Thứ Ba, ngày 14/05/2024 | 19:25
Tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp và kéo dài dẫn đến thiếu nước sinh hoạt, cháy rừng, sụt lún, sạt lở đất... gây ra nhiều thiệt hại. Trong khó khăn đó đã có nhiều nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chủ động chuyển đổi sản xuất bằng các giải pháp thích ứng phù hợp, chung sống thuận thiên để phát triển bền vững.
Gia đình ông Lâm ở huyện Vị Thủy trồng dưa leo mùa này cho hiệu quả kinh tế khá cao. Ảnh: H.THU
Thu nhập cao trong mùa hạn mặn
Mặc dù giữa nắng trưa gay gắt nhưng vợ chồng anh Lê Thanh Tảo, ở xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, vẫn tranh thủ hái 5 mương rau nhút để kịp giao cho thương lái đặt mua với giá 10.000 đồng/kg. Anh Tảo cho biết, thời điểm này nhiều nơi bị khô hạn, còn các vùng ven biển thì nước mặn tấn công gây khó cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, khu vực này nằm gần sông Hậu nên các hộ xung quanh chủ động liên kết xây dựng đê bao để trữ nước ngọt nhằm phục vụ trồng rau màu trong mùa hạn. Gia đình cũng có gần 5 công đất được áp dụng trồng rau nhút dưới mương, còn trên bờ thì trồng cải xà lách xoong.
Để rau nhút phát triển tốt, anh Tảo thả thêm nhiều bèo dưới mương nhằm tạo độ mát cho mặt ao, đồng thời thường xuyên theo dõi tình trạng chết dây, úng lá… để xử lý kịp thời tránh ảnh hưởng năng suất. “Chỉ sau gần 20 ngày trồng là bắt đầu thu hoạch kéo dài nhiều đợt. Do chi phí đầu tư không nhiều, vì vậy chỉ cần giá rau nhút 10.000 đồng/kg là nông dân sống khỏe; cũng có thời điểm rau nhút hút hàng tăng lên 15.000-20.000 đồng/kg; nhờ đó nông dân lợi nhuận 60-80 triệu đồng/ha, cao hơn lúa”, anh Tảo khoe.
Cùng với rau nhút, anh Tảo còn làm nhà lưới để trồng xà lách xoong trên bờ. Ưu điểm của xà lách xoong trồng 1 lần cho thu hoạch nhiều năm, với giá bán bình quân 20.000-30.000 đồng/kg vào mùa thuận (từ tháng 10 đến tháng 2 trong năm), còn mùa nghịch (từ tháng 3 đến tháng 9) giá khoảng 40.000 đồng/kg, thậm chí tới 50.000-60.000 đồng/kg. Xà lách xoong là loại rau màu cho thu nhập cao với lợi nhuận mỗi năm từ 100-300 triệu đồng/ha. Với việc áp dụng mô hình trên bờ trồng xà lách xoong, còn dưới mương trồng rau nhút kết hợp, giúp gia đình anh Tảo có nguồn thu ổn định trong mùa hạn mặn.
Tại huyện Bình Tân, vùng chuyên canh khoai lang xuất khẩu lớn nhất của tỉnh Vĩnh Long, nhiều nông dân đang chủ động nước tưới để sản xuất vào mùa hạn. Anh Lê Thái Hòa, ở xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, hớn hở: “4 công khoai lang của gia đình nhờ chăm sóc tốt nên năng suất vụ này đạt 60 tạ/công (1 tạ 60kg). Thương lái vừa đến tận ruộng thu mua với giá khá cao là 830.000 đồng/tạ, giúp nông dân lãi đậm”.
Chỉ chúng tôi hơn 2 công dưa leo vừa thu hoạch, chị Lâm Thị Chín, ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, bộc bạch: “Qua theo dõi thị trường thời gian qua thấy khi vào mùa hạn mặn thì dưa leo được giá cao và dễ tiêu thụ; vì vậy vụ này ruộng dưa leo của gia đình lúc tới ngày thu hoạch được thương lái đến tận ruộng thu mua từ 15.000-20.000 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn lúa rất nhiều”.
