Báo tin giả, hậu quả thật

24/06/2024 | 08:02 GMT+7

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ khai báo thông tin giả gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng và ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự. Không chỉ thế, việc cố tình khai báo thông tin giả còn khiến người khai báo có thể bị xử phạt nặng.

Đối tượng B. trình báo thông tin giả đến cơ quan công an về việc bị cướp.

Vừa qua, vào ngày 6-6, Công an phường IV, thành phố Vị Thanh tiếp nhận trình báo của V.V.B. (sinh năm 1998), ngụ xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, về việc bị một nhóm người lạ mặt chặn đường đánh gây thương tích, cướp tài sản trên đường Võ Nguyên Giáp, thuộc khu vực 1, phường IV. Tài sản bị cướp gồm 1 xe môtô và 180.000.000 đồng.

Trước đó, vào ngày 4-6, N.T.T.T. (sinh năm 1999), trú ấp Kinh Giữa, xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, cùng gia đình đến Công an phường IV trình báo tin bị cướp tài sản xảy ra trước cửa Nhà thờ Vị Hưng, đường Nguyễn Huệ, thuộc khu vực 2, phường IV. Tài sản bị cướp là nữ trang gồm vòng, lắc tay, nhẫn (loại vàng 18k) tổng trọng lượng khoảng 15 chỉ.

Sau khi tiếp nhận tin báo 2 vụ việc nêu trên, qua lấy lời khai ban đầu, lực lượng công an phát hiện trong lời khai của các đối tượng có nhiều điểm nghi vấn, mâu thuẫn. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, xác minh và tài liệu chứng cứ thu thập được, qua đấu tranh, khai thác, các đối tượng thừa nhận vì muốn che giấu gia đình về số tiền đã dùng vào mục đích khác nên cố tình đến báo tin giả.

Nhận thấy việc khai báo của 2 cá nhân trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Công an phường IV tiến hành củng cố hồ sơ để xử phạt về hành vi báo tin giả theo quy định pháp luật.

Theo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, hàng năm, toàn tỉnh tiếp nhận hơn 900 tố giác, tin báo tội phạm. Đối với các tố giác, tin báo đều được thụ lý giải quyết và kiểm sát chặt chẽ. Do đó, việc báo tin giả, cung cấp thông tin sai sự thật sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa bàn, tạo tâm lý hoang mang, bất an cho người dân địa phương, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan tiến hành tố tụng khi phải tập trung, huy động lực lượng, áp dụng nhiều biện pháp điều tra.

Ông Trần Hoàng Panal, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành A, chia sẻ, thông thường, khi tiếp nhận 1 tố giác, tin báo về tội phạm, lực lượng chức năng sẽ nhanh chóng triển khai các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, khám phá nhanh vụ việc. Vì vậy, trong trường hợp người dân báo tin giả, không chỉ làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương mà còn làm mất nhiều thời gian, công sức cho hoạt động điều tra, xác minh tin báo.

Luật sư Phan Văn Hùng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, cho rằng, việc cố ý tố giác, báo tin giả đến cơ quan chức năng là hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của vụ việc mà người báo tin giả có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Cũng theo luật sư Hùng, hành vi này được quy định cụ thể tại Điều 7, Nghị định số 144/2021 của Chính phủ, đối với cá nhân có hành vi báo tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ bị xử phạt từ 2-3 triệu đồng. Ngoài ra, cá nhân nào bịa đặt, vu khống người khác có hành vi phạm tội và tố cáo họ đến cơ quan có thẩm quyền, tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống được quy định tại Điều 156, Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

Thực tế cho thấy, với tốc độ lan truyền thông tin nhanh như hiện nay, việc báo tin giả hay cung cấp thông tin sai sự thật sẽ gây ra nhiều tác hại, hệ lụy khôn lường. Do vậy, mỗi người dân hiểu rõ những quy định của pháp luật về tin báo, tố giác tội phạm, từ đó thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình.

Nghị định 144/2021 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; gọi điện thoại đến số điện thoại khẩn cấp 111, 113, 114, 115 hoặc đường dây nóng của cơ quan, tổ chức để quấy rối, đe dọa, xúc phạm.

Phạt tiền từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Báo cháy giả; báo tin sự cố, tai nạn giả.                   

 

B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>