Thứ Hai, ngày 24/03/2025 | 07:47
Mặc dù nồng độ mặn đã giảm so với đầu tháng 3 nhưng theo dự báo thì độ mặn sẽ tăng nhanh theo triều cường vào cuối tháng nên các ngành, địa phương đang có các biện pháp ứng phó.
Người dân tận dụng nguồn nước ngọt tưới cho rau màu trong mùa hạn mặn.
Nồng độ mặn sẽ tăng theo triều cường
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang cho biết, dự báo từ nay đến ngày 27-3 mực nước trên các sông, rạch trong tỉnh xuống thấp theo triều kém và sẽ lên trở lại từ ngày 28-31/3. Mực nước cao nhất tại trạm Phụng Hiệp từ 1,20-1,30m; tại trạm Vị Thanh từ 0,65-0,70m. Mực nước đỉnh triều trên không gây ngập lụt, không ảnh hưởng tới sản xuất và sinh hoạt.
Ông Phạm Đức Đoàn, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang, cho biết: Mặn trên sông Hậu trong tuần qua đã xâm nhập nhẹ vào tỉnh khu vực huyện Châu Thành và thành phố Ngã Bảy với nồng độ từ 0,2‰-0,5‰. Mặn theo triều biển Tây, trên sông Cái Lớn và kênh Chắc Băng xâm nhập vào huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh với nồng độ cao nhất từ 2,5‰-3,5‰. Dự báo mặn sẽ tăng nhanh theo triều cường vào cuối tháng, ảnh hưởng tới tỉnh. Cụ thể, trên sông Hậu ảnh hưởng triều biển Đông do triều cường (cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch) mặn ảnh hưởng tới huyện Châu Thành và thành phố Ngã Bảy, độ mặn cao nhất từ 0,2‰-1,2‰. Đây là đợt cuối trong mùa khô năm nay mà mặn có khả năng ảnh hưởng tới tỉnh. Xâm nhập mặn triều biển Tây trên sông Cái Lớn, kênh Chắc Băng xâm nhập vào các sông, rạch trong tỉnh với nồng độ cao nhất từ 4,2‰-6,2‰.
Nông dân trong tỉnh Hậu Giang tranh thủ cải tạo đất xuống giống lúa Hè thu ở những nơi không bị mặn xâm nhập.
Lưu lượng dòng chảy từ sông Hậu vào tỉnh cuối tháng 3-2025 ở mức cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 3,5%-7% nhưng vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 2,5%-5%. Lượng nước mặt trên các ao, hồ, kênh, rạch, sông ngòi trong tỉnh ở mức thấp không đủ cung cấp cho sinh hoạt, công nghiệp dịch vụ, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Thiếu nước nhẹ, cục bộ ở các địa phương trong tỉnh như huyện Long Mỹ thiếu từ 3,5%-7,5%, huyện Vị Thủy thiếu từ 1,2%-3,2%, thị xã Long Mỹ thiếu từ 1,5%-2,7%, thành phố Vị Thanh thiếu từ 0,8%-2,2%, các địa phương còn lại thiếu cục bộ không đáng kể. Chú ý đề phòng mặn ảnh hưởng triều biển Tây trên Sông Đốc qua kênh Chắc Băng, kênh Ngan Dừa xâm nhập khu vực huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh tăng cao đột biến và diễn biến phức tạp.
Theo ông Phùng Tiến Dũng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, mực nước thủy triều phía biển Tây (trạm Rạch Giá) từ ngày 21-31/3 dao động ở mức trung bình, đỉnh triều trong khoảng thời gian này dao động từ 0,4-0,6m, thời gian xuất hiện trong khoảng 1 đến 4 giờ hàng ngày. Xu thế xâm nhập mặn ở ĐBSCL từ nay đến ngày 31-3 giảm dần và tăng lại vào cuối tuần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 3-2024, riêng một số trạm ở Bến Tre, Trà Vinh có độ mặn cao hơn.
Chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính như sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, phạm vi xâm nhập mặn 40-50km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại phạm vi xâm nhập mặn 35-40km; sông Hàm Luông phạm vi xâm nhập mặn 55-60km; sông Cổ Chiên phạm vi xâm nhập mặn 40-45km; sông Hậu phạm vi xâm nhập mặn 40-48km; sông Cái Lớn phạm vi xâm nhập mặn 25-30km. Các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh.
