Đảm bảo các quyền cơ bản cho người chưa thành niên

20/09/2024 | 09:47 GMT+7

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 175 điều, được bố cục thành 5 phần, 11 chương, nhằm tạo lập khung pháp lý thống nhất dành cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên; hướng đến bảo đảm tiếp cận toàn diện, chuyên nghiệp hơn trong giáo dục và giám sát người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp:

“Việc ban hành luật là rất cần thiết”

- Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi, chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần, chưa có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người đã thành niên. Do đó, theo tôi việc ban hành luật là rất cần thiết.

Tuy nhiên, về tên gọi của dự án luật là “Luật Tư pháp người chưa thành niên”, nên điều chỉnh tên dự án là “Luật Người chưa thành niên” cho đồng bộ với các luật hiện hành, như Luật Trẻ em, Luật Người cao tuổi.

Về phạm vi điều chỉnh, luật quy định khá chi tiết các nội dung, nhưng để đảm bảo tính hiệu quả, nhất quán của luật, tôi đề xuất chỉ nên quy định phạm vi điều chỉnh theo khung: Ví dụ như tại Điều 1, dự thảo thể hiện phạm vi điều chỉnh “luật này quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội”, có thể rút gọn thành “luật này quy định về xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội” là phù hợp.

 Còn về giải thích từ ngữ, qua xem xét dự thảo, chúng ta nên làm rõ về khái niệm người chưa thành niên, nhất là về độ tuổi. Bởi hiện nay, dự thảo luật không quy định rõ người chưa thành niên là từ bao nhiêu tuổi đến bao nhiêu tuổi, điều này sẽ dẫn đến nhiều chồng chéo trong việc áp dụng pháp luật. Do đó, cần giải thích cụ thể về độ tuổi của người chưa thành niên trong dự thảo.

Ông Phạm Hoàng Lâm, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh:

“Thêm cơ chế ràng buộc đối với người trực tiếp giám sát”

- Tại Điều 13 về đảm bảo giữ bí mật cá nhân, theo dự thảo trường hợp người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng tham gia tố tụng thì phải bố trí cách ly, quy định như trên có thể dẫn đến việc tất cả các vụ án có người chưa thành niên tham gia phải bố trí cách ly, dẫn đến không phù hợp và cứng nhắc, khó áp dụng trong thực tế xét xử. Do đó, chỉ cần quy định trong trường hợp cần thiết, như với các vụ án “xâm hại tình dục, xâm hại nhân phẩm” thì nên bố trí cách ly sẽ hợp lý hơn.

Ngoài ra, tại Điều 76 dự thảo về trách nhiệm của người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, khi áp dụng biện pháp này thì trách nhiệm của người giám sát là rất quan trọng, giám sát suốt quá trình thi hành. Tuy nhiên, tại Điều 76 lại chưa quy định về chế tài hoặc hình thức ràng buộc đối với người trực tiếp giám sát, vậy nên chăng, bổ sung thêm quy định này, để người giám sát có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

 Riêng Điều 148 về giữ bí mật thông tin của người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng, theo dự thảo quy định tại khoản 3 “Khi tuyên án, thẩm phán không được nêu họ tên, địa chỉ nơi cư trú, học tập, làm việc của người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng”.

Theo tôi, quy định như trên là thiếu thực tế, bởi khi tuyên án nếu không nêu tên sẽ ảnh hưởng đến công tác thi hành án. Trong trường hợp một vụ án có nhiều bị hại, việc không nêu rõ tên sẽ khó áp dụng trong thực tế, nên cần điều chỉnh lại dự thảo cho phù hợp.

Ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia:

“Cần hỗ trợ chi phí hoạt động tư pháp cho người chưa thành niên”

- Qua theo dõi dự thảo luật, tôi đồng tình cao với nhiều nội dung của dự thảo. Tuy nhiên, tôi đề xuất nên quy định người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thay thế quy trình tố tụng hình sự. Trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ trong quá trình thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, thì người chưa thành niên có thể bị thay đổi biện pháp xử lý chuyển hướng nghiêm khắc hơn.

Đó là giáo dục tại trường giáo dưỡng mà không bị tiếp tục điều tra, truy tố, xét xử, trừ trường hợp phạm tội mới. Quy định theo hướng này bảo đảm chính sách hình sự nhất quán, bao trùm đối với người chưa thành niên là hướng đến mục đích giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên sửa chữa sai lầm, cải thiện nhận thức và hành vi, không nhằm mục đích trừng phạt.

Về chi phí hỗ trợ hoạt động tư pháp người chưa thành niên, thực tiễn giải quyết vụ án có người chưa thành niên tham gia có phát sinh một số chi phí liên quan đến việc điều trị y tế, chi phí liên quan đến quá trình tư pháp hình sự, chi phí cho dịch vụ tư vấn, phục hồi nhân phẩm… nhưng người chưa thành niên không có khả năng chi trả ngay lập tức.

Trong khi đó, vấn đề bồi thường cho bị hại chỉ được xem xét, giải quyết khi phán quyết của tòa án có hiệu lực, dẫn đến ảnh hưởng tới quyền lợi của bị hại và gây nhiều khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Vì vậy, cần có quy định về hỗ trợ đối với các chi phí này, để đảm bảo các quyền cơ bản của người chưa thành niên.

B.B ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>