Thứ Ba, ngày 07/05/2024 | 09:03
Nước mặn tràn về, khiến người dân ở một số địa phương của huyện Long Mỹ chuyên sống bằng nghề “nuôi” lục bình ven sông rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Cảnh cắt lục bình chạy mặn phản ánh nắng hạn gay gắt chưa có hồi kết...
Cắt lục bình chạy… mặn
Gần tuần nay, bà Trần Thị Mỹ Châu, ở ấp 6, xã Vĩnh Viễn A, tranh thủ thuê thêm người phụ cắt hơn 3 công lục bình được khoanh nuôi ở sông Nước Đục. Do nước mặn, lục bình bắt đầu ngả màu, héo lá, một số thối rễ, thối cọng. Một bụi lục bình thông thường đến ngày thu hoạch (khoảng 3 tháng) có từ 10-12 cọng, giờ chỉ cắt được khoảng 1/3 số đó.
Đôi mắt đượm buồn, bà Châu chia sẻ: “Dù theo dõi biết thông tin về nồng độ mặn nhưng lục bình nuôi trên sông đành phải chịu. Tại lục bình đâu phải muốn cắt là cắt, như đám này tôi mới nuôi 2 tháng, cọng non, nhỏ, ngắn, nhẹ ký, lại ảnh hưởng mặn bị thối nên chẳng còn bao nhiêu. Thông thường, mỗi vụ tôi thu trên 10 tấn lục bình tươi thì nay đoán chừng 3 tấn. Bây giờ cắt vớt vát được bao nhiêu hay bấy nhiêu chứ bỏ uổng lắm”.
Cũng chuyên sống bằng nghề thuê bãi nuôi lục bình, bà Huỳnh Thị Phượng, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, trầm ngâm khi được hỏi về vụ lục bình năm nay. Gia đình ít đất sản xuất nên bà Phượng mướn 2 công lục bình nuôi ven sông, giá 1 triệu đồng/công. Bình quân mỗi vụ, trừ chi phí thu về hơn chục triệu đồng tiền lời, đủ cho sinh hoạt trong gia đình. Khi thấy nước mặn về, vợ chồng bà Phượng tranh thủ thu hoạch nhưng không thuê được người phụ vì ai cũng tự lo cắt chạy… mặn.
Bà Phượng cho biết: “Hiện còn hơn nửa công lục bình vẫn chưa cắt được, chỉ hy vọng nước mặn giảm, lục bình sống lại đỡ khổ cho dân. Bình thường, sau khi cắt xong, tôi rào lại nuôi lứa mới chừng 3 tháng là cắt được, nay chắc phải đợi mưa xuống nhiều, lục bình con sống lại tầm khoảng tháng 6. Từ đây tới đó còn mấy tháng nữa không biết tiền đâu để lo chi phí sinh hoạt, thấy rầu quá”.
Với những đám lục bình mới khoanh nuôi được hơn 1 tháng đành ngậm ngùi “đứng chịu trận” giữa dòng nước mặn, chờ cơ hội hồi sinh.
Lục bình nhiễm mặn, héo khi cắt về đem phơi gốc bị đen, cọng thành phẩm không đẹp khiến giá bán giảm khoảng 20%. Hiện lục bình khô được thương lái thu mua giá từ 17.000 đồng đến 18.000 đồng/kg, trong khi lục bình nhiễm mặn, thương lái chỉ thu từ 13.000-14.000 đồng/kg.
Vớt vát được bao nhiêu hay bấy nhiêu
Giữa cái nắng rát thịt da của những ngày cuối tháng 4, trên dòng sông Nước Đục, vẫn có hàng chục người dân miệt mài, cần mẫn cứu vớt lục bình ra khỏi dòng nước mặn. Người cắt lục bình bắt đầu công việc từ lúc 5 giờ sáng, không nghỉ trưa mà tranh thủ ăn uống ngay trên xuồng, rồi kết thúc ngày làm khoảng 18 giờ.
Toàn xã Vĩnh Viễn A hiện có trên 100 hộ dân “nuôi” lục bình ven sông, nhiều người không có đất sản xuất, thu nhập chủ yếu nhờ nghề này. Từ loài cây không có giá trị, lục bình đã đem lại nguồn lợi đáng kể, thường xuyên, phù hợp với người dân địa phương. Ông Nguyễn Văn Hai, ở ấp 10, xã Vĩnh Viễn A, cho biết: “Năm nào nước mặn cũng về nhưng năm nay thì độ mặn cao giống như đợt mặn năm 2016, 2020, cây lục bình cũng chết sạch khiến người dân điêu đứng. Bây giờ chỉ mong có nhiều cơn mưa xuống, để nồng độ mặn giảm, lục bình mới tỉnh trở lại”.
