Chú ý giải quyết những vụ việc giá trị lớn, án tín dụng, ngân hàng

03/05/2024 | 09:21 GMT+7

Sáu tháng đầu năm của ngành thi hành án (tính từ ngày 1-10-2023), số vụ việc các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) của tỉnh thụ lý, giải quyết tăng về số lượng, giá trị phải thi hành và tính phức tạp. Do đó, để có thể hoàn thành các chỉ tiêu được giao, ngành đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Lãnh đạo một đơn vị thuộc Cục THADS tỉnh chia sẻ giải pháp nâng cao chất lượng thi hành án.

So với chỉ tiêu do Quốc hội giao và Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực THADS năm 2024 thì đến nay ngành đã thực hiện đạt 48,62%/83,35% về việc và 5,61%/46,75% về tiền.

Ông Lê Phước Toàn, Cục trưởng Cục THADS tỉnh, cho biết: Các cơ quan THADS trong tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp theo đúng trình tự, thủ tục quy định để tổ chức thi hành, song kết quả thực hiện trong những tháng đầu năm chưa cao, đặc biệt là về tiền, điều này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Hiện có 2 loại vụ việc rất khó thi hành án gồm thi hành án đối với phần trách nhiệm dân sự của người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù; hai là vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Trong đó, số án tín dụng, ngân hàng phải giải quyết trong năm 2024 là 576 việc với số tiền trên 1.671 tỉ đồng.

“Dù số lượng án tín dụng, ngân hàng chỉ chiếm 7% về việc, nhưng chiếm đến 59% về tiền. Trong đó, một số vụ án phải thi hành số tiền rất lớn, trên 500 tỉ đồng, như vụ Công ty TNHH Chất lượng Vàng, vụ Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát, vụ Khu du lịch sinh thái Phú Hữu”, ông Lê Phước Toàn thông tin.

Để tháo gỡ án tồn nhiều năm, án không có điều kiện thi hành, cơ quan THADS tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, trong đó, cùng với các tổ chức tín dụng ngân hàng họp bàn tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc với các loại tài sản đảm bảo.

Đồng thời, cục phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh rà soát, lập hồ sơ và đề nghị tòa án các cấp xét miễn, giảm đối với một số trường hợp là đối tượng đang chấp hành án phạt tù.

Công tác chỉ đạo, theo dõi thi hành án cũng được lãnh đạo ngành quan tâm sát sao. Lãnh đạo cục tiến hành sắp xếp, bố trí, phân công lại cán bộ lãnh đạo và chấp hành viên ở các đơn vị trực thuộc. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ đối với cán bộ, chấp hành viên được chú trọng từ khâu phân loại án.

Tại thành phố Vị Thanh, từ đầu năm đến nay, chi cục đã thụ lý mới trên 400 việc.

Theo lãnh đạo Chi cục THADS thành phố, số lượng các vụ việc tồn đọng cao, cùng với số lượng thụ lý mới khá nhiều đã khiến số lượng án phải giải quyết của đơn vị là rất lớn.

Ông Trần Thanh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố Vị Thanh, chia sẻ: Hiện nhiều vụ việc đã xử lý tài sản nhưng không có người tham gia đấu giá khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn quan trọng của năm công tác, đơn vị đã tập trung mọi nguồn lực để tìm hướng tháo gỡ khó khăn đối với các vụ việc phức tạp.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một số chi cục THADS trên địa bàn, 2024 là năm công tác thi hành án có nhiều thách thức, diễn biến phức tạp với các loại án liên quan đến tổ chức tín dụng, nhiều trường hợp tài sản bán đấu giá không có người mua, một số vụ án với giá trị phải thi hành lớn tồn đọng từ năm trước chuyển sang… Song các đơn vị vẫn đang bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ; tìm giải pháp khả thi từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với tinh thần trách nhiệm cao.

Ông Dương Thành Thái, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Phụng Hiệp, cho biết, bên cạnh cụ thể hóa chỉ đạo của cục, đơn vị còn tập trung triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác. Trong đó, chủ động phân công từng chấp hành viên bám sát địa bàn và gắn trách nhiệm của chấp hành viên với địa bàn được giao. Nếu có những vụ việc phức tạp, giá trị lớn, khó thi hành thì xin ý kiến ngay với Ban Chỉ đạo THADS huyện và cục để giải quyết vụ việc đó, không để kéo dài.

Theo ông Lê Phước Toàn, từ đây đến cuối năm, ngành sẽ tập trung nguồn lực hơn, chú ý giải quyết những vụ việc có giá trị lớn, án trọng điểm, án tín dụng, ngân hàng. Chủ động phối hợp với cơ quan định giá, bán đấu giá và các bên đương sự giải quyết các vụ việc kê biên, bán đấu giá nhiều lần không kết quả; xác định, phân loại án một cách chính xác, đồng thời tiến hành triển khai nhiều cao điểm thi hành án với quyết tâm cao nhất.

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>