Thứ Sáu, ngày 28/02/2025 | 07:59
Nguồn nước cho ĐBSCL.mp3
Trước tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, khai thác nước ngầm quá mức và ô nhiễm môi trường, nguồn tài nguyên nước đang đứng trước nguy cơ suy thoái, đòi hỏi những giải pháp cấp bách để bảo vệ và duy trì sự phát triển bền vững.
Nước là nhu cầu thiết yếu cho sinh hoạt và sản xuất, nhưng chính những hoạt động này lại đang làm suy giảm chất lượng nguồn nước tại nhiều địa phương.
Nguồn nước mặt ngày càng bị ô nhiễm từ hoạt động sản xuất, chăn nuôi và một phần từ xả thải của người dân. Ảnh: HOÀI THU
Dòng sông không còn xanh
Trước khi nước máy trở nên phổ biến, người dân nông thôn lâu nay chủ yếu dựa vào nước mưa, nước sông và nước ngầm cho sinh hoạt và sản xuất. Thế nhưng, những nguồn nước “truyền thống” từng gắn bó bao đời nay đang dần bị đe dọa bởi ô nhiễm và khai thác quá mức.
Hậu Giang sở hữu mạng lưới sông ngòi chằng chịt, nơi nhiều hộ dân sinh sống và phát triển kinh tế dọc theo các tuyến kênh, rạch. Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Trong khi nhiều người nỗ lực bảo vệ nguồn nước sông thì vẫn có không ít hộ tùy tiện vứt rác sinh hoạt hay xả nước thải chăn nuôi, sản xuất xuống sông biến những dòng nước thành dòng sông đen ngòm, ngập đầy rác thải và bọc ni-lông.
Nuôi thủy sản trên sông là một trong nhiều nguyên nhân làm suy giảm chất lượng nguồn nước. Ảnh: MỘNG TOÀN
Vụ việc nghiêm trọng và trở thành nỗi ám ảnh của người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang mấy năm trước, đó là vào năm 2019, sông Cái Lớn chảy qua địa bàn thị xã Long Mỹ “kêu cứu” vì bị ô nhiễm nặng. Dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối khiến cuộc sống bà con nơi đây bị đảo lộn. Hay mới đây vào tháng 8-2024, ở địa bàn phường III và phường VIII, thành phố Vị Thanh, nước chuyển sang màu đen ở các kênh rạch được ngành chức năng xác định là do việc cày xới đất ruộng của người dân xả nước ra sông nên nguồn nước bị ô nhiễm, người dân không thể lấy nước sông sinh hoạt trong một thời gian khá dài.
Không chỉ thói quen sinh hoạt mà chuyện sản xuất của bà con cũng vô tình hay cố ý hủy hoại nguồn nước sông. Chị Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, huyện Phụng Hiệp cho biết, hiện vẫn còn tình trạng nông dân ở một số địa phương dùng những kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản. Tình trạng này không chỉ khiến sản phẩm thủy sản làm ra khó đạt chất lượng mà nguồn nước thải ra cũng phát sinh nhiều vấn đề cần xử lý.
“Người dân mình khi thấy con cá bệnh thì chỉ nghĩ dùng những sản phẩm nào cho nhanh hết bệnh, nhưng ngược lại những hóa chất đó tồn dư trong đất, trong nước lâu và khi thải ra môi trường sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước. Khuyến cáo bà con mình từ đây về sau không nên sử dụng chất cấm để cho nguồn nước được sạch, bảo đảm nuôi trồng hiệu quả và chất lượng để đáp ứng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới”, chị Nguyễn Kim Thùy bày tỏ.
Nguồn nước sông bị ô nhiễm, ai cũng sợ nên đâu dám lóng phèn “xài đỡ” như xưa mà chuyển sang sử dụng nước máy. Còn tại những nơi nước máy chưa đến được, nước sông ô nhiễm thì nước ngầm dẫu là cứu cánh nhưng người dân cũng phải chú ý kỹ mới sử dụng. Đó là chưa kể, chi phí để đầu tư khoan giếng không phải rẻ đối với hộ khó khăn.
Anh Trần Bảo Bình, ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ cho hay, là vùng ngoài đê bao, nước mặn mỗi năm lấn vào 5 tháng khiến nước ngọt trở nên khan hiếm. “Gia đình tôi sử dụng nước giếng khoan, hầu như ở đây nhà nào cũng có giếng, hay bồn chứa nước mưa. Nước máy có nhưng ở ngoài đường lớn chưa kéo vô trong kinh Tắc. Dãy tôi ở chỉ có 5-7 nhà, còn dãy đối diện bên sông có đường nước máy rồi. Nước từ giếng khoan lấy lên cũng bị nhiễm phèn, phải đợi lắng mới sử dụng được. Cây nước đầu tư hiện tại khoảng 6,5-7 triệu đồng/cây. Thường tháng hạn mực nước thấp, hay bị mất nước”, anh Bình bộc bạch.
