Thứ Tư, ngày 04/05/2022 | 09:58
Vươn lên từ những khó khăn, khiếm khuyết, anh Lê Minh Tý, sinh năm 1981, ở ấp Mỹ Hưng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, là một tấm gương sáng về ý chí tự lực, tự cường.
Anh Tý luôn say mê với công việc, không ngừng học hỏi để giỏi nghề, anh còn truyền nghề cho những thanh niên ở địa phương.
Nỗ lực hơn người
Đến trung tâm xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, hỏi Cửa hàng kinh doanh, sửa chữa điện tử Minh Tý, hầu như ai cũng biết. Gần 10 năm qua, đây là địa điểm quen thuộc của người dân địa phương. Cửa hàng này được lòng khách nhờ chất lượng dịch vụ và sự nhiệt tình, dễ mến của ông chủ, là anh Tý, một tấm gương vượt khó tiêu biểu của địa phương.
Ít ai biết được, để có cuộc sống đủ đầy, ổn định như hiện tại, anh Tý phải nỗ lực hơn rất nhiều so với người khác.
Sinh ra với một cơ thể lành lặn, nhưng khi lên 3 tuổi, một cơn sốt bại liệt đã làm đôi chân của anh Tý teo dần, mất khả năng đi lại. Khi ấy, hoàn cảnh gia đình anh khá khó khăn, cuộc sống chủ yếu dựa vào mấy công ruộng và việc làm thuê, làm mướn của các anh, chị lớn. Bị khuyết tật, lại ở vùng sâu, vùng xa, nhưng anh Tý chưa bao giờ từ bỏ mong muốn được học tập để thay đổi số phận của mình. Lên 10 tuổi, anh mới được vào lớp 1, nuôi ước mơ làm thầy giáo, anh đã quyết tâm, kiên trì theo đuổi sự học. Nhưng vì quá tuổi, điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, nên anh đành dừng lại sau khi tốt nghiệp lớp 9.
Từ bỏ việc học để trở về với đồng ruộng, với đôi chân khuyết tật, không thể đi làm công, hàng ngày, anh lặn lội giăng lưới, cắm câu để kiếm sống. “Thấy cuộc sống quá khổ, làm gì cũng khó, tôi nhủ với lòng phải ráng học một cái nghề, rồi ráng làm nghề cho giỏi để có thể tự mình nuôi thân, rồi lo cho gia đình”, anh Tý bộc bạch. Với sự giúp đỡ của chị gái, anh lên Thành phố Hồ Chí Minh học nghề sửa chữa điện tử, điện gia dụng, không đủ tiền đóng học phí, anh phải ở làm phụ để trả dần cho thầy. Trong khi những người học cùng thời đều bỏ cuộc, thì anh Tý vẫn kiên trì bám trụ. Những lúc nản chí, anh lại dặn lòng: Mình không có xuất phát điểm bằng người khác, thì phải cố gắng nhiều hơn người khác.
Sau 10 năm làm thuê nơi đất khách, anh Tý về quê lập nghiệp rồi lập gia đình. Vợ anh là một người phụ nữ cùng quê, lành lặn, nhưng vì cảm mến sự hiền lành, chịu thương chịu khó của anh, nên đã quyết tâm gắn bó, cùng anh đi lên từ đôi bàn tay trắng.
Chỉ với 6 triệu đồng làm vốn ban đầu, nhờ chăm chỉ làm việc, tích góp, dành dụm, đến nay, ở độ tuổi 41, anh Tý đã mua được đất, cất nhà, mở cửa hàng khang trang tại trung tâm xã Hiệp Hưng. Cửa hàng của anh hiện có lượng khách ổn định, thu nhập khá, giúp gia đình có cuộc sống đủ đầy, đầm ấm. Anh Tý kể: “Hồi đó ngủ, tôi hay nằm mơ thấy mình có vốn, mở được cái tiệm. Cứ tưởng đó chỉ là mơ thôi nhưng không ngờ bây giờ đã thành sự thật”.
Đó là thành quả của gần 20 năm nỗ lực không ngừng của người đàn ông khuyết tật này.
“Tôi lại muốn giúp mọi người...”
Khi đã có cuộc sống đủ đầy, đầm ấm bên vợ và 2 con trai, anh Tý lại nghĩ đến việc giúp đỡ những người xung quanh. Mấy năm gần đây, anh nhận dạy nghề cho một số thanh niên tại địa phương. Anh Lê Trí Viễn, ở ấp Mỹ Hưng, xã Hiệp Hưng, học trò của anh Tý, chia sẻ: “Học nghề rồi mới biết nghề này không dễ, nhiều lúc tôi muốn từ bỏ, nhưng được chú động viên, tôi lại tiếp tục học. Dù bị khuyết tật, trải qua nhiều khó khăn, gian khổ nhưng chú đã không bỏ cuộc, chú là tấm gương để tôi học hỏi và gắn bó với nghề mấy năm qua”.
