Làm giàu trên vùng đất khó

Chủ Nhật, ngày 26/01/2025 | 18:37

Ở cái xứ một tiếng gà gáy 3 tỉnh đều nghe (xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ - vùng giáp ranh giữa Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang) trước đây nông dân chỉ làm 2 vụ lúa/năm nhưng năng suất cũng rất bấp bênh. Giờ đây, người dân vùng này đã phất lên nhờ biết sống “thuận thiên”.

Hành trình trở thành “vua trâu”

Trước đây, ở vùng đất lung bàu của huyện Long Mỹ dễ dàng bắt gặp những đàn trâu thong dong gặm cỏ trên các cánh đồng. Người dân nơi đây nuôi trâu để sử dụng sức con vật này cày bừa, kéo lúa, kéo cỏ… Sau này, khi đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp thì những đàn trâu cũng dần dần giảm đi. Vậy mà hàng chục năm qua, tại vùng nông thôn sâu của huyện Long Mỹ vẫn có một nông dân tháng này qua năm nọ gắn bó với hàng trăm con trâu. Con trâu đã giúp người nông dân này từ nghèo khó trở nên giàu có với thu nhập mỗi năm hàng tỉ đồng.

Qua mấy lần hẹn mới gặp được “vua trâu” Nguyễn Hồng Ngự tại quê nhà ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, vào một buổi chiều muộn đầu tháng Chạp, nhưng không phải trong nhà ông mà bên đàn trâu đang gặm cỏ trên cánh đồng xanh mướt mắt. Người dân gọi ông là “vua trâu”, bởi lẽ trong tỉnh Hậu Giang hay các tỉnh lân cận giờ khó kiếm được nông dân nào sở hữu trong tay hàng trăm con trâu như ông.

Ông Ngự nhờ nuôi trâu mà phất lên làm giàu.

Ông Ngự cho biết, ông bận len trâu (di chuyển đàn trâu) khắp vùng ĐBSCL, nơi nào có nhiều cỏ thì ông lùa đàn trâu tìm đến. Những ngày cận tết này, tần suất đi lại của ông giữa các địa phương trong vùng càng tăng lên, bởi vừa khảo sát tìm những vùng có nhiều cỏ để đàn trâu có cái ăn trong những ngày khô hạn sắp tới, vừa thăm các hộ mà ông cho mượn trâu xem làm ăn như thế nào, vừa lựa chọn trâu đực già yếu, không còn sức kéo trong các đàn để chuẩn bị xẻ thịt bán tết.

Nhiều người quan niệm bây giờ nuôi trâu, chăn trâu là xui, là nghèo khó, nhưng đối với ông Ngự từ lúc nuôi con vật này ông thấy khỏe hơn nuôi các loài gia súc, gia cầm khác, bởi lẽ chỉ tốn cỏ cho nó ăn và gia đình ông mỗi ngày một thêm sung túc.

Có thời điểm ông Ngự sở hữu trong tay 600 con trâu.

 Ông Ngự bảo, ở cái vùng đất phèn nặng này, mùa khô là mặt nước vàng óng, nuôi con gì cũng khó, chỉ có con trâu là thích hợp. Con trâu ở vùng khô cằn này nó vẫn sống, và lớn nhanh, không phải cột chuồng, cột hầm vẫn được. Nếu như sắm cái máy cày thì hư lên hư xuống, mắc đổ dầu, đổ nhớt. Còn nuôi trâu không tốn gì mấy, mà con trâu vẫn lớn bình thường. Ví dụ đôi trâu năm nay chỉ có 40 triệu đồng thôi, qua năm sau đôi trâu này ra 55 triệu đồng, lời 15 triệu đồng, mà chỉ có tốn công cắt cỏ.

