Thứ Hai, ngày 17/02/2025 | 08:48
Đừng để sầu riêng thành… sầu chung.MP3
Khác với các năm trước, sầu riêng “sốt giá” nông dân lời tiền tỉ… thì hiện nay dù mới thu hoạch sớm nhưng sầu riêng ở ĐBSCL đã đảo chiều giảm thê thảm khiến hàng loạt nông dân như ngồi trên đống lửa.
Sầu riêng thu hoạch sớm bị rớt giá khiến nông dân lo lắng. Ảnh: H.THU
Sầu riêng giảm giá mạnh
Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang… có diện tích trồng sầu riêng nhiều ở khu vực ĐBSCL; hiện tại dù chưa vào chính vụ thu hoạch sầu riêng năm 2025, nhưng nông dân vô cùng lo lắng bởi giá giảm mạnh. Ông Huỳnh Văn On, ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cho biết: “Hồi trước Tết Ất Tỵ 2025 thu hoạch sầu riêng sớm giống Ri6 được hơn 2 tấn, bán giá 80.000 đồng/kg; sau đó giá liên tục giảm xuống còn khoảng 40.000-50.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm ngoái từ 110.000-130.000 đồng/kg”.
Cũng ở xã Tân Phú, bà Cao Thị Chiên cho hay: “Năm nay, gia đình có hơn 8 tấn sầu riêng Ri6 cho trái sớm. Vào tháng 12-2024, thu hoạch trước một đợt được thương lái mua với giá 110.000 đồng/kg nên lãi khá. Tuy nhiên, sang cuối tháng 1-2025 giá giảm còn 55.000 đồng/kg, vì vậy lợi nhuận giảm đi khá nhiều, nông dân rất luyến tiếc nhưng đành phải bán, bởi lo lắng giá có tiếp tục giảm nữa hay không”.
Cùng tâm trạng trên, nhiều nông dân trồng sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang cũng kém vui vì giá thấp. Ông Nguyễn Văn Minh, ở xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, chia sẻ: “Sầu riêng là cây trồng chủ lực của vùng này từ nhiều năm nay và đây cũng là kinh tế chính. Năm ngoái, sầu riêng được mùa được giá đã giúp nhiều hộ thu nhập tiền tỉ; vậy mà nay chỉ mới có sầu riêng sớm nhưng ai cũng lo bởi giá thấp và tiêu thụ chậm. Với tình hình này, nếu không sớm cải thiện thì khoảng 1-2 tháng tới khi vào thu hoạch chính vụ sẽ rất khó khăn trong khâu tiêu thụ và xuất khẩu”.
Đưa chúng tôi ra thăm vườn sầu riêng mới cho trái vụ đầu tiên trong năm nay, ông Huỳnh Phú Lộc, ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, nhìn nhận: “Mấy năm trước thấy các nơi trúng sầu riêng làm giàu nên tôi phá bỏ vườn quýt hồng để chuyển sang trồng loại cây bạc tỉ này. Năm 2025, bắt đầu thu hoạch nhưng giá hiện giờ giảm mạnh nên chưa dám kêu thương lái đến xem vườn. Trước mắt, tập trung chăm sóc và chờ thêm vài tuần nữa ra sao mới quyết định bán…”.
Theo nhiều hộ trồng sầu riêng lâu năm ở ĐBSCL, thông thường sầu riêng trái sớm thu hoạch từ tháng Giêng cho đến cuối tháng 2 âm lịch hàng năm sẽ có giá không dưới 70.000-90.000 đồng/kg (giống Ri6); trong đó năm ngoái lên tới 110.000-130.000 đồng/kg. Thế nhưng năm 2025 này giá quá thấp, dù nông dân chưa tới mức thua lỗ, song lợi nhuận không bao nhiêu…
Đầu tư chất lượng, kiểm soát chặt diện tích
Bà Nguyễn Thị Thinh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre nhìn nhận, hiện nay ngoài việc giá sầu riêng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái thì đa phần các vườn cho trái sớm đều giảm sản lượng từ 40-60% do ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều khiến việc đậu trái không như mong muốn. Điều này cho thấy đồng lời thu về không như mong muốn, song nông dân và doanh nghiệp càng lo khi vài tháng tới các tỉnh đồng loạt vào cao điểm thu hoạch, sản lượng tăng cao, liệu có rơi vào cảnh “tới mùa - dội chợ - rớt giá”.
