Cẩn trọng trong giao dịch nhà, đất để tránh bị lừa đảo

04/07/2024 | 05:29 GMT+7

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra không ít vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách cùng một thửa đất, căn nhà đem bán cho nhiều người hoặc làm giả các giấy tờ để lừa bán đất; đến khi phát hiện sự việc thì bị hại khó đòi lại tiền.

Tòa án xét xử một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến đất đai.

Trên thực tế, các hành vi lừa đảo trong mua bán, nhất là liên quan đến đất đai hiện nay diễn ra khá phổ biến. Trong đó, nhiều nạn nhân chỉ vì ham của rẻ, tin vào lời “có cánh” của các đối tượng nên “sập bẫy”.

Đơn cử như vụ việc của đối tượng Nguyễn Hồng Dũng có phần đất với diện tích 2.280,2m2, tọa lạc tại ấp Thạnh Mỹ A, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A.

Ngày 11-11-2020, Dũng chuyển nhượng quyền sử dụng trên cho ông T. cư trú quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, với giá 1,6 tỉ đồng, cả hai đến một văn phòng công chứng tại thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A ký hợp đồng chuyển nhượng và giao tiền theo quy định.

Tuy nhiên, sau đó do cần tiền tiêu xài, Dũng lại tiếp tục gặp và thỏa thuận bán cho vợ chồng ông Đ., ngụ huyện Châu Thành A, một phần quyền sử dụng đất diện tích 115m2, trong phần đất 2.280,2m2 đã chuyển nhượng trước đó cho ông T., với giá 300 triệu đồng. Gia đình ông Đ. giao cho Dũng số tiền đặt cọc là 200 triệu đồng, hẹn 7 ngày sau sẽ đến UBND xã Tân Phú Thạnh để hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, sau đó Dũng không đến, mà còn cố tình lẩn tránh, chiếm đoạt tiền, nên gia đình ông Đ. tố giác đến cơ quan công an.

Trước đó, cũng trên địa bàn huyện Châu Thành A, Nguyễn Vũ Lâm, ngụ xã Trường Long A, đặt làm một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, sau đó đem cầm cho chị O., ngụ cùng xã lấy 300 triệu đồng.

Đến cuối năm 2023, khi chị O. yêu cầu Lâm chuộc lại phần đất đã cầm, nhưng Lâm không đồng ý, đồng thời thừa nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Lâm cầm cho chị O. là giả, nên chị O. đã trình báo cơ quan công an, yêu cầu khởi tố Lâm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ/20 bị can tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 6 vụ/5 bị can tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trong đó một số vụ việc các đối tượng phạm tội liên quan đến việc mua bán, làm giả các giấy tờ liên quan đến đất đai xảy ra trên địa bàn thành phố Ngã Bảy, huyện Châu Thành, Châu Thành A,…

Trong thực tế các vụ việc đã xảy ra, các đối tượng lừa đảo thường rất tinh vi, dùng lời nói khéo léo để đánh vào lòng tham hoặc sự tin cậy của người khác và tìm mọi cách để dẫn dắt người mua tài sản thực hiện giao dịch không đúng trình tự, thủ tục như thông qua hoạt động mua bán nhà, đất bằng giấy tay hoặc làm hợp đồng chuyển nhượng nhưng không được công chứng, chứng thực, để từ đó chiếm đoạt tài sản.

Theo ông Phạm Hoàng Lâm, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, quá trình xem xét, đánh giá chứng cứ của vụ án, nếu xác định ý thức chiếm đoạt tài sản của đối tượng là cố tình lừa dối, bán cùng một thửa đất cho nhiều người hoặc lừa bán tài sản không phải của mình thì có thể bị xử lý về tội lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Còn theo luật sư Phan Văn Hùng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, trong một số vụ án thì các đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự tương xứng với mức độ, hành vi đã gây ra. Tuy nhiên, cũng có những vụ việc rất khó xử lý hình sự và cơ quan chức năng nhận định việc mua bán hai bên chỉ là tranh chấp dân sự.

Bởi lẽ, nhiều vụ việc khi mua bán tài sản thì có yếu tố do lỗi của chính người mua. Người mua vì ham rẻ hoặc tin tưởng đối tượng mà không tìm hiểu rõ tình trạng pháp lý của đất đai; dễ dàng đưa tiền cho người bán mà không thực hiện việc mua bán theo đúng trình tự, thủ tục pháp lý.

“Do đó, để xử lý hình sự về các hành vi này, cơ quan chức năng phải chứng minh được các yếu tố như: có hành vi chiếm đoạt, có thủ đoạn gian dối và có ý thức chiếm đoạt tài sản”, luật sư Hùng cho biết.

Theo ông Phạm Hoàng Lâm, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, mỗi người dân khi thực hiện việc mua bán phải tìm hiểu kỹ nguồn gốc và tình trạng sử dụng tài sản muốn mua; khi giao dịch phải thực hiện đúng các thủ tục, trình tự pháp luật quy định; khi mua bán tài sản có giá trị, nhất là nhà, đất thì cần công chứng các hợp đồng chuyển nhượng đảm bảo tính pháp lý. Từ đó, có thể kịp thời ngăn chặn, phát hiện các giao dịch không đủ điều kiện mua bán hoặc có dấu hiệu lừa đảo. 

B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>