Xâm nhập mặn tại ĐBSCL mùa khô năm 2024-2025 ở mức cao hơn TBNN, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung từ ngày 28/3-2/4, sau đó giảm dần; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn từ ngày 28/3-2/4 và 27/4-1/5, từ tháng 5 xâm nhập mặn giảm dần. Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dự báo từ nay đến cuối tháng 3-2025, dòng chảy từ thượng lưu về ĐBSCL gia tăng mạnh, xâm nhập mặn ở các cửa sông giảm nhanh. Các khu vực cửa sông Cửu Long, phạm vi cách biển từ 30-40km trở vào có khả năng xuất hiện nước ngọt thường xuyên, thuận lợi cho việc lấy nước nhất là khi triều thấp, chân triều. Các địa phương cần tranh thủ thời gian này để vận hành các công trình thủy lợi thau rửa hệ thống và tích trữ nước tối đa vào hệ thống kênh mương, xuống giống vụ lúa Hè thu 2025 tại những khu vực có hạ tầng công trình thủy lợi chủ động kiểm soát nguồn nước. Đối với các khu vực cách biển từ 25-30km vẫn còn ảnh hưởng của xâm nhập mặn, để phòng tránh rủi ro nên chờ nguồn nước ngọt trên sông ổn định, mưa xuất hiện diện rộng thì mới cho xuống giống vụ Hè thu 2025 nhất là khu vực hai sông Vàm Cỏ, dự báo đến hết tháng 4-2025.
Xâm nhập mặn khả năng kéo dài đến hết tháng 4
Bộ NN&MT cho hay, từ nay đến cuối mùa khô 2024-2025, vùng ĐBSCL còn các đợt xâm nhập mặn vào kỳ triều cường từ 27-30/3. Tháng 4, xâm nhập mặn giảm dần ở các cửa sông Cửu Long; ở vùng hai sông Vàm Cỏ, xâm nhập mặn khả năng kéo dài hết tháng 4-2025 nếu chưa xuất hiện mưa. Để tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Bộ NN&MT sẽ theo dõi diễn biến dòng chảy, diễn biến triều cường khu vực đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường công tác dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn để tổ chức các giải pháp ứng phó phù hợp. Khẩn trương hoàn thiện Đề án “Phòng, chống sụt lún đất, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050”.
Đối với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo dõi sát thông tin dự báo xâm nhập mặn của Bộ NN&MT đang thường xuyên cung cấp. Tăng cường lấy nước, trữ nước ngọt trong hệ thống kênh mương, ao hồ, vùng trũng; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao. Xác định, khoanh vùng khu vực có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước nông thôn tập trung; khi xảy ra thiếu nước, tăng cường các giải pháp bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân, hỗ trợ người dân tổ chức lấy nước, trữ nước phục vụ sinh hoạt. Tiếp tục nghiên cứu để xây dựng các công trình thủy lợi ngăn mặn, hoàn thiện các hệ thống thủy lợi đã đưa vào sử dụng để kiểm soát xâm nhập mặn hiệu quả, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thủy lợi lớn và xây dựng các công trình kiểm soát xâm nhập mặn cửa sông, hệ thống chuyển, liên kết nguồn nước. Đồng thời, tiếp tục tăng cường nâng cao năng lực thực hiện và độ chính xác kết quả dự báo nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, xây dựng kế hoạch sử dụng nước để hỗ trợ việc tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình hình nguồn nước.
Theo ông Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, nguồn nước về ĐBSCL thuộc nhóm năm dưới trung bình nước, tần suất dòng chảy các tháng kiệt ở mức 60%-75%, phụ thuộc vào sự vận hành thủy điện trên lưu vực. Dự báo mặn xâm nhập mùa kiệt 2024-2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Một số diện tích lúa Đông xuân dự kiến thu hoạch trong tháng 4-2025 thuộc các tỉnh Trà Vinh (các huyện Duyên Hải, Trà Cú, Cầu Ngang, Tiểu Cần, Châu Thành); Hậu Giang (huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ); Sóc Trăng (huyện Kế Sách, Châu Thành, Thạnh Trị, Mỹ Tú); Bạc Liêu (huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Phước Long, Giá Rai); Long An (Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc); Tiền Giang (Gò Công Tây, Tân Phước, Châu Thành); và Bến Tre (Ba Tri), mặc dù nằm trong vùng bảo vệ các hệ thống thủy lợi, tuy nhiên vẫn có thể bị thiếu nước, vì vậy các địa phương cần tranh thủ các thời gian nước ngọt về để tích nước đảm bảo cho sản xuất đề phòng mặn cao trở lại trong tháng 4-2025.
