Giá dừa tăng kỷ lục, nông dân phấn khởi

Thứ Năm, ngày 24/04/2025 | 07:33

 

Giá dừa tăng kỷ lục, nông dân phấn khởi.mp3

 

Liên tục những ngày qua, giá dừa nguyên liệu ở các tỉnh ĐBSCL tăng rất mạnh và hút hàng làm cho nhiều hộ trồng dừa vô cùng phấn khởi. Sau thời gian ì ạch vì giá thấp và khó tiêu thụ, thì nay người trồng dừa nghĩ đến việc tăng thu nhập, vươn lên từ loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít tốn chi phí đầu tư này…

Đóng gói dừa ở Bến Tre để phục vụ xuất khẩu. Ảnh: H.TÂN

Hút hàng, giá cao

Các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè… là những nơi có diện tích dừa nhiều nhất ở tỉnh Trà Vinh; hiện bà con bàn tán rôm rả về việc dừa nguyên liệu liên tục tăng giá. Ông Nguyễn Văn Khởi, ở xã Bình Phú (huyện Càng Long), cho biết: “Đã nhiều năm trồng dừa nhưng ít khi chứng kiến giá dừa tăng kỷ lục và hút hàng như lúc này. Nếu như thời điểm này năm ngoái, giá dừa được thương lái thu mua phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu chỉ 100.000-120.000 đồng/chục (12 trái) thì nay giá vọt lên từ 200.000-210.000 đồng/chục, cao nhất trong nhiều năm qua. Gia đình tôi canh tác được 12 công dừa, với giá này cứ mỗi lần thu hoạch thì bỏ túi bạc triệu”.

Nông dân trồng dừa ở Trà Vinh có lợi nhuận khá nhờ giá dừa tăng cao. Ảnh: H.TÂN

Chỉ chúng tôi 14 công dừa của gia đình mình, ông Lê Văn Cao, cùng ngụ xã Bình Phú tiết lộ, đây là kinh tế chính. Những năm qua, chi tiêu trong gia đình đều trông vào việc tới đợt bán dừa hàng tháng. Do đó, khi dừa tăng giá cao như vậy sẽ giúp nông dân sống khỏe và còn tiền tích lũy.

Ông Ngô Hữu Sự, Giám đốc HTX dừa Vạn Hưng (xã Bình Phú, huyện Càng Long), nhìn nhận: “HTX đang có nhu cầu thu mua mỗi ngày khoảng 30.000 trái dừa khô để cung ứng cho các nhà máy chế biến sản phẩm dừa các loại và phục vụ xuất khẩu; tuy nhiên cố gắng lắm chỉ mua được khoảng 10.000 trái mà thôi. Giá dừa đang thu mua cho bà con là 200.000-210.000 đồng/chục, cộng chi phí vận chuyển từ 15.000-20.000 đồng/chục nên giá về tới nhà máy từ 215.000-230.000 đồng/chục. Dù giá dừa rất cao, nhưng do đang vào mùa nghịch nên sản lượng dừa không nhiều…”. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh, toàn tỉnh có khoảng 27.500ha dừa, với hơn 90.000 hộ canh tác; hiện tại bà con có dừa thu hoạch lúc này đều đạt lợi nhuận cao.

Ở tỉnh Bến Tre, nơi có khoảng 80.000ha dừa, đứng đầu cả nước về diện tích, hiện bà con phấn chấn do giá tăng cao. Bà Lê Thị Thu, ở xã Phú Long (huyện Bình Đại) bộc bạch, nếu như vài năm trước giá dừa khô dao động chỉ 50.000-70.000 đồng/chục thì gần đây các doanh nghiệp và thương lái săn lùn mua dừa với giá cao kỷ lục từ trước đến nay. Thú thật là nông dân trồng dừa chưa từng nghĩ tới giá vượt ngưỡng 200.000 đồng/chục như lúc này; vì vậy không ít hộ bất ngờ. Ngoài ra, do là vụ nghịch nên số hộ trúng đậm dừa giá cao cũng không đại trà nhiều được.

Ở Hậu Giang, diện tích trồng dừa không lớn, chủ yếu là nông dân trồng xen với một số loại cây trồng khác, hoặc trồng xung quanh nhà, bờ kênh, bờ mương. Dừa là loại cây dễ trồng, có khả năng thích nghi cao với nhiều loại đất, điều kiện khí hậu khác nhau, thời gian sinh trưởng dài, trồng một lần có thể thu hoạch trái đến vài chục năm. Trung bình từ khi trồng khoảng 3 năm trồng thì cây dừa sẽ cho trái, nếu đất tốt, chăm sóc kỹ thì năng suất có thể đạt hơn 100 trái/năm. Chị Cao Thị Thu Hương, ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho biết, dù giá dừa cao ngất ngưỡng nhưng do đang mùa khô và cũng là mùa nghịch nên cây dừa ít ra trái, vì vậy nông dân cũng không có nguồn thu nhập cao từ cây dừa vào thời điểm này. Mong rằng giá trái dừa sẽ tiếp tục duy trì để người dân trồng dừa có thêm nguồn thu nhập.

