Phát huy dân chủ trong tiếp dân, giải quyết khiếu nại

06/09/2024 | 06:48 GMT+7

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh, người đứng đầu cấp ủy các cấp và các sở, ngành, địa phương đã quan tâm thực hiện hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn theo tinh thần Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị. Qua đó, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân, giảm điểm nóng về khiếu nại, tố cáo.

Người dân trình bày ý kiến tại một buổi đối thoại.

Công khai kết quả giải quyết để người dân cùng giám sát

Ngày 27-8 vừa qua, UBND tỉnh tổ chức đối thoại với các hộ dân có khiếu nại trên địa bàn tỉnh. Tại đây, ông Nguyễn Văn Hòa, ở xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, có khiếu nại đến UBND tỉnh Hậu Giang, yêu cầu bổ sung thêm số lượng cây ăn trái đúng với thực tế, do ông có phần đất bị ảnh hưởng dự án Đường tỉnh 927, đoạn từ thị trấn Cây Dương đến thành phố Ngã Bảy.

Theo ông Hòa, quá trình triển khai dự án, gia đình rất đồng tình và ủng hộ vì lợi ích chung. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm đếm và thực tế bồi thường lại chênh lệch nhiều, nhất là gia đình ông trồng xen canh nhiều loại cây ăn trái có giá trị cao như mít, sầu riêng. Từ đó, ông đề nghị được xem xét lại.

Tại buổi đối thoại với ông Hòa, lãnh đạo UBND tỉnh đã thống nhất quan điểm, quá trình bồi thường, hỗ trợ cần đảm bảo có lợi nhất cho người dân trên cơ sở các quy định của pháp luật. Do đó, nếu kiểm đếm, áp giá chưa đúng, đủ thì thành phố Ngã Bảy cần tiến hành kiểm tra, xác minh lại; nếu thực tế số lượng cây ăn trái còn thiếu, đúng như người dân phản ánh thì tiếp tục phê duyệt đền bù bổ sung, không để thiệt thòi quyền lợi cho bà con.

Trước đó, UBND tỉnh cũng tổ chức đối thoại với hộ bà Nguyễn Thị Diễm Hương, ngụ ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú, có khiếu nại, yêu cầu được giao đất ở tái định cư, do bị ảnh hưởng dự án Khu công nghiệp Sông Hậu. Hộ dân này cho rằng, khi triển khai dự án, gia đình bị giải tỏa nhà, nhưng không được giải quyết tái định cư, trong khi đó, một số hộ tương tự lại được giải quyết. Tuy nhiên, về phía địa phương khẳng định, hộ bà Hương hiện không sinh sống trên phần nhà bị giải tỏa, nên không đủ điều kiện tái định cư.

Sau một buổi trao đổi và lắng nghe ý kiến của các bên, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị địa phương cần tiến hành họp dân, xác định rõ việc hộ dân trên có sinh sống thực tế tại căn nhà bị giải tỏa hay không. Đồng thời, xác minh về phản ánh các trường hợp lân cận và thông tin rõ đến hộ dân.

Thực tế những năm qua cho thấy, các buổi đối thoại với công dân đều có sự tham gia đầy đủ đại diện các ban, ngành, địa phương và mọi công dân đều có quyền bày tỏ chính kiến của mình. Trong quá trình đối thoại, các cấp chính quyền, các ngành chức năng đều chủ động giải thích, phân tích chính sách, pháp luật cho người dân hiểu. Qua đó, quyền làm chủ của Nhân dân luôn được đảm bảo nghiêm túc ở tất cả các cuộc gặp gỡ, đối thoại.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, lưu ý các địa phương, trong quá trình giải quyết vụ việc, nếu chưa qua hòa giải, đối thoại với dân thì tổ chức hòa giải, đối thoại. Những vụ việc phức tạp, kéo dài, kết quả giải quyết cuối cùng phải được công khai tại cộng đồng dân cư để người dân cùng giám sát.

Lắng nghe, giải quyết kịp thời kiến nghị chính đáng của dân

Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của Hậu Giang có bước phát triển vượt bậc. Tỉnh đã đầu tư, triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm, như cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự án Khu công nghiệp Sông Hậu, Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, bờ kè kênh xáng Xà No, Đường tỉnh 927… Đi cùng với đó là công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư với số lượng lớn. Ngoài ra, chính sách, pháp luật về đất đai, cũng như chính sách đền bù, hỗ trợ có sự thay đổi, còn người dân chưa am hiểu pháp luật, đã gián tiếp làm phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Trước tình hình đó, cụ thể hóa tinh thần Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, nhất là người đứng đầu luôn xem việc gặp gỡ, tiếp dân, giải quyết khiếu nại của dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên, là giải pháp thiết thực nhằm tăng cường mối quan hệ, củng cố lòng tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đánh giá, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35, công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của tỉnh được nâng lên. Điều đó thể hiện qua việc đơn, thư khiếu nại của người dân giảm và tỷ lệ giải quyết của các cấp có thẩm quyền tăng lên hàng năm. Các cơ quan, tổ chức đã tập trung quyết liệt giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền, nhất là giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phát sinh.

Ngoài ra, công tác tổ chức đối thoại với người khiếu nại bảo đảm công khai, dân chủ, phản ánh đầy đủ tình tiết, bản chất vụ việc để làm cơ sở giải quyết một cách khách quan, đúng quy định pháp luật, nhiều trường hợp qua đối thoại tự nguyện rút đơn khiếu nại.

Bên cạnh những mặt tích cực, phải thừa nhận rằng lãnh đạo một vài đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại; công tác kiểm tra, đôn đốc có nơi chưa thực hiện thường xuyên; việc giải quyết đôi khi còn chậm; trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết có trường hợp còn sai sót, chưa đúng quy định.

Góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, ông Nghiêm Xuân Thành yêu cầu, các cấp ủy đảng, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt công tác tiếp dân theo Chỉ thị số 35, Quy định số 11 và Luật Tiếp công dân.

Qua đó, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của HĐND và UBND tỉnh ban hành; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch trên mọi lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo, như quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, tài chính, xây dựng cơ bản, quản lý trật tự xây dựng và những lĩnh vực ngoài Nhà nước. Đồng thời, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác tiếp công dân trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải coi trọng công tác dân vận, tuyên truyền, vận động, công tác hòa giải cơ sở, lắng nghe và giải quyết kịp thời những kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, những vấn đề bức xúc, nổi cộm được người dân quan tâm; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, đơn vị, vai trò của luật sư, trợ giúp pháp lý... để nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và nhận thức pháp luật của người dân, không để phát sinh “điểm nóng” làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự.

Theo Tỉnh ủy, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35, ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, người đứng đầu cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh đã tiếp công dân 9.122 ngày, với 1.489 lượt công dân; Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp định kỳ và đột xuất 30.497 cuộc/10.592 công dân.

Đến nay, toàn tỉnh có 9 trụ sở tiếp công dân (cấp tỉnh 1 trụ sở, cấp huyện có 8 trụ sở), riêng các đơn vị cấp xã bố trí địa điểm tiếp công dân ngay tại trụ sở làm việc; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tiếp dân trên địa bàn tỉnh được trang bị cơ bản đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiếp dân và Nhân dân đến liên hệ.

 

Đ.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>