Trong khi đó, chị Cao Thị Thu Hương, ở ấp 8, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, cho rằng nguồn nước trước nhà cũng bị ô nhiễm từ nước rơm rạ trên đồng đổ ra, lục bình sinh sôi nảy nở làm lưu lượng dòng nước chảy kém. Kèm theo đó là cũng có số ít người còn thiếu ý thức nên vứt xác động vật xuống sông nên nước mặt bây giờ không thể sử dụng được cho sinh hoạt, nấu ăn được. Do nơi đây không có nước máy nên hầu hết người dân đều khoan cây nước để xài trong mùa khô, còn mùa mưa thì tận dụng nguồn nước mưa cho nấu ăn, tắm giặt.
UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, để phục vụ nhu cầu nước sạch sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn nhất là các vùng bị ảnh hưởng hạn mặn, đơn vị cấp nước cần mở rộng tuyến ống cấp nước sạch kinh phí từ Công ty Cổ phần Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang và các nguồn vốn hợp pháp. Trang bị và mở rộng cấp nước như đầu tư, nâng cấp từ ngân sách và xã hội hóa, các nguồn vốn hợp pháp để cung cấp thiết bị xử lý, trữ nước ngọt, mở rộng đường ống cấp nước tại huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, thành phố Vị Thanh. Nâng cấp công trình thủy lợi, cải thiện hệ thống thủy lợi theo danh mục do UBND tỉnh phê duyệt, sử dụng nguồn vốn từ giá sản phẩm dịch vụ công ích và các nguồn hợp pháp khác.
Thách thức an ninh nguồn nước
Theo Cục Thủy lợi, đảm bảo an ninh nguồn nước đang là thách thức lớn đối với vùng ĐBSCL. Thời gian qua, mặc dù Trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý điều hòa các nguồn nước sẵn có nhưng các hoạt động phát triển, đô thị hóa, công nghiệp hóa, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và thói quen sử dụng nước chưa tiết kiệm của người dân đã và đang tạo sức ép rất lớn đến cơ sở hạ tầng cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, tiêu thoát nước cho đô thị, xử lý nước thải.
Nguồn nước ở ĐBSCL phụ thuộc chính vào dòng Mekong. Từ năm 2011 về trước khoảng 4 đến 5 năm xuất hiện 1 trận lũ vừa hoặc lớn. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay lũ nhỏ liên tục xuất hiện. Trong tương lai 30 đến 50 năm tới gần như số năm lũ lớn không đáng kể và gia tăng mạnh các năm lũ nhỏ và mất lũ.
Ngành chức năng nhận định, với đặc điểm là quốc gia nằm ở hạ lưu 2 lưu vực sông lớn quan trọng (sông Hồng và sông Mekong), Việt Nam vẫn đang đối mặt trước nguy cơ phải gánh chịu nhiều tác động bất lợi từ các chương trình, dự án phát triển trên dòng chính ở phía thượng nguồn.
Ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy nông và Cấp nước, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, do vị trí đặc điểm cuối nguồn, hàng năm dòng chảy về ĐBSCL đạt hơn 400 tỉ m3. Tuy nhiên, vùng nước nội sinh chỉ chiếm 5% (hơn 22 tỉ m3). Ông Tuấn nhận định ĐBSCL không thiếu nước, quan trọng là nước mặn hay nước ngọt.
“Hiện nay, nguồn nước tại ĐBSCL đang bị tác động bởi 3 thách thức chính gồm nguồn nước từ thượng lưu, từ biển vào và vấn đề nội tại (phát triển kinh tế dẫn đến xả thải và hạ thấp lòng dẫn đến biến động triều, khiến xâm nhập mặn biến động lớn, thay đổi theo từng giờ”, ông Tuấn phân tích.
Trước tình trạng này, các ngành, các cấp trong tỉnh Hậu Giang đã tăng cường công tác tuyên truyền người dân tích trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn 2025. Rà soát, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, đê bao, cống bọng, trạm bơm, đảm bảo trữ nước ngọt và ngăn nước mặn, bảo vệ lúa Đông xuân 2024-2025, Hè thu 2025. Chuẩn bị xây dựng đập thời vụ, đập kiên cố tại các kênh rạch chưa có cống khi độ mặn đạt 1,5‰, đặc biệt với cây trồng nhạy cảm như sầu riêng là 0,5‰, cũng như có kế hoạch vận hành cống ngăn mặn phù hợp diễn biến mặn trên địa bàn tỉnh.
