Ít người làm được nhiều việc ?

08/09/2024 | 17:03 GMT+7

Bài 4: Từ phương châm biến thành hành động

Các chủ trương, nghị quyết khi được ban hành thường có nhiều nội dung, tuyên truyền làm sao để người dân nắm rõ và góp sức thực hiện là việc không dễ. Cách làm mới của tỉnh là chuyển hóa, cô đọng những nội dung cốt lõi, trọng tâm của các chủ trương, nghị quyết thành những phương châm dễ nhớ, dễ thuộc, dễ thực hiện.

Người dân nhận kết quả từ máy tiếp nhận và trả kết quả tự động của Bộ phận một cửa thành phố Vị Thanh.

Ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc

Thăm và làm việc tại Hậu Giang, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và nhiều đồng chí khác đều đánh giá cao định hướng chiến lược của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã chuyển hóa các định hướng chiến lược thành phương châm: “Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm nhiệm vụ trọng tâm”. Phương châm dù ngắn gọn nhưng đã bao hàm và thể hiện rõ các định hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030.

Một tâm là phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về đô thị và công nghiệp, là bệ phóng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong trung hạn và dài hạn.

Hai tuyến là tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam sông Hậu.

Ba thành là ưu tiên phát triển và nâng tầm 3 trung tâm đô thị của tỉnh là: thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ.

Bốn trụ cột là tập trung phát triển công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.

Năm nhiệm vụ trọng tâm: 1- Hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; 2- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển các lĩnh vực trụ cột; 3- Cải cách hành chính mạnh mẽ, kết nối với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; 4- Hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng, tập trung vào các hạ tầng giao thông và công nghiệp kết nối với các trung tâm phát triển kinh tế; 5- Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Hậu Giang xác định muốn cho tỉnh giàu phải phát triển công nghiệp, do đó tỉnh luôn trải thảm đỏ để mời doanh nghiệp vào tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh với phương châm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh, phương châm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui” thể hiện khát vọng, sự cầu thị, cam kết mạnh mẽ và đồng hành của chính quyền trong mời gọi cộng đồng doanh nghiệp đến với Hậu Giang. Tỉnh cam kết luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án với phương châm “2 nhanh, 3 tốt”.

Trong đó, “2 nhanh” là nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh về thủ tục đầu tư và “3 tốt” là cơ hội tốt, chính sách tốt và hạ tầng tốt. Ðồng thời, chuyển tư duy quản lý hành chính sang tư duy phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Hậu Giang tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho sự phục hồi bền vững của các doanh nghiệp.

Dễ đi vào cuộc sống, biến thành hành động

Phương châm: “Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm nhiệm vụ trọng tâm” đã được tuyên truyền, lan tỏa rộng khắp trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân toàn tỉnh. Nhà nhà, người người đều hiểu và góp sức thực hiện.

Lão nông Nguyễn Văn Tấn, ở ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, đánh giá cao việc lãnh đạo tỉnh đưa ra phương châm chỉ đạo ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu. Do đó, gia đình ông nắm rõ các nội dung “Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm nhiệm vụ trọng tâm” và góp sức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế.

Là người nông dân, ông quan tâm đến “bốn trụ”: phát triển công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng. Cụ thể, gia đình ông đã và đang thực hiện “nông nghiệp sinh thái” và “du lịch chất lượng”.

Trên mảnh vườn rộng 2,3ha, gia đình ông trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: măng cụt, chôm chôm Tiến Cường và 70 cây sầu riêng Ri6. Để làm “nông nghiệp sinh thái”, các loại cây đều được ông trồng theo hướng hữu cơ, không phân thuốc hóa học. Hiện trung bình mỗi năm, ông Tấn thu hoạch được 15 tấn măng cụt, 2 tấn chôm chôm từ khu vườn nhà mình, thu về số tiền hàng trăm triệu đồng.

Chưa dừng lại ở đó, lão nông này đã biến vườn cây của gia đình thành khu du lịch sinh thái “Vườn măng cụt trăm năm tuổi”, chính thức đi vào hoạt động vào đầu năm 2023. Đến đây, du khách được tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ; được trải nghiệm: thu hoạch và thưởng thức măng cụt chín cây, thưởng thức những món ăn đồng quê như cháo gà thả vườn, cá tai tượng chiên xù, bánh xèo… Đặc biệt là chiêm ngưỡng 2 cây măng cụt hơn 100 năm tuổi có thân to người lớn ôm một vòng tay không hết, lớp vỏ có những khối u nần nhuốm màu thời gian.

