Chủ động trước thiên tai

28/05/2024 | 18:13 GMT+7

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, khả năng El Nino chuyển pha trung tính với xác suất 82%; từ tháng 6 đến tháng 8 khả năng chuyển sang LaNina với xác suất 63% và tiếp tục có xu hướng tăng trong những tháng sau đó nên tình hình thiên tai năm nay sẽ phức tạp, khó lường.

Đầu tháng 5-2024, lốc xoáy đã làm tốc mái che một số lô bán ăn uống của tiểu thương chợ đêm Vị Thanh, thành phố Vị Thanh.

Tình hình mưa bão diễn biến phức tạp

Theo cơ quan chuyên môn, mùa mưa ở Nam bộ khả năng sẽ bắt đầu trong khoảng thời gian xấp xỉ đến muộn hơn trung bình nhiều năm (TBNN), từ khoảng trung tuần tháng 5 đến cuối tháng 5. Tổng lượng mưa trong mùa mưa cao hơn TBNN khoảng 5-15%, tập trung vào nửa cuối mùa mưa, từ tháng 7 đến tháng 11. Khả năng sẽ có những đợt mưa lớn diện rộng kéo dài nhiều ngày, đặc biệt là ở các tỉnh miền Tây (Cà Mau, Kiên Giang…).

Sau khi mùa mưa bắt đầu là thời kỳ hoạt động mạnh của gió mùa Tây Nam và La Nina nên những đợt giảm mưa trong mùa mưa hầu hết là không rõ ràng. Mưa vẫn còn xảy ra ở một vài nơi và thời gian giảm mưa không dài, chỉ khoảng 3-5 ngày kết thúc mùa mưa muộn hơn TBNN (khoảng cuối tháng 11). Mùa lũ 2024 trên sông Mekong khả năng đến tương đương so với TBNN. Tổng lượng dòng chảy ở thượng nguồn sông Mekong có khả năng thấp hơn từ 7-15% so với TBNN.

Mùa nắng nóng năm 2024 kết thúc muộn với thời kỳ nắng nóng kéo dài hơn TBNN. Nửa đầu tháng 5 vẫn còn những đợt nắng nóng trên diện rộng dài ngày. Số ngày nắng nóng và nhiệt độ cao nhất trung bình trong các tháng nắng nóng cao hơn TBNN. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối trong mùa nắng nóng năm nay từ 39-39,50C, xấp xỉ năm 2023.

Số cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên biển Đông xấp xỉ đến thấp hơn TBNN, khoảng 7-10 cơn bão, ATNĐ trên biển Đông; 2-4 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam. Khả năng có 1-2 cơn bão hoặc ATNĐ ảnh hưởng đến khu vực Nam biển Đông; cần đề phòng khả năng bão, ATNĐ di chuyển vào khu vực biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau. Giông, lốc, sét, mưa đá và mưa lớn cục bộ cường độ mạnh trong những tháng chuyển mùa và đầu mùa mưa (từ nay đến tháng 6-2023). Những đợt mưa lớn diện rộng kéo dài ngày ở miền Tây xảy ra nhiều trong tháng 7, 9, 10. Đề phòng những đợt gió mùa Tây Nam mạnh, gây thời tiết nguy hiểm trên biển trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 10.

Khu vực hạ lưu sông Tiền, sông Hậu, trạm Cần Thơ và Mỹ Thuận mực nước cao nhất năm có thể xuất hiện vào cuối tháng 10 và những ngày đầu tháng 11 (vào kỳ triều cường đầu tháng 10 âm lịch), dao động ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn báo động (BĐ) III từ 0,20-0,35m (ở khoảng 2,15-2,20m), ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2023 từ 0,05-0,15m. Các trạm vùng ven biển các sông miền Tây Nam bộ, mực nước đỉnh triều tại các trạm có xu thế tăng dần đến cuối năm, mực nước cao nhất năm 2024 có thể xuất hiện vào tháng 12 (kỳ triều cường đầu tháng 11 âm lịch).