Ở Hậu Giang, để thích ứng trong mùa hạn mặn này, nhiều nông dân chuyển từ đất lúa sang trồng màu cho hiệu quả kinh tế cao. Như gia đình ông Nguyễn Văn Lâm, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, vụ này trồng 2 công dưa leo đang cho thu hoạch trái, trung bình bẻ hơn 200kg/ngày. Theo gia đình ông Lâm, trồng dưa leo mùa hạn này thì nặng công chăm sóc, phải tưới nước cho dưa phát triển, tuy nhiên bán được giá cao. Với giá dưa leo được thương lái vào tận nơi cân từ 7.000-8.000 đồng/kg như hiện nay thì cũng có lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/công sau 2,5 tháng trồng và chăm sóc.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, đến nay toàn tỉnh đã xuống giống được 18.625ha rau màu. Trong đó, cây rau đậu 16.946ha, cây bắp 1.335ha. Đã thu hoạch 13.627ha, chủ yếu cây rau đậu các loại, ước năng suất trung bình đạt 12,5 tấn/ha, sản lượng ước đạt 170.338 tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ năm 2023. Diện tích còn lại đang giai đoạn sinh trưởng và phát triển tốt. Ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn thường xuyên kiểm tra độ mặn và thông báo tình hình xâm nhập mặn đến địa phương và Nhân dân để sử dụng nước phục vụ sản xuất có hiệu quả, hạn chế thiệt hại do xâm nhập mặn cũng như hạn hán gây ra.
Ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, thành phố Cần Thơ… nhiều nông dân trồng cây ăn trái cũng “sống khỏe” nhờ các giải pháp thích ứng phù hợp với hạn mặn. Anh Nguyễn Văn Chí, ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nhìn nhận: “Cù lao Ngũ Hiệp có hơn 1.500ha sầu riêng, một loại cây cho hiệu quả kinh tế cao. Rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn dữ dội các năm 2016 và 2020 khiến nhiều vườn cây bị thiệt hại; vì vậy, ngoài việc ngành chức năng đầu tư hệ thống cống ngăn mặn thì nông dân nạo vét các con mương, đào thêm ao để trải bạt trữ nhiều nước ngọt trong vườn cây nhằm đảm bảo nước tưới suốt mùa khô. Nhờ vậy mà đến thời điểm này nhiều vườn sầu riêng vẫn trụ vững và phát triển bình thường; trong đó những nông dân chủ động cho trái sớm và bán vào tháng 3-2024 trúng giá cao từ 110.000-130.000 đồng/kg (giống Ri 6), thu lời đậm”.
Nông dân xã Thuận An (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) thu nhập cao trong mùa hạn nhờ áp dụng mô hình trồng rau nhút dưới mương, kết hợp trồng cải xà lách xoong trên bờ. Ảnh: H.TÂN
Tiếp tục chuyển đổi theo hướng “thuận thiên”
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hạn mặn năm 2024 dù diễn ra gay gắt và kéo dài, gây thiếu nước ngọt một số vùng ven biển thuộc các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang… đa phần là các khu vực không có nước ngầm và chưa được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cấp nước. Đối với sản xuất nông nghiệp thì hạn mặn tuy có gây ảnh hưởng nhưng mức độ thiệt hại rất thấp so với đợt hạn mặn năm 2016 và 2020. Nguyên nhân là do ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trong vùng đã chủ động chuyển đổi sản xuất phù hợp, thích ứng, thuận với tự nhiên.
Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về “Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” đã yêu cầu cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo ba trọng tâm “thủy sản - cây ăn trái - lúa gạo”, gắn với các tiểu vùng sinh thái; trong đó coi thủy sản (nước ngọt, nước lợ, nước mặn) là sản phẩm chủ lực.
