Kỳ vọng giống lúa mới cho Hậu Giang

25/09/2024 | 18:30 GMT+7

Sau thời gian nghiên cứu, lai tạo và trồng khảo nghiệm thực tế, hiện ngành chức năng có liên quan của tỉnh đã tạo ra một số giống lúa được kỳ vọng sẽ mang thương hiệu riêng cho Hậu Giang và đặc biệt là phù hợp với nhiều vùng canh tác trên địa bàn tỉnh.

Ngành chức năng đánh giá cao về nhiều ưu điểm của một số giống lúa được trồng khảo nghiệm tại Ban Quản lý Khu NNƯDCNC Hậu Giang trong vụ lúa Hè thu vừa qua.  

Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, trong vụ lúa Hè thu năm nay, Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) Hậu Giang đã phối hợp với Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Hậu Giang thực hiện trồng khảo nghiệm tại Ban quản lý Khu NNƯDCNC Hậu Giang một số giống lúa mang tính tiềm năng của tỉnh sau thời gian nghiên cứu lựa chọn và lai tạo.

Theo đó, có 12 giống lúa được xác định là có tiềm năng phát triển tại vùng đất Hậu Giang được trồng khảo nghiệm, đồng thời có 2 giống lúa là Đài Thơm 8 và ST 25 được trồng cùng lúc với giống lúa khảo nghiệm để làm đối chứng đánh giá kết quả. Ông Nguyễn Hoàng Thoại, Giám đốc Ban Quản lý Khu NNƯDCNC Hậu Giang, cho biết: Mục tiêu của việc trồng khảo nghiệm 12 giống lúa tiềm năng của Hậu Giang tại đơn vị trong vụ Hè thu này là nhằm xem xét, đánh giá khả năng phù hợp với điều kiện sinh trưởng của vùng phèn mặn. Trước đó, các giống lúa này đã được trồng khảo nghiệm và cho kết quả tốt tại vùng đất phù sa ở huyện Châu Thành A. Do đó, đợt trồng khảo nghiệm lần này tại vùng phèn mặn được xem là bài kiểm tra cuối để các ngành chức năng có liên quan của tỉnh và huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh xem xét lựa chọn ra 1 đến 2 giống lúa có khả năng sinh trưởng phù hợp với các vùng đất trên địa bàn tỉnh, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh xây dựng thương hiệu giống lúa riêng cho Hậu Giang.

12 giống lúa khảo nghiệm và 2 giống đối chứng được trồng trên diện tích 0,6ha và phương thức gieo sạ là cấy. Báo cáo kết quả đánh giá 12 giống lúa khảo nghiệm từ lúc gieo sạ đến thu hoạch của cán bộ chuyên môn thuộc Ban Quản lý Khu NNƯDCNC Hậu Giang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Trước tiên là tỷ lệ hạt giống nảy mầm đạt trên 90%, đồng thời trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển thì cây lúa không có hoặc có rất ít dịch hại rầy nâu và bệnh cháy lá lúa xảy ra, riêng sâu đục thân thì có ít vào giai đoạn trổ - chín. Kết quả này cho thấy, các giống khảo nghiệm trình diễn đều có tính kháng một số loại dịch hại rất tốt.

Bên cạnh đó, nhiều giống lúa có số bông/m2 dao động từ 160-260 bông, đồng thời số hạt chắc/bông dao động từ 99 hạt đến 197 hạt và trọng lượng 1.000 hạt dao động từ 20,14 đến 26,95 gam. Về năng suất của các giống được trồng khảo nghiệm dao động từ 5,2-9,1 tấn/ha. Đối với thời gian sinh trường từ 90-105 ngày tuổi, chiều cao trung bình của cây lúa là 90-110cm.

Từ những kết quả bước đầu như trên, nhóm thực hiện mô hình trồng giống lúa khảo nghiệm tại Ban Quản lý Khu NNƯDCNC Hậu Giang đánh giá rằng, nhiều giống lúa được trồng khảo nghiệm có thể thích nghi với các vùng thổ nhưỡng khác nhau trên địa bàn tỉnh, trong đó có vùng chịu ảnh hưởng nặng nề về nhiễm phèn và xâm nhập mặn như huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh. Đây thật sự là tín hiệu đáng mừng cho nông dân Hậu Giang trong việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng nâng cao chất lượng, thích nghi với từng vùng sản xuất và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp.

Ông Phan Văn Học, nông dân ở ấp 11, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Do điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng nên trên địa bàn huyện Long Mỹ có nhiều vùng đất bị nhiễm phèn, mặn khá nặng, từ đó dẫn đến việc canh tác lúa của bà con có mùa vụ không đạt hiệu quả cao và đây cũng là nỗi trăn trở của người dân huyện Long Mỹ trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, sau khi đi tham quan thực tế về các giống lúa được trồng khảo nghiệm tại Khu NNƯDCNC Hậu Giang, nơi cũng bị nhiễm phèn, mặn nặng của thị trấn Vĩnh Viễn; thế nhưng, điều đáng phấn khởi là nhiều giống lúa vẫn trĩu bông, tỷ lệ hạt chắc trên bông khá nhiều, từ đó cho năng suất rất hấp dẫn. Với những tín hiệu tích cực này, tôi kỳ vọng ngành chức năng của tỉnh sớm chọn được những giống lúa phù hợp và mang tính đặc trưng riêng của từng vùng đất Hậu Giang để người dân có thể thay thế các giống lúa truyền thống và tổ chức trồng đại trà trong thời gian tới”. 

HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>