Cái giá của lòng tham

15/05/2024 | 08:18 GMT+7

Rời phòng xét xử với mức án 18 năm tù giam về tội tham ô số tiền hơn 1,4 tỉ đồng, bị cáo Nguyễn Việt Phong có lẽ đã thấm thía với lời ông bà dạy: “Tham thì thâm”.

Bị cáo Nguyễn Việt Phong tại tòa.

Vốn là thanh niên trẻ tuổi, nhiệt huyết, sau khi tốt nghiệp ra trường, Phong xin vào làm việc tại Công ty Cổ phần Phân bón Mầm Xanh, ở khu dân cư Trung Sơn, thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

 Quá trình làm việc năng nổ, có nhiều cố gắng, nên đến tháng 12-2018, Phong được công ty bổ nhiệm làm nhân viên kinh doanh tại thị trường thành phố Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, với nhiệm vụ lái xe, bán hàng, chăm sóc khách hàng, thu, nộp tiền về công ty, báo cáo hoạt động thu hồi công nợ, tình hình của khách hàng.

Do thường xuyên tiếp xúc với số tiền lớn khi làm nhiệm vụ thu hồi công nợ cho công ty, nên Phong không kiềm được lòng tham. Bởi theo quy định thì khoảng 10-15 ngày, các nhân viên bán hàng phải kiểm tra tiến độ bán hàng của các đại lý, đồng thời thu tiền hàng đã bán được gửi về cho kế toán công ty.

Lúc đầu, Phong thu tiền hàng và đều đặn gửi về đúng và đủ theo quy định, nhưng thời gian sau, lợi dụng sự tin tưởng của công ty, nên Phong không gửi hoặc gửi không đủ số tiền đã thu được, mà tự ý chiếm đoạt, đem tiêu xài cá nhân. Tổng số tiền Phong chiếm đoạt của công ty là hơn 1,4  tỉ đồng.

 Phiên tòa hôm xét xử Phong vắng vẻ, phía bị hại không một ai đến dự, lác đác chỉ có vài người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được tòa triệu tập. Có lẽ vậy mà phiên xử diễn ra nhẹ nhàng. Tất cả như chờ sẵn một cái kết cuối cùng dành cho bị cáo.

 Tại tòa, bị cáo với gương mặt sáng láng, nhưng có vẻ tự ti, Phong lầm lũi đứng sau bục khai báo. Vị chủ tọa nghiêm giọng hỏi: “Bị cáo vốn có trình độ, học thức, đã chăm chỉ làm việc trong một thời gian dài, tại sao cuối cùng lại không làm chủ được bản thân trước cám dỗ đồng tiền, mà tham ô, chiếm dụng của công?”.

Phong phân trần: “Bị cáo chỉ có ý định mượn tạm số tiền của công ty để trang trải cuộc sống, cốt là để cho mẹ, vợ và các con có được mái ấm khang trang. Sau đó, trong quá trình làm việc tại công ty, bị cáo sẽ tìm cách hoàn trả lại đủ số tiền đã tạm mượn”.

 Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cho rằng, hành vi của bị cáo không thể xem là “mượn” được. Nếu ai cũng vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn mà tìm cách bòn rút tài sản của công ty, cơ quan nơi mình làm việc để tư lợi riêng như bị cáo thì xã hội này sẽ như thế nào?

Khi lòng tham của mình không còn lời biện minh, Phong mới cúi đầu nhận tội và xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt, được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Được nói lời sau cùng, bị cáo cúi đầu nhận lỗi: “Dù lý do gì đi nữa thì hành vi của bị cáo đã gây thất thoát cho công ty, làm gia đình phải khổ sở, bị cáo đau khổ và hối hận nhiều lắm. Chỉ mong được sớm trở về để làm lại cuộc đời, được làm đúng trách nhiệm của một người con, người chồng, người cha, chuộc lại lỗi lầm…”.

Qua cân nhắc nguyên nhân, hậu quả, lý do phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt Nguyễn Việt Phong 18 năm tù giam về tội tham ô tài sản.

Phiên tòa kết thúc, tiếng khóa còng lách cách lạnh lẽo siết vào tay. Bị cáo cúi đầu bước theo các chiến sĩ công an làm nhiệm vụ dẫn giải ra xe, về trại giam. Những lời hối lỗi muộn màng lúc này không thể giúp Phong quay ngược quá khứ, trở về tháng ngày an yên bên gia đình.

Cái giá mà Phong phải trả là bản án 18 năm tù và cả tương lại bị chôn vùi… chỉ vì một chút lòng tham.

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>