Chủ Nhật, ngày 29/09/2024 | 12:52
Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo từ nay đến cuối năm sẽ gặp nhiều thuận lợi, từ đây mở ra những triển vọng về giá lúa Thu đông sẽ ổn định ở mức cao cho nông dân.
Nông dân Hậu Giang đang tích cực chăm sóc lúa Thu đông với kỳ vọng đạt năng suất và giá bán cao khi thu hoạch.
Những tín hiệu tích cực
Vụ lúa Thu đông năm nay, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống được 27.280ha (kế hoạch 24.500ha), trong đó hiện có khoảng 19.000ha trong giai đoạn trổ - chín. Riêng tại huyện Châu Thành A, một số cánh đồng gieo sạ sớm lúa Thu đông đã được người dân thu hoạch với diện tích hơn 500ha. Điều bà con nông dân cảm thấy phấn khởi là giá bán lúa duy trì ở mức cao, cộng với năng suất đạt khá nên tạo nguồn thu nhập hấp dẫn.
Vừa thu hoạch xong 1,8ha lúa Thu đông (giống lúa OM 5451), ông La Văn Hành, ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, thông tin: “Tôi và bà con ở cánh đồng nơi đây rất phấn khởi khi cân lúa tươi cho thương lái tại ruộng với giá dao động từ 7.600-7.900 đồng/kg, tăng khoảng 500 đồng/kg so với cùng kỳ. Ngoài giá bán cao thì năng suất lúa Thu đông đầu vụ nơi đây cũng đạt từ 650-750kg/công (một công 1.300m2), trong đó có hộ đạt 800kg/công (riêng ruộng của tôi đạt gần 800kg/công). Với năng suất và giá bán như trên thì sau khi trừ đi chi phí đầu tư, gia đình tôi kiếm được nguồn lợi nhuận gần 35 triệu đồng/ha. Đây thật sự là mức thu nhập khá hấp dẫn cho nông dân ở vụ lúa Thu đông này”.
Theo chia sẻ của một số thương lái đang thu mua lúa Thu đông của người dân tại huyện Châu Thành A thì thời gian gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên trước những lo ngại về nguồn cung do ảnh hưởng của lũ lụt ở một số khu vực. Ngoài vấn đề mưa bão tác động đến nguồn cung lúa gạo từ nay đến cuối năm, các hợp đồng xuất khẩu gạo của doanh nghiệp trong nước đã ký với đối tác là còn rất lớn; do đó, nhiều doanh nghiệp trong nước đang lên kế hoạch mua gạo để trả đơn hàng cho đối tác đã ký. Chính vì vậy, dự báo thị trường tiêu thụ lúa, gạo của người dân tại vùng ĐBSCL trong thời gian tới sẽ sôi động, mở ra nhiều triển vọng thuận lợi về giá cả và việc mua bán giữa doanh nghiệp với nông dân.
Hiện nay, UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đang chỉ đạo ngành nông nghiệp sở tại khẩn trương tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ nông dân thu hoạch dứt điểm lúa vụ Hè thu trước tình hình mưa giông được dự báo vẫn còn kéo dài và triều cường đang dâng cao nhằm hạn chế thiệt hại về năng suất; đồng thời tập trung chỉ đạo sản xuất hiệu quả vụ lúa cuối trong năm là Thu đông.
Theo báo cáo nhanh của Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, đến giữa tháng 9 này, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã thu hoạch vụ lúa Hè thu được 1,249/1,469 triệu héc-ta đã xuống giống, với năng suất ước đạt hơn 5,9 tấn/ha, sản lượng đạt 7,483 triệu tấn lúa. Đối với vụ lúa Thu đông, nông dân đã xuống giống được 597.000/700.000ha theo kế hoạch; cùng với đó, một số địa phương xuống giống lúa Thu đông sớm như: Hậu Giang, thành phố Cần Thơ, An Giang… đã bắt đầu thu hoạch được hơn 30.000ha.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Đối với vụ lúa Hè thu, toàn tỉnh xuống giống được gần 74.200ha và hiện chỉ còn một ít diện tích chưa thu hoạch trên địa bàn huyện Long Mỹ. Năng suất lúa Hè thu của tỉnh trong năm nay bình quân đạt hơn 6,1 tấn/ha. Còn vụ Thu đông, với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của ngành nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở nên tổng diện tích gieo sạ đã tăng gần 2.800ha so với kế hoạch đề ra; qua đây góp phần bù đắp phần nào diện tích lúa Đông xuân và Hè thu vừa qua đã giảm vì những lý do khách quan. Nhìn chung, các trà lúa Thu đông đầu vụ trên địa bàn tỉnh đều cho năng suất cao, cộng với giá bán hấp dẫn là động lực quan trọng giúp người dân trong tỉnh kỳ vọng về một vụ sản xuất thắng lợi trên các mặt.
