Tận dụng thời cơ vàng

03/06/2024 | 06:33 GMT+7

Bài 2:  Hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Liên tục lọt vào top đầu cả nước và khu vực ĐBSCL về các chỉ số kinh tế, Hậu Giang chứng minh tiềm năng của một tỉnh trẻ đang độ chín muồi sẵn sàng bứt phá với tâm thế, động lực và sức bật mới.

Mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng ĐBSCL.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Với tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng”, Hậu Giang đã có bước phát triển bứt phá, đạt được những kết quả khá toàn diện, ấn tượng trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Hậu Giang có sự bứt phá mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của cả nước, khi quý I/2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 6,83%, đứng thứ 2 đồng bằng sông Cửu Long, xếp thứ 15 cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 80,33 triệu đồng, tăng hơn 13 lần so với năm 2004; thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước và vượt chỉ tiêu Trung ương giao hàng năm. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2023 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2022; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 19/63 tỉnh, thành, tăng 1 bậc so với năm 2022.

Về Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023, Hậu Giang xếp vị trí thứ 11 cả nước. Trong đó, các chỉ số tăng điểm là: giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thiên tai tăng từ 3,97 lên 7,30 điểm; đảm bảo tuân thủ 4,07 lên 6,18 điểm; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh từ 3,77 lên 4,83 điểm; chính sách khuyến khích hỗ trợ dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường từ 2,24 lên 4,87 điểm.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, khẳng định chưa bao giờ Hậu Giang đứng trước thời cơ, tiềm năng, hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa như giai đoạn hiện nay. Thiên thời là vừa qua Trung ương rất quan tâm phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL, trong đó Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 13 đã tạo luồng gió mới để khơi thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL trong giai đoạn mới. Trên cơ sở đó, Trung ương, Chính phủ đã quyết định tập trung nguồn lực để đầu tư cho vùng, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, trong đó nhiều dự án đi qua tỉnh Hậu Giang như: tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng.

Về địa lợi, Hậu Giang nằm ở trung tâm của các tỉnh Nam sông Hậu, 2 tuyến cao tốc là Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng đi qua tỉnh với chiều dài 100km, chiếm 1/3 chiều dài của 2 tuyến cao tốc đó, mở ra không gian để tỉnh phát triển về công nghiệp, đô thị và logistics. Ngoài ra, Hậu Giang có tiềm năng phát triển nông nghiệp và công nghiệp. Tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn với 134.000ha, đất đai thổ nhưỡng trù phú, phù hợp với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đây, tỉnh sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Về công nghiệp, Hậu Giang có diện tích đất công nghiệp và diện tích tiềm năng để được sử dụng đất công nghiệp khá lớn. Đặc biệt là vừa qua, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế hiện có, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt diện tích đất công nghiệp của tỉnh từ đây đến năm 2030 là 2.200ha, lớn thứ hai vùng ĐBSCL.

Về nhân hòa, truyền thống đoàn kết của tỉnh tạo nên sức mạnh tổng hợp. Ban Lãnh đạo tỉnh có tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, có quyết sách đúng đắn và đặc biệt là có khát vọng phát triển, trên cơ sở đó lan tỏa trong cả hệ thống chính trị, nhận được sự đồng thuận của người dân trong việc khơi thông các tiềm năng, thế mạnh để phát triển trong thời gian tới.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, khẳng định: “Chưa bao giờ Hậu Giang đứng trước thời cơ, tiềm năng đó là hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa như giai đoạn hiện nay. Các tiềm năng, thế mạnh đó muốn phát triển, phải chuyển hóa thành những động lực như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 đó là phải biến những tiềm lực thành động lực, vật chất cân, đong, đo, đếm được và làm cho đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Các chỉ số về hạnh phúc, ấm no người dân ngày càng được đảm bảo thì đó mới là chúng ta phát triển được các tiềm năng, thế mạnh tỉnh Hậu Giang, để biến các tiềm năng, thế mạnh thành động lực, cũng như thành nguồn lực trong thời gian tới”.

Quyết liệt 5 nhiệm vụ trọng tâm

Hậu Giang vạch ra định hướng xây dựng quy hoạch phát triển tỉnh, giai đoạn 2021-2030 theo các trục: 1 tâm, 2 tuyến, 3 thành, 4 trụ, 5 nhiệm vụ trọng tâm. Song song đó, các nghị quyết, đề án về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao, đủ đức, đủ tài tiếp tục cống hiến trí lực, tài lực phục vụ sự phát triển tỉnh nhà với nhiều khát vọng vươn tầm, vươn lên thành tỉnh khá trong khu vực vào năm 2025.

Phát biểu tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Hậu Giang, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh rằng: “Hậu Giang thay đổi lạ lùng, có thể những người đi trước đã để lại cho chúng ta sự thay đổi những nền tảng, sự đóng góp mang tính động lực rất lớn. Chưa bao giờ cơ hội đến với Hậu Giang lớn như lúc này. Thứ nhất là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là 2 đường cao tốc gặp nhau trên đất nhà mình, đường đi đến đâu thì giàu có đi đến đó. Thứ hai, tỉnh có đội ngũ cán bộ đã tiếp nối được truyền thống của các anh, chị đi trước, đã khai thác được lợi thế và theo tôi là có sự thay đổi, sự đột phá, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm. Điều thứ 3, nông sản đang rất có giá. Với tinh thần đó, chúng tôi tin tưởng Hậu Giang sẽ có sự phát triển bức phá trong thời gian tới”.

Hậu Giang đang sở hữu những thế mạnh, tiềm năng mà hiếm có địa phương nào trong vùng có được. Tuy nhiên, để khai thác một cách thực sự có hiệu quả, hoàn thành mục tiêu quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh cần xây dựng kế hoạch triển khai bài bản, hiệu quả, bám sát thực tế. Trong đó, phải tính đến yếu tố liên kết vùng, trước hết là kết nối về giao thông; khai thác những thế mạnh văn hóa của địa phương. Đối với những việc khó, phải có cách tiếp cận mới; tăng cường sự phối hợp trong, ngoài; người đứng đầu phải làm gương, truyền cảm hứng cho cấp dưới; chú trọng đào tạo cán bộ bằng nhiều hình thức, trong đó có việc trao truyền kinh nghiệm. Tận dụng “Thời kỳ vàng” đưa Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

--------------------

Bài 3: Hậu Giang cần chiến lược tiếp cận nhanh, rõ ràng và làm dứt khoát

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>