Nguyên nhân dẫn đến giá sầu riêng tuột dốc là do tác động từ ngành chức năng Trung Quốc kiểm tra chất vàng O (Basic Yellow 2 - BY2) - một loại hóa chất có nguy cơ gây ung thư, khi xuất khẩu sầu riêng sang thị trường tỉ dân này. Trước đó, vào cuối năm 2024, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phát hiện một vài lô sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan có dư lượng vàng O, nên ngày 10-1-2025 phía Trung Quốc thông báo áp dụng biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đối với các lô sầu riêng nhập khẩu. Theo đó, sầu riêng khi vào thị trường Trung Quốc ngoài giấy kiểm định về cadimi (như trước đây) thì nay phải có thêm giấy kiểm định vàng O. Chính quy định mới này làm cho một số doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam gặp khó khăn; trong đó có doanh nghiệp đưa hàng lên cửa khẩu nhưng phải quay về do chưa có giấy vàng O. Cũng từ việc thông quan cửa khẩu bị chậm đã khiến giá sầu riêng trong nước giảm mạnh.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo ngành nông nghiệp lưu ý: “Cần thấy rằng, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn trên thế giới và mới đây họ đưa ra quy định mới về kiểm định chất vàng O nên chúng ta phải tuân thủ khi đưa sầu riêng vào thị trường tỉ dân này. Ngành đang phối hợp với địa phương rà soát, kiểm tra các vùng trồng, quy trình chăm sóc, dư lượng kháng sinh, cơ sở đóng gói… đáp ứng các tiêu chí mà kiểm định chất vàng O đưa ra. Về cơ bản phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, hạn chế thấp nhất trường hợp lô hàng không đạt quy định. Đồng thời, cũng hạn chế các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng vướng vi phạm, tránh ảnh hưởng uy tín của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, cũng như các nước khác”.
Cùng với giải pháp trước mắt thì về lâu dài việc kiểm soát chặt diện tích, tránh bùng nổ trồng sầu riêng; đồng thời tăng cường liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; đầu tư nâng chất lượng… là vấn đề cần thiết để phát triển bền vững ngành sầu riêng. Bà Bùi Thị Châm, Giám đốc HTX vườn cây ăn trái Trường Thọ 2A, xã Trường Long huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, cho rằng: Qua so sánh vài năm gần đây cho thấy cây sầu riêng lợi nhuận cao gấp nhiều lần các cây trồng khác. Dù vậy, HTX khuyến cáo các xã viên không vội vàng mở rộng diện tích bởi rủi ro về thị trường, đầu ra, vốn đầu tư cao… Hiện tại, HTX tăng cường hợp tác với các đơn vị thu mua xuất khẩu; xây dựng mã số vùng trồng và truy suất nguồn gốc; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí giá thành, nâng chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh.
UBND tỉnh Tiền Giang cho hay, toàn tỉnh có hơn 22.000ha sầu riêng, vượt khoảng 4.700ha so với quy hoạch đến năm 2030; trong đó có một số nơi nông dân trồng tự phát, manh mún do thời gian qua sầu riêng được giá; điều này kéo theo nhiều rủi ro. Tới đây, Tiền Giang không khuyến khích trồng mới mà tập trung đầu tư nâng chất lượng, đáp ứng các tiêu chí của thị trường Trung Quốc và khuyến cáo doanh nghiệp mở rộng thêm thị trường khác.
Ngành nông nghiệp Hậu Giang cho biết, thời gian qua đơn vị luôn đẩy mạnh thực hiện công tác lấy mẫu giám sát mã số vùng trồng, vùng nguyên liệu sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong đó có vùng trồng sầu riêng, nhằm tăng cường đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm nông sản trên địa bàn. Tỉnh cũng xác định việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, sử dụng vật tư đầu vào thân thiện với môi trường (phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học...) là yếu tố quan trọng để đảm bảo, nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm. Chuyển mạnh sang thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời cơ sở vi phạm. Đặc biệt, hiện nay nông dân đang có xu hướng chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao trong đó có cây sầu riêng, vì vậy ngành nông nghiệp Hậu Giang khuyến cáo nông dân không trồng tự phát khi chưa có thị trường đầu ra ổn định, đồng thời cán bộ kỹ thuật sẽ tăng cường hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, phòng ngừa các loại sâu bệnh để tăng năng suất và chất lượng cao.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, đến cuối tháng 1-2025, cả nước có 9 trung tâm, phòng kiểm định vàng O về sầu riêng của Việt Nam (đặt ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Cà Mau) được Trung Quốc công nhận. Ngành chức năng cũng đang đề nghị phía Trung Quốc xem xét công nhận thêm các trung tâm đủ tiêu chuẩn về kiểm định vàng O nhằm đẩy nhanh việc kiểm định khi sầu riêng vào cao điểm thu hoạch trong thời gian tới. Những ngày qua, đối với các lô hàng khi kiểm tra đạt tiêu chuẩn về vàng O và cadimi thì được đưa lên các cửa khẩu phía Bắc để xuất khẩu thị trường Trung Quốc.