Hiện nông dân Hậu Giang đã thu hoạch hơn 500ha lúa Thu đông sớm.
Quan tâm phòng, trừ dịch hại
Mặc dù được dự báo là có nhiều triển vọng về giá bán, thị trường tiêu thụ; tuy nhiên, để đảm bảo lúa Thu đông đạt năng suất cao khi thu hoạch thì ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân cần quan tâm phòng, trừ các đối tượng dịch hại trên cây lúa, đặc biệt trước tình hình mưa dầm thường xuyên xuất hiện như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho dịch hại tấn công và gây hại nặng trên cây lúa.
Bởi qua thống kê mới đây của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh, hiện toàn tỉnh ghi nhận có hơn 3.300ha lúa Thu đông bị nhiễm sinh vật gây hại, tăng hơn 300ha so với thời điểm cách nay khoảng 7 ngày. Trong đó, các đối tượng dịch hại xuất hiện phổ biến trên lúa Thu đông vào thời điểm này là bệnh lem lép hạt nhiễm 831ha, bệnh bạc lá (cháy bìa lá) nhiễm 691ha, bệnh đạo ôn cổ bông nhiễm 581ha, chuột cắn phá gây hại 583ha, sâu cuốn lá nhỏ gây hại 230ha, bệnh đạo ôn lá nhiễm 197ha…
Đang kiểm tra gần 1ha lúa Thu đông của gia đình trong giai đoạn chín đỏ đuôi bông lúa, ông Nguyễn Hoàng Em, ở ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho hay: “Do thời tiết mưa dầm liên tục trong thời gian qua nên tôi và bà con phải thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng, trị hiệu quả các loại dịch hại cho cây lúa, nhất là bệnh đạo ôn cổ bông và cháy bìa lá. Tôi cố gắng làm sao chăm sóc cây lúa được phát triển tốt đến ngày thu hoạch để đạt năng suất cao, bởi hiện nay giá lúa rất hấp dẫn. Lúa trúng thì sẽ cho nguồn thu nhập cao, đây là điều mà bà con nơi đây rất mong chờ vào ngày cắt lúa sắp tới”.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết thêm: Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh, tình hình ẩm độ cao do mưa nhiều như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho một số loại dịch hại như: lem lép hạt, bạc lá (cháy bìa lá), đạo ôn cổ bông,… tiếp tục phát triển và gây hại trên lúa Thu đông ở giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ vào thời gian tới. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện tốt các giải pháp phòng, ngừa và điều trị khi có dịch hại xuất hiện trên ruộng lúa của mình. Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh cũng yêu cầu ngành nông nghiệp các địa phương trong tỉnh tăng cường rà soát và thực hiện tốt việc duy tu, nâng cấp các hệ thống đê bao, cống đập nhằm đảm bảo tiêu thoát nước kịp thời cho các cánh đồng có canh tác lúa Thu đông, cũng như vườn cây ăn trái, rau màu, thủy sản… khi có mưa dầm, thủy triều dâng cao bất thường trong thời gian tới.
Trong tổng số 27.280ha lúa Thu đông đã xuống giống, hiện có 1.500ha lúa ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh, khoảng 6.800ha ở giai đoạn làm đòng và khoảng 19.000ha ở giai đoạn trổ - chín. Trong đó, lúa Thu đông ở giai đoạn trổ - chín tập trung nhiều ở huyện Vị Thủy (khoảng 7.500ha) và huyện Châu Thành A (khoảng 5.500ha). |
HỮU PHƯỚC
07:27 22/11/2024
Phong trào xây dựng nông thôn mới được các địa phương cả nước đẩy mạnh thực hiện và đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
08:59 21/11/2024
Đến hẹn lại lên, thời điểm này, các nhà vườn chuyên làm trái cây tạo hình trên địa bàn tỉnh đang tất bật các khâu để chuẩn bị sản phẩm ưng ý nhất, kịp tung ra thị trường dịp cuối năm, đáp ứng nhu cầu chưng tết của khách hàng.