Trong hơn 1 năm, điểm du lịch đã đón trên 3.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó có du khách nước ngoài. Với kinh nghiệm 27 năm làm thuyết minh viên tại một điểm di tích lịch sử ở địa phương, ông Tấn vừa là chủ và vừa là hướng dẫn viên giới thiệu những nét hấp dẫn, độc đáo của khu du lịch đến du khách. Việc làm “nông nghiệp sinh thái” và “du lịch chất lượng” đang mang lại sự khấm khá cho gia đình ông Tấn.

Trong thực hiện phương châm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh cùng vào cuộc thực hiện cải cách hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, tỉnh đã rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, giúp tỷ lệ thủ tục hành chính được giải quyết đúng và trước hạn luôn đạt hơn 98%.

Chuyển đổi thủ tục hành chính sang quy trình điện tử và thực hiện mô hình “5 tại chỗ” (tiếp nhận; thẩm định; phê duyệt; đóng dấu, phát hành; trả kết quả) đối với 149 thủ tục hành chính cấp tỉnh, góp phần bảo đảm các thủ tục hành chính được giải quyết thuận tiện, nhanh chóng có ứng dụng công nghệ thông tin, giúp cắt giảm chi phí, thời gian, nâng cao tính công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Qua đó, hàng năm, tỷ lệ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của tỉnh luôn đạt hơn 85%.

Ngoài ra, tỉnh tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Kết quả chỉ số PCI của tỉnh được cải thiện thứ hạng liên tục từ năm 2017 (hạng 50) đến nay (năm 2023, hạng 9, tăng 41 bậc). Các thủ tục liên quan đến đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp luôn được đơn giản hóa và xử lý nhanh chóng. Điều này, đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế...  

Hậu Giang còn triển khai thực hiện mô hình “Sử dụng máy tiếp nhận và trả kết quả tự động trong giải quyết thủ tục hành chính” thí điểm tại 2 đơn vị cấp huyện là thành phố Vị Thanh và huyện Châu Thành. Việc triển khai hệ thống tiếp nhận và trả kết quả tự động này giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục một cách nhanh chóng, thuận tiện (ngay cả ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ), không cần phải trực tiếp đến bộ phận một cửa, minh bạch hóa quy trình giải quyết thủ tục, tiết kiệm được thời gian...

Những nỗ lực của tỉnh đã tạo được thiện cảm tốt với các nhà đầu tư. Ông Trương Hùng Biên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Tín, đơn vị vừa nhận biên bản ghi nhớ đầu tư tại tỉnh cho hay, UBND tỉnh Hậu Giang cùng Công ty TNHH Hải Tín thống nhất thỏa thuận thực hiện nghiên cứu, khảo sát, đầu tư nhà máy sản xuất khí công nghiệp quy mô 10ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 500 tỉ đồng trong Khu công nghiệp Sông Hậu 2.

“Tôi rất hài lòng với phương châm của tỉnh là “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Tôi đã làm việc ở nhiều tỉnh, so với các tỉnh khác, ở Hậu Giang, về phía chính quyền đặc biệt là Ban quản lý các Khu công nghiệp làm việc rất tốt. Khi quyết định đầu tư, chúng tôi ưu tiên về con người. Chính sách thì chung của cả nước, còn chính quyền và con người tại địa phương đó áp dụng chính sách linh động, linh hoạt thì nhà đầu tư sẽ rất thuận lợi”, ông Trương Hùng Biên cho biết.

Những phản hồi rất tích cực của các doanh nghiệp cho thấy Hậu Giang đang là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 490 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 2.530 tỉ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 25,32% về số doanh nghiệp và tăng 98,59% về số vốn đăng ký.

Việc chỉ đạo thực hiện các chủ trương, nghị quyết bằng những phương châm ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu cho thấy sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo, điều hành của tỉnh Hậu Giang. Đây cũng là giải pháp nhằm khắc phục tình trạng “Nghị quyết thì thật là hay/ Xem ra thực hiện còn gay trăm bề”.

Làm cho chỉ thị, nghị quyết bám rễ sâu bền trong thực tiễn

 

Hậu Giang là tỉnh đầu tiên của cả nước đã thành lập Ban chỉ đạo công tác triển khai, quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng. Nội dung hoạt động của Ban chỉ đạo là tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai, học tập, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng; chỉ đạo các cấp ủy đảng xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện. Chú trọng đổi mới nâng cao chất lượng tổ chức học tập, triển khai, quán triệt, tuyên truyền thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng nhằm làm cho sức sống của các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương bám rễ sâu bền và phát huy tác dụng tích cực hơn trong thực tiễn…

 

TRƯỜNG SƠN - CẨM LÌNH

Bài 5: Hướng đến phát triển bền vững

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>