Trung với nước, hiếu với dân, phẩm chất cao đẹp của người cán bộ

16/05/2017 | 09:07 GMT+7

Trung (忠) là Hiếu (孝) thuộc những khái niệm chủ yếu của văn hóa phương Đông nói chung, văn hóa Việt Nam nói riêng. Kinh điển của Nho giáo và sách cổ nước ta đề cập nhiều đến Trung, Hiếu với ý nghĩa giáo dục “đạo làm người” trong chế độ phong kiến. Thời cách mạng, khi Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải “Trung với Nước, Hiếu với Dân” thì nội dung hai chữ Trung, Hiếu đã có bước phát triển đột phá mới.

Nho giáo quan niệm về “trung” khá rộng; nhưng chủ yếu nhấn mạnh “trung quân” tức là lòng ngay thẳng, trung thành với vua. Sách Luận ngữ, thiên Học nhi, tiết 8, ghi: “Quân tử bất trọng tắc bất uy, học tắc bất cố. Chủ trung tín. Vô hữu bất như kỷ giả. Quá tắc vật đạn cải” (Người quân tử không biết tự trọng thì sẽ không có uy, học chẳng vững bền. Hãy lấy trung, tín làm chủ đích. Không chơi với những kẻ không như mình. Nếu có sai lầm thì chớ sợ sửa đổi); thiên Bát dật, tiết 19, ghi: “Định công vấn: Quân sử thần, thần sự quân, như chi hà? Khổng Tử đối viết: Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung” (Vua Định công hỏi: Vua sai khiến bầy tôi, bầy tôi thờ vua phải như thế nào? Khổng tử thưa rằng: Vua sai khiến bầy tôi bằng lễ, bầy tôi thờ vua bằng trung)(1). Nói về chữ “trung” trong chế độ phong kiến nước ta, GS Trần Văn Giàu viết: “Chúng ta chú ý rằng, suốt trong một thời gian dài, bao gồm từ Lê tới Nguyễn, Nho giáo chính thống chỉ nói trung quân mà không hề nói đến ái quốc, chỉ nói đến quan hệ vua tôi mà không hề nói đến quan hệ nước dân. Nho giáo không dạy tư tưởng yêu nước mà chỉ dạy tư tưởng trung quân. Điều này gây nên một đám mây mù bao phủ tâm trí rất đông người”(2).

Đối với Hồ Chí Minh, trung là “Trung với Nước”. Trung với Nước là trung thành với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cha ông ta, quyết tâm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; ngày nay là trung thành với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mừng Quân đội ta 20 tuổi, Bác nói: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(3). Trung với Đảng là trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với lý tưởng và mục tiêu của Đảng thể hiện trong Cương lĩnh, các nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng. Bác Hồ từng khẳng định: Ngoài lợi ích nhân dân, Đảng không còn lợi ích nào khác. Như vậy, Trung với Đảng cũng có nghĩa là Trung với Nước, với Dân. Tóm lại, “Trung với Nước”, “Trung với Đảng” là hai cách nói của Bác Hồ nhưng bao hàm một nội dung thống nhất: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, Đảng, Cách mạng.

Trong văn hóa phương Đông và Việt Nam, Hiếu là hiếu với cha mẹ. Nho giáo cho rằng: Đức nhân là gốc của con người, hiếu là gốc của đạo lý làm người. Sách Luận ngữ, thiên Học nhi, tiết 11, chép: “Tử viết: Phụ tại, quan kỳ chí; phụ một, quan kỳ hạnh. Tam niên vô cải vu phụ chi đạo, khả vị hiếu hĩ” (Khổng tử nói: Khi cha còn sống, phải xem chí của con; khi cha mất, xem phẩm hạnh của con. Nếu trong ba năm mà không đổi đạo của cha mình thì có thể nói người con ấy có hiếu rồi vậy)(4). Theo Phật giáo, hiếu với cha mẹ không gì bằng khuyên cha mẹ làm điều thiện. Ca dao Việt Nam có câu: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Đề cập đến chữ Hiếu, Hồ Chí Minh khuyên mọi người phải hiếu thảo với cha mẹ theo nghĩa phổ thông: biết ơn, kính trọng, hết lòng phụng dưỡng, noi gương những điều tốt của cha mẹ. Nhưng Người không dừng lại ở chỗ đó. Từ Hiếu với cha mẹ, Bác phát triển thành “Hiếu với Dân”. Theo Bác, Hiếu với Dân bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: Một là, yêu dân, kính dân, tôn trọng dân, lấy dân làm gốc. Hai là, phải đề cao tinh thần phục vụ nhân dân, có trách nhiệm trước nhân dân. Người nêu 3 loại trách nhiệm của người cán bộ: trước hết là trách nhiệm với nhân dân, rồi với công việc, sau cùng mới là trách nhiệm với cấp trên. Ba là, phải luôn luôn quan tâm đến đời sống của nhân dân, chăm lo cải thiện đời sống cho dân; khi dân còn thiếu thì mình không có quyền đòi hỏi sung sướng cho riêng mình. Bốn là, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của dân, nâng cao dân trí, để dân biết và sử dụng được quyền làm chủ của mình(5).