09:53 19/11/2024
Theo phân tích, đánh giá của chuyên gia, nhà khoa học và ngành chức năng tỉnh thì trong thời gian tới, sản xuất nông nghiệp ở Hậu Giang phải đối mặt với không ít khó khăn, trở ngại; vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh cần sớm đề ra những hướng đi mới mang tính trọng tâm và đột phá hơn.
09:07 19/11/2024
Từ loại trái cây bình dân, thời gian gần đây, giá trái mãng cầu xiêm luôn ở mức cao mang về thu nhập ổn định cho nông dân. Từ đó, nhiều nhà vườn tích cực chăm sóc, mở rộng diện tích cây trồng này.
08:20 19/11/2024
Trong những năm gần đây, việc kết hợp các nguồn lực từ Nhà nước cùng sự đóng góp tích cực của người dân đã giúp nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh phát triển, tạo nền tảng xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững trong tương lai.
17:56 18/11/2024
Không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, có thể sản xuất quanh năm là những ưu điểm của mô hình trồng nấm rơm ứng dụng kỹ thuật chất trên kệ tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (KNNƯDCNC) Hậu Giang. Đặc biệt, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã nâng cao năng suất, cho hiệu quả kinh tế ổn định.
07:00 18/11/2024
(HG) - Vào thời điểm này, nông dân trên nhiều cánh đồng lúa của tỉnh tất bật vệ sinh đồng ruộng và tiến hành gieo sạ vụ lúa Đông xuân 2024-2025.
08:46 15/11/2024
(HG) - Ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục mở rộng diện tích các mô hình liên kết với doanh nghiệp sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Tăng cường khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác giảm giống, phân bón, thức ăn, tận dụng tốt các phụ phế phẩm để tạo nguồn phân bón hữu cơ góp phần đảm bảo sức khỏe cho cây trồng, giảm bớt chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả trên cùng diện tích canh tác cho nông dân.
08:42 15/11/2024
(HG) - Hợp tác xã trồng hoa Xáng Mới, ở ấp Xáng Mới, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, hiện có 13 hộ thành viên chuyên sản xuất hoa phục vụ thị trường tết. Còn tính chung toàn ấp khoảng 100 hộ theo nghề trồng hoa. Thời điểm này, bà con làng nghề đang tất bật vô bầu, bán cây con trồng, phục vụ tết. Bên cạnh vạn thọ, người dân còn xuống giống nhiều loại hoa khác nhằm cung cấp cho thị trường trồng như: hướng dương, cúc đồng tiền, hồng nhung, ớt kiểng, dạ yến thảo...
08:39 15/11/2024
(HG) - Khi nhiều cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh vào công đoạn vệ sinh đồng ruộng để xuống giống lúa Đông xuân 2024-2025 thì đây cũng là lúc tạo việc làm và nguồn thu nhập hấp dẫn cho không ít lao động ở nông thôn khi được chủ ruộng thuê làm việc.
07:43 22/11/2024
(HG) - Đầu năm đến nay, công tác dân vận của lực lượng vũ trang tỉnh có những đổi mới rõ rệt, tạo dấu ấn trong việc tiếp cận và phối hợp với cộng đồng.
07:32 22/11/2024
(HG) - Sáng ngày 21-11, tại UBND thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh tổ chức khai giảng lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn,
07:31 22/11/2024
Các ngành, địa phương đang tích cực vận động bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT), quyết tâm đạt chỉ tiêu này trong năm nay.
07:30 22/11/2024
(HG) - Là kết quả từ Dự án “Xây dựng mô hình nâng cao năng suất, chất lượng trái bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”, do TS. Nguyễn Thị Kiều làm chủ nhiệm, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh là tổ chức chủ trì.