Thứ Sáu, ngày 25/10/2024 | 05:57
Nhà máy đường Phụng Hiệp của Công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) được biết đến là Nhà máy lớn nhất vùng ĐBSCL đã chính thức dừng ép trong vụ 2024-2025 này. Đây là niên vụ thứ 2 liên tiếp nhà máy này dừng sản xuất nên nông dân trồng mía ở Hậu Giang đang lo lắng.
Nhiều nông dân trồng mía nguyên liệu đang lo lắng về đầu ra cũng như giá cả khi mùa lũ đang bắt đầu.
Gắn bó với nghề trồng mía bán cho Nhà máy đường Phụng Hiệp gần 20 năm qua, tuy nhiên mỗi năm khi gần đến vụ thu hoạch, ông Cao Văn Chính, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, lại ăn, ngủ không yên vì lo mía không bán được, lo giá thấp. Năm nay, khi nghe thông tin Nhà máy đường Phụng Hiệp dừng sản xuất vụ này lòng dạ ông Chính rối bời, bởi năm ngoái cũng chính việc nhà máy dừng ép khiến ông phải chật vật tìm thương lái để bán mía. Mãi cho đến khi nước lũ lên, cây mía trổ trắng cờ, năng suất, chất lượng giảm ông mới bán được.
Ông Chính tâm sự: “Trồng cây mía lên rồi thì trông tới ngày thu hoạch để thu gom thành quả. Nhưng mà hiện nay thương lái mua mía chục biết nhà máy đường năm nay không chạy cho nên thương lái ép giá người dân. Bây giờ người dân trồng mía ở vùng này rất lo”.
Mặc dù cùng với phương án tạm dừng sản xuất Nhà máy đường Phụng Hiệp vụ ép 2024-2025, Công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ cũng đã xây dựng phương án tiêu thụ hơn 29.450 tấn mía nguyên liệu đã ký hợp đồng đầu tư với nông dân trong niên vụ này cho các đối tượng khác, chấp nhận phát sinh chi phí vận chuyển, hao hụt. Tuy nhiên, khi cây mía vẫn còn đứng trên đồng thì nông dân trồng mía ở Hậu Giang vẫn còn tràn ngập nỗi lo.
Theo nhiều nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp, thời gian qua mưa bão liên tục cùng với thông tin nhà máy đường dừng sản xuất nên giá thu mua mía chục đã giảm nhiều so với trước. Hiện mía chục được thương lái thu mua với giá dao động từ 1.000-1.400 đồng/kg tùy giống, giảm so với tháng trước từ 300-600 đồng/kg. Nhưng sau khi trừ đi chi phí nông dân trồng mía bán chục vẫn có lợi nhuận do bà con chủ yếu trồng các giống mía chín sớm và chín trung bình. Trong khi mía trồng bán cho nhà máy đường là các giống có thời gian sinh trưởng dài, nặng chi phí hơn nên khi bán với giá mía chục nông dân không có lời, lại khó bán.
Ông Đinh Văn Triệu, ở ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, bộc bạch: “Mình thì chủ yếu trồng mía nguyên liệu (giống chín muộn) để có năng suất hơn giống mía ROC 16, nhưng nay có thông tin nhà máy đường ngưng hoạt động thì lại càng lo. Bán ở ngoài thì đâu ai mua, người ta chỉ mua mía ROC 16 để làm nước giải khát, còn mình trồng giống mía K đâu bán mía chục được. Trồng giống mía này mà bán mía chục 1.100-1.200 đồng/kg thì cũng không có lời”.
Theo ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, vụ mía này, toàn huyện xuống giống hơn 3.000ha mía, giảm hơn 110ha so với vụ mía trước, trong đó có hơn 2.700ha nông dân trồng các giống mía ngắn ngày để bán mía chục. Hiện bà con đã thu hoạch bán mía chục được gần 1.700ha. Riêng diện tích mía ký kết bán cho nhà máy đường chỉ hơn 230ha, giảm nhiều so với những vụ trước. Áp lực hiện nay là sợ diện tích mía ở những vùng trũng bị ảnh hưởng bởi những đợt triều cường.