Trước những thách thức trên, việc quản lý và bảo vệ nguồn nước ĐBSCL đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, từ điều tiết nguồn nước, nâng cao hiệu quả sử dụng đến kiểm soát các tác động từ thượng nguồn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các mô hình canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế khai thác nước ngầm quá mức và phát triển hệ thống hạ tầng cấp nước bền vững. Nếu không có chiến lược dài hạn, nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng triệu người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
HOÀI THU - MỘNG TOÀN
----------------
Bài 2: Đảm bảo cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt
07:55 03/04/2025
(HG) - Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hậu Giang cho biết, đã đề nghị các địa phương có rừng và chủ rừng tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
07:41 03/04/2025
(HG) - Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang, mặn trên sông Hậu trong tuần qua đã đạt đỉnh trong đợt triều cường đầu tháng 3 âm lịch và không xâm nhập, không ảnh hưởng tới tỉnh.
06:47 28/03/2025
(HG) - Để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh vừa yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh,
08:05 26/03/2025
(HG) - Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, sáng ngày 25-3 đã xảy ra sạt lở bờ kênh tại hộ ông Trần Văn Chiến, kênh Mái Dầm, ở ấp Phú Lợi A, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành.
07:54 24/03/2025
(HG) - Tại UBND xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, Báo Tiền Phong phối hợp với Keppel Việt Nam, Tỉnh đoàn Hậu Giang và chính quyền địa phương tổ chức chương trình Living Well trao tặng hệ thống máy lọc nước mặn tại xã Hỏa Tiến.
07:47 24/03/2025
Mặc dù nồng độ mặn đã giảm so với đầu tháng 3 nhưng theo dự báo thì độ mặn sẽ tăng nhanh theo triều cường vào cuối tháng nên các ngành, địa phương đang có các biện pháp ứng phó.
16:13 21/03/2025
(HGO) - Qua kiểm tra thực tế của ngành chức năng tại các khu rừng trên địa bàn tỉnh, hiện mực nước dưới chân rừng đã xuống thấp và đang dần khô cạn, đồng thời thực bì và dây leo tại một số lô rừng đã có hiện tượng chết khô.
08:20 18/03/2025
(HG) - Nhằm giảm thiệt hại về tài sản, cũng như giảm ảnh hưởng đến đời sống của người dân do sạt lở bờ sông và hạn, mặn gây ra, thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã thực hiện có hiệu quả nhiều công trình, dự án quan trọng.
08:19 17/03/2025
(HG) - UBND phường IV cùng các hội đoàn thể và Công an, Quân sự của phường đã ra quân dọn dẹp vệ sinh, vớt lục bình trên tuyến kênh 62, thuộc khu vực 3, với chiều dài gần 1km.
07:48 12/03/2025
(HG) - Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang, dự báo từ ngày 11-20/3/2025, mực nước trên các sông, rạch lên theo triều từ ngày 14-16/3 (rằm tháng 2 âm lịch).
18:39 03/04/2025
Câu chuyện về những nông dân miền Tây mạnh dạn trồng lúa sạch, giảm phát thải để nhận tiền thưởng bạc tỉ từ các tổ chức quốc tế đang là vấn đề được nhiều người bàn tán. Cách làm mới này mở ra tương lai phát triển bền vững cho ngành lúa gạo, bởi bảo vệ tốt môi trường, người trồng lúa và người tiêu dùng…
18:37 03/04/2025
Kết nối vùng lỏng lẻo và đầu tư công chưa tương xứng là hai trong số nhiều nguyên nhân khiến ĐBSCL kém hấp dẫn nhà đầu tư và rơi vào vòng xoáy đi xuống. Trước thực tế này, chia sẻ với phóng viên Báo Hậu Giang, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (ảnh), Giảng viên cao cấp, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, đã có những phân tích cũng như đề xuất để vực dậy kinh tế cho ĐBSCL trong thời gian tới.
18:35 03/04/2025
Trước khi hợp nhất vào Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản trả lời ý kiến cử tri Hậu Giang về công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh nhằm giúp công tác quản lý nhà nước ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
18:33 03/04/2025
Được xác định là lực lượng trẻ có trình độ, dễ dàng thích ứng và bắt nhịp nhanh xu hướng chuyển đổi số, các địa phương, trường học đã thực hiện nhiều giải pháp để học sinh tiếp cận môi trường số an toàn, tận dụng hiệu quả các ứng dụng số thông dụng.