Chủ Nhật, ngày 12/05/2024 | 15:05
Từ vụ lúa Hè thu năm 2024 này, có 5 tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiến hành thí điểm mô hình sản xuất sạch, giảm phát thải nhằm bán tín chỉ carbon. Đây là lần đầu tiên cùng với bán lúa gạo phục vụ xuất khẩu thì nông dân còn có thể bán “không khí” để thu về tiền thật.
Sản xuất lúa phát thải thấp ở HTX Tân Long. Ảnh: H.THU
Phấn khởi nhưng còn băn khoăn
Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa Hè thu rộng 2,6ha của gia đình đang phát triển xanh tốt, ông Nguyễn Quang Hưng, thành viên Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Thuận Tiến, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ, cho hay: “Vụ Đông xuân vừa rồi trên diện tích này nhờ được mùa được giá lúa nên gia đình tôi thu lãi khoảng 120 triệu đồng. Lợi nhuận dù có cao hơn các vụ trước nhưng chưa bền vững. Do đó, mới đây khi HTX được cấp trên chọn để “phát pháo” cho Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao gắn phát thải thấp ở ĐBSCL thì hầu hết các thành viên nhiệt tình tham gia, quyết tâm đổi mới phương pháp canh tác để bảo vệ môi trường, giảm phát thải. Đặc biệt của sản xuất lúa lần này là nông dân chờ bán tín chỉ carbon”.
Theo ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thuận Tiến, được Bộ NN&PTNT, cùng UBND thành phố Cần Thơ chọn cánh đồng 50ha để thử nghiệm mô hình canh tác giảm phát thải. Tuy là lần đầu tiên thực hiện, nhưng về cơ bản các xã viên của HTX đã từng canh tác lúa theo hướng sạch, áp dụng 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm khá thành công nên việc tiếp thu thêm kiến thức mới sẽ thuận lợi. Vấn đề băn khoăn khi nông dân chưa hiểu tín chỉ carbon là gì, làm sao tạo ra, rồi cách đo đạc, mua bán tín chỉ như thế nào… bởi việc này còn quá xa lạ.
Cùng niềm vui trên, ông Mai Thanh Liêm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ, ở xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, cho hay là cuối tháng 4-2024 hơn 352ha đất của HTX đã xuống giống lúa Hè thu. Mới đây, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT, cùng UBND tỉnh Đồng Tháp trực tiếp khảo sát và chọn ra 50ha để thí điểm mô hình sản xuất giảm phát thải, bán tín chỉ carbon ngay trong vụ này. Đa phần xã viên mừng, bởi khi tham gia đề án sẽ được tiếp cận kỹ thuật sản xuất lúa hiện đại, liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra; đồng thời giảm sử dụng phân thuốc hóa học sẽ bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng… Riêng phần bán tín chỉ carbon thì nông dân chưa rõ, nhưng vẫn kỳ vọng từ tín hiệu mới này.
Ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc HTX Tân Long, ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, cho biết vụ Hè thu này HTX đã phối hợp với một công ty làm 5ha lúa theo hướng giảm phát thải. Mỗi tấn carbon được công ty trả 20USD. Nếu làm theo quy trình ngập khô xen kẽ thì đầu vào sẽ giảm, năng suất sẽ tăng từ 15-20%, vì có kỹ sư tính toán làm sao phân bón không bị dư thừa, bốc hơi, giúp cây lúa hấp thụ chất dinh dưỡng tốt từ phân; kiểm soát được nguồn phân bón để nông dân tiết kiệm chi phí đầu vào. Làm theo mô hình này nông dân sẽ có những cái được như: được thêm tiền từ bán tín chỉ carbon, được tăng năng suất, tăng giá trị hạt lúa làm ra. Chính sách này rất hay, vì cũng diện tích đó, trước đây chỉ thu được khoảng 50 triệu đồng/ha, nếu làm theo hướng phát thải này thì nâng lên thêm từ 20-50%. Tuy nhiên, diện tích thực hiện ở HTX cũng chưa nhiều, do đây là cách làm mới, nông dân cũng còn lo lắng.
Bộ NN&PTNT cho rằng, do lần đầu tiên nông dân ĐBSCL tiếp cận với mô hình sản xuất lúa phát thải thấp, có bán tín chỉ carbon nên có người chưa rõ và còn nhiều trăn trở là chuyện hiển nhiên.
