Nhân lên niềm tin từ những mái ấm đại đoàn kết

12/02/2024 | 06:27 GMT+7

“An cư lạc nghiệp” - câu nói này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc “an cư” đối với cuộc sống của mỗi người. Tại Hậu Giang, việc an cư của người dân là câu chuyện nối dài được Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đặc biệt quan tâm chăm lo. Câu chuyện này được nối tiếp và nhân thêm phần ý nghĩa trong năm 2023, khi tỉnh phát động chương trình xây dựng hơn 1.400 nhà đại đoàn kết cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo - một hoạt động đầy tính nhân văn mừng tỉnh nhà tròn 20 tuổi.

Chị Phan Thị Mỹ Hạnh, ở khu vực 2, phường V, thành phố Vị Thanh, vui mừng vì được hỗ trợ nhà mới.

“An cư lạc nghiệp”

Nhiều người từng biết Hậu Giang nghèo khó, có xuất phát điểm rất thấp thời điểm mới thành lập tỉnh năm 2004, nhưng có lẽ ít người biết tường tận về cái nghĩa, cái tình, sự chăm lo của Đảng bộ tỉnh thời đó dành cho dân nghèo, nhất là về nhà ở.

Một nguyên lãnh đạo tỉnh kể lại rằng, trong những năm đầu thành lập, Đảng bộ tỉnh Hậu Giang xác định việc khai phá vùng đất mới, nỗ lực xây dựng tỉnh trẻ phát triển cũng là để trả một phần nợ ân tình mà cán bộ, chiến sĩ cách mạng nặng mang từ Nhân dân đã hết lòng che chở, đùm bọc, thương yêu trong những tháng năm kháng chiến. Tư tưởng đó chính là động lực thôi thúc tỉnh xây dựng hàng ngàn căn nhà tình nghĩa, tình thương cho gia đình chính sách và hộ nghèo trong những năm đầu thành lập. Việc làm này được cả hệ thống chính trị lúc ấy đồng tình dù có thể tập trung cho việc xây cất trụ sở cơ quan.

Để rồi xuyên suốt hành trình 20 năm qua, câu chuyện “an cư lạc nghiệp” cho người dân được Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đặc biệt quan tâm thực hiện, coi đây là nghĩa tình và trách nhiệm. Thống kê từ năm 2004 đến cuối năm 2022, tỉnh đã xây dựng, sửa chữa khoảng 29.000 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, tổng kinh phí hơn 360 tỉ đồng.

Càng thêm phấn khởi khi biết rằng, những căn nhà mới đã tạo động lực và niềm tin cho nhiều hộ nghèo an tâm lao động sản xuất, không chỉ thoát nghèo mà còn đóng góp để xây dựng quê hương.

Từng một thời, vì ít đất sản xuất và nuôi 3 đứa con nên cái nghèo cứ đeo bám gia đình bà Lê Hoàng Oanh, ở ấp Sơn Phú, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy. Khó khăn đến nỗi không có điều kiện sửa chữa lại căn nhà bị xuống cấp.

Bước ngoặt đến với gia đình này khi được chính quyền địa phương hỗ trợ nhà ở vào năm 2012. Có được chỗ ở ổn định, bà Oanh tính với chồng phải nỗ lực làm ăn để sớm thoát nghèo, có tiền dành dụm lo tương lai cho con trẻ.

Nhận thấy bắp chuối có rất nhiều ở nông thôn nhưng là “hàng hót” ở Thành phố Hồ Chí Minh, nên vợ chồng bà Oanh thu mua ở địa phương rồi gửi xe bán cho bạn hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Với 1 tấn bắp chuối bán được mỗi ngày, vợ chồng bà thu lợi nhuận khoảng 400.000 đồng. Gia đình còn tận dụng diện tích đất xung quanh nhà để trồng ngò gai tăng thêm thu nhập.

Có nhà ở kiên cố và nguồn thu nhập ổn định hàng ngày nên gia đình bà Oanh đã thoát nghèo vào năm 2017. Vợ chồng bà đang tập trung lo cho con học đại học, một khi nó ra trường và có việc làm ổn định thì tương lai của gia đình bà sẽ còn tươi sáng hơn ở phía trước.

Cuộc sống khá thoải mái nên mấy năm gần đây, bà Oanh tích cực tham gia hoạt động ở ấp với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Sơn Phú. Từng nghèo khó nên bà rất quan tâm chăm lo đời sống hội viên. Trong năm 2023, bà Oanh góp phần vận động hơn 300 phần quà tặng cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn; duy trì 3 tổ hùn vốn với số tiền hơn 100 triệu đồng giúp chị em phát triển kinh tế…

“Phụ cấp dành cho người công tác ở ấp rất thấp nhưng tôi vẫn thích làm, vì đó là cách để tôi trả món nợ ân tình mà chính quyền địa phương đã giúp đỡ cho gia đình tôi ngày trước”, bà Oanh chia sẻ.