Năm 1946, đến thăm và dự khai giảng lớp đầu tiên Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, Bác Hồ tặng lá cờ mang sáu chữ: “Trung với Nước, Hiếu với Dân”. Từ đó trở đi, sáu chữ này được Bác nhắc lại nhiều lần. Trung đi liền với Hiếu. Trung với Nước gắn liền Hiếu với Dân. Nước lấy Dân làm gốc; Dân là chủ của Nước. Đảng từ Dân của Nước mà ra; Đảng phục vụ lợi ích cho Dân, Nước. Dân là lực lượng quyết định thắng lợi của Cách mạng; Cách mạng đem lại lợi ích cho Dân. Các yếu tố Trung, Hiếu, Nước (Tổ quốc), Dân, Đảng, Cách mạng quan hệ hòa quyện nhau; tách rời hoặc thiếu một yếu tố, nội dung quan điểm Trung với Nước, Hiếu với Dân của Bác sẽ không hoàn chỉnh.

Trung với Nước, Hiếu với Dân còn đi vào thơ ca của Hồ Chí Minh. Năm 1948, tại Việt Bắc, Bác Hồ tiếp cụ Võ Liêm Sơn - Chủ tịch Mặt trận Liên Việt khu IV - đến thăm. Người tặng cụ Võ Liêm Sơn bài thơ chữ Hán trong đó có đề cập đến hai chữ Trung, Hiếu:

Phiên âm:

Tặng Võ công

Thiên lý công tầm ngã  

Bách cảm nhất ngôn trung 

Sự dân nguyện tận hiếu

Sự quốc nguyện tận trung

Công lai ngã hân hỉ

Công khứ ngã tư công

Tặng công chỉ nhất cú

Kháng chiến tất thành công

 

Dịch thơ:

Tặng cụ Võ

Ngàn dặm cụ tìm đến,

Một lời trăm cảm thông!

Thờ dân tròn đạo hiếu,

Thờ nước vẹn lòng trung.

Cụ đến, tôi mừng rỡ,

Cụ đi, tôi nhớ nhung.

Một câu xin tặng cụ:

“Kháng chiến ắt thành công”.

 (Bản dịch của Nxb.Văn học)

Quan điểm mới về Trung, Hiếu của Bác Hồ được hình thành từ các yếu tố: Chắt lọc, kế thừa mặt tích cực của trung hiếu trong văn hóa phương Đông và Việt Nam; đúc kết, rút ra những phẩm chất cao đẹp của những bậc minh triết, anh hùng nước ta trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước;  mục tiêu và những nguyên lý mang tính khoa học, cách mạng, nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin; yêu cầu xây dựng một đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực để đảm đương sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Hồ Chí Minh. Đặc biệt, tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Bác là yếu tố chủ quan, quyết định; không có nó thì không thể có quan điểm mới về “Trung với Nước, Hiếu với Dân”. Quan điểm về Trung Hiếu của Hồ Chí Minh mang tính dân tộc, cách mạng và nhân văn sâu sắc, hoàn toàn khác về chất so với Trung Hiếu của phong kiến, thực dân.

Theo Hồ Chí Minh, Trung Hiếu (忠孝) là phẩm chất đạo đức hàng đầu của người cán bộ cách mạng: Trung với nước, hiếu với dân; giàu lòng yêu thương con người; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; có tinh thần quốc tế vô sản trong sáng. Cần phải khẳng định rằng “Trung với Nước, Hiếu với Dân” là phẩm chất cao đẹp nhất trong những phẩm chất cao đẹp của người cộng sản. Người đề ra phẩm chất này - Hồ Chí Minh - biểu tượng sáng ngời tận trung với nước, tận hiếu với dân, cả đời hy sinh cho độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, ấm no, dân chủ, hạnh phúc của nhân dân. Những người cộng sản tiền bối, cán bộ các thời kỳ - tất nhiên có mức độ khác nhau - đều thể hiện tinh thần vì nước vì dân của người cách mạng. Hiện nay, tình trạng suy thoái, tham chức, lạm quyền, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, ức hiếp dân,… của một bộ phận cán bộ, đảng viên thực chất là “bất trung, bất hiếu”, trái ngược với lời dạy của Bác Hồ. Cần phải tiếp tục đấu tranh kiên quyết và mạnh mẽ hơn nữa để xóa bỏ quốc nạn này.

Giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ là vấn đề cơ bản, tối cần thiết, thường xuyên, lâu dài. Đảng và Nhà nước cần có nhiều biện pháp tổng hợp để giáo dục phẩm chất đạo đức cho cán bộ. Có một biện pháp rất quan trọng, mang tính quyết định, ai cũng làm được, không tốn tiền, đó là: Bản thân mỗi người biết tự trọng, xem đạo đức và danh dự của mình giá trị hơn quyền chức và ngàn vàng; thường xuyên, tự giác học tập, rèn luyện, nói đi đôi với làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

TRẦN THƯ TRUNG

-------------

(1), (4) Tứ thư ngũ kinh (chữ Hán), Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 2009, các trang 5, 9.

(2) Trần Văn Giàu, Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, trang 235.

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 350.

(5) Song Thành, Hồ Chí Minh nhà tư tưởng lỗi lạc, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2005, trang 423.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>