Sau hơn 6 năm thực hiện đã làm thay đổi tư duy về phát triển nông nghiệp toàn vùng theo hướng thuận thiên, dựa vào thế mạnh của tự nhiên. Theo Bộ NN&PTNT, đã có những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa tầng, đa giá trị, thuận thiên gần đây xuất hiện ở nhiều địa phương trong vùng như mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa ở Bán đảo Cà Mau, mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh giúp tăng thu nhập cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên… hay mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn ở các tỉnh duyên hải, mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn đang tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực.
Các nhà chuyên môn cho rằng, Nghị quyết 120 xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên (chứ không chỉ riêng nước ngọt), là tinh thần mới giúp các địa phương chủ động chuyển dịch các mô hình canh tác phù hợp, khai thác tốt nguồn tài nguyên của các hệ sinh thái ngọt, lợ, mặn; từ đó tránh việc can thiệp vào tự nhiên nhiều như trước…
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre), chia sẻ: “Hiện nay hơn 8.500ha vườn cây ăn trái đặc sản của huyện như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… và 3.000ha hoa kiểng phát triển bình thường, dù bên ngoài là nước mặn tấn công. Được vậy, là nhờ chủ động các phương án ứng phó hạn mặn rất sớm, triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật mới trong sản xuất để nông dân áp dụng; thường xuyên quan trắc độ mặn để thông báo kịp thời cho bà con phòng ngừa; đặc biệt là hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi và tích trữ nước ngọt bằng nhiều cách như trong mương vườn, ao, làm hồ trải bạt, xây bồn chứa…”.
Mới đây, trong chuyến kiểm tra về phát triển nông nghiệp ở Trà Vinh, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đánh giá cao Trà Vinh là tỉnh ven biển nhưng đến nay không bị ảnh hưởng tiêu cực của hạn mặn; được vậy là do từ năm 2021 đến nay tỉnh này đã chủ động chuyển đổi hơn 8.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả, nơi thiếu nước tưới, cùng hàng trăm héc-ta đất mía bị ảnh hưởng mặn, năng suất kém… sang nuôi thủy sản và trồng các loại cây khác ít cần nước tưới, phù hợp với điều kiện sinh thái mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Lê Minh Hoan cũng tâm đắc với các HTX nông nghiệp ở Trà Vinh như HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu (huyện Châu Thành) quy tụ hơn 120 nông dân vào sản xuất lúa thông minh và áp dụng kinh tế tuần hoàn để tăng thu nhập; hay HTX nông nghiệp Long Hiệp (huyện Trà Cú) quy tụ 72 nông dân tham gia mô hình lúa - tôm bền vững… Ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh, để nông nghiệp phát triển bền vững, thuận thiên và thích ứng với biến đổi khí hậu, với hạn mặn thì việc chuyển đổi sản xuất phù hợp là rất quan trọng; đồng thời cũng chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Do đó, quy tụ nông dân vào các HTX sẽ thuận lợi trong việc chuyển đổi, cũng như ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất; gắn liên kết giữa HTX với các doanh nghiệp tiêu thụ để ổn định đầu ra nông sản. Đây là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hội nhập và phát triển thuận thiên…
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023 ở vùng ĐBSCL có khoảng 86.000ha đất lúa kém hiệu quả, khó khăn về nguồn nước ngọt, nơi thường bị ảnh hưởng hạn mặn… được chuyển đổi sang nuôi thủy sản, trồng cây ăn trái, trồng rau màu... Trước đó, giai đoạn từ năm 2019-2022, bình quân mỗi năm có hàng chục ngàn héc-ta đất lúa được chuyển đổi sản xuất. Ưu điểm của chuyển đổi là hệ số sử dụng đất được tăng lên từ 1,5-2,2 lần, tiết kiệm được nước tưới, thích ứng tốt với hạn mặn, nhờ đó hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn. Điển hình như từ đất lúa chuyển sang trồng rau màu các loại thì nông dân đạt doanh thu bình quân khoảng 150-200 triệu đồng/ha; trồng cây ăn trái đạt doanh thu trên 600 triệu đồng/ha… lợi nhuận cao hơn trồng lúa rất nhiều và thích ứng phù hợp với hạn mặn. Vì vậy, tới đây việc chuyển đổi sản xuất sẽ tiếp tục thực hiện. |
H.TÂN - H.THU
09:06 22/11/2024
(HG) - Sáng ngày 21-11, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ và các đơn vị liên quan tổ chức lớp tập huấn quy trình trồng măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP
09:01 22/11/2024
(HG) - Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh, sau thời gian thực hiện xây dựng các chuỗi giá trị có kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, hiện toàn tỉnh đã có 22 chuỗi với tổng diện tích 203ha được cấp xác nhận sản phẩm an toàn thực phẩm.