Ngoài thuê bãi nuôi lục bình, nhiều người đi cắt thuê, cắt lục bình trôi về phơi bán, hay tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để đan đát. Cây lục bình bị nước mặn tấn công khiến người dân chuyên sống bằng nghề cắt, nuôi không còn việc làm, cuộc sống nhiều gia đình cũng theo đó mà khó khăn hơn. Chị Nguyễn Thị Điệp, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, cho biết: “Cắt lục bình thuê giá 500 đồng/kg, mỗi ngày tôi thu nhập khoảng 200.000 đồng. Rảnh thì cắt lục bình trôi đem phơi bán cũng đủ tiền chợ. Giờ nước mặn về lục bình không còn, tôi cũng mất đi nguồn thu nhập”.
Cây lục bình giúp nhiều người dân ở xã Vĩnh Viễn A, Vĩnh Thuận Đông... có của ăn, của để, thu nhập ổn định.
Giờ đây, màu xanh của lục bình trên dòng sông Nước Đục hiền hòa từng đem lại niềm hy vọng về cuộc sống khởi sắc lại trở thành một màu vàng úa khiến nhiều người xót xa, nặng lòng với nỗi mưu sinh khi mặn tràn về và ngày càng gay gắt...
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
08:14 26/06/2025
(HG) - Qua khảo sát mới đây của ngành chức năng huyện Châu Thành, hiện toàn huyện xuất hiện 27 điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, ước tổng chiều dài 74m và có khoảng 100 hộ dân sống ngay đoạn có nguy cơ sạt lở bị ảnh hưởng.
08:07 26/06/2025
Đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là vấn đề cấp thiết đã được khoa học và công nghệ vào cuộc giải quyết.
05:49 23/06/2025
Để bảo vệ môi trường, các địa phương và người dân trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực chung tay chống ô nhiễm rác thải nhựa, nhất là thực hiện tiêu dùng xanh, mô hình kinh tế xanh, định hình lối sống xanh.
07:10 20/06/2025
(HG) - Chủ tịch UBND tỉnh vừa yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh tổ chức theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai; dự báo, thông tin kịp thời để cơ quan và người dân ứng phó, giảm thiệt hại; chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống thiên tai theo quy định.
07:08 20/06/2025
(HG) - Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 30 điểm sạt lở đất bờ sông với chiều dài 817m, diện tích mất đất 4.902,5m2, ước thiệt hại 3,643 tỉ đồng.
06:30 10/06/2025
(HG) - Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang, hiện nay trên rãnh áp thấp có trục ở khoảng 15-18 độ vĩ Bắc nối với một vùng áp thấp trên khu vực Bắc biển Đông.
06:16 05/06/2025
(HG) - Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6), Tháng hành động vì môi trường năm 2025, huyện Long Mỹ sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực.
16:35 30/05/2025
(HGO) - Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang thông tin, trên địa bàn huyện Châu Thành lại xảy ra sụp đất, sạt lở bờ sông.
06:56 29/05/2025
Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và bảo vệ môi trường nông thôn những năm qua ở thị xã Long Mỹ đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi và thay đổi diện mạo vùng nông thôn.
07:54 27/05/2025
Trong nhiều năm qua, vấn đề sạt lở khu vực ven sông Hậu và các tuyến kênh trong tỉnh Hậu Giang đã làm nhiều đường giao thông bị nứt, hư hại, gây sụp lún nhà của người dân và khu vực sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
11:02 30/06/2025
(HGO) - Nhằm đảm bảo vận hành mô hình chính quyền địa phương 02 cấp thông suốt, hiệu quả, Bảo hiểm xã hội (BHXH) khu vực XXX vừa thành lập Tổ Công tác thường trực tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy
08:11 30/06/2025
Kể từ số báo này, Báo Hậu Giang sẽ chính thức ngừng xuất bản, chia tay với Quý độc giả theo sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy để sáp nhập về đơn vị hành chính mới thành phố Cần Thơ theo Nghị quyết số 202/2025/QH 15 ngày 12 tháng 6 năm 2025 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025.
08:10 30/06/2025
Đây là quyển sách của triết gia Ấn Độ Jiddu Krishnamurti (1895-1986) dành cho những người trẻ.
08:09 30/06/2025
Miền đất Hậu Giang đã để lại trong ký ức bao người không chỉ qua âm nhạc, mà ở các thể loại nghệ thuật khác như văn, thơ, nhiếp ảnh...