Che giấu người phạm tội có bị truy cứu trách nhiệm hình sự ?

05/06/2024 | 06:15 GMT+7

Che giấu tội phạm tuy không hứa hẹn trước, nhưng một công dân sau khi biết tội phạm được thực hiện mà che giấu cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các bị cáo trong vụ án giết người, che giấu và không tố giác tội phạm ở thị xã Long Mỹ.

Những năm qua, bên cạnh đa số người dân thực hiện tốt nghĩa vụ tố giác tội phạm với cơ quan có thẩm quyền, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, thì cũng có một bộ phận người dân không am hiểu pháp luật, cố tình che giấu hoặc không tố giác tội phạm, dẫn đến hệ lụy xấu cho mình.

Tạo điều kiện cho can phạm lẩn trốn

Vụ án giết người mà bị cáo Lê Phạm Vi Bình, ngụ thị xã Long Mỹ, trực tiếp gây án, bên cạnh chịu trách nhiệm với hành vi mình gây ra, thì vụ án còn có các bị cáo khác bị truy tố.

Cụ thể là Võ Văn Nhứt, Đặng Văn Chiều và Nguyễn Hữu Thoại cùng bị xét xử về các tội che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm.

Theo hồ sơ vụ án, trước đó Bình nhiều lần đi tìm bạn gái cũ là chị N. để đòi 500.000 đồng nhưng không gặp. Bình cho rằng anh Ngô Văn Tú, trú xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, biết bạn gái của y ở đâu, nhưng cố tình giấu không cho gặp.

Đến khoảng 15 giờ ngày 14-8-2023, Bình chuẩn bị sẵn dao rồi nhờ Thoại điều khiển xe mô tô chở đến nơi Tú thuê trọ ở khu vực Bình Thạnh B, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ nói chuyện, rồi xảy ra ẩu đả.

Quá trình ẩu đả, Bình dùng dao đâm vào vùng bụng khiến Tú bị thương và tử vong trên đường đi cấp cứu. Sau khi gây án, Bình về nhà trọ ở phường Thuận An, thị xã Long Mỹ sử dụng ma túy cùng với Thoại rồi bỏ trốn. Đến ngày 17-8, Bình đến Công an thị xã Long Mỹ đầu thú.

Đại diện viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại tòa cho rằng, đối với Võ Văn Nhứt, Đặng Văn Chiều và Nguyễn Hữu Thoại, dù biết rõ Bình là người trực tiếp gây ra cái chết cho anh Tú và bỏ trốn, nhưng không trình báo cơ quan công an mà còn tạo điều kiện, giúp sức cho Bình trốn.

Cụ thể, Chiều chở Bình đi ra bến xe, lên xe lẩn trốn, cung cấp sim điện thoại cho Bình sử dụng; Nhứt thì động viên, yêu cầu Chiều chở Bình đi lánh nạn, cung cấp tiền cho Bình sử dụng, khi được cơ quan công an mời làm việc vẫn cố tình khai báo không thành khẩn, gây khó khăn cho việc truy bắt.

Đối với Thoại, dù trực tiếp chở Bình đến gặp nạn nhân Tú, chứng kiến Bình dùng dao nhọn đâm Tú nhưng vẫn chở Bình về nhà, không trình báo sự việc với công an.

Quá trình xét xử, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nhứt 12 tháng tù, Chiều 6 tháng tù về tội che giấu tội phạm và Thoại 9 tháng cải tạo không giam giữ về tội không tố giác tội phạm.

Hành vi phạm pháp nghiêm trọng

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là trách nhiệm của toàn xã hội, của tất cả mọi người chứ không phải riêng cơ quan công an. Mỗi người khi phát hiện hành vi hoặc sự việc có dấu hiệu tội phạm đều phải nhanh chóng báo cho cơ quan có thẩm quyền. Nếu không thực hiện sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tội “không tố giác tội phạm” hoặc nếu có hành vi che giấu, gây cản trở cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra sau này thì có thể bị truy cứu về tội “che giấu tội phạm” theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Theo luật sư Hồ Quốc Thanh, Đoàn Luật sư tỉnh, pháp luật hình sự quy định, che giấu tội phạm là không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, là hành vi phạm tội. Người che giấu tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn đối với hành vi không tố giác tội phạm, theo luật gia Nguyễn Hoàng Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, pháp luật quy định việc không tố giác tội phạm được hiểu là người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác tới cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật Hình sự.

“Việc không tố giác ở đây đơn thuần là biết nhưng không tố giác. Trường hợp biết người khác thực hiện hành vi phạm tội, không tố giác và còn giúp đỡ người phạm tội che giấu, bỏ trốn, gây khó khăn cho hoạt động điều tra thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự tùy vào hành vi cụ thể”, luật gia Mạnh chia sẻ.

Điều 18, Bộ luật Hình sự quy định về che giấu tội phạm

1. Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, giấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà bộ luật này quy định.

2. Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.

 

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>