Từ một con trâu cái ở buổi đầu phải gom góp hết tiền, vàng trong nhà và mượn thêm hàng xóm để mua về kéo lúa, dần dà ông Ngự tập trung gây đàn bằng cách cho trâu cái đẻ; đồng thời, chắt mót dành dụm tiền kiếm được từ việc sử dụng trâu cày bừa, kéo rơm, kéo lúa… cho người dân trong vùng để tậu thêm trâu. Nhờ đó mà đàn trâu của ông sinh sôi, nảy nở ngày càng nhiều, từ vài chục con theo năm tháng đã tăng lên vài trăm con. Khi đã có đàn trâu đông đúc, ông Ngự cho người dân trong vùng thuê trâu và đến cuối năm nhận trâu về, vừa không mất công chăm sóc trong một năm, vừa thu được lợi nhuận. Mỗi năm, với nguồn tiền có được từ nuôi trâu, ông lại tìm mua thêm đất tại các địa phương trong vùng để có nơi cầm trâu khi len đến đó.

Hiện tại, không chỉ nuôi trâu ở Hậu Giang mà ông Ngự đã đưa trâu lên tận tỉnh Long An gửi nuôi và đã mua gần 5ha đất ở huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng từ 4-5 năm nay. Trung bình 1 con trâu vỗ béo người nhận nuôi đã bỏ túi 5-6 triệu đồng sau 3 đến 3,5 tháng nuôi mà không cần vốn. Ông Ngự cho biết, những lúc cao điểm đàn trâu của ông lên đến 600 con.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh (bìa phải) luôn dặn dò chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện để người dân vùng tôm - lúa phát triển.

“Con cái tốt thì mình để gây giống, gây đàn. Mấy năm trước, có những gia đình không đủ tiền sắm trâu thì người ta mướn 1 con trâu cái, 1 con trâu đực. Mướn trâu đực thì 1 năm 6 triệu đồng, mấy năm trước họ thuê kéo 1 năm cũng được 70-80 triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng. Còn con trâu cái đẻ ra con nghé thì chia hai, con nghé bán 20 triệu thì chia hai mỗi người 10 triệu đồng”, ông Ngự nói.

Hiện tại “vua trâu” đang sở hữu trong tay khoảng 200 con trâu. Mỗi năm, đàn trâu cái sinh sản từ 40-50 con nghé. Từ nghề nuôi trâu, ông Ngự đã giúp tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động. Bên cạnh đó, ông còn nhiệt tình giúp đỡ và hướng dẫn bà con trong vùng vươn lên thoát nghèo từ nghề này.

Lãnh đạo xã Lương Nghĩa cho biết, địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. Nhờ sự giúp đỡ của ông Ngự mà nhiều bà con đã thoát cảnh nghèo khó, vươn lên ổn định cuộc sống. Sản phẩm khô trâu của ông Ngự giờ đã đạt chuẩn OCOP 3 sao, gia đình ông đã mở điểm bán sản phẩm OCOP khô trâu gần chợ Lương Nghĩa để quảng bá sản phẩm đặc sản của địa phương này.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi trâu, từ nghèo khó chỉ có 1 con trâu cái, ông Ngự đã vươn lên có trong tay đàn trâu hàng trăm con, có ô tô, có nhà cửa khang trang và gần 300 công đất nằm rải rác tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Với nguồn thu nhập mỗi năm hơn 2 tỉ đồng từ nuôi trâu, “vua trâu” Nguyễn Hồng Ngự đã cho thấy câu nói của ông bà xưa “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, giờ vẫn chưa cũ.

Mới ửng sáng, gần 20 nhân công đã đội đèn thu hoạnh tôm trên ruộng

Tính chuyện làm giàu từ mô hình tôm - lúa

Màn đêm buông xuống, cơn gió bấc đầu mùa thổi nhẹ, trong căn chòi lá giữa cánh đồng tôm của gia đình ông Nguyễn Hồng Ngự, những người nuôi tôm lân cận đã tụ họp lại nhâm nhi bàn tán chuyện bán tôm. Nào là giá tôm đợt này nhỉnh hơn, chất lượng tôm nuôi cũng đồng đều hơn, sau vụ tôm này sẽ có nhiều người cất thêm nhà mới… Tiếng nói, tiếng cười giòn giã hòa lẫn cùng tiếng máy bơm nước chạy lạch cạch cùng tiếng ếch, cúm núm kêu tạo ra âm thanh vang vọng cả cánh đồng.

