Thị xã Long Mỹ: Đến năm 2025 sẽ có trên 4.980ha chuyên canh lúa chất lượng cao

11/06/2024 | 10:07 GMT+7

(HG) - UBND thị xã Long Mỹ vừa triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, giai đoạn 2024-2025.

Theo Kế hoạch, năm 2024, UBND thị xã Long Mỹ sẽ triển khai thực hiện trên diện tích 2.471ha tại các hợp tác xã ở phường Thuận An,  các xã Long Trị A, Long Trị và Long Phú. Năm 2025, thực hiện trên 4.980ha, bao gồm duy trì diện tích năm 2024 và bổ sung mới tại một số khu của hợp tác xã ở xã Long Phú, các hợp tác xã trên địa bàn xã Tân Phú. UBND thị xã chọn Hợp tác xã nông nghiệp Long Bình 1, ở xã Long Phú, xây dựng mô hình điểm về chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh cấp thị xã, với diện tích 110ha. Hợp tác xã này sẽ được Nhà nước hỗ trợ lúa giống cấp xác nhận, máy sạ cụm, dụng cụ sạ hàng, hệ thống sensor cảm biến, máy cuộn rơm, nhà trồng nấm, chế phẩm sinh học phân hủy rơm rạ, phân bón cải tạo đất, tập huấn kỹ thuật, hội thảo nhân rộng, tổng kết mô hình...

Mục tiêu của UBND thị xã Long Mỹ đề ra khi thực hiện đề án là hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp với diện tích đạt khoảng 2.471ha vào năm 2024 và đến năm 2025 đạt khoảng 4.980ha. Tại các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80-100 kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, 100% diện tích áp dụng một trong các quy trình canh tác bền vững, như: 1 phải 5 giảm, SRP, tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng; 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50% diện tích; các hộ nông dân trong vùng sản xuất lúa chất lượng cao áp dụng quy trình canh tác bền vững; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%; 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống; giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30% trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%.

Hiện UBND thị xã Long Mỹ đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án tham mưu giúp UBND thị xã chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung đề án; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, quán triệt nội dung của đề án đến các xã, phường, Mặt trận Tổ quốc, hội, đoàn thể, các tổ chức kinh tế tập thể, doanh nghiệp… vận động các hộ trồng lúa, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia đề án; phối hợp tổ chức thực hiện đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức có chuyên môn; nâng cao năng lực cho các hợp tác xã; đầu tư nâng cấp hạ tầng tại vùng canh tác…

HOÀNG NHÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>