàng cánh gián đẹp mắt. Sản xuất nước mắm đồng truyền thống đòi hỏi sự khéo léo, kinh nghiệm của người thợ nấu và tốn nhiều thời gian. Để cho ra một lô nước mắm đồng phải mất từ 9-12 tháng và đòi hỏi một quy trình nghiêm ngặt để đạt được mùi, màu, vị tinh tế nhất.

Hiện tại, thị trường đầu ra của sản phẩm nước mắm đồng Thảo Nguyên được bán lẻ tại cơ sở và bỏ sỉ tại nhiều cửa tiệm, nhà hàng, quán ăn,... trong và ngoài tỉnh Hậu Giang. Do hoàn toàn không sử dụng hóa chất cấm trong quá trình sản xuất, bảo quản và nói không với chất tạo màu trong công thức điều chế, nguồn nguyên liệu hoàn toàn dùng 100% từ thiên nhiên; đồng thời giá trị dinh dưỡng của nước mắm đồng truyền thống là rất cao, đặc biệt là đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng nên thị trường tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Hậu Giang đang ngày càng quan tâm và đặt hàng mua sản phẩm nước nắm đồng Thảo Nguyên nhiều hơn.  

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu làm nước mắm truyền thống, cơ sở Thảo Nguyên đã và đang thực hiện liên kết tiêu thụ cá đồng thịt cho người nuôi và đánh bắt trong, ngoài địa phương. Qua đây giúp bà con có đầu ra ổn định và thực hiện mua bán trên tinh thần cùng nhau phát triển. Ngoài ra, tại cơ sở còn giải quyết việc làm cho 5-6 phụ nữ ở địa phương, với mức thu nhập ổn định và xuyên suốt từ 200.000-300.000 đồng/người/ngày.

Với nhiều ưu điểm mang lại nên sản phẩm nước mắm cá đồng của cơ sở Thảo Nguyên được địa phương chọn dự thi dự án khởi nghiệp cấp tỉnh. Bởi ngành chức năng địa phương xét thấy, dự án dễ nhân rộng do chủ yếu sản xuất thủ công, trang thiết bị truyền thống nên không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư, hội viên phụ nữ có thể dễ tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm... nếu muốn tiến hành làm chủ cơ sở sản xuất.

“Khi được chọn thi dự án khởi nghiệp, bản thân tôi và các thành viên của cơ sở rất vui mừng và phấn khởi. Bởi qua cuộc thi, không chỉ quảng bá về hình ảnh sản phẩm mà đặc biệt là cơ sở muốn giới thiệu cho khách hàng trong và ngoài tỉnh về nghề làm nước mắm truyền thống, tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm từ nguồn nguyên liệu tự nhiên nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, góp phần xây dựng thương hiệu riêng cho quê hương. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hội viên phụ nữ khác trên địa bàn xã có việc làm, cải thiện kinh tế gia đình, cũng như tạo đầu ra ổn định cho nguồn cá đồng tại địa phương, tiến tới xây dựng địa phương phát triển”, bà Lê Thị Trường Hận, Chủ cơ sở sản xuất nước mắm cá đồng Thảo Nguyên, cho biết thêm.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>