Nắng nóng, vườn dâu mất mùa

20/06/2024 | 05:13 GMT+7

Năm nay, người trồng dâu trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với một mùa đầy khó khăn, khi sản lượng dâu giảm sút nghiêm trọng. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của bà con nông dân, mà còn tác động đến nền kinh tế của địa phương.

Vườn dâu 700 gốc của chị Nguyễn Thị Bích Vân, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, năm nay không đậu trái.

Người dân lo lắng

Mùa dâu năm nay ghi nhận sản lượng giảm mạnh, chất lượng dâu không đạt yêu cầu. Theo ước tính của nhà vườn trên địa bàn thành phố Vị Thanh, huyện Châu Thành,… sản lượng dâu năm nay giảm hơn phân nửa so với năm ngoái, ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập của bà con nông dân.

Chị Nguyễn Thị Bích Vân, chủ khu tham quan du lịch sinh thái Bé Hai, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Với diện tích 28 công đất trồng 700 gốc dâu, bao gồm các loại dâu tàu và dâu xanh, gia đình tôi đã đầu tư rất nhiều công sức và tài chính vào việc chăm sóc vườn dâu của mình. Năm ngoái, nhờ thời tiết thuận lợi, cùng với việc học hỏi và áp dụng kỹ thuật canh tác tốt, tôi đã thu hoạch được hơn 80 tấn dâu. Bên cạnh đó, tôi còn kết hợp vườn dâu với du lịch sinh thái, thu hút từ 500-700 khách tham quan mỗi ngày. Nhờ đó, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi thu về lợi nhuận gần 300 triệu đồng/năm”.

Tuy nhiên, năm nay lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Mặc dù đã đầu tư nhiều vào phân bón và công bơm tác bơm nước, vườn dâu của chị Vân lại không ra trái. Tình trạng này không chỉ khiến chị mất đi nguồn thu lớn, mà còn phải gánh chịu khoản lỗ hơn 50 triệu đồng từ chi phí đầu tư.

“Gia đình tôi đã dùng mọi biện pháp để chăm sóc vườn dâu và bảo toàn các cây lâu năm tuổi, tuy nhiên cây vẫn không ra trái. Đây thật sự là một năm khó khăn đối với gia đình tôi. Hy vọng mùa vụ tới sẽ khả quan hơn”, chị Vân chia sẻ.

Tương tự, với gia đình chị Ngân, chủ của vườn dâu Út Ngân, ở ấp Mái Dầm, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, cũng bày tỏ sự lo lắng về tình trạng dâu không ra trái trong năm nay. Với hơn 10 công đất trồng nhiều loại như dâu xanh, dâu tàu, dâu sim, dâu vàng, chị Ngân cho biết năm nay không có thu nhập từ vườn dâu của mình.

“Thời tiết năm nay thực sự khắc nghiệt. Nắng nóng và hạn hán kéo dài, kết hợp với sương muối đã khiến cây dâu không thể ra trái. Chỉ có dâu sim là có trái, nhưng không đủ để bù đắp chi phí đầu tư, vườn dâu cũng không thể mở cửa đón khách tham quan du lịch”, chị Ngân chia sẻ.

Được biết, thời tiết bất thường với mùa nắng, hạn kéo dài đã làm cho trái dâu khó phát triển. Bên cạnh đó, mù sương muối cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đậu trái của cây. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ dâu cũng gặp khó khăn do giá cả biến động, làm cho nông dân gặp khó trong việc tìm đầu ra sản phẩm, các mô hình vườn dâu cũng bị ảnh hưởng trầm trọng.

Tìm hướng đi căn cơ cho nhà vườn

Trong bối cảnh các nhà vườn đối mặt với nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, việc tìm ra hướng đi và giải pháp hiệu quả là điều vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Để có thể đảm bảo các gốc dâu tiếp tục phát triển tốt và cho về sản lượng trái cao hơn năm nay, việc áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến nhằm tăng cường khả năng chống chịu của cây dâu trước những biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu. Ông Dương Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, cho biết: Xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật thành phố Vị Thanh để khảo sát nguyên nhân để chủ động hướng dẫn và đề xuất các giải pháp cho bà con nhằm hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất cho vườn dâu địa phương, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa sản phẩm từ dâu cũng được xem là một hướng đi khả thi. Chị Nguyễn Thị Bích Vân cũng đang lên kế hoạch phát triển các sản phẩm chế biến từ dâu như mứt, nước ép,… nhằm tăng giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, chị cũng tiếp tục khai thác tiềm năng du lịch sinh thái của vườn dâu, kết hợp với việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp cho du khách.

Chính quyền các địa phương cũng đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ khác cho nông dân, từ việc cung cấp giống cây trồng chất lượng đến hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề một cách bền vững, cần có sự đầu tư vào khoa học công nghệ, áp dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại và phát triển hệ thống cảnh báo sớm về thời tiết và dịch bệnh.

Sự biến động của mùa dâu năm nay là một bài học quý giá về tầm quan trọng của việc ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý dịch bệnh. Từ đó, nhận thấy được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng là cần thiết để giúp nông dân vượt qua khó khăn và phát triển bền vững trong thời gian sắp tới.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tổng diện tích trồng dâu trên địa bàn tỉnh là 182,9ha, tăng hơn 80ha so với năm 2023. Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch là 162ha, ước năng suất trung bình là 12,8 tấn/ha, sản lượng ước đạt trên 2.000 tấn. Đa số diện tích trồng nhỏ lẻ, không tập trung, chủ yếu được trồng ở huyện Châu Thành A, Châu Thành, Phụng Hiệp.

 

Bài, ảnh: MAI THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>