Chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đầu mùa mưa

Thứ Năm, ngày 19/06/2025 | 07:47

 

Chủ động phòng chống dich bệnh.mp3

 

Mùa mưa luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Vì vậy, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chủ động phòng bệnh sớm, góp phần bảo vệ đàn vật nuôi an toàn, hiệu quả.

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là biện pháp hiệu quả để tránh thiệt hại, nhất là trong mùa mưa.

Chủ động từ xa, từ sớm

Hậu Giang là vùng trũng của đồng bằng sông Cửu Long, có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Mùa mưa chính là môi trường thuận lợi để mầm bệnh phát triển và lây lan. Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh, thời điểm đầu và giữa mùa mưa luôn là giai đoạn nhạy cảm nhất đối với sức khỏe đàn vật nuôi. Nhiệt độ thay đổi thất thường, độ ẩm cao, chuồng trại dễ bị ẩm, tạo điều kiện lý tưởng cho vi-rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển.

Theo báo cáo từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh, hiện tổng đàn heo trên địa bàn có hơn 125.000 con, tổng đàn trâu có hơn 4.000 con, đàn bò có khoảng 1.000 con và hơn 4.500 con gia cầm. Trong đó, phần lớn số hộ chăn nuôi theo hướng nhỏ lẻ, chưa đảm bảo đầy đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt vào mùa mưa tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Tuy nhiên, điểm đáng ghi nhận là người chăn nuôi tại Hậu Giang đã dần chuyển từ tâm lý bị động sang chủ động ứng phó. Ông Nguyễn Văn Lập, người có hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi heo tại xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Tôi đã rút kinh nghiệm từ những năm trước, do chăn nuôi nhỏ lẻ nên cứ mưa là chuồng trại ẩm thấp, heo dễ bệnh. Từ đầu mùa mưa năm nay, tôi đã vệ sinh chuồng, tiêm phòng đầy đủ và bổ sung vitamin, chất điện giải để tăng sức đề kháng cho đàn heo của mình”.

Tương tự, đối với các trang trại lớn đầu tư các thiết bị tiên tiến, việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học là việc làm thường xuyên để vật nuôi phát triển tốt, đảm bảo an toàn. Anh Đặng Minh Hào, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng bệnh cho đàn heo 100 con của gia đình. Anh Hào cho biết: “Tôi không đợi tới khi có dịch mới xử lý. Ngay từ đầu mùa mưa, tôi đã rải vôi bột quanh chuồng, vệ sinh định kỳ, đảm bảo chuồng trại khô ráo, thoáng mát. Bên cạnh đó, tôi còn phun tiêu độc khử trùng xung quanh hàng tuần, luôn dự trữ thức ăn, nước uống và theo dõi sức khỏe đàn heo để kịp thời xử lý nếu có vấn đề”.

Còn với ông Phạm Văn Đen, ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học cho đàn gà là liên tục bất kể ở mùa nào, thời tiết ra sao. “Riêng mùa mưa là đặc biệt cần chú ý, vì mùa này gà dễ bệnh nên tôi phải liên hệ thú y xã để tiêm phòng đầy đủ. Ngoài ra, tôi còn trải đệm lót sinh học bằng rơm, trấu nhằm hạn chế các sinh vật gây hại cho sức khỏe đàn gà, giữ cho chuồng trại sạch sẽ tôi cũng yên tâm hơn”, ông Đen cho biết.

Kiểm soát tốt, nhưng không lơ là

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh, thời điểm đầu và giữa mùa mưa là giai đoạn nhạy cảm nhất đối với sức khỏe vật nuôi. Nhiệt độ thay đổi thất thường, độ ẩm cao, chuồng trại dễ bị ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi-rút gây bệnh phát triển. Các loại bệnh thường gặp trên đàn gia súc, gia cầm trong giai đoạn này có thể kể đến như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, heo tai xanh, cúm gia cầm và một số bệnh về tiêu hóa, hô hấp. May mắn là từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm buộc phải công bố dịch.

Một điểm đáng mừng là nhận thức của nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển biến rõ rệt. Không còn tâm lý “nước đến chân mới nhảy”, nhiều hộ đã xem phòng bệnh là việc phải làm ngay từ đầu. Anh Nguyễn Hữu Phong, hộ chăn nuôi heo ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Trước đây, tôi ngại tiêm phòng cho đàn vật nuôi vì sợ tốn tiền, nhưng giờ thấy rõ tiêm phòng giúp mình yên tâm, không tốn công sức, chi phí chữa bệnh về sau. Thú y xã giờ cũng xuống tận nơi hướng dẫn, hỗ trợ rất nhiệt tình”. Việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, tăng cường kiểm soát nguồn giống, sử dụng thức ăn bổ sung chất đề kháng, và đặc biệt là liên hệ kịp thời với cán bộ thú y khi phát hiện dấu hiệu bất thường đã giúp nhiều hộ tránh được thiệt hại trong mùa mưa những năm gần đây.

Về phía ngành chức năng, Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh đang đề xuất chính quyền địa phương hỗ trợ thêm vật tư, hóa chất tiêu độc khử trùng, nhất là ở các vùng nuôi tập trung, vùng có nguy cơ cao. Kế hoạch phòng, chống dịch năm 2025 là sẽ tập trung phối hợp chặt chẽ với các địa phương để theo dõi sát diễn biến dịch tễ, triển khai tiêm phòng định kỳ và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.