Trời dần khuya, nước trên đồng dần cạn, những con tôm càng xanh cũng bắt đầu ló dạng. Trong căn chòi rộng tầm 20m2, ông Ngự đã thức canh nước để rạng sáng là bắt đầu thu hoạch tôm sau thời gian gần 6 tháng nuôi, chăm sóc.

Trời chưa hừng sáng, từ xa xa ngoài đầu kênh xáng, hơn 20 nhân công đầu đội đèn giăng hàng ngang lội ruộng bắt đầu hành trình cho ngày thu hoạch tôm. Nằm giữa cánh đồng rộng 10ha của ông Ngự là ruộng tôm gần 5ha mà gia đình ông đã tham gia mô hình nuôi tôm - lúa do ngành nông nghiệp, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và địa phương thực hiện.

Mặt trời ló dạng, những chiếc vỏ lãi được đưa vào ruộng tôm chở đầy ắp những giỏ tôm nhanh chóng chuyển vào bờ kênh. Ông Ngự nói cánh đồng này xưa chỉ là năng với lau sậy, nhưng vụ này khi nuôi tôm cũng bỏ túi khoảng 150 triệu đồng. Sau vụ thu hoạch tôm thì gieo sạ lại một vụ lúa hữu cơ. Ông Ngự nói bây giờ mình phải sống “thuận thiên”, mùa nước mặn lấy nước vào ruộng nuôi tôm, khi thu hoạch tôm xong thì trồng lúa sạch, phải sống hòa mình với thiên nhiên. Chứ vùng này làm 2-3 vụ lúa/năm thì năng suất không bằng các vùng khác, hiệu quả kinh tế mang lại sẽ không cao.

Những nụ cười luôn hé nở trên môi sau một vụ tôm thắng lợi.

Đứng cạnh bên ông Ngự, anh Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa nói rằng, ở vùng tôm - lúa này xã đã có định hướng trồng lúa hữu cơ, hiện tại đã có công ty đặt hàng mua gạo với giá cao. Đây thật sự là một hướng mở cho vùng tôm - lúa ngoài đê bao của xã Lương Nghĩa.

Cạnh bên căn chòi, ông Ngự còn dành riêng một vuông rộng mấy ngàn mét vuông thả 30.000 con tôm thẻ chân trắng chủ yếu để ăn và cũng để cho mọi người trải nghiệm khi đến với vùng tôm - lúa. Đã có nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh đến tham quan mô hình nuôi tôm của ông, thậm chí cả đoàn của Hàn Quốc. Nhiều người đã đặt lú, quăng chài để trải nghiệm, thưởng thức tôm tại căn chòi. Nhiều người cũng nói rằng, ông Ngự đậm chất người miền Tây hào sảng, phóng khoáng.

Mới đây, trong một chuyến thăm vùng nuôi tôm ở xã Lương Nghĩa, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang ông Trần Công Chánh nói rằng, vùng này ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn nhưng người dân đã biết thích ứng, mùa nước mặn thì nuôi tôm còn đến vụ Đông xuân thì trồng lúa. Chính quyền địa phương nên quan tâm nhân rộng mô hình. Cái cần là làm sao để người dân tiếp tục gắn bó với mô hình, để những người chí thú làm ăn làm giàu và thích nghi trên vùng đất khó. 

Ông cha ta thường nói “trong cái khó ló cái khôn” thật không sai. Từ một vùng đất hoang vu, trước đây chỉ dành để cỏ mọc nuôi trâu, nuôi bò thì nay nông dân đã tính chuyện làm kinh tế trên vùng “đất chết”. Ban đầu người dân thấy mùa nước mặn, trên đồng cá tôm theo nước lên mà sống được thì mới manh nha nuôi thử từ năm 2016, với một vài hộ nuôi nhưng năng suất thu lại cũng rất thấp. Do mới nuôi lần đầu nên kỹ thuật, con giống chưa đạt yêu cầu, chất lượng tôm cũng chưa đạt chuẩn. Nhưng qua một thời gian thì tôm gần như là một vụ chính của người dân vùng ven đê bao ngăn ngặn ở xã Lương Nghĩa này.