07:27 22/11/2024
Phong trào xây dựng nông thôn mới được các địa phương cả nước đẩy mạnh thực hiện và đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
08:59 21/11/2024
Đến hẹn lại lên, thời điểm này, các nhà vườn chuyên làm trái cây tạo hình trên địa bàn tỉnh đang tất bật các khâu để chuẩn bị sản phẩm ưng ý nhất, kịp tung ra thị trường dịp cuối năm, đáp ứng nhu cầu chưng tết của khách hàng.
09:53 19/11/2024
Theo phân tích, đánh giá của chuyên gia, nhà khoa học và ngành chức năng tỉnh thì trong thời gian tới, sản xuất nông nghiệp ở Hậu Giang phải đối mặt với không ít khó khăn, trở ngại; vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh cần sớm đề ra những hướng đi mới mang tính trọng tâm và đột phá hơn.
09:07 19/11/2024
Từ loại trái cây bình dân, thời gian gần đây, giá trái mãng cầu xiêm luôn ở mức cao mang về thu nhập ổn định cho nông dân. Từ đó, nhiều nhà vườn tích cực chăm sóc, mở rộng diện tích cây trồng này.
08:20 19/11/2024
Trong những năm gần đây, việc kết hợp các nguồn lực từ Nhà nước cùng sự đóng góp tích cực của người dân đã giúp nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh phát triển, tạo nền tảng xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững trong tương lai.
17:56 18/11/2024
Không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, có thể sản xuất quanh năm là những ưu điểm của mô hình trồng nấm rơm ứng dụng kỹ thuật chất trên kệ tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (KNNƯDCNC) Hậu Giang. Đặc biệt, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã nâng cao năng suất, cho hiệu quả kinh tế ổn định.
07:00 18/11/2024
(HG) - Vào thời điểm này, nông dân trên nhiều cánh đồng lúa của tỉnh tất bật vệ sinh đồng ruộng và tiến hành gieo sạ vụ lúa Đông xuân 2024-2025.
08:46 15/11/2024
(HG) - Ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục mở rộng diện tích các mô hình liên kết với doanh nghiệp sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Tăng cường khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác giảm giống, phân bón, thức ăn, tận dụng tốt các phụ phế phẩm để tạo nguồn phân bón hữu cơ góp phần đảm bảo sức khỏe cho cây trồng, giảm bớt chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả trên cùng diện tích canh tác cho nông dân.
06:00 24/11/2024
Cùng những tin tức khác, mời Quý độc giả theo dõi: 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn (Bình Định) được công nhận bảo vật quốc gia; Puerto Rico đăng quang Mr World 2024; Thanh Hằng... rơi cánh trên sàn catwalk; Google bị chính quyền Mỹ ép bán trình duyệt web Chrome.
20:00 23/11/2024
(HG) – Chiều muộn ngày 23-11, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, tiếp và làm việc với ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đến hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội của tỉnh.
16:10 23/11/2024
(HGO) - Quỹ Nam Phương cùng Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, UBND thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A) vừa phối hợp tổ chức Lễ khánh thành cầu Khang Đức nối liền 2 ấp Tân Phú A và Tân Long A của thị trấn Cái Tắc.
13:29 23/11/2024
(HG) - Sáng ngày 23-11, tại thành phố Cần Thơ, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Giải pháp nhân rộng các mô hình thí điểm thành công của Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030”.