Triển khai 3 luật mới có hiệu lực từ ngày 1-7

28/06/2024 | 07:21 GMT+7

(HG) - Sáng ngày 27-6, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai các văn bản luật gồm Luật Căn cước, Luật Viễn thông (sửa đổi) và Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), cho hơn 70 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh.

Luật Căn cước gồm 7 Chương, 46 Điều quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật áp dụng đối với công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Quang cảnh hội nghị.

Theo Luật Căn cước, bên cạnh việc thu thập vân tay, luật bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người. Luật cũng quy định, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Khi công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 Chương, 73 Điều, so với luật hiện hành, Luật Viễn thông năm 2023 mở rộng phạm vi điều chỉnh một số dịch vụ mới: dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet để phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số; đồng thời tạo môi trường pháp lý rõ ràng, bình đẳng cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.

Luật Viễn thông năm 2023 cũng bổ sung một số quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, người sử dụng dịch vụ viễn thông trong việc quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn, xử lý SIM không đúng thông tin thuê bao, cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo.

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 10 Chương, 86 Điều, quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm: Đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại, xả khí thải độc hại vào nguồn nước. Xả nước thải vào nguồn nước dưới đất; xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải vào nguồn nước mặt, nước biển. Xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất trái phép…

Cả 3 văn bản luật trên sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.

B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>