Nông dân ngoài tỉnh đến tham quan mô hình sản xuất lúa phát thải thấp ở HTX Tân Long. Ảnh: H.THU
Thay đổi tập quán sản xuất
Theo Bộ NN&PTNT, vụ Hè thu 2024 này chọn 5 địa phương (Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng) mỗi nơi khoảng 50ha để thí điểm mô hình sản xuất lúa phát thải thấp. Nông dân gieo cấy giống xác nhận, áp dụng quản lý nước ngập khô xen kẽ, bón phân chuyên biệt, sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân, giảm số lần bón phân chỉ còn 2 lần/vụ; áp dụng IPM quản lý bảo vệ thực vật; áp dụng máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch, thu gom rơm rạ khỏi đồng để làm nấm rơm và phân bón từ rơm, kết hợp bón phân hữu cơ cho lúa…
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho hay: “Thông qua mô hình thí điểm để tập huấn cho nông dân trong vùng hiểu về quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Từ đó, nông dân về tuyên truyền cho các HTX triển khai áp dụng theo đúng Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao trong thời gian tới; ngoài ra còn là cơ sở quan trọng để đánh giá hiệu quả, xem xét hệ số giảm phát thải để nhân rộng phương thức canh tác…”.
Theo bà Joanna Kane Potaka, Phó Tổng giám đốc IRRI, thông qua mô hình điểm này, nông dân có thể học hỏi được từ các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức về kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải. Đồng thời, từ thực tế này, phía IRRI cũng sẽ học hỏi được những kinh nghiệm của nông dân, doanh nghiệp, đối tác… nhằm giúp IRRI đóng góp tốt hơn cho đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao được thành công.
Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ cam kết sẽ nỗ lực thực hiện thắng lợi đề án nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và hướng đến phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo. “Hiện tại, Cần Thơ có 38.000ha lúa sản xuất trong dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), với 32.000 hộ dân tham gia. Vì vậy, chúng tôi đang phát huy hiệu quả của dự án này nhằm đến năm 2025 Cần Thơ có vùng chuyên canh lúa chất lượng cao rộng 38.000ha, đến năm 2030 sẽ đạt 50.000ha theo kế hoạch đề ra”, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, nêu quyết tâm.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, hiện các địa phương đang tích cực tham gia là rất đáng mừng; tuy nhiên để mô hình thành công thì phải thay đổi tập quán sản xuất cũ của nông dân, tổ chức lại nền sản xuất tiên tiến, hiện đại. Cần thấy rằng, lâu nay ở ĐBSCL có nhiều cách canh tác khác nhau, theo từng vùng sinh thái; tuy nhiên để phát huy hiệu quả đề án 1 triệu héc-ta lúa thì 3 yếu tố “chất lượng cao, phát thải thấp và tăng trưởng xanh” phải được thực hiện xuyên suốt. Vì vậy, quy trình canh tác cần tổ chức lại một cách phù hợp. Ví dụ như thiết kế lại đồng ruộng bằng phẳng để tưới ngập khô xen kẽ, quản lý tốt nguồn nước; áp dụng sạ hàng hoặc sạ cụm để quản lý cỏ dại, kết hợp vùi phân vào trong đất nhằm phát huy cây mạ phát triển, giảm phát thải nhà kính… Đây là những cái khó, nhưng phải làm cho bằng được, phải cố gắng thực hiện bằng nhiều giải pháp nhằm hướng tới nền sản xuất xanh, giảm phát thải, giúp nông dân có thể “đa thu nhập” từ nhiều sản phẩm như lúa gạo, nấm rơm, tín chỉ carbon…
Theo các nhà chuyên môn, giá tín chỉ carbon ở các quốc gia dao động rất lớn, có quốc gia chỉ 1 USD cho 1 tấn carbon, tuy nhiên cũng có quốc gia bán giá 100-140 USD cho 1 tấn carbon. Việt Nam vừa chuyển nhượng giá 5 USD/tấn carbon rừng; dự kiến đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao sẽ bán giá 10 USD/tấn carbon…
TS Phạm Văn Đại, Giảng viên cao cấp Trường chính sách công và quản lý Fulbright, cho rằng: “Giá tín chỉ carbon có thể lên đến 200-300 USD/tín chỉ và điều này chỉ đạt được khi chất lượng tín chỉ carbon được xác thực, bản chất của dự án cũng như chi phí bỏ ra để thực hiện”. Có thể nói, giá của mỗi tín chỉ carbon được quyết định tùy theo thị trường và tùy theo hình thức hình thành tín chỉ carbon. Hiện thị trường carbon có hai loại là tự nguyện và bắt buộc. Ở thị trường tự nguyện, các doanh nghiệp, các chủ thể tự nguyện thực hiện giảm phát thải khí nhà kính và mua tín chỉ carbon để đạt được mục tiêu này. Còn thị trường carbon bắt buộc, các cơ sở phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, thể hiện ở lượng hạn ngạch phát thải mà cơ quan quản lý phân bổ cho mỗi cơ sở; các cơ sở được phép mua bán trao đổi lượng hạn ngạch này trên thị trường.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, đồng hành với Bộ NN&PTNT xây dựng Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL. WB sẽ hỗ trợ nông dân cải thiện đời sống và hỗ trợ đề án thông qua các cơ chế để Việt Nam tham gia thị trường carbon tự nguyện. Về cơ bản, nông dân vừa có nguồn thu từ lúa gạo và còn có cơ hội bán tín chỉ carbon thông qua sản xuất xanh, giảm phát thải. Phía WB ước tính vùng chuyên canh lúa chất lượng cao 1 triệu héc-ta này khi hình thành có thể giảm 10 triệu tấn carbon. WB cam kết mua tín chỉ carbon mức 10 USD/tấn CO2; trung bình 1ha lúa có thể thu về 100 USD từ việc bán tín chỉ carbon. Như vậy, 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao có thể thu về khoảng 100 triệu USD/năm… |
H.TÂN - H.THU
09:06 22/11/2024
(HG) - Sáng ngày 21-11, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ và các đơn vị liên quan tổ chức lớp tập huấn quy trình trồng măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP
09:01 22/11/2024
(HG) - Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh, sau thời gian thực hiện xây dựng các chuỗi giá trị có kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, hiện toàn tỉnh đã có 22 chuỗi với tổng diện tích 203ha được cấp xác nhận sản phẩm an toàn thực phẩm.
