Cách nào để phổ biến pháp luật ra dân hiệu quả ?

17/06/2024 | 07:23 GMT+7

Nhân hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” do Sở Tư pháp tổ chức vừa qua, phóng viên Báo Hậu Giang ghi nhận ý kiến của một số đại biểu về kinh nghiệm hay trong công tác này để đưa pháp luật đến gần với người dân.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh: 

Giúp người dân hình thành niềm tin pháp luật

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đóng góp quan trọng vào việc ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhờ có nhận thức rõ về pháp luật, có ý thức chấp hành, người dân, cán bộ sẽ tránh được các hành vi vi phạm, từ đó hạn chế khiếu kiện, khiếu nại trái quy định. Đối với Hậu Giang, trong những năm qua, công tác PBGDPL luôn được các cấp, các ngành quan tâm và triển khai thực hiện hiệu quả.

Hiện tại, Hội đồng Phối hợp PBGDPL cấp tỉnh hiện có 41 thành viên, hội đồng cấp huyện có 209 thành viên; báo cáo viên pháp luật các cấp có trên 1.250 người. Tỉnh đã triển khai hoạt động PBGDPL bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú: tổ chức cuộc thi, phát hành tờ bướm, tờ gấp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác này, phát huy hiệu quả của trang thông tin điện tử, mạng xã hội để tuyên truyền.

Công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục được thực hiện có hiệu quả; ở các địa phương xây dựng và triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo như: Mô hình Câu lạc bộ “Hội viên ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền pháp luật” và mô hình “Trợ giúp pháp lý trong công tác hòa giải cơ sở” trên địa bàn thành phố Ngã Bảy.

Bên cạnh những kết quả tích cực thì công tác trên vẫn còn những hạn chế nhất định. Để góp phần PBGDPL ra dân hiệu quả, cần tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, chú trọng kết hợp PBGDPL và hướng dẫn áp dụng pháp luật, nhằm giúp cho đối tượng được áp dụng pháp luật hiểu rõ nội dung, ý nghĩa của các quy định được áp dụng hoặc các quy định có liên quan, từ đó giúp hình thành niềm tin pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nghiêm các quy định. Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng, năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.

Bà Trần Thị Xuân Trang, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông:

Chú trọng ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền

- Sở Thông tin và Truyền thông đã từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng tối đa ưu thế của các trang mạng xã hội để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.

Sở nhận thấy rằng, trong bối cảnh số lượng người dùng internet và mạng xã hội ngày một tăng cao, trung bình mỗi gia đình có ít nhất một điện thoại thông minh có sử dụng internet, đăng ký các tài khoản mạng xã hội, đặc biệt là facebook, zalo... Vì vậy, việc đăng tải các thông tin cần tuyên truyền, vận động lên các trang mạng xã hội sẽ góp phần đưa các văn bản, quy định của Đảng, Nhà nước đến gần hơn, nhanh chóng hơn với dân.

Tỉnh Hậu Giang đang quản lý hơn 200 tài khoản fanpage được thiết lập từ các đơn vị từ sở, ban, ngành tỉnh, UBND, các phòng ở huyện và ở xã. Các sở, ban, ngành tỉnh cũng như UBND các huyện hầu hết đã thiết lập các trang mạng xã hội và nhóm OA zalo để kết nối các thành viên có liên quan nhằm chỉ đạo, điều hành, cung cấp thông tin chung tay phòng, chống tội phạm và tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Với ứng dụng app “Hậu Giang”, ngoài chức năng “Phản ánh hiện trường” ghi nhận đa dạng ý kiến của người dân, app còn tận dụng tính năng tin nhắn để nhắn tin đến người sử dụng mọi thông tin từ sự kiện đến công tác cần thông tin, truyên truyền cũng như những khuyến cáo… Hiện đã có gần 100.000 người cài đặt sử dụng.

Sở cho rằng, cần đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách. Hiện nay, ngoài hình thức truyền thống, truyền thông chính sách thông qua mạng xã hội đang trở thành xu thế mới trong thời kỳ công nghệ số.

Bên cạnh đó, cổng/trang thông tin điện tử, các bản tin của cơ quan, đơn vị tiếp tục đăng tải, cập nhật kịp thời những quy định mới của pháp luật về lĩnh vực chuyên ngành góp phần đưa công tác tuyên truyền PBGDPL ngày càng sâu rộng, đa chiều và hiệu quả.

Cần tận dụng phương tiện truyền thông trực tuyến, hướng đến sử dụng mạng xã hội như facebook, zalo, blog, youtube, tiktok… để chia sẻ các thông tin, hình ảnh liên quan đến việc chấp hành pháp luật trên địa bàn. Xây dựng các video hướng dẫn và phát trực tiếp thông tin về pháp luật qua các nền tảng trực tuyến.

Ông Đàm Hữu Hùng, Công chức Tư pháp - Hộ tịch, phường Hiệp Lợi, thành phố Ngã Bảy:

Nên khảo sát, nắm bắt nhu cầu của người dân

- Hiện nay, việc mời dân họp dân rất khó, tỷ lệ tham gia thường không đạt yêu cầu, do vậy nếu tuyên truyền những văn bản luật có tính chất cứng, theo hình thức truyền thống, sẽ khó thu hút.

Tôi cho rằng, để làm tốt công tác tuyên truyền PBGDPL ra dân, cần làm tốt công tác phối hợp, nắm bắt được nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của dân. Thực tế, lĩnh vực người dân quan tâm nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, hộ tịch, bảo hiểm, chế độ chính sách…

Để người dân có sự chú ý, lắng nghe, khi tuyên truyền cần sàng lọc, cô đọng nội dung mà người dân có nhu cầu. Trước khi tuyên truyền phải khảo sát nhu cầu, vấn đề người dân vướng mắc, từ đó nói đúng nội dung. Việc tổ chức tuyên truyền cũng cần chú trọng kinh phí, khi mời dân nên có thêm phần quà, hỗ trợ đi lại sẽ giúp người dân chủ động tham gia hơn.

Đ.B ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>