“Nếu nhà máy đường không thu mua trong vụ này thì với diện tích đã ký với người dân còn lại khoảng 234ha thì áp lực cũng không lớn lắm. Chúng tôi cũng khuyến cáo những diện tích nào mà nhà máy đã ký kết hợp đồng rồi mà nằm ở vùng có nguy cơ ngập thì người dân thu hoạch bán những nơi đó trước. Còn lại những vùng cao, có đê bao khép kín rồi thì thu hoạch bán sau để không bị ảnh hưởng năng suất, chất lượng”, ông Tuấn cho hay.
Cây mía từng là cây “xóa đói giảm nghèo” của huyện Phụng Hiệp nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng. Tuy nhiên, những năm gần đây do giá mía bán cho nhà máy đường bấp bênh, đầu ra không ổn định nên nhiều nông dân ở Hậu Giang không còn mặn mà với cây trồng này mà chuyển sang sản xuất cây ăn trái nhằm cải thiện thu nhập và cây mía không còn là cây trồng chủ lực của Hậu Giang.
Từ diện tích trồng mía thời hoàng kim lên tới 15.000ha, đến vụ này Hậu Giang chỉ còn hơn 3.200ha, trong đó phần lớn diện tích trồng mía bán chục. Với vài trăm héc-ta trồng để bán cho nhà máy đường nhưng phải chật vật, lo lắng ở mỗi vụ vì nhà máy lúc chạy lúc dừng. Thực trạng này khiến nông dân Hậu Giang ngao ngán, chắc mai này sẽ không còn ai trồng mía làm đường.
Thống kê của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, triều cường những ngày qua gây ngập úng 43ha mía của người dân, mức độ ngập 5-7cm nhưng chưa ghi nhận thiệt hại và đang được tiếp tục theo dõi. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh, dự báo trong những ngày tới tình hình mưa còn diễn biến phức tạp và mực nước còn cao, Chi cục đã chỉ đạo các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, báo cáo tình hình thiệt hại hàng ngày. Bên cạnh đó, vận động nông dân gia cố bờ bao, cống đập, khai thông dòng chảy, tích cực bơm chống ngập úng cho cây trồng.
Cùng với triều cường đang ở mức cao thì Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang cho biết, hồi 7 giờ ngày 24-10, cơn bão TRAMI (tiếng Việt là Trà Mi), có vị trí tâm ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 121,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/giờ), giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 20km/giờ. Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km, sau có khả năng đổi hướng Tây Nam.
Thời tiết Hậu Giang, trời nhiều mây, ngày nắng gián đoạn, trưa và chiều tối có mưa, mưa rào và giông, có nơi có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to, trong cơn giông kèm theo gió giật mạnh. Khu vực ảnh hưởng triều biển Đông và mực nước trên sông Hậu đang xuống nhanh theo triều. Còn khu vực ảnh hưởng triều biển Tây, mực nước trên các kênh rạch và nội đồng ít biến đổi và ở mức cao trên báo động 3 từ 0,05-0,10m. Mưa lớn tại chỗ do hoàn lưu bão gây ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp, vùng ngoài đê bao, vùng thoát nước kém ở các địa phương của thành phố Vị Thanh, huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ và huyện Phụng Hiệp nên người dân các vùng trồng lúa, mía, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản cần có biện pháp bảo vệ, chuẩn bị máy bơm nước ra ngoài khi ngập lụt kéo dài.
THANH PHONG
08:42 11/12/2024
(HG) - Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, từ tháng 12-2024 đến tháng 5-2025, tổng lượng dòng chảy trên sông Mekong về ĐBSCL ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 5-15%. Từ đó, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,2m. Trước tình hình trên, dự báo xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024-2025 tại ĐBSCL sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.