Tìm hướng đi bền vững

Theo những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu dừa ở ĐBSCL, nguyên nhân khiến giá dừa tăng mạnh và thiếu hụt nguyên liệu là do mùa nghịch, cộng với năng suất giảm; ngoài ra tình hình xuất khẩu dừa sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác cũng khá tốt, vì vậy sản lượng dừa ở ĐBSCL không đáp ứng đủ nhu cầu. Dự báo, giá dừa còn duy trì ở mức cao, bởi đến khoảng tháng 8, tháng 9 thì dừa mới thu hoạch chính vụ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cả nước có gần 200.000ha dừa, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL và các tỉnh duyên hải miền Trung. Từ con số khiêm tốn chỉ xuất đạt 180 triệu USD vào năm 2010, ngành dừa đã phát triển mạnh mẽ và đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD trong năm 2024. Vào cuối tháng 10-2024, tỉnh Bến Tre tổ chức lễ công bố xuất khẩu chính ngạch dừa tươi Bến Tre sang thị trường Trung Quốc, tạo thêm bước đi căn cơ cho ngành dừa. Hiện, Bến Tre có 133 vùng trồng và 14 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo khảo sát thì Trung Quốc hàng năm tiêu thụ khoảng 4 tỉ trái dừa, trong đó có khoảng 2,6 tỉ quả tươi. Nhu cầu lớn, nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc còn hạn chế, đây chính là cơ hội cho dừa của Việt Nam vào thị trường tỉ dân này.

Tuy nhiên, để việc xuất khẩu dừa được bền vững, Bộ Nông nghiệp và Môi trường kêu gọi tất cả các đơn vị sản xuất, đóng gói và xuất khẩu… tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng và quy trình kiểm dịch thực vật như đã đề cập tại nghị định thư và các quy định liên quan. Cần thấy rằng, tuân thủ nghị định thư và các quy định liên quan của Trung Quốc sẽ không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm của chúng ta, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường khác trên thế giới.

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho hay, đến nay tỉnh được cấp 20 mã số vùng trồng, trong đó có 10 mã đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Do diện tích trồng dừa ở Trà Vinh còn manh mún nên việc cấp mã số gặp hạn chế. Tỉnh quy hoạch lại vùng trồng tập trung, hướng VietGAP, hữu cơ và kêu gọi các thành phần tham gia chuỗi giá trị ngành dừa nhằm chuẩn hóa quy trình từ sản xuất đến xuất khẩu, nhất là thị trường tiềm năng Trung Quốc… 

Tại Bến Tre, vào năm 2021, tỉnh này đã ban hành Nghị quyết số 07 về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, sản phẩm dừa là một chuỗi khá lớn có mức độ liên kết rộng… Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bến Tre, đến nay tỉnh đã xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung. Trong đó, 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và 1 vùng sản xuất dừa uống nước. Cùng với phát triển chuỗi giá trị dừa thì tỉnh xây dựng hàng chục hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm tham gia liên kết, tổ chức sản xuất gắn với sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn trong chuỗi sản phẩm dừa. Từ những mô hình liên kết gắn với doanh nghiệp nên hàng trăm cơ sở sơ chế dừa được hình thành, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương; đồng thời đảm bảo đầu ra cho bà con trồng dừa. Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm kết nối Toàn Cầu (Tiền Giang) cho rằng, để ngành dừa phát triển và xuất khẩu tăng trưởng thì cần liên kết giữa nông dân sản xuất, doanh nghiệp tiêu thụ và chính quyền trong hỗ trợ. Cần xây dựng các chính sách dựa trên đặc tính của dừa và theo từng giai đoạn cung ứng. Đơn cử như thời điểm nguồn cung ít thì chính sách nên hướng đến việc tiêu thụ nội địa; thời điểm nguồn cung dồi dào thì phải tập trung mạnh cho xuất khẩu…

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, nước ta có diện tích trồng dừa lớn thứ 5 trên thế giới và là quốc gia xuất khẩu sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong hàng chục năm qua, ngành dừa Việt Nam cung cấp nguồn nguyên liệu phong phú cho các sản phẩm như cơm dừa, nước dừa, dầu dừa…, đồng thời tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho hàng triệu nông dân, công nhân cùng tham gia. Ngoài những mặt được trên thì ngành dừa đối mặt với những khó khăn khi năng suất chưa cao, phát triển chuỗi giá trị gia tăng chưa như mong muốn, kết nối với thị trường quốc tế còn ít. Do đó, cần xây dựng chuỗi giá trị toàn diện, hiện đại và bền vững nhằm đưa ngành dừa Việt Nam vươn lên trong thời gian tới…

H.TÂN - H.THU

Viết bình luận mới

Xem thêm

Tiếp tục duy trì, phát triển những mô hình hay và thực hiện nhiệm vụ 2 đề án

07:39 16/05/2025

(HG) - Sáng ngày 15-5, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Đề án Hậu Giang xanh) và Đề án kiểm soát môi trường tại khu vực sản xuất than củi trên địa bàn tỉnh (Đề án kiểm soát sản xuất than củi).

