Phát triển từ mô hình sản xuất nông nghiệp kinh tế tuần hoàn

15/06/2024 | 10:05 GMT+7

Chọn mô hình kinh tế tuần hoàn để phát triển, bà Lữ Thị Nhật Hằng, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, đã gặt hái được nhiều thành công, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan mô hình.

Dám nghĩ, dám làm

Với mong muốn phát triển quê hương sau thời gian lập gia đình theo chồng làm ăn, với máu kinh doanh sẵn có, bà Lữ Thị Nhật Hằng, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, đã mạnh dạn đầu tư thành lập HTX Ngũ thường Mekong (Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong) làm nông nghiệp kinh tế tuần hoàn.

Hợp tác xã hiện có 14 thành viên với tổng diện tích khoảng 1 ha. Sản phẩm chủ lực là phân trùn quế và các loại gia súc, gia cầm, thủy sản được nuôi theo hướng hữu cơ. HTX sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái cho doanh thu hơn 200 triệu đồng mỗi tháng. Tận dụng diện tích phía dưới nông trại phát triển mô hình trồng nấm, nuôi trùn quế, nuôi bò - gia cầm, trồng rau sạch và nuôi thủy sản.

Bắt đầu trồng nấm rơm trong nhà từ năm 2021 và gắn bó đến nay, bà Lữ Thị Nhật Hằng cho biết, đơn vị đã xây dựng và đưa vào vận hành 10 nhà nấm với tổng diện tích 350m2, được chia làm 9 phòng nhỏ, mỗi phòng diện tích 33m2 và một phòng lớn 50m2. Vào mùa sản xuất, mỗi ngày cho thu hoạch khoảng 30kg nấm, giá nấm được bán cho thương lái là 50.000 đồng/kg, mang về doanh thu khoảng 45 triệu đồng/tháng.

“Mình dùng rơm đem đi ủ làm nấm. Sau đó mình lấy giá thể đó nuôi trùn quế. Thu hoạch nấm rồi mình lấy rơm mang ra ủ cho oai mục để nuôi trùn quế, còn rơm cuộn cho bò ăn. Làm như vậy sẽ có lợi cho nông dân người ta được nguồn thu từ rơm thay vì phải đốt bỏ làm ô nhiễm môi trường. HTX sử dụng máy móc để tiết kiệm nhân công và cũng hạn chế mầm bệnh từ bên ngoài vào nhà nấm, vật nuôi”, bà Hằng chia sẻ.

Kinh tế tuần hoàn là hướng đi bền vững, phù hợp với xu thế mới.

Ngoài ra, trại cũng tận dụng các quỹ đất để trồng thêm mảng rau xanh, rau sạch, cỏ voi cho bò ăn. Và cứ như thế, từng khâu khớp theo quy trình, cứ theo chuỗi thức ăn, thứ đứng trước là thức ăn của thứ đứng sau, chặt chẽ và khoa học.

Bà Lữ Thị Nhật Hằng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong, chia sẻ: “Làm nông nghiệp khó khăn là phải có. Mình nuôi nhiều loại vật nuôi, cây trồng để lấy ngắn nuôi dài. Bên cạnh đó, giúp bà con thay đổi suy nghĩ, sử dụng phân hữu cơ thay vì phân hóa học”.

Nhiều điều kiện phát triển

Khép kín, tuần hoàn và không gây ô nhiễm môi trường là những gì dễ cảm nhận khi đến thăm mô hình của HTX Ngũ Thường Mekong. Với định hướng là hướng tới mục tiệu đạt doanh số trên 2 tỉ đồng/năm, nông trại đang được đầu tư tiếp tục cho mô hình nông nghiệp tuần hoàn phát triển qui mô hơn, cụ thể: hoàn thiện - xây dựng thêm chuồng bò, nhà nuôi trùn quế, khu xử lý nước thải, bổ sung con giống, thức ăn và đầu tư thêm hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất… để đảm bảo nguồn thức ăn tươi sạch cho các con vật nuôi và tiến tới áp dụng những công nghệ - thiết bị đồng bộ vào sản xuất. Từng bước là đơn vị sản xuất phân hữu cơ chuyên nghiệp với sản lượng trên 30 tấn/tháng. Chính nhờ những nỗ lực đó mà dự án “Mô hình sản xuất nông nghiệp kinh tế tuần hoàn kết hợp sử dụng năng lượng tái tạo” của bà Lữ Thị Nhật Hằng đã xuất sắc là 1 trong 4 dự án của tỉnh được vào bán kết cấp vùng Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024.

Thành công của dự án này, không chỉ riêng nỗ lực của bà Hằng mà còn có sự sát cánh, tư vấn, hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) địa phương. Bà Nguyễn Ngọc Vẹn, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Bình, cho biết: “Thời gian qua, Hội LHPN xã đã hỗ trợ, tư vấn HTX của chị Hằng tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển. Bên cạnh đó, kết nối góp phần giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ địa phương. Đặc biệt là tạo điều kiện, sát cánh cùng chị Hằng tham gia cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh”.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho hay, Hội LHPN tỉnh phối hợp với các ngành liên quan tư vấn, hỗ trợ tiếp cận chính sách, vốn, khoa học kỹ thuật, kiến thức, kỹ năng sản xuất kinh doanh đối với các mô hình phụ nữ khởi nghiệp. Qua hoạt động, đã tìm kiếm, hỗ trợ hiện thực hóa, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nhiều mô hình, dự án.

“Hàng năm, thông qua cuộc thi khởi nghiệp của Hội LHPN Phụ nữ tỉnh, chúng tôi phát hiện, chăm bồi các dự án/ý tưởng để tham gia các cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh, khu vực ĐBSCL, Trung ương Hội. Năm 2024 này, thông qua Cuộc thi cấp tỉnh, Hội LHPN vận động dự án đăng ký thi Trung ương. Qua lựa chọn, giới thiệu 5 dự án dự thi. Sau vòng sơ khảo cấp vùng, có 4 dự án vào vòng chung kết, trong đó có dự án của chị Lữ Thị Nhật Hằng. Hội LHPN tỉnh cũng phối hợp Sở NN&PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thêm kỹ thuật sản xuất đạt hiệu quả cao hơn”, bà Nguyễn Thị Thùy Linh thông tin.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>