07:44 11/12/2024
(HG) - Thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (Đề án) theo chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp cùng với người dân trong tỉnh triển khai thực hiện được khoảng 15.666ha vùng lúa chất lượng cao theo quy trình Đề án đề ra. Tuy nhiên, để đảm bảo đạt chỉ tiêu theo kế hoạch của tỉnh là đến cuối năm 2025, Hậu Giang phấn đấu có 28.000ha vùng lúa chất lượng cao thì từ vụ Đông xuân 2024-2025 đang canh tác và 2 vụ lúa còn lại của năm 2025 là Hè thu và Thu đông, ngành nông nghiệp và người dân trong tỉnh cần tiếp tục triển khai thêm ít nhất 12.334ha.
08:14 10/12/2024
(HG) - Tổng diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh ước thực hiện năm 2024 là 13.176ha, đạt 114,57% kế hoạch và bằng 107,63% so cùng kỳ.
08:01 10/12/2024
(HG) - Tại huyện Phụng Hiệp, vùng mía nguyên liệu lớn nhất tỉnh Hậu Giang nông dân vẫn đang tiếp tục thu hoạch mía bán chục (mía ép lấy nước giải khát).
08:21 03/12/2024
Mô hình liên kết sản xuất lúa giống RVT nguyên chủng giữa UBND thành phố Vị Thanh và Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam vừa được triển khai đã thu hút nhiều bà con tham gia.
19:15 02/12/2024
Thành phố Ngã Bảy đang triển khai mô hình “Trồng nấm mối đen”, với kỳ vọng khi nhân rộng trên địa bàn, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển nông nghiệp đô thị.
19:06 02/12/2024
Thời điểm này, tại nhiều cánh đồng, nông dân đang tích cực vệ sinh đồng ruộng để gieo sạ vụ lúa quan trọng nhất trong năm. Năm nay, nông dân trong tỉnh tiếp tục sử dụng các giống lúa chất lượng để gieo sạ nhằm có một vụ mùa bội thu.
07:27 29/11/2024
(HG) - Để chuẩn bị nguồn rau màu cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sắp tới, đến thời điểm hiện tại, nông dân thị xã Long Mỹ đã xuống giống được hơn 570ha
07:24 29/11/2024
(HG) - Cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT cho biết, đến hết tháng 10 năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt 8,2 tỉ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu tôm đạt hơn 3,2 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ và xuất khẩu cá tra đạt gần 1,7 tỉ USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
07:21 29/11/2024
(HG) - Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Hậu Giang thường xuyên quan tâm đầu tư xây dựng mới và nâng cấp sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi ngăn mặn, lũ; nhờ vậy, hiện hệ thống đê bao, cống, bọng, trạm bơm đã góp phần quan trọng trong việc phục vụ sản xuất, dân sinh, đồng thời bảo vệ các vùng sản xuất, bảo vệ môi trường và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai cho người dân.
09:22 11/12/2024
Tính đến nay, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành/đạt chuẩn NTM; 41/51 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thành quả này có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống Mặt trận các cấp.
08:44 11/12/2024
(HG) - Theo bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, huyện Phụng Hiệp, HTX đang thu mua cá thát lát của bà con nông dân để sản xuất phục vụ các đơn hàng cuối năm. Giá cá thát lát hiện ổn định ở mức 73.000-74.000 đồng/kg, trong khi năm trước ở thời điểm này giá cá thát lát dao động từ 72.000-85.000 đồng/kg, có lúc lên đến 90.000 đồng/kg nhưng vẫn khan hiếm nguồn cung. Còn năm nay, nguồn cung dồi dào, với mức giá hiện tại, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi hơn 10.000 đồng/kg cá thát lát thương phẩm.
08:43 11/12/2024
(HG) - Nhằm ghi nhận ý kiến, kiến nghị, phản ánh trực tiếp của cử tri qua đường dây nóng 02933.504.987 tại Kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh, trong phiên chất vấn diễn ra vào sáng ngày 10-12, Tổ đường dây nóng đã tiếp nhận 7 cuộc gọi đến của cử tri.
08:42 11/12/2024
(HG) - Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, từ tháng 12-2024 đến tháng 5-2025, tổng lượng dòng chảy trên sông Mekong về ĐBSCL ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 5-15%. Từ đó, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,2m. Trước tình hình trên, dự báo xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024-2025 tại ĐBSCL sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.