Thứ Năm, ngày 13/03/2025 | 05:40
Hiện các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào cao điểm của những tháng mùa khô nên cũng là lúc tình hình xâm nhập mặn diễn ra gay gắt; do đó, ngành chức năng và người dân đang tập trung ứng phó nhằm tránh thiệt hại và ảnh hưởng đến đời sống do xâm nhập mặn gây ra.
Công tác đo mặn được cơ quan chuyên môn của tỉnh Hậu Giang thực hiện hàng ngày để kịp thời thông báo tình hình xâm nhập mặn cho người dân biết và ứng phó hiệu quả.
Nồng độ mặn đang ở mức cao
Mặc dù là địa phương không giáp biển nhưng vào mùa khô hàng năm, người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, nhất là tại huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh thường đối mặt với tình hình xâm nhập mặn với nồng độ mặn tương đối cao. Cụ thể, sau thời gian độ mặn ở mức thấp thì bất ngờ trong khoảng 6 ngày gần đây, kết quả đo mặn tại nhiều điểm chính trên địa bàn huyện Long Mỹ đã có nồng độ ở mức khá cao.
Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi và Môi trường tỉnh Hậu Giang, thông tin: Nếu trong tháng 2, độ mặn cao nhất trên địa bàn huyện Long Mỹ chỉ đạt 3,2‰ thì từ ngày 5 đến 10-3, độ mặn bất ngờ tăng lên nhanh, trong đó độ mặn đo được cao nhất tại UBND xã Lương Nghĩa là 5,4‰ (ngày 8-10), tại cống Hóc Pó, xã Lương Nghĩa là 3,8‰ (ngày 9-10) và tại bến phà Ngan Dừa, xã Lương Tâm là 4‰ (ngày 10-3). Trước tình hình xâm nhập mặn như trên, hiện ngành chức năng huyện Long Mỹ đã và đang tích cực triển khai các biện pháp ứng phó theo kế hoạch đề ra nhằm bảo vệ tốt cây trồng, vật nuôi và nguồn nước sinh hoạt cho người dân.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) cho biết, tình hình xâm nhập mặn tại các cửa sông vùng ĐBSCL từ đầu mùa khô đến nay đã xuất hiện ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng. Trong đó, ranh mặn 4‰ đã xuất hiện tại các cửa sông Cửu Long từ 42-60km (tùy từng cửa sông), so với mức lớn nhất mùa khô năm 2023-2024 thì thấp hơn từ 1-13km.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&MT, nhận định tình hình xâm nhập mặn tại vùng ĐBSCL từ đầu mùa khô đến nay đã ảnh hưởng đến việc lấy nước của một số công trình thủy lợi cách biển từ 40-60km, nhưng thời gian xuất hiện chỉ 3-5 ngày triều cường. Tuy nhiên, điều bù lại là trong tháng 1 và tháng 2 vừa qua, ở ĐBSCL có xuất hiện mưa trái mùa và các địa phương cũng chủ động vận hành hệ thống công trình thủy lợi tích trữ nước vào kênh mương trước khi mặn tăng cao nên xâm nhập mặn chưa gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng lớn đến nguồn nước phục vụ dân sinh của người dân vùng ĐBSCL.
“Một nguyên nhân quan trọng khác trong công tác ứng phó xâm nhập mặn hiệu quả là việc cung cấp thông tin dự báo chuyên ngành về nguồn nước và khả năng xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025 được Bộ NN&MT chỉ đạo cơ quan chuyên môn của bộ cung cấp từ tháng 9-2024 và được cập nhật theo tuần và tháng. Chính việc thực hiện tốt công tác trên đã tạo điều kiện cho khoảng 40.000ha lúa Đông xuân 2024-2025 và 19.000ha vùng chuyên canh cây ăn trái tại vùng ĐBSCL được thực hiện sớm lịch thời vụ và tích trữ nước, bảo đảm chủ động né mặn hiệu quả”, Thứ trưởng Bộ NN&MT Trần Thanh Nam chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Minh Ca, người dân ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, bộc bạch trong niềm phấn khởi: “Nhờ xuống giống lúa Đông xuân sớm theo lịch thời vụ khuyến cáo của ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh nên vào cuối tháng 2 vừa qua, nông dân ở cánh đồng ngoài đê bao ngăn mặn của xã Lương Nghĩa đã thu hoạch xong lúa Đông xuân trước khi nước mặn có nồng độ cao xuất hiện. Năng suất lúa đạt 900kg/công (một công 1.300m2), giá bán 6.300 đồng/kg, cho nông dân lợi gần 30 triệu đồng/ha”.
