Bão số 3 gây nhiều ảnh hưởng và thiệt hại

10/09/2024 | 06:56 GMT+7

Mưa lớn kèm theo giông lốc do ảnh hưởng của bão số 3 (có tên quốc tế là YAGI) trong nhiều ngày qua đã gây thiệt hại không nhỏ về nhà ở và sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh.

Nhiều căn nhà của người dân trên địa bàn huyện Vị Thủy bị tốc mái do ảnh hưởng giông lốc vừa qua.

Nhiều nhà dân bị tốc mái

Qua rà soát nhanh của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, đến ngày 9-9, toàn tỉnh ghi nhận có 18 căn nhà của người dân bị giông lốc làm tốc mái do ảnh hưởng của bão số 3 vừa qua, ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Trong đó, tại huyện Long Mỹ ghi nhận có 6 căn, huyện Vị Thủy 5 căn, huyện Châu Thành A 3 căn, huyện Châu Thành 2 căn và thành phố Vị Thanh 2 căn. Điều may mắn là giông lốc chỉ gây thiệt hại về nhà ở, không ảnh hưởng đến con người. 

Là một trong những hộ có nhà bị tốc mái gây thiệt hại nặng nhất trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng bão số 3, bà Phan Thị Lệ, ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, kể lại: “Vào ngày 6-9 vừa qua, ở địa phương có xuất hiện mưa lớn kèm theo gió giật mạnh. Không lâu sau thì căn nhà tôi bị tốc mái hoàn toàn, nước mưa làm ướt cả đồ đạc trong nhà, ước thiệt hại khoảng 30 triệu đồng. Không lâu sau khi sự cố xảy ra, ngành chức năng của địa phương đã đến hỗ trợ gia đình tôi khắc phục hậu quả để sớm ổn định lại cuộc sống”.

Ngoài trường hợp của bà Lệ thì cũng ghi nhận trong ngày 6-9 vừa qua, trên địa bàn huyện Vị Thủy còn có 2 căn nhà của người dân ở ấp 2 và ấp 9A2, xã Vị Bình bị tốc mái. Bên cạnh đó, tại huyện Long Mỹ, liên tiếp có 6 căn nhà của người dân bị tốc mái do giông lốc gây ra; trong đó tại ấp 4, xã Vĩnh Thuận Đông có 2 căn, còn lại 4 căn tại ấp 5, 11 và 12 của thị trấn Vĩnh Viễn; đồng thời tại huyện Châu Thành A cũng ghi nhận 1 trường hợp có nhà tốc mái.

Ông Trần Thanh Toàn, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết: Thực hiện phương châm 4 tại chỗ nên ngay sau khi xảy ra thiệt hại về nhà bị tốc mái do giông lốc, ngành chức năng các địa phương có sự cố thiên tai đã nhanh chóng điều động lực lượng tại chỗ đến hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, đồng thời lập biên bản hiện trường, đánh giá thiệt hại để báo cáo kịp thời về Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh theo quy định. Nhờ vậy, các trường hợp có nhà bị tốc mái do ảnh hưởng bão số 3 vừa qua được khắc phục nhanh chóng, giúp người dân sớm ổn định lại cuộc sống.

Cũng theo ông Trần Thanh Toàn, từ đầu năm đến ngày 8-9, tình hình giông lốc đã làm tốc mái 7 mái che tại Khu chợ đêm phường V, thành phố Vị Thanh; đồng thời làm tốc mái nhà 50 căn; sập nhà hoàn toàn 7 căn, vỡ cửa kính cường lực tại Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh, làm gãy 7 cây sầu riêng, ảnh hưởng 85% diện tích cây ăn trái; ước thiệt hại hơn 1,6 tỉ đồng.

Diện tích lúa bị ảnh hưởng và thiệt hại

Ngoài làm tốc mái nhiều căn nhà của người dân thì do ảnh hưởng của bão số 3 vừa qua, mưa lớn kéo dài kèm theo giông lốc còn gây ảnh hưởng và thiệt hại không nhỏ đến tình hình sản xuất lúa của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là tại những vùng đang thu hoạch lúa Hè thu cuối vụ ở huyện Long Mỹ.

Ông Trần Hoài Nhân, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Long Mỹ, thông tin: Qua rà soát nhanh của cán bộ đơn vị tại các xã, thị trấn của huyện Long Mỹ, đến ngày 9-9, toàn huyện ghi nhận có khoảng 140ha lúa Hè thu trong giai đoạn trổ - chín bị đổ ngã do ảnh hưởng bão số 3, với tỷ lệ đổ ngã từ 5-40% trên cùng diện tích, ước thiệt hại năng suất từ 5-10%. Các địa phương có lúa Hè thu bị đổ ngã do bão số 3 là xã Lương Tâm, Lương Nghĩa và Vĩnh Viễn A. Trong tổng số diện tích lúa Hè thu bị đổ ngã do bão thì hiện có 82ha đã được người dân thu hoạch xong (gồm xã Lương Tâm 72ha, Vĩnh Viễn A 10ha), còn lại 58ha sẽ được bà con tiếp tục thu hoạch trong thời gian tới khi gặp thời tiết thuận lợi.

