Thứ Sáu, ngày 02/08/2024 | 07:16
Phát huy truyền thống đi đầu trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hôm nay (ngày 2-8), xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ vinh dự là xã đầu tiên của huyện được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu sau nhiều năm quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận, chung sức của người dân trong việc xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển trên các mặt.
Hệ thống giao thông và cảnh quan môi trường ở nông thôn trên địa bàn xã NTM kiểu mẫu Thuận Hưng ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp.
Hiệu quả công tác nâng cao thu nhập và giảm nghèo
Xã Thuận Hưng được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2015, đến năm 2022 thì nâng lên là xã NTM nâng cao và hiện là xã NTM kiểu mẫu. Trong suốt quá trình xây dựng NTM, địa phương luôn xác định một trong những mục tiêu trọng tâm là làm thế nào không ngừng nâng cao nguồn thu nhập và giảm nghèo hiệu quả cho người dân. Do đó, giải pháp được ngành chức năng địa phương này thực hiện là thường xuyên vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị kinh tế cho gia đình, đặc biệt là địa phương thực hiện lồng ghép nhiều chương trình, dự án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, các ngành chức năng từ xã đến ấp không ngừng vận động bà con chuyển đổi mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị và thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để góp phần nâng cao giá trị hàng hóa nông sản và nguồn thu nhập.
Ông Nguyễn Tuấn Kiệt, ở ấp 10, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, thông tin: “Vào năm 2023, tôi rất vui khi được Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí để thực hiện mô hình ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 1ha vườn hạnh của gia đình. Nhờ hệ thống tưới nước tiết kiệm mà tôi giảm được nhiều chi phí trong sản xuất, nhất là tiền thuê nhân công tưới nước. Hiện vườn hạnh của tôi được 6 năm tuổi, bình quân 10-15 ngày sẽ thu hoạch trái một đợt, với năng suất từ 3-5 tấn trái, giá bán dao động từ 5.000-14.000 đồng/kg (tùy đợt). Từ bán trái hạnh, bình quân mỗi năm gia đình tôi có nguồn thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Để mang tính kế thừa khi cây hạnh già cỗi, hiện tôi đã trồng xen mít ruột đỏ vào vườn hạnh và hy vọng tới đây, 2 loại cây trồng này sẽ tạo nguồn thu nhập ổn định ở mức cao cho gia đình”.
Giống như ông Kiệt, thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thuận Lợi, ở ấp 9, xã Thuận Hưng, cũng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để giúp HTX phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho thành viên. Điển hình, HTX được hỗ trợ về nhà kho, máy bay phun thuốc không người lái; hỗ trợ xúc tiến thương mại, bao bì, nhãn mác; được chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và quản lý đồng bộ theo chuỗi giá trị sản xuất…
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Thuận Lợi, xã Thuận Hưng, cho hay: “Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước mà sản phẩm gạo trắng Jasmine của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Còn trong quá trình sản xuất, HTX luôn tập trung canh tác đúng theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để sản phẩm làm ra đủ sức cạnh tranh với thị trường và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Hướng tới, HTX sẽ chú trọng tiếp cận các phương pháp mới trong sản xuất lúa theo Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, nhất là đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu canh tác gắn với phát thải thấp. Ngoài ra, HTX còn quan tâm đào tạo ngành nghề nông thôn theo nhu cầu doanh nghiệp để tạo việc làm và nguồn thu nhập cho thành viên HTX trong thời gian nhàn rỗi”.
Hiện tại, toàn xã Thuận Hưng có hơn 70 mô hình sản xuất nông nghiệp cho thu nhập từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên; trong đó, điển hình là mô hình sản xuất lúa hàng hóa theo hướng an toàn thực phẩm, mô hình trồng hạnh, mít ruột đỏ, nuôi lươn giống và thương phẩm... Ngoài xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, lãnh đạo địa phương còn tổ chức nhiều cuộc hội nghị để gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với các hộ nghèo trên địa bàn, qua đây nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo, từ đó đưa ra giải pháp hỗ trợ và mô hình thực hiện được hiệu quả, giúp bà con thoát nghèo bền vững.
Một điểm đáng ghi nhận khác trong công tác nâng cao thu nhập và giảm nghèo tại xã Thuận Hưng trong quá trình xây dựng NTM là địa phương tích cực quan tâm, tạo điều kiện thu hút đầu tư và đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề phụ. Đến nay, trên địa bàn xã có 80 cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ đang hoạt động hiệu quả, thu hút 246 lao động với thu nhập bình quân từ 75-90 triệu đồng/người/năm, từ đó tỷ lệ lao động có việc làm toàn xã không ngừng được nâng lên qua từng năm.