07:27 22/11/2024
Phong trào xây dựng nông thôn mới được các địa phương cả nước đẩy mạnh thực hiện và đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
08:59 21/11/2024
Đến hẹn lại lên, thời điểm này, các nhà vườn chuyên làm trái cây tạo hình trên địa bàn tỉnh đang tất bật các khâu để chuẩn bị sản phẩm ưng ý nhất, kịp tung ra thị trường dịp cuối năm, đáp ứng nhu cầu chưng tết của khách hàng.
09:53 19/11/2024
Theo phân tích, đánh giá của chuyên gia, nhà khoa học và ngành chức năng tỉnh thì trong thời gian tới, sản xuất nông nghiệp ở Hậu Giang phải đối mặt với không ít khó khăn, trở ngại; vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh cần sớm đề ra những hướng đi mới mang tính trọng tâm và đột phá hơn.
09:07 19/11/2024
Từ loại trái cây bình dân, thời gian gần đây, giá trái mãng cầu xiêm luôn ở mức cao mang về thu nhập ổn định cho nông dân. Từ đó, nhiều nhà vườn tích cực chăm sóc, mở rộng diện tích cây trồng này.
08:20 19/11/2024
Trong những năm gần đây, việc kết hợp các nguồn lực từ Nhà nước cùng sự đóng góp tích cực của người dân đã giúp nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh phát triển, tạo nền tảng xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững trong tương lai.
17:56 18/11/2024
Không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, có thể sản xuất quanh năm là những ưu điểm của mô hình trồng nấm rơm ứng dụng kỹ thuật chất trên kệ tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (KNNƯDCNC) Hậu Giang. Đặc biệt, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã nâng cao năng suất, cho hiệu quả kinh tế ổn định.
07:00 18/11/2024
(HG) - Vào thời điểm này, nông dân trên nhiều cánh đồng lúa của tỉnh tất bật vệ sinh đồng ruộng và tiến hành gieo sạ vụ lúa Đông xuân 2024-2025.
08:46 15/11/2024
(HG) - Ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục mở rộng diện tích các mô hình liên kết với doanh nghiệp sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Tăng cường khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác giảm giống, phân bón, thức ăn, tận dụng tốt các phụ phế phẩm để tạo nguồn phân bón hữu cơ góp phần đảm bảo sức khỏe cho cây trồng, giảm bớt chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả trên cùng diện tích canh tác cho nông dân.
06:00 24/11/2024
Cùng những tin tức khác, mời Quý độc giả theo dõi: 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn (Bình Định) được công nhận bảo vật quốc gia; Puerto Rico đăng quang Mr World 2024; Thanh Hằng... rơi cánh trên sàn catwalk; Google bị chính quyền Mỹ ép bán trình duyệt web Chrome.
20:00 23/11/2024
(HG) – Chiều muộn ngày 23-11, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, tiếp và làm việc với ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đến hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội của tỉnh.
16:10 23/11/2024
(HGO) - Quỹ Nam Phương cùng Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, UBND thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A) vừa phối hợp tổ chức Lễ khánh thành cầu Khang Đức nối liền 2 ấp Tân Phú A và Tân Long A của thị trấn Cái Tắc.
13:29 23/11/2024
(HG) - Sáng ngày 23-11, tại thành phố Cần Thơ, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Giải pháp nhân rộng các mô hình thí điểm thành công của Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030”.