Trồng khóm Cầu Đúc theo tiêu chuẩn GAP: Mô hình nông nghiệp bền vững

03/05/2024 | 09:32 GMT+7

Trong xu hướng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên cây khóm Cầu Đúc đã tạo được cầu nối giữa nông dân và các doanh nghiệp, cũng như giữ vững vị thế cây trồng chủ lực, giúp đời sống người dân ngày càng khấm khá hơn.

Người dân thường xuyên kiểm tra, chăm sóc cây khóm theo đúng quy trình GAP.

Nâng cao hiệu quả kinh tế

Khóm Cầu Đúc là loại cây được trồng trên vùng đất phèn ở thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ và các vùng lân cận, hơn 100 năm qua đã thành đặc sản nổi tiếng, đem về nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân trên địa bàn. Hiện nay, nhờ được chính quyền các cấp cùng Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang đầu tư thực hiện mô hình VietGAP, GlobalGAP từ việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, đến hỗ trợ phân bón đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân trồng khóm. Quy trình tuy khó hơn nhiều so với tập quán canh tác truyền thống, nhưng ngược lại năng suất khóm đạt cao hơn, chất lượng trái khóm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Anh Lâm Trường Thọ, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Gia đình tôi tham gia trồng được gần 4ha khóm, trong đó có 2ha hiện đã được cấp chứng nhận GlobalGAP. Trồng theo tiêu chuẩn này tuy cực và khó hơn so với cách trồng trước đây, nhưng bù lại năng suất đạt cao hơn, trung bình đạt khoảng 12 tấn/ha. Nhờ vậy mà lợi nhuận thu về cũng cao hơn bình thường”.

Anh Thọ cũng là thành viên đã tham gia vào Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thạnh Thắng, cùng với sự lớn mạnh của HTX giúp anh thấy rõ hiệu quả thiết thực của mô hình hợp tác, nhất là theo mô hình mới. “Sau khi được cán bộ kỹ thuật xuống địa phương tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, tôi đã mạnh dạn nâng diện tích trồng khóm theo quy trình GlobalGAP lên 2ha, nhờ vậy mà chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận được nâng cao”, anh Thọ cho biết thêm.

Ông Vu Sủi, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng, ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Các hộ thành viên rất chú trọng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định, đạt chất lượng theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, đảm bảo thời gian cách ly, liều lượng sử dụng phân, thuốc nhằm tạo ra trái khóm an toàn, đạt tiêu chuẩn. Qua các lần kiểm tra mẫu của cơ quan chuyên môn, chất lượng khóm của HTX đều đạt chuẩn an toàn cho người sử dụng, trái khóm không bị nứt cùi, tỷ lệ đạt loại I khoảng 90%, năng suất tăng hơn 10% so với cách trồng truyền thống. Riêng gia đình tôi cũng trồng được 5ha khóm theo tiêu chuẩn GlobalGAP, hiện cây đang phát triển tốt”.

Hướng đến nền nông nghiệp bền vững

Theo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang, hiện diện tích trồng khóm trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 3.170ha, tập trung nhiều ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Trong đó, số diện tích đạt theo tiêu chuẩn VietGAP là 60,2ha, còn đạt chuẩn GlobalGAP 49ha.

So với cách trồng truyền thống, trồng theo tiêu chuẩn GAP cho thu hoạch khoảng 16.100 trái/ha. Năng suất tương đương với cách trồng truyền thống nhưng giảm được chi phí đầu tư, điều này đã giúp nông dân tiết kiệm được gần 6 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, nông dân trong mô hình có được nguồn lợi nhuận hơn 98 triệu đồng/ha, trong khi lợi nhuận thu được ngoài mô hình là khoảng 90 triệu đồng/ha, chênh lệch gần 8 triệu đồng/ha. Việc triển khai mô hình đã giúp nông dân thay đổi dần thói quen canh tác, tạo ra những trái khóm an toàn, chất lượng với giá thành thấp hơn.

Ông Trương Quốc Đoàn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phúc Thịnh, ở ấp 6, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cho biết: “Sau hơn 2 năm trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi nhận thấy cách làm này mang lại hiệu quả cao hơn cách làm truyền thống, cũng như đảm bảo được chất lượng trái khóm Cầu Đúc, tạo nên giá trị và nâng cao danh tiếng trái khóm quê hương trên thị trường. Với diện tích khoảng 50ha trồng theo tiêu chuẩn này, ước năng suất thu được mỗi đợt thu hoạch đạt từ 20-25 tấn/ha, ước lợi nhuận thu về sau khi trừ đi chi phí đầu tư trên 100 triệu đồng/ha”.

Theo hợp tác xã Phúc Thịnh, nhờ khóm đạt yêu cầu về chất lượng nên có rất nhiều doanh nghiệp, siêu thị tìm đến thu mua. Hiện có một vài hộ thành viên duy trì cung ứng khóm cho một số siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Đánh giá về mô hình trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang, cho biết: Cây khóm là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, mô hình trồng khóm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống nhiều hộ nông dân trên địa bàn thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Tuy nhiên, thời gian canh tác khóm liên tục nhiều năm giúp người dân trồng khóm có nhiều kinh nghiệm hơn thì cũng xuất hiện nhiều khó khăn về sinh vật gây hại phát triển nhiều, giống, đất trồng… Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh cùng với các ngành và bà con nông dân trồng khóm tiếp tục đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật, những tiêu chuẩn phù hợp vào áp dụng để nâng cao giá trị loại cây trồng này, vừa cung cấp cho thị trường những sản phẩm ngon, chất lượng, vừa giúp đảm bảo cuộc sống người sản xuất. Ngành khuyến nông luôn đồng hành cùng người dân trồng khóm tiếp tục thực hiện mô hình trồng khóm theo tiêu chuẩn GlobalGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm để tiếp tục giữ vững và phát huy cây khóm Hậu Giang.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo bà con nông dân thực hiện trồng khóm theo tiêu chuẩn GAP để vừa bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình mình và người tiêu dùng, cũng như góp phần bảo vệ môi trường, phát triển một nền nông nghiệp xanh và bền vững… Bà con mình khi đã trồng đạt chuẩn GAP thì cố gắng tiếp tục duy trì và phát triển, chia sẻ để những nông hộ khác cùng thực hiện, lan tỏa giá trị trong cộng đồng, cũng như nâng cao giá trị của trái khóm để đạt chuẩn GlobalGAP. Bên cạnh các ngành tiếp tục tổ chức những hoạt động xúc tiến thương mại để tạo đầu ra, đưa nhiều sản phẩm hơn đến với người tiêu dùng, phát triển kết quả của mô hình thì bản thân hộ trồng khóm cần chủ động tiếp tục thực hiện và ghi nhận những ưu điểm, biện pháp tốt, phù hợp để ứng dụng và nhân rộng mô hình này trong tương lai.

Bài, ảnh: MAI THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>