Nếu như năm 2021 xuất khẩu sầu riêng mới có 178 triệu USD; đến năm 2022 tăng lên 421 triệu USD, thì năm 2023 cả nước xuất khẩu sầu riêng đạt kim ngạch tới 2,3 tỉ USD. Năm 2024, ghi nhận bước nhảy vọt khi xuất khẩu mặt hàng này lên mức 3,2 tỉ USD, cao kỷ lục từ trước tới nay. Nguyên nhân quan trọng giúp trái sầu riêng Việt Nam có sự nhảy vọt như trên là nhờ đạt được thỏa thuận xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. |
H.TÂN - H.THU
07:23 01/04/2025
Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vui mừng vì giá heo hơi tăng cao, nhưng đồng thời cũng lo lắng vì giá bán con giống cũng ở mức cao và khan hiếm nguồn cung, trong khi nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn.
08:16 31/03/2025
Thực hiện theo khuyến cáo từ ngành nông nghiệp và môi trường (NN&MT), người dân huyện Châu Thành A đã tích cực xuống giống, chăm sóc vụ lúa Hè thu với nhiều kỳ vọng mới.
12:52 30/03/2025
Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước những thách thức như tình trạng hạ thấp mực nước trên dòng chính, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất bờ sông... ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống của người dân. Việc chủ động đề ra các giải pháp thích ứng là một việc làm cấp bách.
06:44 28/03/2025
(HG) - Kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết số 08 ngày 10-4-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với giai cấp nông dân Hậu Giang giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo” là Hội Nông dân các cấp nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nông dân,
05:47 27/03/2025
Từ đầu năm đến nay, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phấn khởi vì heo bán được giá và có xu hướng tăng cao, nhờ đó mà người dân cũng yên tâm tái đàn.
08:02 25/03/2025
(HG) - Chiều ngày 24-3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương vùng sông Hồng và vùng ĐBSCL về việc xem xét quy hoạch thủy lợi cho 2 khu vực trên. Tham dự tại điểm cầu trực tuyến của tỉnh Hậu Giang có ông Trần Chí Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng một số sở, ngành liên quan của tỉnh.
07:57 25/03/2025
Vào những tháng cao điểm của mùa khô như hiện nay, đồng thời khi ngành chức năng tỉnh quyết định nâng cấp dự báo cháy rừng lên cấp cao thì cũng là lúc các chủ rừng trên địa bàn tỉnh bước vào giai đoạn cao điểm thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
07:12 25/03/2025
Thời gian qua, huyện Vị Thủy đã có bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiều kết quả ấn tượng, góp phần đưa nền nông nghiệp huyện nhà phát triển theo hướng bền vững và hiện đại.
09:20 24/03/2025
Thực hiện Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và bảo vệ môi trường nông thôn năm 2024, huyện Châu Thành đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, làm thay đổi diện mạo địa phương.
07:55 24/03/2025
(HG) - Để đảm bảo đạt diện tích và sản lượng trong vụ lúa Hè thu theo kế hoạch đề ra, hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NT&MT) đề nghị các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân xuống giống vụ lúa Hè thu sau khi thu hoạch lúa Đông xuân 2024-2025.
08:22 02/04/2025
Ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Đinh Văn Hai, Tổ trưởng Tổ 4 tổ cơm, cháo, nước sôi Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố Ngã Bảy, vẫn chưa cho bản thân nghỉ ngơi an nhàn. Với ông niềm vui của tuổi già là được nấu những bữa cơm ngon miễn phí cho những người khó khăn hay hỗ trợ cho những mảnh đời kém may mắn.
08:22 02/04/2025
Ngoài chủ động, nghiêm túc trong huấn luyện, lực lượng dân quân tự vệ cơ động ở các huyện, thị xã, thành phố còn hăng hái tham gia hỗ trợ chính quyền địa phương, người dân thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa.
08:14 02/04/2025
(HG) - Ngày 1-4, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội do bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội làm Trưởng đoàn, có buổi làm việc với UBND tỉnh về thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Cùng dự có bà Võ Thị Mỹ Trang, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Chí Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
08:10 02/04/2025
(HG) - Sáng ngày 1-4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa, cùng các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp và làm việc với Đoàn công tác AFD về dự án Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Ngã Bảy. Phía đoàn AFD, có ông Antoine Mougenot, Trưởng dự án và bà Audrey Guiral-Naepales, Trưởng Ban Phát triển đô thị của AFD hội sở tại Paris.