Vùng thượng nguồn ĐBSCL nguồn nước đủ, khó khăn chủ yếu ở vùng núi cao Tịnh Biên, Tri Tôn, cần thực hiện các biện pháp trữ nước và tưới tiết kiệm nước. Vùng giữa ĐBSCL vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước mỗi khi có thể, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Vùng ven biển ĐBSCL xâm nhập mặn bất thường có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thủy lợi ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh. Do vậy, cần chuẩn bị các phương án ứng phó, tích trữ và sử dụng nước hợp lý, đặc biệt là nước đảm bảo cho các vùng ăn trái...
HOÀI THU
08:14 26/06/2025
(HG) - Qua khảo sát mới đây của ngành chức năng huyện Châu Thành, hiện toàn huyện xuất hiện 27 điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, ước tổng chiều dài 74m và có khoảng 100 hộ dân sống ngay đoạn có nguy cơ sạt lở bị ảnh hưởng.
08:07 26/06/2025
Đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là vấn đề cấp thiết đã được khoa học và công nghệ vào cuộc giải quyết.
05:49 23/06/2025
Để bảo vệ môi trường, các địa phương và người dân trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực chung tay chống ô nhiễm rác thải nhựa, nhất là thực hiện tiêu dùng xanh, mô hình kinh tế xanh, định hình lối sống xanh.
07:10 20/06/2025
(HG) - Chủ tịch UBND tỉnh vừa yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh tổ chức theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai; dự báo, thông tin kịp thời để cơ quan và người dân ứng phó, giảm thiệt hại; chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống thiên tai theo quy định.
07:08 20/06/2025
(HG) - Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 30 điểm sạt lở đất bờ sông với chiều dài 817m, diện tích mất đất 4.902,5m2, ước thiệt hại 3,643 tỉ đồng.
06:30 10/06/2025
(HG) - Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang, hiện nay trên rãnh áp thấp có trục ở khoảng 15-18 độ vĩ Bắc nối với một vùng áp thấp trên khu vực Bắc biển Đông.
06:16 05/06/2025
(HG) - Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6), Tháng hành động vì môi trường năm 2025, huyện Long Mỹ sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực.
16:35 30/05/2025
(HGO) - Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang thông tin, trên địa bàn huyện Châu Thành lại xảy ra sụp đất, sạt lở bờ sông.
06:56 29/05/2025
Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và bảo vệ môi trường nông thôn những năm qua ở thị xã Long Mỹ đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi và thay đổi diện mạo vùng nông thôn.
07:54 27/05/2025
Trong nhiều năm qua, vấn đề sạt lở khu vực ven sông Hậu và các tuyến kênh trong tỉnh Hậu Giang đã làm nhiều đường giao thông bị nứt, hư hại, gây sụp lún nhà của người dân và khu vực sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
11:02 30/06/2025
(HGO) - Nhằm đảm bảo vận hành mô hình chính quyền địa phương 02 cấp thông suốt, hiệu quả, Bảo hiểm xã hội (BHXH) khu vực XXX vừa thành lập Tổ Công tác thường trực tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy
08:11 30/06/2025
Kể từ số báo này, Báo Hậu Giang sẽ chính thức ngừng xuất bản, chia tay với Quý độc giả theo sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy để sáp nhập về đơn vị hành chính mới thành phố Cần Thơ theo Nghị quyết số 202/2025/QH 15 ngày 12 tháng 6 năm 2025 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025.
08:10 30/06/2025
Đây là quyển sách của triết gia Ấn Độ Jiddu Krishnamurti (1895-1986) dành cho những người trẻ.
08:09 30/06/2025
Miền đất Hậu Giang đã để lại trong ký ức bao người không chỉ qua âm nhạc, mà ở các thể loại nghệ thuật khác như văn, thơ, nhiếp ảnh...