“Vòng Cung lửa” - Không chỉ là ký ức

22/12/2017 | 05:42 GMT+7

Đứng trên bục nói chuyện giữa hàng trăm đại biểu, đại tá Đỗ Tấn Tước (nguyên Trưởng Phòng Cán bộ, Cục Chính trị Quân khu 9), nhiều lúc nấc nghẹn khi nhắc tới đồng chí, đồng đội xưa đã hy sinh, bỏ lại một phần xương máu trên chiến trường lộ Vòng Cung Cần Thơ... Đó là cảm xúc rất thật của những người lính năm xưa mỗi khi có dịp nhắc lại vành đai lửa:

“Vòng Cung đi dễ khó về,

Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom”...

(Nhà thơ Lâm Thao)

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thượng tá Nguyễn Thị Vân (người chỉ tay), cùng đồng đội xem lại hình ảnh về tuyến lửa Vòng Cung năm xưa.

“Sắt thép có thể chảy ra, nhưng tinh thần gang thép bất diệt” ...

Chúng tôi nghe câu chuyện của đại tá Đỗ Tấn Tước tại Hội thảo khoa học “Lộ Vòng Cung Cần Thơ - Vành đai lửa” do Thành ủy Cần Thơ, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Tạp chí Cộng Sản tổ chức. Hôm đó, chất giọng hào sảng của người phương Nam vang lên, nhưng đến hơn nửa bài phát biểu, xúc động trào dâng, khiến đại tá Tước không thể kìm lại được. Trong giọng ngắt quãng, nấc nghẹn, ông nói: “29 tết năm 1968, Đại đội 1.005 (Mười Tế - Bí danh của huyện Trần Văn Thời trong kháng chiến) được điều động 52 đồng chí hành quân cấp tốc từ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh đến lộ Vòng Cung. Đến đây, được Quân khu biên chế vào Đại đội 3 của Tiểu đoàn 303. Anh Út Thành, chính trị viên Đại đội từng quán triệt là sắt thép có thể chảy ra, nhưng tinh thần gang thép của Đại đội 3 bất diệt. Tất cả đã chiến đấu với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, nhưng cũng buồn khi nhắc đến đồng đội, anh Sáu Linh mới cưới vợ được nửa tháng đã vĩnh biệt vợ anh đi mãi không về, vậy mà chị Út Xuân vợ anh vẫn thờ chống đến giờ… Chiến tranh mà, không sao tránh khỏi hy sinh, mất mát, nhưng đây là những chiến công rất đáng tự hào của những người con quê hương Trần Văn Thời - U Minh (Cà Mau), bám trụ kiên cường giữ vững quân số 99% trên đất lửa lộ Vòng Cung Cần Thơ”.

Những câu chuyện bền chí, kiên gan của những cán bộ, chiến sĩ ở lộ Vòng Cung sẽ mãi lưu dấu sử vàng. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thượng tá Nguyễn Thị Vân, bồi hồi kể, khi đó với vai trò là Trung đội phó Đội biệt động Cần Thơ, bà cùng đồng đội, đồng chí chuyển 5 tấn vũ khí các loại từ Minh Hải về Cần Thơ, đưa vào nội thành bằng đường hợp pháp, vì đường khác không còn vận chuyển được nữa. Đội đã dùng chiếc ghe có sức chở 300 giạ lúa, ngụy trang như một gia đình đang đi buôn bán. “Tôi xác định bản thân có thể hy sinh bất cứ lúc nào nếu địch phát hiện có vũ khí trên ghe, nhưng với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ và “Thà hy sinh chứ không để vũ khí lọt vào tay địch”. Tôi đã chuẩn bị cho tình huống không hay xảy ra nên cài sẵn một quả mìn và chuyền dây đến vị trí mình ngồi, sẵn sàng chiến đấu đến cùng. Từ Minh Hải về Cần Thơ, chiếc ghe 8 lần bị giặc lục soát, nhưng rồi với sự cứng rắn, bình tĩnh, bà đã vận chuyển trót lọt vũ khí vào thành và căn cứ Vòng Cung.