Định hướng mở rộng sản xuất lúa hữu cơ

05:32 16/05/2025

Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng và sự an toàn của nông sản, hướng đi sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ trở thành xu thế tất yếu. Nhận thức được điều này, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) Hậu Giang đã xây dựng kế hoạch sản xuất lúa theo hướng hữu cơ năm 2025 với những mục tiêu cụ thể, quy mô mở rộng và các giải pháp đồng bộ.

Điểm sáng ở nông thôn

18:31 15/05/2025

Với những việc làm thiết thực, người dân ở các xã trong huyện Vị Thủy đã góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, chung sức xây dựng quê hương nông thôn mới.

Điều chỉnh vốn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

18:31 15/05/2025

(HG) - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 864/QĐ-TTg điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 của các địa phương tại các Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022, số 147/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Hơn 60 học viên tham gia tập huấn về an toàn thực phẩm và kỹ năng kinh doanh nông sản

17:36 15/05/2025

(HGO) - Sáng ngày 15-5, tại khách sạn Bông Sen, ở phường V, thành phố Vị Thanh, Chi cục Chất lượng, Chế biến, Thị trường và Phát triển nông thôn tỉnh đã khai giảng lớp tập huấn nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm (ATTP), kỹ năng kinh doanh và marketing tiêu thụ sản phẩm. Tham dự có ông Huỳnh Phước Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến, Thị trường và Phát triển nông thôn tỉnh; cùng hơn 60 học viên là hội viên Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Hậu Giang có 104 vùng trồng được cấp mã số

09:06 15/05/2025

(HG) - Toàn tỉnh hiện có 104 vùng trồng đã được cấp mã số. Trong đó, có 2 mã số vùng trồng trên cây chuối, 14 mã số vùng trồng trên cây xoài, 18 mã số vùng trồng trên cây nhãn, 3 mã số vùng trồng trên cây bưởi,

Hướng đi xanh cho nông nghiệp

08:10 15/05/2025

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, sản xuất theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn không chỉ là giải pháp an toàn,

Huyện Phụng Hiệp: Khởi công cầu giao thông nông thôn

07:06 14/05/2025

(HG) - Ngày 13-5, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, phối hợp nhà tài trợ tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Đặng Văn Quang, tại ấp Phụng Sơn A, xã Tân Long.

Hậu Giang có 51 Tổ khuyến nông cộng đồng

06:06 14/05/2025

(HG) - Thông tin từ Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, hiện toàn tỉnh có 51 Tổ khuyến nông cộng đồng tại 51/51 xã trên địa bàn tỉnh, với 562 thành viên. Thành viên của các tổ chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm từ Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách lĩnh vực kinh tế và viên chức khuyến nông, viên chức trồng trọt và bảo vệ thực vật, các hội đoàn thể, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn 51 xã của tỉnh.

Giá sầu riêng tiếp tục giảm

06:00 14/05/2025

(HG) - Giá sầu riêng Ri6 VIP tại vựa hiện có giá từ 65.000 đồng/kg, Ri6 loại A ở mức 53.000-55.000 đồng/kg và sầu riêng Ri6 loại B ở mức từ 35.000-40.000 đồng/kg, Ri6 loại C thương lượng. Còn sầu riêng Thái VIP có giá 90.000 đồng/kg, sầu riêng Thái A có giá từ 73.000-76.000 đồng/kg, sầu riêng Thái loại B có giá từ 53.000-56.000 đồng/kg, sầu riêng Thái loại C có giá từ 38.000-40.000 đồng/kg.

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Kiểm tra địa điểm tổ chức sự kiện mừng sinh nhật Bác

21:04 16/05/2025

(HGO) - Chiều ngày 16 - 5, ông Trần Chí Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các sở, ban, ngành có liên quan, có buổi kiểm tra trực tiếp tại địa điểm chuẩn bị tổ chức sự kiện mừng sinh nhật Bác.

Mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

19:20 16/05/2025

(HGO) - Chiều tối ngày 16-5, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp với Tổ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Hậu Giang về kế hoạch triển khai đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.

Người dân phát hiện gạo bán trên thị trường có dấu hiệu bất thường

17:48 16/05/2025

(HGO) - Ngay sau khi nhận phản ánh của người dân khi phát hiện gạo mua về sử dụng có dấu hiệu bất thường, ngày 16-5, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh tiến hành kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh bán gạo ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp.

Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

16:14 16/05/2025

(HGO) – Sáng ngày 16-5, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh tổ chức phiên họp thứ 12 để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quý II, đề ra phương hướng, nhiệm vụ quý III năm 2025.