Khắc phục kịp thời những hạn chế để đạt kết quả cao vào cuối năm

25/07/2024 | 06:16 GMT+7

“Kết quả phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, Thường trực UBND tỉnh và thủ trưởng các sở, ngành đã thực hiện đầy đủ, trách nhiệm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội”, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh như vậy sau khi kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Thể hiện tinh thần trách nhiệm cao

Theo ông Trần Văn Huyến, với tinh thần xây dựng, tâm huyết và trách nhiệm cao, đã có 17 lượt đại biểu tham gia chất vấn, trong đó có 4 đại biểu tranh luận, trao đổi với Thường trực UBND tỉnh và thủ trưởng các sở, ngành.

Các nhóm vấn đề chất vấn liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, các vị đại biểu đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, sâu sát thực tiễn, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề; đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và thủ trưởng các sở, ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, cơ bản đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề, có lộ trình khắc phục những tồn tại, hạn chế và đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

Ông Trần Văn Huyến đề nghị UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành được chất vấn tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tập trung vào việc khắc phục kịp thời, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực.

Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, là năm cả hệ thống chính trị phải tiếp tục thực hiện với tinh thần quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt nhất trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh.

Do đó, các cấp, các ngành cần rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, đánh giá thực chất kết quả thực hiện, nhận định sâu sắc các mặt còn tồn tại, hạn chế và các chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện còn chậm, đạt thấp để có giải pháp trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện đạt kết quả cao.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Cụ thể, đối với nhóm lĩnh vực kinh tế, gồm các nhân tố tăng trưởng về công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, du lịch, nhân tố hỗ trợ, dẫn dắt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục duy trì ổn định sản xuất của các ngành có tăng trưởng tốt. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong sản xuất kinh doanh, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục thúc đẩy thực hiện các bản ghi nhớ hợp tác đầu tư; sử dụng hiệu quả chỉ tiêu đất phát triển công nghiệp đến năm 2030.

Cùng với đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sản xuất, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện để hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là các hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Ưu tiên cân đối đảm bảo vốn đầu tư công cho các dự án về bảo vệ môi trường; tăng cường kêu gọi đầu tư, thúc đẩy xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là thu gom và xử lý nước thải ở đô thị, khu, cụm công nghiệp, chất thải rắn nguy hại. Tiếp tục tạo điều kiện, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành Nhà máy điện rác Hậu Giang đưa vào vận hành và hoạt động đúng tiến độ.

Cần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hậu Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững; Nghị quyết số 16 của Tỉnh ủy về chiến lược phát triển bền vững giáo dục và đào tạo tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp, sự vào cuộc của toàn xã hội, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, đi đôi với nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, gia đình học sinh và cộng đồng về phòng, chống bạo lực học đường.

Quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thực hiện nhiệm vụ đào tạo, đáp ứng yêu cầu phân luồng học sinh của tỉnh; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh, học sinh về lợi ích của việc vừa học văn hóa, vừa học nghề; có kế hoạch điều chuyển, bồi dưỡng, tuyển dụng giáo viên, nhân viên đạt chuẩn cho các trung tâm đáp ứng chương trình giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục tạo sức hút đối với người học.

Đối với vấn đề nước sạch nông thôn, ông Trần Văn Huyến đề nghị rà soát, thống kê về nhu cầu hộ dân sử dụng nước sạch nông thôn; đánh giá, phân loại và có kế hoạch, lộ trình đầu tư, cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn, nhất là địa bàn khó khăn.

Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và việc phân biệt phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kịp thời phản ánh đến ngành chức năng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý hành vi vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp đúng quy định…

 

TRƯỜNG SƠN - ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>