Con tôm đang mang lại sinh kế mới cho người dân vùng ven đê ở xã Lương Nghĩa.

Ông Lê Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ nói rằng, huyện Long Mỹ là địa phương chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm do tác động của biến đổi khí hậu. Huyện đã có định hướng chuyển đổi từ chuyên canh cây lúa sang mô hình lúa - thủy sản, nhất là trong vụ Hè thu để thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn. Một trong những mô hình có chỉ đạo tập trung là nuôi tôm kết hợp với trồng lúa. Đến thời điểm này, mô hình đã mang lại hiệu quả bền vững cho nông dân và huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các vùng lân cận, nhằm góp phần tạo ra nguồn thu nhập thường xuyên cho nông dân vùng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Nhờ có định hướng mà đến nay diện tích đất ngoài đê bao của xã Lương Nghĩa người dân đã chuyển xong khoảng 150ha. Huyện Long Mỹ hàng năm cũng dành một phần kinh phí nhằm hỗ trợ con giống cho bà con nông dân để mở rộng diện tích chịu ảnh hưởng mặn của một phần xã Lương Tâm, Xà Phiên để toàn bộ vùng mặn ngoài đê bao người dân có nguồn thu nhập, và trong thời gian không xa khả năng diện tích nuôi tôm lúa vùng này sẽ tăng lên tới 500ha, tăng hơn 3 lần so với hiện tại.

Hoàng hôn buông xuống, chúng tôi chia tay “vua trâu” Nguyễn Hồng Ngự, cũng kết thúc cuộc hành trình đến vùng tôm - lúa, trong đầu hình dung một tương lai tươi sáng đang dần mở ra trên vùng đất khó…     

Anh Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa, thông tin rằng địa phương đang quy hoạch vùng đất ngoài đê bao bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn để bà con nông dân nuôi tôm - lúa. Qua các vụ nuôi cho thấy năng suất tôm đã đem lại thu nhập tốt cho bà con. Một vụ tôm sau khi trừ chi phí đầu tư con giống, cải tạo đất, nông dân có thu nhập vài chục triệu đồng, còn vụ lúa hữu cơ cũng có lợi nhuận từ 50 triệu đồng/ha trở lên. Hiện tại, xã có 110 hộ nuôi tôm và đã quy hoạch ngoài vùng đê bao để chuyển đổi mô hình lúa - tôm năm 2025 khoảng 200ha. Địa phương đang phối hợp tỉnh, huyện hỗ trợ con giống, sản xuất lúa hữu cơ, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cho bà con nông dân.

 

HOÀI THANH

Viết bình luận mới

Xem thêm

Vui xuân không quên đồng ruộng

06:25 24/01/2025

Với tình hình thời tiết hiện nay nắng mưa xen kẽ, sáng sớm se lạnh kèm theo sương mù là điều kiện thuận lợi cho dịch hại xuất hiện và tấn công trên các trà lúa Đông xuân;

Chuyển đổi 2.412,5ha đất chuyên trồng lúa sang trồng cây hàng năm và trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản

05:41 24/01/2025

(HG) - UBND tỉnh vừa có Quyết định Ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2025.

Mô hình kinh tế tuần hoàn cho lợi nhuận từ 30-46 triệu đồng/ha/vụ

08:34 23/01/2025

(HG) - Sáng ngày 22-1, tại UBND xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh tổ chức tổng kết mô hình kinh tế tuần hoàn lúa - cá - vịt. Tham dự có ngành nông nghiệp và người dân thực hiện mô hình tại huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp và đông đảo người dân xã Vĩnh Thuận Tây.