Theo dự báo của cơ quan chức năng, từ nay đến cuối mùa khô, vùng ĐBSCL còn có các đợt xâm nhập mặn vào các kỳ triều cường trong tháng 3; trong đó có 2 đợt đáng quan tâm là từ ngày 11 đến 15-3 và từ ngày 27 đến 30-3. Sang tháng 4, tình hình xâm nhập mặn giảm dần ở các cửa sông Cửu Long; riêng ở vùng hai sông Vàm Cỏ, xâm nhập mặn có khả năng kéo dài đến hết tháng 4 nếu chưa xuất hiện mưa. Dự báo ranh mặn 4‰ trong tháng 3 ở các cửa sông Cửu Long có thể lấn sâu vào nội đồng từ 42-58km, còn cửa sông Vàm Cỏ ở mức 70-75km, trên sông Cái Lớn từ 50-53km.
Tích cực ứng phó xâm nhập mặn
Mặc dù đến thời điểm này, các vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn trên địa bàn các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL (trong đó có tỉnh Hậu Giang) hiện chưa ghi nhận thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp và thiếu nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, vào những tháng cao điểm của mùa khô như hiện nay, cộng với dự báo của ngành chức năng về xâm nhập mặn trong tháng 3 này và tháng 4 tới thì nước mặn vẫn là một nguy cơ thường trực, tác động đến sản xuất nông nghiệp, nguồn nước sinh hoạt và đời sống của người dân. Do đó, công tác chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó vẫn là nhiệm vụ cấp bách trong lúc này.
Ghi nhận tại tỉnh Hậu Giang, hiện ngành chức năng tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác đo độ mặn hàng ngày tại các điểm chính trên địa bàn tỉnh, sau đó nhanh chóng thông báo kết quả qua nhiều nền tảng ứng dụng công nghệ số để người dân biết và có biện pháp ứng phó hiệu quả. Đặc biệt, hiện trên địa bàn Hậu Giang được đầu tư trên 120km đê bao ngăn mặn, có 100 cống hở và 18 cống tròn đã đưa vào vận hành, khai thác. Phương án vận hành đóng, mở cống được ngành chức năng thực hiện là nước mặn xâm nhập vượt mức về nồng độ cho phép (từ 1,5‰) đến đâu thì tiến hành đóng cống tại khu vực đến đó. Qua đây, giúp người dân chủ động trong điều tiết nguồn nước, nâng cao năng lực phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn.
Ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ NN&MT, cho biết các cơ quan chức năng của bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến dòng chảy và triều cường khu vực ĐBSCL, từ đó tăng cường công tác dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn để tổ chức các giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời. Đối với các địa phương vùng ĐBSCL, cần tăng cường lấy và trữ nước ngọt trong hệ thống kênh mương, ao hồ, vùng trũng; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn trái, cây trồng có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó là xác định, khoanh vùng khu vực có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, từ đó đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước nông thôn tập trung.