Sẽ còn nhiều nữa những hộ nghèo đã thực sự vươn lên nhờ chính sách chăm lo về nhà ở của tỉnh. Dù vậy, đến đầu năm 2023, con số hơn 1.400 hộ chính sách, hộ nghèo, cận nghèo còn gặp khó khăn về nhà ở trở thành nỗi lo, niềm trăn trở của lãnh đạo tỉnh. Xác định hạnh phúc, ấm no của Nhân dân là mong muốn lớn nhất, là mục tiêu cuối cùng của mọi chủ trương, đường lối, chính sách và hoạt động của các cấp ủy đảng, chính quyền, nên Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo trong năm 2023 phải phát động chương trình xây dựng hơn 1.400 căn nhà để giải quyết khó khăn của người dân.

Chương trình xuất phát từ trái tim nên dễ dàng chạm đến trái tim của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, rồi mọi người cùng chung sức, chung lòng để ai cũng nhận phần hạnh phúc. Người có công góp công, người có của góp của, giúp tỉnh hoàn thành xây dựng hơn 1.400 căn nhà. Tấm lòng yêu thương đồng bào, tinh thần tương thân, tương ái, tính hào sảng, nhân ái mà người Hậu Giang vẫn giữ đã được thể hiện trọn vẹn trong chương trình. Tình người Hậu Giang vì thế mãi đong đầy theo năm tháng.

Ông Nguyễn Thanh Quang, ở ấp Ba, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, nhận quyết định bàn giao nhà đại đoàn kết.

Niềm vui của hiện tại và niềm tin ở tương lai

Trong không khí se lạnh của những ngày giáp tết, ông Nguyễn Thanh Quang, ở ấp Ba, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, gọi điện căn dặn mấy người con đang đi làm ăn xa cố gắng thu xếp về nhà ăn tết với mình. Trong những lời hỏi thăm nhau, ông khoe với các con: “Cha có nhà mới rồi, tết năm nay vui lắm”.

Giáp Thìn là cái tết đầu tiên gia đình ông Quang trong căn nhà mới. Từng lỗ lã do nuôi cá nên cuộc sống gia đình ông chật vật trong nhiều năm. Các con đã lập gia đình, nhưng ai cũng nghèo khó, bản thân ông lớn tuổi không còn sức lao động nặng, cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Niềm ao ước về căn nhà mới thay cho căn nhà cũ xập xệ vì thế cứ mãi xa vời.

Mưa thì dột; mùa nước nổi, nước tràn vô nhà lênh láng, ông và đứa cháu ngoại phải kê cao cái giường để ngủ. Do đó, khó có thể tả hết niềm vui của ông Quang khi được hỗ trợ nhà mới. “Mừng lắm chú ơi, nhiều lúc tôi còn tưởng là mơ. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, chắc tôi khó cất được cái nhà như vậy”, ông Quang nói.

Tết cổ truyền những năm trước, ông Quang chỉ làm mâm cơm nhỏ để cúng ông bà theo phong tục, rồi con cháu xúm xít ăn bữa cơm cuối năm. Năm nay có nhà mới, ông dự tính làm thêm vài món và rủ một vài người thân thích đến chung vui. “Tết này có lẽ là cái tết vui nhất, ấm áp nhất của tôi từ trước đến nay”, ông Quang tâm sự.

Giống như ông Quang, tết năm nay như đến sớm hơn với gia đình chị Phan Thị Mỹ Hạnh, ở khu vực 2, phường V, thành phố Vị Thanh. Có nhà mới, chị và các con không còn lạnh khi những cơn gió Đông bắc thổi mạnh.

Gia đình chị Hạnh nghèo khó vì không có đất đai canh tác, chỉ có nền nhà để ở do người anh cho. Ly hôn chồng từ nhiều năm trước nên chị vừa là mẹ, vừa là cha của 2 đứa con. Để lo cho cuộc sống, chị làm thuê cho người khác, lúc rảnh rỗi đi giăng lưới bắt cá bán kiếm thêm thu nhập. Dù cật lực lao động nhưng cuộc sống cứ bấp bênh, chị không có điều kiện cất mới căn nhà bằng cây lá vốn đã xiêu vẹo, xuống cấp.

“Nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thì không biết đến khi nào mẹ con tôi mới có được nhà mới để ở. Nhiều lần trước, chính quyền còn hỗ trợ cho tôi gạo, quà vào mỗi dịp lễ, tết. Tôi ngày càng quý mến, tin tưởng cán bộ phường, vì các cô, chú đã thực sự lo cho dân”, chị Hạnh bộc bạch.