Huyện Phụng Hiệp: Nông dân trồng dưa hấu phấn khởi vì trúng mùa, được giá

08:25 23/01/2025

(HG) - Vụ dưa hấu tết năm nay, nông dân trên địa bàn huyện Phụng Hiệp xuống giống được 145ha, tập trung nhiều tại các xã Hòa Mỹ, Phương Bình, Tân Long, Long Thạnh, Hòa An… Đa phần nông dân đều lựa chọn giống dưa hấu chất lượng cao, mẫu mã đẹp, để phục vụ cho nhu cầu dịp tết.

Làng nghề rộn ràng vào xuân

06:18 21/01/2025

Những ngày tháng Chạp cũng là thời điểm các làng nghề truyền thống ở Hậu Giang rộn ràng vào mùa cao điểm sản xuất, tô điểm cho mùa xuân quê hương thêm phần ý nghĩa.

Xã Vị Thắng về đích nông thôn mới nâng cao

09:51 17/01/2025

Với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và sự chung sức của người dân, sau hơn 8 năm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm, hiện xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, góp phần tạo khí thế phấn khởi cho người dân về đời sống vật chất và tinh thần ngày thêm phát triển.

Thành phố Ngã Bảy: Tổng kết Chiến dịch Giao thông nông thôn - Thủy lợi và Bảo vệ môi trường nông thôn

09:04 17/01/2025

(HG) - Vừa qua, Ban Chỉ đạo chiến dịch Giao thông nông thôn - Thủy lợi và Bảo vệ môi trường nông thôn năm 2024 trên địa bàn thành phố Ngã Bảy đã tổ chức tổng kết.

Xuống giống lúa Đông xuân trễ, nguy cơ bị hạn mặn

08:27 16/01/2025

Hiện nay, có nhiều cánh đồng tại những vùng thường chịu ảnh hưởng nặng của tình hình xâm nhập mặn ở huyện Long Mỹ được nông dân xuống giống lúa Đông xuân trễ hơn mọi năm,

Mía giống và nhân công lao động tăng

09:22 14/01/2025

(HG) - Song song với việc thu hoạch mía, nông dân ở huyện Phụng Hiệp cũng tập trung xuống giống vụ mía mới. Năm nay, do giá mía nguyên liệu ở mức cao, nên chi phí vụ mía mới cũng tăng.

Sức sống mới ở vùng trồng hoa kiểng

07:29 14/01/2025

Ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, hiện nay có nhiều hộ dân chọn trồng hoa để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

554 phạm nhân được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù

15:06 27/01/2025

(HGO) - Sáng ngày 27-1, Trại giam Kênh 5, thuộc Cục C10 - Bộ Công an phối hợp với ngành chức năng tổ chức Lễ công bố quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đợt Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Các địa điểm bắn pháo hoa tại 8 huyện, thị, thành phố trong đêm Giao thừa

08:08 27/01/2025

(HGO) - Tối 28-1, nhằm 29 tết, sau chương trình nghệ thuật đêm Giao thừa, đồng loạt 8 điểm tại 8 huyện thị trong tỉnh sẽ trình diễn những màn pháo hoa rực rỡ, đặc sắc để phục vụ Nhân dân, chào đón năm mới với niềm tin và kỳ vọng mới.

Khi nông sản … thăng hoa !

06:33 27/01/2025

Ngồi nghỉ ngơi sau buổi làm việc mệt nhọc, dưới những tán cây nhãn Ido đang cho trái xum xuê, ông Ba Cầu (Diệp Văn Cầu), ở ấp Nhơn Phú, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, cười rôm rả, cất cái giọng đầy chất hào sảng của người miền Tây rặt: “Có ai nghĩ cũng là nhãn mà bán giá 1kg tới 2 triệu đồng đâu chớ”.

Tiếp lửa khởi nghiệp

06:30 27/01/2025

Ngày xuân, nghe chuyện thủ lĩnh đoàn tiếp lửa cho thanh niên khởi nghiệp thành công thật cuốn hút; chuyện của chị em khởi nghiệp làm giàu thì càng hấp dẫn biết chừng nào !