Không chỉ là tấm gương về ý chí vượt khó, anh Tý còn là một mạnh thường quân của địa phương. Những năm gần đây, vào dịp lễ, tết, anh thường xuyên quyên góp, ủng hộ cho các nhóm thiện nguyện để mua quà hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi khi địa phương có các đợt vận động xã hội hóa, anh không ngần ngại đóng góp. Khi được hỏi về những nghĩa cử cao đẹp này, anh Tý khiêm tốn chia sẻ: “Do đi lại khó khăn nên tôi thường ủng hộ vật chất là chính. Tôi chỉ tham gia trong khả năng của mình thôi, khi thì vài trăm đồng, khi thì một vài triệu đồng. Vì mình cũng đã từng trải qua cái khổ rồi, mình hiểu rõ nó vất vả, khó khăn đến thế nào. Bây giờ cuộc sống mình đã đỡ hơn rồi nên cũng muốn giúp họ một phần”.
Theo ông Trương Tấn Hoằng, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam - Người khuyết tật - Trẻ mồ côi huyện Phụng Hiệp: “Trước đây, hoàn cảnh của Tý khá khó khăn, nhưng với ý chí vươn lên vượt khó cao, bản thân Tý đã tự lập gia đình, xây dựng sự nghiệp rất tốt. Tý còn là một người có tâm thiện, thường xuyên tham gia vào công tác thiện nguyện và luôn mong muốn đóng góp vào những chương trình, hoạt động giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn của hội”.
Câu chuyện về nghị lực, ý chí và lòng hướng thiện của anh Tý là nguồn cảm hứng cho nhiều người, đặc biệt là những người khuyết tật, kém may mắn trong hành trình vượt khó, vươn lên làm chủ cuộc sống của họ.
Bài, ảnh: ĐANG THƯ
07:43 23/04/2025
Khiếm khuyết, trải qua nhiều khó khăn, biến cố của cuộc sống, nhưng chị không gục ngã mà vẫn kiên cường vươn lên, như một đóa hoa đầy nghị lực…
07:34 18/04/2025
Suốt mấy chục năm qua, gia đình bà Nguyễn Thị Thể, ở khu vực An Hòa, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, xem việc sẻ chia với các hoàn cảnh khó khăn là một truyền thống, cần được tiếp nối và phát huy.
05:45 05/03/2025
Nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Thêm, ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, luôn hết lòng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, nhất là các em học sinh, thế hệ tương lai của đất nước.
08:34 13/01/2025
Góc thiên nhiên là một phần trong những tiêu chí thực hiện mô hình lớp học hạnh phúc đã được Trường Tiểu học Võ Nguyên Giáp, ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, xây dựng để tạo khung cảnh sư phạm lớp học thêm sáng - thoáng - xanh - sạch - đẹp.
07:39 19/08/2024
Gần 30 năm qua, ông Điền Văn Thanh (59 tuổi), quản trang Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh cứ lặng thầm, cần mẫn hết lòng chăm lo hương khói, lau chùi, quét dọn các phần mộ liệt sĩ.
07:20 13/05/2024
Đến giờ ra chơi, những em học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Trường THCS Vị Đông (huyện Vị Thủy) được hỗ trợ phần ăn, giúp các em no lòng trong thời gian đến trường.
05:55 06/05/2024
Để học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh vững bước đến trường, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các cấp hội đã thực hiện nhiều hoạt động hiệu quả tiếp sức trò nghèo nuôi dưỡng ước mơ hiếu học.
08:15 25/03/2024
Những người làm nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh luôn tích cực kết nối, hỗ trợ người yếu thế. Từ đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
13:15 25/11/2023
Mỗi tấm gương trong chương trình 'Tỏa sáng nghị lực Việt' là một câu chuyện về ý chí, nghị lực vươn lên, lan tỏa nghị lực sống cho cộng đồng người khuyết tật, tạo ra giá trị cho xã hội.
06:00 11/11/2023
Không may mắn sở hữu thân thể lành lặn như bao người, nhưng những “đoá hoa khuyết” vẫn miệt mài lao động chân chính, cống hiến cho đời bằng những nỗ lực vươn lên dù là nhỏ nhất.
18:12 09/05/2025
Để đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân, EVN đã và đang thực hiện theo Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2025, trong đó tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm năm 2025 dự kiến khoảng 12,2%, tổng sản lượng điện toàn hệ thống năm 2025 tăng thêm khoảng 33,6 tỷ kWh so với năm 2024.
17:30 09/05/2025
Chiều ngày 9-5, tại Nhà Quốc hội, trong phiên thảo luận góp ý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, bày tỏ thống nhất với những nội dung quy định của dự thảo Luật,
16:49 09/05/2025
Công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của Nhân dân và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
16:41 09/05/2025
(HGO) - Ngày 9-5, Công đoàn các cơ quan Đảng tổ chức Lễ phát động Tháng công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025. Qua đó, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động.