Dự báo xâm nhập mặn có xu thế chung giảm chậm trong thời gian tới nhưng vẫn ở mức cao, mặn còn xâm nhập lên xuống theo triều nhưng không sâu hơn ranh mặn sâu nhất trong tháng 3-2024. Từ khoảng tháng 5 mặn mới giảm nhanh và sang tháng 6 xâm nhập mặn mới lùi xa về phía cửa sông. Theo số liệu quan trắc của ngành chuyên môn thì nồng độ mặn đo được ngày 27-5 ở cống Hóc Pó, xã Lương Nghĩa là 6‰; UBND xã Lương Nghĩa là 5‰; bến phà Ngan Dừa, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ là 3‰... Một số điểm khác thì ở mức 0,1-2,5‰. Nồng độ này đã giảm rất nhiều so với thời điểm giữa tháng 5-2024.

Sạt lở gia tăng những tháng đầu năm nay làm ảnh hưởng đến đời sống, đi lại của người dân.

Chủ động từ sớm

Từ đầu năm đến nay, nước mặn xâm nhập theo hướng triều cường biển Tây và biển Đông đã xuất hiện ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh. Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT rà soát thống kê diện tích các loại cây trồng có khả năng bị hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh và dự báo, cảnh báo diễn biến tình hình xâm nhập kịp thời. Qua đó, xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí lịch thời vụ xuống giống hợp lý và triển khai các giải pháp phù hợp để ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn. Tỉnh cũng xác định, đối với vùng nguy cơ hạn, ảnh hưởng mặn tổng diện tích ước tính là khoảng 90.00ha đến 110.000ha, bao gồm vụ lúa Đông xuân 2023-2024, Hè thu 2024 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Châu Thành, Châu Thành A, một phần huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy; đối với vùng nguy cơ xâm nhập mặn, ảnh hưởng hạn tổng diện tích ước tính là khoảng 50.000ha đến 60.000ha, bao gồm vụ lúa Đông xuân 2023-2024, Hè thu 2024 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Long Mỹ, Vị Thủy, một phần huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết: Nhờ công tác phối hợp tốt với tinh thần chủ động giữa các ngành chức năng các cấp cùng với bà con nông dân, đến nay Hậu Giang chưa có diện tích cây trồng, nuôi thủy sản bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh được quản lý, vận hành, khai thác theo tình hình thực tế của từng địa phương. Tuy nhiên, để chủ động trong bố trí mùa vụ, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và bảo đảm Hậu Giang sản xuất trong vùng sinh thái ngọt; cũng như chủ động trong công tác phòng chống hạn, mặn trong những năm tiếp theo cần đầu tư, nâng cấp hệ thống đê chưa hoàn chỉnh, các công trình thủy lợi trữ ngọt; hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân…

Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần Cấp nước và Vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân khi có mặn xâm nhập, quản lý các trạm cấp nước dự phòng (nước dưới đất) và trạm lấy nước từ 8.000 (Châu Thành A) để chủ động ứng phó khi hạn, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng theo dự báo. Có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các tuyến ống, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, cho biết: Tỉnh đã kiện toàn, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025; Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia; rà soát, cập nhật, bổ sung kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai. Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ, nâng cao năng lực Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy cấp tỉnh, huyện, xã; xây dựng hệ thống kết nối trực tuyến giao ban với Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ huy các cấp. Tăng cường hoạt động thông tin truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến nhất là bão, mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất bằng nhiều hình thức, bảo đảm thông tin về thiên tai đến được người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng. Tổ chức chỉ đạo, chỉ huy triển khai các biện pháp ứng phó với các trận thiên tai lớn. Huy động và triển khai nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai...

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết mới đây Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã phát động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai tại thành phố Ngã Bảy. Mục đích là nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy chính quyền các cấp và tầng lớp nhân dân trong công tác phòng chống thiên tai và sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai và đặc biệt là mùa mưa bão năm 2024, góp phần xây dựng cộng đồng bền vững, thích ứng với thiên tai. Bên cạnh ra quân thực hiện kè sinh thái, còn tiến hành kiểm tra, rà soát và có phương án nâng cao an toàn cho hệ thống công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn, công tác phòng chống theo phương châm 4 tại chỗ. Tổ chức rà soát và cắm biển cảnh báo tại các khu vực, địa điểm tại điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa bão này.

Bài, ảnh: T.TRÚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>