Bà Phạm Thị Hường, Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng, phấn khởi cho biết: Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác nâng cao nguồn thu nhập và giảm nghèo nên hiện trên địa bàn xã chỉ còn 9 hộ nghèo, chiếm 0,36%; trong đó xã có 2/5 ấp đã xóa trắng hộ nghèo là ấp 6 và ấp 8. Địa phương phấn đấu cuối năm nay, trên địa bàn xã không còn hộ nghèo nào. Về mức thu nhập bình quân đầu người của xã đang đạt gần 75,6 triệu đồng/người/năm, tăng gần 15 triệu đồng so với thời điểm xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao (năm 2022).
Dấu ấn cơ sở hạ tầng và cảnh quan môi trường
Bên cạnh thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo đang ở mức ấn tượng thì cơ sở hạ tầng nông thôn về điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế,… cũng như hệ thống cảnh quan môi trường trên địa bàn xã Thuận Hưng hôm nay đang tạo ra nhiều dấu ấn nổi bật của một xã NTM kiểu mẫu. Theo đó, nhiều tuyến đường nông thôn trên địa bàn xã đã được bê tông hóa với bề ngang mặt lộ từ 2,5-3,5m, đồng thời gắn với việc lắp đặt hệ thống đèn đường chiếu sáng vào ban đêm; qua đây tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân trong và ngoài xã.
Ông Trần Văn Công, ở ấp 10, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Từ khi con lộ bê tông trước nhà được đầu tư 3,5m thì việc vận chuyển trái cây hay nhiều mặt hàng nông sản của bà con ở xứ này được thuận tiện và nhanh chóng hơn rất nhiều so với trước đây, vì xe tải vào được tận nhà của người dân. Ngoài ra, những lúc cần thiết thì gọi xe taxi chạy đến rước trước cửa nhà nên bà con rất phấn khởi và hài lòng trước sự đổi thay của quê hương Thuận Hưng hôm nay”.
Đồng hành cùng với hệ thống giao thông là cảnh quan môi trường trên địa bàn xã Thuận Hưng đang mang lại nhiều sắc màu tươi mới cho các vùng quê nhờ những bông hoa đua nhau khoe sắc quanh năm. Theo đó, khi mỗi tuyến đường mới được đầu tư xong thì chính quyền địa phương thường xuyên ra quân và vận động người dân thực hiện phát quang và trồng nhiều loại cây xanh, hoa để làm hàng rào nhằm tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Điển hình từ đầu năm đến nay, xã Thuận Hưng đã tổ chức 24 lần ra quân, với 634 lượt cán bộ, công chức và Nhân dân tham gia phát quang, cắt tỉa, trồng mới và trồng giặm 3.800 chậu hoa trang tuyến đường từ Tỉnh lộ 930 xuống sông Cái Lớn thuộc ấp 9, với chiều dài 4km. Trong đó, điểm nổi bật là trên địa bàn xã Thuận Hưng hiện có 3 tuyến đường trồng chuyên biệt một loại cây cảnh hoặc hoa để thu hút khách tham quan, chiều dài mỗi tuyến đường hơn 1km, với 2 loại hoa là cây bông trang và cây quỳnh anh.
Đang cắt tỉa lại hàng rào trước nhà bằng cây hoa trang, ông Trần Văn Bá, ở ấp 10, xã Thuận Hưng, bộc bạch: “Được chính quyền địa phương phát động và thấy bà con chung ấp trồng hoa làm hàng rào liền kề trước nhà rất đẹp mắt nên gia đình tôi cũng làm theo. Nhờ cần cù chăm sóc, cắt tỉa cẩn thận nên sau gần 3 năm trồng, hiện hàng rào trước nhà tôi bằng hoa trang có dáng hình rất đẹp, nhiều người chạy xe ngang tấm tắc khen ngợi nên bản thân cũng rất vui vì mình đã góp một phần công sức giúp xã nhà đạt chuẩn NTM kiểu mẫu”.
Để tạo được dấu ấn về cơ sở hạ tầng và cảnh quan môi trường như hôm nay trên địa bàn xã Thuận Hưng là nhờ ngành chức năng địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức; qua đây tạo được sự đồng thuận của người dân bằng việc chung sức tham gia và tự nguyện hiến đất, hoa màu, công trình,… để xây dựng xã Thuận Hưng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ngoài ra, cũng thông qua công tác tuyên truyền hiệu quả nên đến nay, xã Thuận Hưng có 4.863/5.678 người dân được cài đặt App Hậu Giang; qua đây giúp người dân dễ dàng tiếp cận được thông tin về chủ trương, chính sách, an ninh trật tự, khoa học kỹ thuật, thủ tục hành chính hoặc tiền điện, nước,… dựa trên nền tảng công nghệ số. Bên cạnh đó, xã Thuận Hưng đã triển khai đầy đủ các phần mềm cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp như: hộ, quy mô, loại cây trồng, diện tích, lịch thời vụ,... theo đúng tiến độ, chỉ tiêu được giao.