“Về lâu dài, Bộ NN&MT tiếp tục nghiên cứu để xây dựng các công trình thủy lợi ngăn mặn, hoàn thiện các hệ thống thủy lợi đã đưa vào sử dụng để kiểm soát xâm nhập mặn hiệu quả, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thủy lợi lớn và xây dựng các công trình kiểm soát xâm nhập mặn cửa sông, hệ thống chuyển, liên kết nguồn nước. Đồng thời, tiếp tục tăng cường nâng cao năng lực thực hiện và độ chính xác kết quả dự báo nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đồng thời xây dựng kế hoạch sử dụng nước để hỗ trợ việc tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình hình nguồn nước tại các địa phương vùng ĐBSCL khi vào những tháng trước, trong và sau mùa khô”, ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ NN&MT, cho biết thêm.
HỮU PHƯỚC
11:18 27/06/2025
(HGO) - Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hậu Giang vừa đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương tuyệt đối không để xảy ra gián đoạn trong lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong quá trình sáp nhập cấp tỉnh, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trên địa bàn; xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu, nếu để xảy ra sai phạm trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
05:42 27/06/2025
Trong những năm qua, hoạt động khuyến nông trên địa bàn huyện Long Mỹ đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho nông dân.
05:39 27/06/2025
Với lợi thế về đất đai và khí hậu, huyện Châu Thành đang tập trung phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Đây là hướng đi bền vững, góp phần nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho người dân địa phương.
08:29 26/06/2025
Với định hướng phát triển sản phẩm OCOP không chỉ về số lượng mà còn về chiều sâu giá trị, Hậu Giang đang từng bước khai thác bản sắc vùng miền như một lợi thế cạnh tranh.
09:48 25/06/2025
(HG) - Để vụ lúa Thu đông 2025 sản xuất đạt hiệu quả ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp và môi trường tỉnh khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các quy trình canh tác.
05:55 25/06/2025
(HG) - Nhiều người hành nghề dùng máy đi thu gom rơm rạ trên đồng rồi đóng thành cuộn để cung ứng cho khách hàng có nhu cầu cho biết, giá thuê gia công mỗi cuộn rơm trong vụ lúa Hè thu này đang dao động từ 11.000-12.000 đồng/cuộn, tăng từ 2.000-3.000 đồng/cuộn so với vụ lúa Đông xuân vừa qua.
06:26 24/06/2025
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa dầm kèm theo gió mạnh đã làm ảnh hưởng đến tình hình thu hoạch lúa Hè thu và nhiều diện tích lúa Thu đông của nông dân vừa gieo sạ.
06:24 24/06/2025
(HG) - Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, sau gần 2 năm thực hiện Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu
05:43 23/06/2025
Trong những tháng đầu năm, huyện Châu Thành đạt nhiều kết quả nổi trội về kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần tạo nên thành tích chung của tỉnh. Tuy nhiên, thực trạng sạt lở trên địa bàn diễn biến khá phức tạp, đòi hỏi địa phương cần những giải pháp cụ thể hơn cho vấn đề này.
07:11 22/06/2025
Nhờ sự linh hoạt trong sản xuất, phù hợp với điều kiện tự nhiên, mô hình canh tác “thuận thiên” tôm - lúa ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, không chỉ giúp người dân tránh được rủi ro mùa vụ mà còn nâng cao thu nhập.
11:02 30/06/2025
(HGO) - Nhằm đảm bảo vận hành mô hình chính quyền địa phương 02 cấp thông suốt, hiệu quả, Bảo hiểm xã hội (BHXH) khu vực XXX vừa thành lập Tổ Công tác thường trực tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy
08:11 30/06/2025
Kể từ số báo này, Báo Hậu Giang sẽ chính thức ngừng xuất bản, chia tay với Quý độc giả theo sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy để sáp nhập về đơn vị hành chính mới thành phố Cần Thơ theo Nghị quyết số 202/2025/QH 15 ngày 12 tháng 6 năm 2025 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025.
08:10 30/06/2025
Đây là quyển sách của triết gia Ấn Độ Jiddu Krishnamurti (1895-1986) dành cho những người trẻ.
08:09 30/06/2025
Miền đất Hậu Giang đã để lại trong ký ức bao người không chỉ qua âm nhạc, mà ở các thể loại nghệ thuật khác như văn, thơ, nhiếp ảnh...