Tiềm ẩn nguy hiểm từ vật nuôi thả rông

03/04/2024 | 05:36 GMT+7

Thời gian qua, tình trạng người dân thả rông vật nuôi như chó, mèo... tại nơi công cộng và trên các tuyến đường diễn ra khá phổ biến. Điều này, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, vừa ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Vật nuôi thả rông đi lại trên tuyến Quốc lộ 61C tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người tham gia giao thông.

Tình trạng chó thả rông không rọ mõm, không có người trông coi xuất hiện khá phổ biến tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Do đó, không khó để bắt gặp hình ảnh chó được thả rông, đi lại thong dong trên một số tuyến đường nội ô của thành phố Vị Thanh hay dọc theo bờ kè kênh xáng Xà No vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.

Anh Lê Thanh Nghiêm, ở khu vực 3, phường I, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Buổi chiều, tôi hay dắt con ra chơi ở bờ kè và thường bắt gặp nhiều chó được thả rông, đi lại trên đường, không biết ai là chủ và cũng không thấy ai quản lý”.

Thực tế cho thấy, việc thả rông vật nuôi, gia súc không những làm cản trở, mất an toàn giao thông mà còn gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Để chế tài hành vi này, pháp luật đã có những quy định xử phạt đối với vi phạm về việc chủ nuôi thả gia súc, vật nuôi không quản lý, lấn chiếm lòng đường.

Cụ thể, Điều 35, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, quy định: Người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.

Về các chế tài xử phạt, luật gia Nguyễn Hoàng Mạnh, Phó Chủ tịch Hội luật gia tỉnh, cho rằng, theo Điều 7, Nghị định 144/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng, để vật nuôi xâm lấn lòng đường, vỉa hè, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị hay vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000-500.000 đồng.

Trường hợp người chủ để vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt 1-2 triệu đồng. Ngoài việc xử lý vi phạm hành chính, trong trường hợp vật nuôi thả rông tấn công, lây bệnh hoặc gây tai nạn cho người đi đường thì chủ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.

Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, tình trạng người vi phạm chăn, thả rông gia súc, vật nuôi hiện đang diễn ra phổ biến. Còn người bị gia súc, vật nuôi cản trở, gây tai nạn giao thông thì vẫn phải tự chịu chi phí, do khó xác định được ai là chủ của vật nuôi để yêu cầu bồi thường.

Ông Trang Tùa Tháo, ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, nói: “Thông thường, khi người tham gia giao thông bị tai nạn do cán phải chó, mèo thì chủ sở hữu vật nuôi này không dám đứng ra nhận chúng là của mình. Tôi đề nghị cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền để nhắc nhở hay có biện pháp mạnh như bắt vật nuôi thả rông để làm sao cho từng gia đình nâng cao ý thức nuôi con gì thì phải gìn giữ, đảm bảo an toàn cho mọi người xung quanh”.

Còn theo ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, việc người dân để vật nuôi, gia súc đi rông trên các tuyến đường, đặc biệt trên tuyến quốc lộ là hết sức nguy hiểm. Do vậy, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân về việc quản lý vật nuôi. Trong đó, không thả rông vật nuôi, gia súc gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, cũng như tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với người tham gia giao thông”.

Có thể thấy, việc thả rông vật nuôi trên đường hay tại khu vực công cộng không chỉ gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người đi bộ trên đường nếu chẳng may bị chúng tấn công. Để tránh tình trạng này, người dân cần quản lý tốt vật nuôi, hạn chế thả rông ra đường, tiêm phòng đầy đủ; còn người tham gia giao thông cũng nên giảm tốc độ khi có vật nuôi trên đường, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Theo khoản 2, Điều 7, Nghị định 90/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (sửa đổi bổ sung tại khoản 3, Điều 2, Nghị định 04/2020 của Chính phủ) chủ vật nuôi có thể bị xử phạt 1-2 triệu đồng nếu có hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó khi đưa ra nơi công cộng; không tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm. Thẩm quyền xử phạt thuộc UBND và trưởng công an cấp xã.                  

 

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>