Bà Phạm Thị Hường, Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng, cho biết thêm: Xác định xây dựng NTM kiểu mẫu là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm không ngừng thay đổi diện mạo quê hương theo hướng phát triển; do đó, thời gian tới, địa phương tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, trong đó tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là chú trọng thực hiện liên kết chuỗi giá trị, sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Trung ương, tỉnh, huyện để tiếp tục đầu tư hoàn thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tăng mức hưởng thụ trực tiếp cho người dân nông thôn được tốt hơn.
Tổng nguồn lực xây dựng xã Thuận Hưng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là hơn 32,6 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước là hơn 15,5 tỉ đồng, doanh nghiệp đóng góp 5 tỉ đồng, người dân hơn 10,2 tỉ đồng, còn lại là vốn tín dụng. |
HỮU PHƯỚC
08:59 21/11/2024
Đến hẹn lại lên, thời điểm này, các nhà vườn chuyên làm trái cây tạo hình trên địa bàn tỉnh đang tất bật các khâu để chuẩn bị sản phẩm ưng ý nhất, kịp tung ra thị trường dịp cuối năm, đáp ứng nhu cầu chưng tết của khách hàng.
09:53 19/11/2024
Theo phân tích, đánh giá của chuyên gia, nhà khoa học và ngành chức năng tỉnh thì trong thời gian tới, sản xuất nông nghiệp ở Hậu Giang phải đối mặt với không ít khó khăn, trở ngại; vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh cần sớm đề ra những hướng đi mới mang tính trọng tâm và đột phá hơn.
09:07 19/11/2024
Từ loại trái cây bình dân, thời gian gần đây, giá trái mãng cầu xiêm luôn ở mức cao mang về thu nhập ổn định cho nông dân. Từ đó, nhiều nhà vườn tích cực chăm sóc, mở rộng diện tích cây trồng này.
08:20 19/11/2024
Trong những năm gần đây, việc kết hợp các nguồn lực từ Nhà nước cùng sự đóng góp tích cực của người dân đã giúp nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh phát triển, tạo nền tảng xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững trong tương lai.
17:56 18/11/2024
Không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, có thể sản xuất quanh năm là những ưu điểm của mô hình trồng nấm rơm ứng dụng kỹ thuật chất trên kệ tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (KNNƯDCNC) Hậu Giang. Đặc biệt, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã nâng cao năng suất, cho hiệu quả kinh tế ổn định.
07:00 18/11/2024
(HG) - Vào thời điểm này, nông dân trên nhiều cánh đồng lúa của tỉnh tất bật vệ sinh đồng ruộng và tiến hành gieo sạ vụ lúa Đông xuân 2024-2025.
08:46 15/11/2024
(HG) - Ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục mở rộng diện tích các mô hình liên kết với doanh nghiệp sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Tăng cường khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác giảm giống, phân bón, thức ăn, tận dụng tốt các phụ phế phẩm để tạo nguồn phân bón hữu cơ góp phần đảm bảo sức khỏe cho cây trồng, giảm bớt chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả trên cùng diện tích canh tác cho nông dân.
08:42 15/11/2024
(HG) - Hợp tác xã trồng hoa Xáng Mới, ở ấp Xáng Mới, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, hiện có 13 hộ thành viên chuyên sản xuất hoa phục vụ thị trường tết. Còn tính chung toàn ấp khoảng 100 hộ theo nghề trồng hoa. Thời điểm này, bà con làng nghề đang tất bật vô bầu, bán cây con trồng, phục vụ tết. Bên cạnh vạn thọ, người dân còn xuống giống nhiều loại hoa khác nhằm cung cấp cho thị trường trồng như: hướng dương, cúc đồng tiền, hồng nhung, ớt kiểng, dạ yến thảo...
08:39 15/11/2024
(HG) - Khi nhiều cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh vào công đoạn vệ sinh đồng ruộng để xuống giống lúa Đông xuân 2024-2025 thì đây cũng là lúc tạo việc làm và nguồn thu nhập hấp dẫn cho không ít lao động ở nông thôn khi được chủ ruộng thuê làm việc.
18:49 14/11/2024
(HG) - Sáng ngày 14-11, Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức hội thảo “Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang 20 năm hình thành và phát triển, định hướng đến năm 2030”. Đây cũng là một trong những hoạt động trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm ngày thành lập ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang. Tham dự có nhà khoa học, các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT tỉnh và ngành nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
19:57 21/11/2024
(HG) - Ngày 21-11, HĐND tỉnh tổ chức đoàn khảo sát tình hình thực hiện “Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” tại huyện Châu Thành A. Bà Mã Thị Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, làm Trưởng đoàn.
18:36 21/11/2024
(HG) – Chiều ngày 21-11, ông Phan Như Nguyện, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam;
18:20 21/11/2024
(HG) - Nhằm tăng cường trao đổi, thảo luận và triển khai thực hiện các nội dung ký kết hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp và tham quan một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Hậu Giang,
17:08 21/11/2024
(HG) - Sáng ngày 21-11, tại Khu công nghiệp (KCN) Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã có buổi làm việc để kiểm tra tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) KCN Tân Phú Thạnh.