Nhiệt huyết của phóng viên phát thanh

12/06/2024 | 08:24 GMT+7

Trong số các phóng viên Đài truyền thanh cấp huyện (nay là Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh), thì chị Phạm Thị Ngọc Hiền là một trong những người có thâm niên công tác lâu nhất, khi có hơn 20 năm làm phóng viên viết tin, bài phát thanh ở huyện Châu Thành A.

Phóng viên Ngọc Hiền đã có hơn 20 năm gắn bó với phát thanh.

Hỏi ra càng bỡ ngỡ hơn vì chị học chuyên ngành tài chính - kế toán nhưng vì thích làm… phóng viên nên đã gắn bó với nghề này bấy lâu nay.

Nhắc lại chuyện nghề cách đây 20 năm như gợi lại bao nhiêu kỷ niệm đẹp trong lòng người nữ phóng viên này.

Vào năm 2002, biết chị đam mê nghề viết nên lãnh đạo đã tạo điều kiện cho chị tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng viết tin, bài phát thanh. Chị còn thường xuyên đọc báo, nghe đài để học hỏi thêm cách viết của đồng nghiệp. Dần dà, chị trưởng thành hơn với nghề.

Chị Ngọc Hiền cho biết, khó khăn lớn nhất của phóng viên phát thanh cách đây 20 năm là thiếu thốn về cơ sở vật chất. Cả lãnh đạo và nhân viên của Đài truyền thanh huyện cùng nhau làm việc trong căn phòng tạm, chật chội, nóng bức.

Vì thiếu máy tính nên những ngày đầu chị viết tin, bài ra giấy, lãnh đạo cũng duyệt trên giấy. Việc phỏng vấn, ghi âm nhân vật được thực hiện bằng băng cassett, gây nhiều khó khăn cho việc bảo quản và nghe lại phát biểu của nhân vật.

Sau đó, nhóm phóng viên Đài truyền thanh huyện Châu Thành A được trang bị 1 máy tính dùng chung. Chị Ngọc Hiền và đồng nghiệp san sẻ với nhau thời gian sử dụng.

Bên cạnh đó, điều kiện giao thông thời mới thành lập tỉnh rất khó khăn, nữ phóng viên Ngọc Hiền khá vất vả mỗi khi đi cơ sở.

Tuy vậy, hễ nghe ở đâu có mô hình mới, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt là chị đi đến tận nơi để thu thập thông tin, nắm tình hình ở cơ sở, gặp gỡ, phỏng vấn nhân vật, đưa hơi thở của cuộc sống vào mỗi tác phẩm phát thanh.

Vào năm 2008, Đài truyền thanh huyện Châu Thành A dời về trụ sở mới khang trang, rộng rãi, đặc biệt là phóng viên của đài được trang bị máy tính và các trang thiết bị tác nghiệp cần thiết. Từ đây, mở ra cơ hội làm nghề thuận lợi hơn cho chị Ngọc Hiền và đồng nghiệp.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và chuyển đổi số như hiện nay đã tạo nhiều thuận lợi cho phóng viên, nhà báo sáng tác tác phẩm phát thanh.

Chị Ngọc Hiền cho biết, hiện nay, chị và đồng nghiệp đã thoát cảnh ghi âm bằng băng cassett, họ sử dụng thiết bị ghi âm nhỏ gọn, hiện đại, thậm chí sử dụng điện thoại. Nhờ đó, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, hạn chế đi lại, chị vẫn có thể khai thác viết tin, bài phát thanh nhờ tận dụng tiện ích của các thiết bị hiện đại. Chưa kể, nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội nên phóng viên thuận lợi tiếp cận và thu thập thông tin, số liệu so với trước.

Tuy nhiên, chị không ỷ lại, phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị công nghệ phát triển. Bởi theo chị, để sáng tạo nên một tác phẩm hay, có giá trị, chị và các đồng nghiệp luôn phải tìm tòi, phát hiện những đề tài hay, mới; phải xâm nhập thực tế, khai thác thông tin, hình ảnh, phỏng vấn. Trong các chuyến đi công tác ở cơ sở, đã cho chị nhiều trải nghiệm.

“Quá trình đi cơ sở tác nghiệp, đưa tin, viết bài phát thanh cũng có nhiều điều thú vị lắm. Mỗi lần đi là một lần trải nghiệm, quý nhất là người dân rất thân thiện quý mến, tạo điều kiện để mình hoàn thành nhiệm vụ”, phóng viên Ngọc Hiền chia sẻ.

Xác định gắn bó với nghề viết phát thanh lâu dài nên chị Ngọc Hiền sẽ tiếp tục nỗ lực, nhiệt huyết với công việc, cố gắng khai thác, phản ánh đề tài là những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và đời sống người dân.

Đồng thời, không ngừng làm giàu tri thức, bản lĩnh và hoàn thiện thêm đạo đức nghề nghiệp để mỗi tác phẩm viết ra đều là những sản phẩm chứa đựng trí tuệ và giá trị nhân văn; sẽ luôn không ngừng cập nhật, nâng cao khả năng khai thác sử dụng thiết bị công nghệ để không bị lạc hậu và theo kịp với xu thế ngày nay…

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>