Nhiều hiệu quả trong phòng trừ dịch hại trên lúa bằng biện pháp sinh học

27/09/2024 | 08:34 GMT+7

(HGO) - Sáng ngày 26-9, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vị Thủy tổ chức hội thảo tổng kết Dự án “Ứng dụng nấm Beauveria bassiana và nấm Metarhizium anisopliae để quản lý sinh vật gây hại trên cánh đồng sản xuất theo đề án một triệu héc-ta lúa chất chất lượng cao”.

Nông dân tham quan và đánh giá cao kết quả mô hình phòng trừ dịch hại trên lúa bằng biện pháp sinh học tại hội thảo tổng kết.

Dự án được thực hiện trong vụ lúa Thu đông năm nay tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Kiến Thành, ở ấp 9A2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy. Quy mô thực hiện 200ha, với 80 hộ dân tham gia; giống lúa canh tác là OM 18 và OM 5451, mật độ gieo sạ từ 80 - 100kg/ha. Trong quá trình thực hiện dự án, nông dân được cung cấp nấm sinh học để phun ngừa rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ và quần thể thiên địch trên đồng ruộng; đồng thời bà con còn được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong phòng trừ dịch hại trên lúa bằng biện pháp sinh học.

Người dân nghe cán bộ thực hiện dự án báo cáo đánh giá kết quả thực hiện mô hình tại buổi hội thảo.

Qua hơn 3 tháng triển khai, hiện ruộng lúa trong dự án đã, đang được nông dân thu hoạch và đánh giá đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, qua theo dõi và đánh giá của cán bộ chuyên môn thực hiện dự án cho thấy, ruộng trong mô hình có mức chi phí đầu tư là 19,4 triệu đồng/ha, trong khi chi phí đầu tư trung bình của cả huyện Vị Thủy ở vụ lúa Thu đông năm nay là 24,4 triệu đồng/ha, tương đương giảm hơn 20% (5 triệu đồng/ha), trong đó ruộng thực hiện mô hình có chi phí về thuốc bảo vệ thực vật giảm hơn 50% so với ruộng đối chứng. Về năng suất của ruộng thực hiện dự án đạt 5,77 tấn/ha, còn ruộng đối chứng chỉ đạt gần 5 tấn/ha. Mặt khác, giá bán lúa ở mức 7.500 đồng/kg, từ đó nông dân trong mô hình đạt lợi nhuận gần 24 triệu đồng/ha.

Từ kết quả đánh giá trên cho thấy, việc nông dân áp dụng mô hình phòng trừ dịch hại trên lúa bằng biện pháp sinh học đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong canh tác lúa, từng bước giúp nông dân ứng dụng sản xuất nông sản sạch, bảo vệ môi trường và sức khỏe cho người canh tác và tiêu dùng. Thông qua dự án, ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy từng bước hình thành mạng lưới cộng đồng tham gia áp dụng biện pháp phòng trừ sinh học để giảm bớt lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa; đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm để xây dựng thương hiệu gạo cho huyện Vị Thủy nói riêng và tỉnh Hậu Giang nói chung. Ngoài ra, dự án cũng làm nền tảng phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL trên địa bàn huyện Vị Thủy.

HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>