Hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy huấn luyện cán bộ là cái gốc của Đảng”. Thực hiện lời dạy này của Người, từ ngày thành lập tỉnh đến nay, Hậu Giang luôn quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng để củng cố, nâng chất nguồn lực cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp ngang tầm nhiệm vụ.
Chị Khang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Thời điểm thành lập tỉnh năm 2004, Hậu Giang có xuất phát điểm thấp về nguồn lực cán bộ khi thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Từ thực tế đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh qua các nhiệm kỳ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch về công tác cán bộ, trong đó chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ gắn với chức danh, với quy hoạch và sử dụng cán bộ. Trên cơ sở đó, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh rất quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm củng cố, nâng chất nguồn lực cán bộ.
Ông Trần Quốc Khởi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Vị Thanh, cho biết, những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố đặc biệt quan tâm. Thực hiện công tác này, thành phố đã chủ động cử cán bộ đi học các lớp khi có chiêu sinh; cử cán bộ đi đào tạo gắn với quy hoạch; thực hiện dân chủ, công khai minh bạch trong tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, đào tạo và đãi ngộ nhân tài. Đồng thời, chú trọng công tác bố trí, sắp xếp và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức sau đào tạo một cách hợp lý; khuyến khích, động viên cán bộ, công chức, viên chức tự học tập nâng cao trình độ, trau dồi ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.
Cụ thể, từ tháng 7-2020 đến nay, thành phố đã bồi dưỡng và đưa đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, cập nhật kiến thức cho 368 lượt cán bộ, góp phần chuẩn hóa, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, đảm nhiệm tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó, cử 21 đồng chí tham gia các lớp cao cấp lý luận chính trị; 46 đồng chí học tập trung cấp lý luận chính trị; 5 đồng chí tham gia lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng; 12 đồng chí tham gia lớp quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính; 5 đồng chí học lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng đối tượng 2; 3 đồng chí học lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức đối tượng 3...
Từ năm 2004 đến năm 2018, tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng được 195.805 lượt cán bộ, trong đó đào tạo cao cấp, cử nhân lý luận chính trị 1.710 đồng chí, trung cấp chính trị 6.905 đồng chí. Về chuyên môn, nghiệp vụ, đã đào tạo tiến sĩ 10 đồng chí, thạc sĩ 546 đồng chí, đi học nước ngoài 13 đồng chí, đại học 11.978 đồng chí…
Còn qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng thực hiện, tập trung vào các khâu như học tập lý luận gắn với thực tiễn, nghiên cứu khoa học và hiệu quả trong công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Điểm mới là các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chuẩn bị giáo án và trực tiếp truyền đạt các chuyên đề cập nhật kiến thức dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, từ đó hiệu quả giảng dạy và học tập từng bước nâng lên gắn với yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cả trong nước và nước ngoài, đào tạo chuyên sâu, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, năng lực lãnh đạo, quản lý các cấp.
Cụ thể, trong 2,5 năm qua, đã mở 10 lớp cao cấp lý luận chính trị với 557 học viên; 42 lớp trung cấp lý luận chính trị với 2.740 học viên; 11 lớp bồi dưỡng quản lý ngạch chuyên viên chính cho 663 học viên; 56 lớp bồi dưỡng theo chức danh (ngắn hạn) cho 4.922 học viên và một số lớp bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp cơ sở; phối hợp tổ chức 3 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý cho 322 đồng chí; cử 4 đồng chí đi đào tạo, bồi dưỡng nước ngoài…
Thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng giúp cho trình độ chuyên môn và lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ được nâng lên rõ rệt. Nếu như vào năm 2004, toàn tỉnh chỉ có 1 tiến sĩ, 24 thạc sĩ, thì đến tháng 6-2022, số cán bộ có trình độ tiến sĩ và tương đương là 71 người, thạc sĩ và tương đương là 887 người; có 2.262 người được đào tạo cao cấp và cử nhân chính trị và 8.793 người được đào tạo trung cấp chính trị...
Trưởng thành hơn sau khi được đào tạo, bồi dưỡng
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đội ngũ cán bộ của tỉnh sau khi đào tạo, bồi dưỡng có sự trưởng thành về nhận thức, phát huy khả năng liên hệ lý luận và thực tiễn; khi được đề bạt, bổ nhiệm hầu hết đều phát huy năng lực của mình trên cương vị mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã làm tốt hơn nhiệm vụ tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp để thực thi nhiệm vụ một cách có hiệu quả. Các kiến thức cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, khoa học quản lý, chính trị, pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức thực thi công vụ… đã được vận dụng vào giải quyết công việc.