Những ngày cận tết, chị quyết định nghỉ đi làm thuê, dành thời gian dọn dẹp nhà cửa thật tươm tất. Biết 3 mẹ con chị có nhà mới nên dòng họ, xóm giềng cũng vui lây. Tết này, căn nhà nhỏ sẽ không thiếu tiếng cười, những lời chúc nhau bình an, hạnh phúc.

Nghe tiếng nhạc xuân âm vang từ xa khiến cho tâm trạng chị Võ Thị Xum, ở ấp 5, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, vui như tết đã về. Nhìn ngôi nhà mới kiên cố được hỗ trợ từ chương trình xây dựng hơn 1.400 nhà đại đoàn kết, chị Xum khẳng định đây sẽ là điều kiện giúp gia đình thoát nghèo và mục tiêu mà vợ chồng chị đặt ra là sẽ trả sổ hộ nghèo trong 3 năm tới. 

“Tôi phụ bán quán nước với người thân, còn chồng thì có nghề sửa bếp ga, làm mướn. Thu nhập của hai vợ chồng dù không nhiều nhưng đủ lo chi phí sinh hoạt hàng ngày. Đứa con trai lớn đang đi nghĩa vụ quân sự, khi nó xuất ngũ sẽ đi học nghề để lo cho bản thân. Chúng tôi còn đăng ký tham gia mô hình nuôi dê do chính quyền thị trấn hỗ trợ, việc này hứa hẹn tạo thêm thu nhập trong tương lai”, nghe chị Xum nói về “phương án” thoát nghèo trong 3 năm tới thì thấy khả thi…

Có nhà mới, gia đình chị Võ Thị Xum, ở ấp 5, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, đặt mục tiêu thoát nghèo trong 3 năm tới.

Niềm vui của ông Quang, chị Hạnh, chị Xum cũng là niềm vui chung của người dân được thụ hưởng từ chương trình xây dựng hơn 1.400 căn nhà đại đoàn kết. Nếu tính bình quân 1 hộ có 4 người thì khi xây dựng hơn 1.400 căn nhà sẽ có hơn 5.000 người được an cư lạc nghiệp. Con số này có ý nghĩa xã hội sâu sắc, thắm đượm nghĩa tình, sự sẻ chia.

Hơn hết, một khi đã ổn định nơi ở thì người dân sẽ an tâm làm việc, cơ hội lạc nghiệp rộng mở trong tương lai. Từ niềm vui ấy, người dân sẽ có thêm niềm tin vì thấy được cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm, chăm lo cho mình, “ý Đảng - lòng dân” sẽ ngày càng “đơm hoa kết trái”.

Những tình cảm ấm nồng truyền trao trong chương trình xây dựng hơn 1.400 căn nhà đại đoàn kết sẽ là dòng chảy bất tận của tình tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, khẳng định sức mạnh của tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Việc làm từ trái tim dễ chạm đến trái tim

 

Bận rộn rất nhiều việc nhưng khi nghe Hậu Giang phát động chương trình xây dựng hơn 1.400 căn nhà đại đoàn kết, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, muốn đóng góp cùng với tỉnh để chăm lo cho người dân. Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào tháng 10-2023, Chủ tịch Quốc hội vận động trao tặng 100 căn nhà đại đoàn kết cho tỉnh, trị giá 5 tỉ đồng.

Với tấm lòng của người con luôn hướng về quê hương, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm được 269 căn nhà, trị giá 13,45 tỉ đồng để đóng góp cho chương trình.

Xuất phát từ tinh thần trọng dân, yêu dân, mong muốn chăm lo đời sống người dân nên Thường trực Tỉnh ủy đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện chương trình; đồng thời vận động tài trợ hàng trăm căn nhà vào nguồn lực thực hiện.

 Tham gia chương trình ý nghĩa này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh Hậu Giang hỗ trợ 5 tỉ đồng để xây dựng 100 căn nhà...

Thành quả đóng góp, hỗ trợ từ nhiều nguồn, của cán bộ lãnh đạo, nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã giúp cho Hậu Giang hoàn thành chương trình xây dựng hơn 1.400 căn nhà đại đoàn kết.

 

Hai đơn vị cấp huyện xóa nhà dột nát, nhà tạm cho hộ nghèo, cận nghèo

 

Trong năm 2023, thành phố Vị Thanh đề ra nhiệm vụ đột phá là xóa nhà dột nát cho người nghèo, chỉ tiêu đề ra là xây dựng 100 căn nhà đại đoàn kết. Đến cuối năm, thành phố xây dựng được 116 căn, vượt chỉ tiêu đề ra.

Cũng trong năm này, thành phố Ngã Bảy vận động xây dựng và bàn giao 86 căn nhà, qua đó thực hiện hoàn thành nhiệm vụ đột phá là xóa nhà tạm cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.

 

TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>