Góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

28/05/2024 | 06:07 GMT+7

Sáng ngày 27-5, tại Phòng Diên Hồng, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, phát biểu đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện đạo luật.

Bà Lê Thị Thanh Lam đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Bà Lê Thị Thanh Lam nói, khoản 5 Điều 7 dự thảo với nội dung “hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”, đề nghị bỏ cụm từ “tự nguyện” nhằm đạt được mục tiêu bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết số 28-NQ/TW; ngân sách nhà nước cần hỗ trợ nhóm đối tượng tham gia loại hình bảo hiểm này cả bắt buộc và tự nguyện tùy thuộc vào khả năng cân đối của ngân sách từng thời kỳ. Vấn đề này, pháp luật về bảo hiểm y tế cũng có giải pháp từ những năm trước và đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế như kỳ vọng.

Quy định “Phải nghỉ việc để chăm con dưới 7 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” và “Thời gian hưởng chế độ khi chăm sóc con ốm đau trong một năm cho mỗi con tối đa là 20 ngày nếu con dưới 3 tuổi; tối đa là 15 ngày nếu con từ đủ 3 tuổi đến 7 tuổi”, bà Lam đề nghị cần quy định thêm thời gian nghỉ chăm sóc con ốm đau với những trường hợp con dưới 16 tuổi hoặc quy định người lao động được hưởng chế độ ốm đau theo Điều 44 của dự thảo.

Lý giải thêm, Phó trưởng Đoàn nói, vì Luật Trẻ em quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi và trên thực tế khi con ốm thường bố mẹ vẫn phải nghỉ để chăm con, thậm chí có nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh nan y, mãn tính hoặc nằm viện cha mẹ phải nghỉ việc dài ngày.

Với điều khoản: “Trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nếu không có bản tóm tắt hồ sơ bệnh án thì thay bằng bản chính hoặc bản sao chứng thực giấy tờ chứng minh quá trình điều trị nội trú hoặc bản chính hoặc bản sao chứng thực Giấy báo tử có ghi rõ ngày nhập viện”, bà Lam đề nghị cân nhắc quy định như cũ là thay bằng bản sao giấy báo tử để thuận lợi cho quá trình chứng minh.

“Vì giấy tờ chứng minh quá trình điều trị nội trú cần quy định cụ thể là giấy tờ gì, trên thực tế các loại giấy tờ này chưa hẳn đã có chứng nhận đóng dấu của cơ sở y tế nơi người bệnh khám, chữa bệnh nên có thể không đầy đủ căn cứ pháp lý gây khó khăn cho người thụ hưởng”, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh trao đổi thêm.

Tham gia ý kiến bảo vệ phụ nữ mang thai, với quy định: “Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 2 ngày cho 1 lần khám thai”, bà Lam đề nghị nghiên cứu tăng số lần đi khám thai lên tối thiểu 5 lần.

Theo bà, số lần có thể nhiều hơn 5 lần đối với trường hợp có chỉ định của người hành nghề trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Vì thực tế, khi người lao động mang thai bình quân theo chỉ định của bác sĩ cứ 1 tháng người lao động đi khám thai 1 lần, chưa kể những tháng cuối hoặc những người mang thai bệnh lý, để theo dõi sự phát triển bình thường của thai nhi. Vì vậy, nếu chỉ quy định lao động nữ được khám thai 5 lần trong thai kỳ thì sẽ có nhiều lần lao động nữ phải xin nghỉ phép hoặc nghỉ không lương để đi khám thai.

“Tại khoản 2 Điều 55 quy định: Lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, tôi đề nghị nghiên cứu tăng số ngày nghỉ lên tối thiểu 10 ngày với trường hợp thông thường và cao hơn đối với những trường hợp sinh đôi trở lên hoặc sinh con phải phẫu thuật để đảm bảo tính trách nhiệm và tạo điều kiện cho người cha hỗ trợ người mẹ trong quá trình chăm con nhỏ”, lãnh đạo Đoàn góp thêm.

Đối với quy định: “Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi không nghỉ việc thì chỉ được hưởng trợ cấp một lần quy định tại Điều 60 của Luật này”, bà Lê Thị Thanh Lam đề nghị quy định người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng không nghỉ việc vẫn được hưởng chế độ thai sản giống như những trường hợp sinh con thông thường bởi bản chất của chế độ thai sản là bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi phải chăm con và được chi trả trên nguyên tắc đóng - hưởng.

Nếu người lao động đã đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội theo quy định thì phải được hưởng công bằng như các trường hợp khác. Điều này xuất phát từ quyền lợi của đứa trẻ và mâu thuẫn với khoản 6 Điều 55: Trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 55.

Tham gia ý kiến tại Điều 74 của dự thảo quy định “Bảo hiểm xã hội một lần”, bà Lam chọn phương án 2.

“Bởi phương án 2 theo điều kiện là 50%; ví dụ như mức đóng cho người lao động hưởng 50%, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động có thể không đủ 20 năm, người lao động có thể yêu cầu thì giải quyết 50%. Đây là điều kiện cho người lao động giải quyết trước mắt. Bên cạnh đó, khi có việc làm người lao động tiếp tục tham gia, tạo điều kiện cho người lao động có điều kiện tham gia khi về già. Phần này hài hòa trước mắt của người lao động và cũng là chính sách an sinh xã hội lâu dài. Khuyến khích về an sinh lâu dài người lao động không nên rút bảo hiểm xã hội 1 lần”, Phó trưởng Đoàn nêu ý kiến.

Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội

Bà Lê Thị Thanh Lam đề nghị nên có quy định về trách nhiệm tổ chức kiểm tra chặt chẽ hơn.

Vì thời gian qua, vấn đề trốn đóng, chậm đóng và đặc biệt là nợ bảo hiểm xã hội rất cao, thiệt thòi quyền lợi người lao động, ảnh hưởng đến lợi ích buộc người lao động phải gửi đơn ra tòa, từ dân sự tới hình sự nhưng không giải quyết được. Nếu thiếu thủ tục tòa án sẽ trả về. Thời gian kéo dài, thiệt thòi vẫn là người lao động.

Tôi đề nghị Chính phủ nên có quy định riêng về trách nhiệm tổ chức, kiểm tra đối với những doanh nghiệp, Chính phủ có thể giao ngành bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm kiểm tra, xử phạt hoặc đề nghị, kiến nghị ra tòa theo Bộ luật Hình sự sẽ tốt hơn hoặc phương án khác Chính phủ đưa vào tiêu chí bắt buộc doanh nghiệp có quỹ dự phòng giống như quỹ dự phòng của doanh nghiệp hoặc quỹ hoạt động của doanh nghiệp theo tỷ lệ % doanh nghiệp, đưa vào tỷ lệ chỉ tiêu để doanh nghiệp trong quá trình hoạt động có thể bảo đảm quyền lợi đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động cho người lao động.

Như thế, người lao động sẽ không bị thiệt thòi như thời gian qua. Khi doanh nghiệp hoạt động tốt thì việc chăm lo cho người lao động sẽ càng tốt hơn, còn nếu có vấn đề rủi ro thì vẫn đảm bảo được nguồn quỹ cho người lao động về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hoặc bảo hiểm tai nạn, để người lao động không bị mất quyền lợi…

 

T.THỨC - M.XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>