Năm 2009, chị Nguyễn Thị Hồng Khang tham gia công tác tại phường IV, thành phố Vị Thanh với vị trí công chức văn phòng - thống kê. Năm 2010, chị Khang được tổ chức tạo điều kiện cho học đại học công nghệ thông tin do Trường Đại học Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long) liên kết đào tạo tại Hậu Giang, hệ vừa học, vừa làm, trong đó, chị được ngân sách nhà nước hỗ trợ 1 phần kinh phí học tập. Kể từ thời điểm tốt nghiệp đại học năm 2014 đến nay, chị đã áp dụng có hiệu quả chuyên môn đã học vào thực tế công tác.
Cụ thể, chị đang phụ trách công tác cải cách hành chính, công nghệ thông tin, chuyển đổi số và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của phường. Theo đó, chị thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ các đồng nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc. Chị còn quản lý các phần mềm phục vụ cho hoạt động công vụ như: phần mềm 1 cửa, phần mềm dịch vụ công trực tuyến, phần mềm quản lý văn bản...
Trong công tác chuyển đổi số, chị tích cực tham gia hướng dẫn người dân cài đặt app Hậu Giang, đăng ký tài khoản dịch vụ công và nộp hồ sơ trực tuyến. Chưa kể, chị còn quản lý trang tin điện tử của phường, trên đây thường đăng tải thông tin hoạt động của phường, cập nhật lịch làm việc của lãnh đạo...
Bên cạnh đó, chị còn được cử tham gia học tập trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường Chính trị tỉnh, nhận bằng tốt nghiệp năm 2020. Chị Khang cho biết: “Được tổ chức quan tâm, tạo điều kiện cho đi học về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị là niềm vinh dự và cũng là trách nhiệm nặng nề. Do đó, tôi luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nội dung trong chương trình học. Giờ đây, tôi thấy mình trưởng thành hơn và thêm tự tin khi thực hiện nhiệm vụ được giao”.
Người nữ công chức 41 tuổi này cho biết luôn không ngừng tìm tòi, học hỏi để cố gắng bắt kịp với sự phát triển của công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Từ đó để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhất là tham mưu, hỗ trợ để tập thể cán bộ, công chức của phường ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động công vụ.
Có thể nói, kết quả thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thời gian qua rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, Tỉnh ủy nhìn nhận công tác này còn những hạn chế như: việc đào tạo chưa gắn với việc bố trí, sử dụng cán bộ; còn trường hợp đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hoặc chức danh quy hoạch, gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, lãnh phí thời gian, công sức và kinh phí…
Để tháo gỡ các hạn chế này và xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm nhiệm vụ, thời gian tới, tỉnh tăng cường đào tạo và đổi mới chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị và cập nhật thông tin cho cán bộ đương nhiệm và cán bộ trong quy hoạch. Gắn chặt nguồn cán bộ trong quy hoạch các cấp với tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Hàng năm, xây dựng kế hoạch cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chủ chốt các cấp, tập trung kiến thức về công nghệ thông tin, về chuyển đổi số, kỹ năng theo tiêu chuẩn chức danh, khung năng lực, vị trí việc làm.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng theo các hình thức tập trung, không tập trung, tập huấn, hội thảo trong và ngoài nước. Kiểm tra, sát hạch chặt chẽ đầu vào, đầu ra đối với cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Rà soát đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ lười học tập, không thực hiện nghiêm túc việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới hoặc không vượt qua được các kỳ thi sát hạch. Đối với cán bộ có kết quả cao trong học tập, được xem xét quan tâm khi được quy hoạch, bổ nhiệm và thực hiện chế độ chính sách thi đua, khen thưởng…
Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN
- Kết nạp đảng viên đạt 105,57% chỉ tiêu
- Chuẩn bị tốt cho đại hội chi bộ
- Tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp
- BẢNG GIÁ QUẢNG CÁO BÁO HẬU GIANG
- “Bác Hồ trong trái tim các dân tộc Việt Nam”
- Chúc tăng, ni, phật tử đón Đại lễ Phật đản an lành
- Huyện Vị Thủy: Xây dựng 41 tuyến đường đẹp
- Điểm tin sáng 17 – 5: Bốn người Việt Nam vào top gương mặt trẻ nổi bật châu Á
- Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám định tư pháp
- Nâng cao kỹ năng cho các “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”
- Bảo hiểm xã hội tỉnh và Hội Nông dân tỉnh phối hợp ra mắt mô hình mới
- Xét xử 16 bị cáo liên quan đến “tín dụng đen”
- Nguy cơ ùn tắc kiểm định khi gần 300 đăng kiểm viên ra tòa