Cần đẩy mạnh hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất

11/07/2024 | 08:06 GMT+7

Để hạn chế mâu thuẫn, tránh phải đưa nhau ra tòa phân xử thiệt hơn khi các tranh chấp, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến đất đai đang ngày càng phức tạp như hiện nay thì việc chú trọng hòa giải ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở là rất quan trọng.

Một vụ tranh chấp đất đai được đưa ra hòa giải.

Những tháng đầu năm, toàn tỉnh tiếp nhận hơn 4.150 vụ việc tranh chấp dân sự, trong đó các tranh chấp có liên quan đến đất đai, tài sản chiếm gần 30% số vụ việc.

Theo ngành chức năng, nguyên nhân phần lớn các tranh chấp liên quan đến đất đai là do biến động về giá đất, việc chuyển nhượng của các đương sự có trường hợp chưa tuân thủ về hình thức; quá trình sử dụng đất có sự chồng lấn giữa các hộ dân, mâu thuẫn về thừa kế,…

Song song đó, một số vụ kéo dài trong nhiều năm và khó giải quyết do nguyên nhân khách quan như quy định của pháp luật về quản lý đất đai có sự thay đổi hoặc có sự điều chỉnh trong việc lập bản đồ, thay đổi bản đồ địa chính, thay đổi hiện trạng thực tế do tác động của tự nhiên,…

Vừa qua, gửi đơn đến Báo Hậu Giang, bà T., ngụ phường III, thành phố Vị Thanh, bày tỏ bức xúc về trường hợp tranh chấp của gia đình.

Bà T. cho biết, năm 2009, gia đình bà chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh về thành phố Vị Thanh sinh sống nên có mua một phần đất diện tích 480m2 của ông N., ngụ phường III. Trong quá trình làm thủ tục chuyển nhượng thì phát hiện thửa đất bà T. mua có một phần đất là kênh thủy lợi không làm giấy được, tuy nhiên lúc này gia đình bà T. đã bơm cát san lấp một phần kênh.

Đến năm 2010, ông N. chuyển nhượng cho bà T. phần đất khác cặp theo kênh với diện tích 498m2. Tuy nhiên, sau khi bà T. được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ông N. đem cây qua trồng trên phần đất là kênh thủy lợi đã được san lấp, đồng thời lấn qua ranh đất đã bán cho gia đình bà T.

“Khi phát sinh tranh chấp, gia đình tôi và ông N. thường xuyên cãi vã, nên cả 2 đành nhờ chính quyền vào cuộc giải quyết. Tuy nhiên, trong khi đợi địa phương giải quyết, phía ông N. vẫn lớn tiếng chửi mắng, lấn ranh, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình tôi”, bà T. cho biết.

Theo ông Trương Đình Nghệ, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, những tháng đầu năm, số lượng tranh chấp dân sự tòa án hai cấp thụ lý tương đương so cùng kỳ, tuy nhiên, các vụ việc tranh chấp liên quan đến đất đai, tài sản xảy ra có chiều hướng phức tạp hơn. Trong đó, có nhiều vụ việc sau khi người có tài sản (cha, mẹ, ông, bà…) qua đời, thế hệ con cháu, những người thân thích trong gia đình, dòng tộc, láng giềng lại phát sinh mâu thuẫn. Một số vụ chỉ cần vài trăm, vài chục, thậm chí vài mét đất cũng có thể phát sinh tranh chấp phải khởi kiện ra tòa.

Nhằm giải quyết các tranh chấp về đất đai, pháp luật đã có nhiều quy định điều chỉnh.

Cụ thể, Luật Đất đai năm 2024 có các quy định mới về hòa giải tranh chấp đất đai. Theo đó tại Điều 235, luật quy định trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Điều 236, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp. Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai…

Luật sư Phan Văn Hùng, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh, cho rằng, so với Luật Đất đai cũ, luật mới đã rút ngắn thời hạn giải quyết ở UBND cấp xã từ 45 ngày xuống còn 30 ngày. Cùng với đó, luật cũng quy định chủ tịch UBND cấp xã sẽ có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình. Trong quá trình hòa giải phải phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác.

Ông Lê Hoàng Thượng, hòa giải viên cơ sở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Đối với tranh chấp đất đai, các tổ hòa giải cơ sở có ưu điểm hòa giải viên là người địa phương nên nắm rõ về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất. Trong quá trình hòa giải, chúng tôi cũng chủ động nắm bắt nguyên nhân mâu thuẫn và mấu chốt tranh chấp giữa hai bên để giúp họ gỡ vướng cũng như dùng lý lẽ và tình cảm tác động nên cơ hội hòa giải thành sẽ cao và không mất đi tình làng nghĩa xóm”.

Theo ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, hiện nay do kinh tế phát triển đã dẫn đến phát sinh các tranh chấp trong dân, đặc biệt là lĩnh vực đất đai đa dạng và phức tạp hơn, nên ngành tư pháp tỉnh cũng đã củng cố, kiện toàn trên 530 tổ hòa giải ở cơ sở, đồng thời thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới và trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải trong lĩnh vực đất đai cho đội ngũ hòa giải viên.

“Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong quan tâm bồi dưỡng giúp nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên, đặc biệt là kỹ năng hòa giải về tranh chấp đất đai. Đây được xem là tiền đề, điều kiện cần thiết để công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh phát huy hiệu quả hơn nữa, góp phần hạn chế tranh chấp trong dân”, ông Phương nhấn mạnh.

Điều 235, Luật Đất đai năm 2024 quy định về hòa giải tranh chấp đất đai

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải, hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại hoặc cơ chế hòa giải khác theo quy định của pháp luật.

2. Trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Điều 236 của luật này, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.

 

B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>