Ngành thi hành án nỗ lực “nước rút” hoàn thành các chỉ tiêu

18/07/2024 | 07:50 GMT+7

Với lượng án tăng và nhiều khó khăn từ thực tế, nhưng bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao, từ đầu năm đến nay, ngành thi hành án dân sự (THADS) hai cấp Hậu Giang đã đạt được những kết quả tích cực trong các chỉ tiêu về việc, lẫn về tiền phải thi hành.

Để hiểu rõ hơn kết quả này, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với ông Lê Phước Toàn (ảnh), Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, ngành THADS Hậu Giang đã đạt được những kết quả nào, thưa ông ?

- Xác định những khó khăn, thách thức ngành phải đối mặt, nên ngay từ đầu năm, tập thể lãnh đạo Cục THADS tỉnh, các đơn vị đã rất quyết liệt, sâu sát, tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, có sự đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Qua đó, tính từ đầu năm công tác đến nay (từ ngày 1-10-2023) toàn ngành giải quyết xong 4.235/6.944 việc có điều kiện thi hành và 429/1.699 tỉ đồng về tiền; lần lượt đạt tỷ lệ 60,99% về việc và 25,27% về tiền, so với chỉ tiêu được Tổng Cục THADS giao là 83,35% và 46,75%.

Theo ông, đâu là những thách thức đối với công tác THADS của tỉnh trong giai đoạn hiện nay ?

- THADS là khâu cuối của quá trình tố tụng, nhằm hiện thực hóa những phán quyết của tòa án vào thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, công tác thi hành án có vị trí, ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, từ thực tiễn có thể thấy rằng, công tác thi hành án trên địa bàn tỉnh còn có những khó khăn, vì nhiều nguyên nhân.

Hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật của một số đối tượng là người phải thi hành án chưa tốt, nhiều trường hợp chây ỳ, chống đối và cản trở việc thi hành án. Đối với bất động sản, việc xác minh tài sản là bất động sản có trường hợp phải đo vẽ lại hiện trạng và phát sinh tình trạng tài sản không đúng với giấy chứng nhận đã cấp, nhất là quyền sử dụng đất có trường hợp diện tích lớn hơn, có trường hợp diện tích nhỏ hơn, xây dựng mới… Từ đó, việc xử lý tài sản đảm bảo phải xác minh ở nhiều nơi, mất nhiều thời gian, công sức, dẫn đến quá trình giải quyết hồ sơ thi hành án kéo dài.

Bên cạnh đó, với loại án tín dụng, ngân hàng, hiện toàn tỉnh phải thi hành 627 việc, tương đương số tiền 1.987 tỉ đồng, dù chỉ chiếm 6,36% về việc, nhưng loại án này chiếm đến 61,86% về tiền, với nhiều trường hợp tài sản thi hành án có giá trị rất lớn, khó khăn, vướng mắc trong quá trình xác minh, tổ chức thi hành án, từ đó dẫn đến khó khăn trong quá trình kê biên, bán đấu giá tài sản.

Ông đánh giá thế nào về chất lượng đội ngũ công chức, chấp hành viên của ngành THADS tỉnh hiện nay và đơn vị đã có những giải pháp gì nâng cao chất lượng đội ngũ này ?

- Về đội ngũ công chức, toàn ngành hiện có 92/93 biên chế định biên, được bố trí đảm bảo theo vị trí việc làm, đảm bảo việc phân công một bộ phận, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một bộ phận, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

Nhìn chung, đội ngũ công chức tại các cơ quan THADS trong tỉnh còn trẻ, đặc biệt là đội ngũ chấp hành viên, thư ký thi hành án, đây là lực lượng nòng cốt theo cơ cấu tổ chức, bộ máy của hệ thống. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tiễn, bản lĩnh nghề nghiệp và kỹ năng nghiệp vụ vẫn còn hạn chế nhất định.

Trước thực trạng trên, cục đề ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức của ngành. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh triển khai phổ biến, quán triệt thực hiện các văn bản, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ; tăng cường, nắm bắt, nhận diện tình hình công chức tại Cục THADS tỉnh và các chi cục THADS trực thuộc để kịp thời xử lý ngay, hạn chế các trường hợp phải xử lý kỷ luật, điều tra, truy tố, thực hiện các biện pháp về tổ chức; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ thi hành án.

Những tháng còn lại của năm, ngành sẽ tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm nào để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu trong công tác THADS năm 2024, thưa ông ?

-  Hiện nay, ngành THADS chỉ còn khoảng hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm công tác 2024, vì vậy thời gian này được xem là thời điểm “nước rút” đối với ngành. Để có thể hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, quyết tâm của ngành THADS Hậu Giang là rất lớn, với tinh thần đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc phải thật sự quyết liệt, sâu sát, kiên quyết trong việc chỉ đạo, điều hành, hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ.

Đặc biệt, ngành sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành hữu quan trong hoạt động giải quyết án, nhất là tăng cường công tác dân vận trong thi hành án, hạn chế thấp nhất việc áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Về phía các cơ quan THADS trong tỉnh tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ và triển khai, thực hiện có hiệu quả các chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác THADS; tập trung mọi nguồn lực, rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch để tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, đặc biệt là các vụ việc có giá trị lớn, các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Phát huy thành tích đạt được, ngành THADS tỉnh quyết tâm tiếp tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao trong năm 2024, góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự

 

Ngày 28-8-1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra tuyên cáo công bố danh sách nội các thống nhất quốc gia, trong đó có Bộ Tư pháp, đánh dấu sự ra đời của ngành tư pháp nước ta. Tiếp đó, tại Sắc lệnh số 33/SL ngày 13-9-1945 đã thành lập các tòa án quân sự, bước đầu thiết lập hệ thống cơ quan xét xử của chế độ mới.

Và vào ngày 19-7-1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 130/SL, một văn bản riêng quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của tòa án. Sự kiện này đã đánh dấu sự ra đời của ngành Thi hành án dân sự. Để ghi nhận bề dày truyền thống, sự lớn mạnh, trưởng thành của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, ngày 5-3-2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 397/QĐ-TTg công nhận ngày 19-7 hàng năm là Ngày truyền thống Thi hành án dân sự.

 

Trân trọng cảm ơn ông !

ĐÌNH BẢO thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>