Ông Bùi Văn Lực, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh, đánh giá: Công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trong mùa mưa có tầm quan trọng rất lớn, đặc biệt là đối với chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ. Mùa mưa là thời điểm gia súc, gia cầm dễ mắc bệnh hơn, có nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh trên diện rộng, gây thiệt hại kinh tế lớn. Để chủ động giảm thiểu thiệt hại vào mùa này, Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh khuyến cáo bà con cần thường xuyên theo dõi các thông tin hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó kịp thời khi thời tiết thay đổi, nhất là những ngày có mưa, giông lốc. Chú ý ngay việc che chắn chuồng trại, tránh mưa tạt, gió lùa... Khi mưa phùn ẩm độ cao cần giữ ấm cho con vật, nhất là đối với gia súc gia cầm non.

Ngoài ra, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, tiêu độc sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh tạo môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, khô ráo. Song song đó nên tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho vật nuôi theo lịch tiêm phòng được ngành thú y địa phương khuyến cáo, hướng dẫn. Đặc biệt, phải theo dõi, giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi để phát hiện sớm, kịp thời báo cáo cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, trong phạm vi nhỏ lẻ; khi có gia súc, gia cầm buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh phải thực hiện đầy đủ việc sát trùng, vệ sinh, tiêu độc để tiêu diệt mầm bệnh, không để phát tán làm lây lan dịch bệnh.

MAI THANH

Viết bình luận mới

Xem thêm

Tăng cường công tác phòng chống, khắc phục thiệt hại do thiên tai

11:18 27/06/2025

(HGO) - Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hậu Giang vừa đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương tuyệt đối không để xảy ra gián đoạn trong lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong quá trình sáp nhập cấp tỉnh, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trên địa bàn; xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu, nếu để xảy ra sai phạm trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Hiệu quả công tác chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

05:42 27/06/2025

Trong những năm qua, hoạt động khuyến nông trên địa bàn huyện Long Mỹ đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Phát triển vùng chuyên canh gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực

05:39 27/06/2025

Với lợi thế về đất đai và khí hậu, huyện Châu Thành đang tập trung phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Đây là hướng đi bền vững, góp phần nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho người dân địa phương.

Chạm vào bản sắc Hậu Giang qua mỗi sản phẩm OCOP

08:29 26/06/2025

Với định hướng phát triển sản phẩm OCOP không chỉ về số lượng mà còn về chiều sâu giá trị, Hậu Giang đang từng bước khai thác bản sắc vùng miền như một lợi thế cạnh tranh.

Nông dân cần thực hiện tốt các quy trình canh tác trong vụ lúa Thu đông

09:48 25/06/2025

(HG) - Để vụ lúa Thu đông 2025 sản xuất đạt hiệu quả ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp và môi trường tỉnh khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các quy trình canh tác.

Tiền gia công một cuộn rơm ở mức 11.000-12.000 đồng

05:55 25/06/2025

(HG) - Nhiều người hành nghề dùng máy đi thu gom rơm rạ trên đồng rồi đóng thành cuộn để cung ứng cho khách hàng có nhu cầu cho biết, giá thuê gia công mỗi cuộn rơm trong vụ lúa Hè thu này đang dao động từ 11.000-12.000 đồng/cuộn, tăng từ 2.000-3.000 đồng/cuộn so với vụ lúa Đông xuân vừa qua.

Mưa dầm ảnh hưởng sản xuất lúa

06:26 24/06/2025

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa dầm kèm theo gió mạnh đã làm ảnh hưởng đến tình hình thu hoạch lúa Hè thu và nhiều diện tích lúa Thu đông của nông dân vừa gieo sạ.

Còn một số khó khăn trong thực hiện Đề án vùng lúa chất lượng cao

06:24 24/06/2025

(HG) - Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, sau gần 2 năm thực hiện Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu

Phát triển ấn tượng nhưng chưa vơi nỗi lo sạt lở

05:43 23/06/2025

Trong những tháng đầu năm, huyện Châu Thành đạt nhiều kết quả nổi trội về kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần tạo nên thành tích chung của tỉnh. Tuy nhiên, thực trạng sạt lở trên địa bàn diễn biến khá phức tạp, đòi hỏi địa phương cần những giải pháp cụ thể hơn cho vấn đề này.

Canh tác “thuận thiên” thích ứng với biến đổi khí hậu

07:11 22/06/2025

Nhờ sự linh hoạt trong sản xuất, phù hợp với điều kiện tự nhiên, mô hình canh tác “thuận thiên” tôm - lúa ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, không chỉ giúp người dân tránh được rủi ro mùa vụ mà còn nâng cao thu nhập.

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Thành lập Tổ Công tác thường trực tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy

11:02 30/06/2025

(HGO) - Nhằm đảm bảo vận hành mô hình chính quyền địa phương 02 cấp thông suốt, hiệu quả, Bảo hiểm xã hội (BHXH) khu vực XXX vừa thành lập Tổ Công tác thường trực tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy

Kính gửi Quý độc giả thân yêu !

08:11 30/06/2025

Kể từ số báo này, Báo Hậu Giang sẽ chính thức ngừng xuất bản, chia tay với Quý độc giả theo sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy để sáp nhập về đơn vị hành chính mới thành phố Cần Thơ theo Nghị quyết số 202/2025/QH 15 ngày 12 tháng 6 năm 2025 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025.

“Hạnh phúc tuổi trẻ”

08:10 30/06/2025

Đây là quyển sách của triết gia Ấn Độ Jiddu Krishnamurti (1895-1986) dành cho những người trẻ.

Mãi nhớ Hậu Giang qua từng câu hát, lời ca !

08:09 30/06/2025

Miền đất Hậu Giang đã để lại trong ký ức bao người không chỉ qua âm nhạc, mà ở các thể loại nghệ thuật khác như văn, thơ, nhiếp ảnh...