Ông Nguyễn Văn Trung, hộ có gần 1ha lúa Hè thu trong giai đoạn thu hoạch ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, cho hay: “Nhiều diện tích lúa Hè thu ở cánh đồng phía sau nhà đã đến ngày cắt, tuy nhiên do ảnh hưởng của bão số 3 đã gây mưa dầm trong nhiều ngày qua làm cho tiến độ thu hoạch khá chậm vì máy cắt không thể vào ruộng cắt lúa cho người dân. Hy vọng thời tiết trong những ngày tới sẽ nắng trở lại để bà con khẩn trương thu hoạch lúa nhằm giảm thiệt hại về năng suất”. 

Vụ lúa Hè thu năm nay, nông dân huyện Long Mỹ xuống giống được 17.716ha, hiện bà con nơi đây đã thu hoạch được hơn 14.650ha, với năng suất bình quân đạt 6,14 tấn/ha. Trong tổng số khoảng 3.000ha lúa Hè thu chưa được thu hoạch tại huyện Long Mỹ thì theo ước tính của ngành nông nghiệp huyện, đến ngày 13-9 tới, sẽ có khoảng 1.725ha cần được thu hoạch vì lúa sẽ đến và vượt quá thời gian sinh trưởng; trong đó tại thị trấn Vĩnh Viễn có 5ha, xã Vĩnh Viễn A có 300ha, xã Lương Tâm có 510ha và xã Lương Nghĩa có 910ha.

“Ngoài rà soát, khoanh vùng những nơi có lúa Hè thu cần được thu hoạch sớm thì đơn vị còn tính toán về tình hình máy gặt đập liên hợp. Trong đó, điều đáng mừng là số lượng máy cắt tại địa phương hiện có là 77 máy nên đảm bảo đủ số lượng máy phục vụ cho việc thu hoạch lúa của người dân. Tuy nhiên, nếu tình hình mưa vẫn tiếp tục xuất hiện thì những diện tích lúa cần cắt sớm tại các địa phương trong huyện có khả năng sẽ trễ tiến độ thu hoạch và ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng là điều khó tránh khỏi”, ông Trần Hoài Nhân, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Long Mỹ, thông tin thêm.

Không chỉ trên lúa Hè thu mà mưa, giông do ảnh hưởng bão số 3 trong những ngày qua còn ảnh hưởng đến nhiều trà lúa Thu đông trên địa bàn tỉnh, nhất là ở giai đoạn trổ bông. Ông Nguyễn Văn Mười, ở ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết: “Hơn 1ha lúa Thu đông của gia đình tôi và nhiều diện tích lúa của bà con ở cánh đồng này khi trổ bông thì rơi ngay vào những ngày mưa dầm do ảnh hưởng của bão số 3 vừa qua. Khi lúa trổ bông, hạt lúa sẽ tách vỏ làm hai nên lúc gặp trời mưa thì nước mưa sẽ đọng lại trong hạt lúa, từ đó dẫn đến tình trạng bông lúa bị lem lép hạt rất nhiều, kéo theo năng suất giảm khi vào vụ thu hoạch là khó tránh khỏi”.

Qua rà soát mới đây của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống được 25.750ha lúa Thu đông; trong đó lúa đang ở giai đoạn trổ chín có hơn 12.350ha, tập trung ở huyện Châu Thành A, huyện Vị Thủy và huyện Phụng Hiệp. Hiện nay, trong điều kiện thời tiết thường xuyên xuất hiện mưa giông, do đó ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân tại những vùng có lúa Hè thu đang trong giai đoạn thu hoạch cần chủ động bơm rút nước từ trên ruộng ra ngoài, đồng thời tranh thủ khi thời tiết thuận lợi thì đẩy nhanh tiến độ thu hoạch nhằm giảm thiệt hại về năng suất. Đối với các trà lúa Thu đông, nông dân cần quan tâm phòng trừ chuột cắn phá, bệnh đạo ôn và bệnh cháy bìa lá. Trong đó, khi thấy nấm bệnh mới xuất hiện thì tiến hành phun các loại thuốc có hoạt chất đặc trị vi khuẩn và phun lặp lại lần 2 sau 7 ngày nếu bệnh còn phát triển…

HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>