Giai đoạn 1965-1968, chiến trường lộ Vòng Cung ngày càng ác liệt, địch tăng cường tuần tra, đồn bót giặc dày đặc, máy bay trinh sát, máy bay trinh sát liên tục quần đảo trên bầu trời kèm theo những trận pháo kích dữ dội. Năm 1967, lực lượng ta đánh thọc sâu vào lộ Vòng Cung, Đội phẫu thuật lúc này đặt trạm gần đó để nhận và cứu chữa thương binh. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đại tá Lê Hiền Tài (Đội trưởng Đội phẫu thuật khi đó), còn nhớ, có những đồng đội bị thương quá nặng, Đội phẫu thuật phải ngụy trang đưa thương binh về 1 trạm xá tiền phương ở Hòa Hưng, Giồng Riềng hoặc Quân y Ô Môn. Để đảm bảo an toàn, Đội vận động dân công hỗ trợ ghe máy, bà con hết lòng giúp đỡ, còn xung phong chuyển thương binh. Lực lượng quân y và dân công ngụy trang hết sức tỉ mỉ, việc chuyển thương binh được đi vào chập tối để đảm bảo bí mật. “Có đợt Đội nhận cùng lúc trên dưới 300 thương binh. Còn riêng đợt 1 của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968, trong 26 ngày đêm, tôi đã đứng mổ cứu thương cho khoảng 1.000 thương binh. Chiến trường Vòng Cung đi dễ khó về, nhưng ai cũng quyết tâm, cố gắng, Quân y chúng tôi xả thân vì Tổ quốc, sáng tạo nhớ nhất là dùng nước dừa thay cho nước biển. Lúc đó nước biển quý hơn vàng, khan hiếm lắm. Truyền bằng nước dừa vậy mà cả ngàn cas không cas nào bị sốc, thương binh phục hồi tốt ...”.

Và ở chiến trường ác liệt đó, rất nhiều những chàng trai, cố gái đã hy sinh khi chưa kịp cầm tay, chưa đọc hết bức thư của người thương:

“Vẫn nhớ lắm những chàng trai còn rất trẻ,

Khi ngã xuống vẫn còn là con trai ...”.

Vẫn mãi tự hào sâu sắc với tuyến lửa Vòng Cung 

Lộ Vòng Cung là vành đai phòng thủ mà đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn cố sống chết giữ bằng được để bảo đảm an toàn cho thành phố Cần Thơ, bảo vệ cơ quan đầu não vùng IV chiến thuật và Tiểu khu Phong Dinh của địch. Trên tuyến đường này địch đã đóng trên 100 đồn bót, sử dụng không quân, pháo binh, kể cả máy bay ném bom B57, ngày đêm đánh ác liệt. Ngoài ra, địch còn rải chất độc hóa học làm trơ trụi cây lá, để tiến hành thực hiện “Vùng Lộ Trắng”.

Nhận rõ vị trí trọng yếu của tuyến lộ Vòng Cung, Quân khu 9 và Tỉnh ủy Cần Thơ đã chọn nơi đây để tập kết lực lượng, làm bàn đạp tiến công vào thành phố Cần Thơ và các mục tiêu quân sự trọng yếu khác của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn như Quân đoàn 4 - Vùng IV chiến thuật, sân bay Trà Nóc, sân bay Lộ Tẻ, căn cứ Hải quân… Theo chỉ đạo chung của Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968 ở Cần Thơ diễn ra trong 3 đợt. Tổng kết lịch sử trong 3 đợt tại thành phố Cần Thơ, lộ Vòng Cung, lực lượng chủ lực Quân khu 9, bộ đội địa phương Cần Thơ, lực lượng dân quân du kích các xã lộ Vòng Cung đã tiêu diệt trên 2.000 tên địch, đánh và làm tiêu hao, tiêu diệt trên 10 tiểu đoàn, làm bị thương trên 1.140 quân địch, phá hủy 180 máy bay, bắn cháy 18 xe M113 và 100 xe quân sự khác, bắn chìm 12 tàu, đánh sập 4 cầu sắt, làm đứt nhiều đoạn giao thông quan trọng...

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thiếu tướng Lê Thanh Sơn nói rằng, gần 50 năm đã trôi qua, nay mới có dịp ngồi lại để làm hội thảo, khi nhìn lại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968 tại lộ Vòng Cung Cần Thơ, lại thấy được niềm tự hào sâu sắc, nhưng giá như hội thảo được tổ chức sớm hơn thì thật tốt, sau 50 năm có những đồng chí đã không còn, có những câu chuyện về tuyến lửa chắc còn bỏ ngỏ...

Như thiếu tướng Lê Thanh Sơn chia sẻ, đã có những nhân chứng đã không còn, có những câu chuyện chưa được kể về “Vòng Cung lửa”, nhưng lộ Vòng Cung sẽ mãi là mốc son vẻ vang trong lịch sử của Tây Nam bộ cũng như cả nước. Nơi đây trong từng tấc đất đều thấm đẫm máu của đồng chí, đồng bào...

Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9:

Lộ Vòng Cung như một địa danh huyền thoại ...

- Địa danh Vòng Cung đã đi vào lịch sử của tỉnh Cần Thơ, của Tây Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long và cả nước như một địa danh huyền thoại. Vòng Cung là biểu tượng của sự ác liệt, gian khổ, là biểu tượng của sự kiên cường, dũng cảm, là hình ảnh cao đẹp của tinh thần “Tất cả cho trọng điểm, cho phía trước, cho chiến thắng” của Đảng bộ, quân và dân Tây Nam bộ. Nói về tuyến lửa Vòng Cung, chúng ta không thể không nói đến sự hy sinh dũng cảm tuyệt vời của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, sự hy sinh xương máu và đóng góp tài sản cho cách mạng không sao kể hết của đồng bào ...

 

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>